Hội nghị thượng đỉnh ASEAN: Cơ hội để khẳng định!

Thứ Bảy, 09/09/2023, 20:45

Ngày 5/9, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã họp mặt tại thủ đô Jakarta (Indonesia) dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên để khẳng định vai trò của mình trong bối cảnh 10 nước thành viên đang vấp phải một số vấn đề nội khối trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar cũng như sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Cuộc họp lần này của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra trong tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp. Sau 3 ngày nhóm họp, thượng đỉnh đã đưa ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 7/9. Trong đó, ASEAN cố gắng khẳng định vai trò quan trọng của mình bất chấp những khác biệt về lập trường đối với các vấn đề còn tồn tại.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN: Cơ hội để khẳng định! -0
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia.

Thông cáo Jakarta mạnh mