Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh

Thứ Tư, 30/11/2022, 10:16

Ngày 23/11, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, Bắc Ninh tổ chức Lễ ra mắt mô hình dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 của chính phủ. Đây là mô hình được huyện Quế Võ chọn làm điểm của huyện, cũng là một trong những mô hình điểm mà Công an Bắc Ninh lựa chọn để nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Đến tận nhà hướng dẫn dịch vụ công

12h đêm, phòng làm việc của Công an xã Phượng Mao vẫn sáng đèn. Bên trong, Thiếu tá Nguyễn Tiến Toàn, Trưởng Công an xã cùng đồng đội đang kiểm tra tài liệu, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” để các dịch vụ công thực hiện tốt nhất. Là đơn vị được giao tổ chức điểm ở địa phương trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), trên địa bàn huyện Quế Võ nên cán bộ, chiến sĩ Công an xã Phượng Mao nỗ lực ngày đêm thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Toàn cho biết, trên địa bàn có hơn 500 chủ nhà trọ với hơn 9.000 công nhân lao động tạm trú. Đa số dân cư là người lao động, nông dân, khả năng sử dụng, cập nhật Internet còn thấp, đặc biệt là các chủ cho thuê trọ thường là người già nên việc cập nhật, sử dụng thiết bị thông minh hạn chế. Vì vậy, công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các lực lượng tham gia phối hợp, cầm tay chỉ việc cho người dân để họ quen.

Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh -0
Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh -1
Công an tỉnh Bắc Ninh làm căn cước công dân cho người cao tuổi.

“Buổi tối, các cán bộ công an xã, từ trưởng, phó công an xã đến cán bộ, chiến sĩ đều đến các khu nhà trọ, trực tiếp hướng dẫn người dân cài Vne-ID và thực hiện các dịch vụ trên cổng dịch vụ công. Sở dĩ phải trực tiếp vì in tờ rơi hay tuyên truyền bằng các biện pháp khác sẽ không đạt hiệu quả cao. Theo đó, chúng tôi lập tài khoản cho các hộ kinh doanh nhà trọ, trực tiếp hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục hành chính, đăng ký lưu trú, tạm trú, hướng dẫn cặn kẽ để họ nắm và thực hiện được” - Thiếu tá Nguyễn Tiến Toàn cho biết.

Phụ trách thôn Mao Dộc - là địa bàn có đông chủ nhà trọ, đông công nhân thuê trọ nhất, nhiều tháng qua, hầu như Đại úy Nguyễn Quang Trung không có ngày nghỉ. Hằng ngày, ngoài công việc chuyên môn ở xã, anh tranh thủ xuống địa bàn bất cứ khi nào có thể để hướng dẫn bà con thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Đặc biệt, đối với nhóm công nhân thuê trọ, mặc dù họ đều trẻ nhưng đa số là người vùng cao nên ít giao tiếp xã hội, trình độ học vấn hạn chế nên đều phải hướng dẫn cặn kẽ thì họ mới thực hiện được.

Nhờ đó, người dân khá hài lòng với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian đi lại. Đến nay, tại xã Phượng Mao đã giải quyết được 1.796 hồ sơ thông báo lưu trú, 1.716 hồ sơ đăng ký tạm trú, 49 hồ sơ đăng ký thường trú qua dịch vụ công.

Tiến độ thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử cũng được triển khai đồng bộ, đã hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh -0
Công an xã phối hợp với các ngành để tích hợp dịch vụ công trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Dũng là chủ nhà trọ ở thôn Mao Yên hồ hởi cho biết: “Tôi vốn già cả, không biết gì về máy móc hiện đại nhưng các chú công an đã đến tận nhà cài đặt, hướng dẫn tôi khai báo tạm trú, lưu trú cho người thuê trọ qua mạng. Tôi thấy rất thuận tiện, dễ dàng, không phải đi xa, cũng không phải trực tiếp đến Cơ quan công an nữa”.

Còn ông Nguyễn Tiến Hưng ở thôn Mao Dộc thì hân hoan: “Tôi 78 tuổi rồi, thường xuyên quên quên nhớ nhớ. Trước kia, mỗi lần đi khám bệnh là một lần gia đình tôi náo loạn đi tìm thẻ bảo hiểm y tế vì tôi cất ở đâu không nhớ. Bây giờ, các chú công an đã cài cho tôi vào CCCD rồi nên chỉ cần mang CCCD đi là tôi khám được bệnh, thuận lợi đến không ngờ”.

Được biết, sau khi ra mắt, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình “Dịch vụ công trực tuyến” và các thành viên mô hình có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phối hợp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại địa phương; bảo đảm 100% người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Mô hình “Dịch vụ công trực tuyến” của xã Phượng Mao ra đời là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Đề án Phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mô hình góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong giải quyết các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại cơ sở, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong công tác quản lý, điều hành, tiết kiệm thời gian, công sức.

Tại Công an xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên, Trưởng Công an xã cho biết, để thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", lực lượng công an các xã, phường, thị trấn đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dữ liệu", sử dụng hiệu quả mạng xã hội Zalo, Facebook để thông báo cho người dân biết thời gian, địa điểm cấp CCCD lưu động. Lực lượng Công an đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi đi làm CCCD thì chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký phương tiện... để tích hợp làm định danh điện tử. Với cách làm như vậy, khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD sẽ thuận tiện hơn, tránh mất nhiều thời gian hướng dẫn thủ tục, không để người dân chờ đợi lâu, không để xảy ra trường hợp máy chờ người hoặc người chờ máy...

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh và nhiều người dân trên địa bàn xã chia sẻ: "Hôm đến làm thẻ CCCD gắn chip điện tử, được các cán bộ công an tuyên truyền về hiệu quả, tiện ích của tài khoản định danh điện tử nên chúng tôi cũng đăng ký làm thủ tục xin cấp mã số định danh điện tử vì thấy rất tiện ích, chứa đầy đủ các trường thông tin cá nhân, mặt khác còn được tích hợp nhiều loại giấy tờ như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,...".

Thiếu tá Hoàng Trung Kiên cho biết, nhiều người dân, đặc biệt là công nhân, người dân tộc thiểu số chưa thành thạo kỹ năng về công nghệ thông tin, không có các thiết bị điện tử thông minh để kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNe-ID, cổng dịch vụ công trực tuyến nên công an xã đã cử các tổ công tác đến tận các hộ gia đình có công dân bị khuyết tật, già yếu...; phối hợp với Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội làm hồ sơ cấp CCCD. Đến nay, đã có 7 đợt làm CCCD lưu động tại xã.

Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh -0
Hướng dẫn người dân cài đặt VNe-ID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Được biết, trên địa bàn xã Việt Hùng có 200 người cao tuổi, sức khỏe yếu, trong đó có nhiều người bị sai tên đệm, năm sinh... Công an xã vận động gia đình cử đại diện có hiểu biết phối hợp cung cấp thông tin để xác minh. “Đối với các trường hợp không còn giấy khai sinh gốc, công an xã xác minh, sau đó báo cáo UBND chỉ đạo tư pháp cấp lại giấy khai sinh thống nhất họ, tên, ngày tháng năm sinh để họ đủ điều kiện làm CCCD” - Thiếu tá Hoàng Trung Kiên cho biết.

“Chợ” 4.0 và các dịch vụ thiết yếu

Căn cứ tình hình thực tế của địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng nghiêp vụ và công an các địa phương hướng dẫn các cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn thực hiện việc thông báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, đến nay 100% nhà nghỉ, khác sạn, homestay, cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn đã thực hiện việc thông báo lưu trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Công an tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng mô hình đăng ký, cấp biển số xe ôtô tại công an cấp huyện, xe môtô tại công an cấp xã. Đồng thời, bước đầu áp dụng việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công Bộ Công an để tiến hành xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông qua cổng dịch vụ trực tuyến.

Đặc biệt, công an các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đã phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, đã xác minh, cập nhật thông tin 2.144 trường hợp chi trả trợ cấp thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 11/QH và diện trợ cấp COVID-19, 251 trường hợp thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 08/CP qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiệu quả rõ rệt của Đề án 06 ở Bắc Ninh -0
Đảm bảo thiết lập và hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh như Vietcombanh, BIDV, Agribank, Viettinbank, TPbank... đã xây dựng và triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip trong một số nghiệp vụ ngân hàng như: Xác thực định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực định khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành; nhiều nghiệp vụ được số hóa 100%. Khách hàng không cần đến ngân hàng, không phát sinh giấy tờ theo hình thức truyền thống, qua đó vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa góp phần cải cách thủ tục quy trình đối với khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Công thương triển khai thí điểm mô hình “Chợ công nghệ bình thường mới - Chợ 4.0” tại chợ Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) và chợ thị trấn Chờ (huyện Yên Phong). Bên cạnh đó, thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cơ, Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh thường xuyên cập nhật, hiệu chỉnh thông tin, cập nhật thông tin CCCD gắn chip của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vào cơ sở dữ liệu về bảo hiểm để làm sạch và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã phối hợp với Sở Y tế triển khai tại 107/163 cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Phương Thủy
.
.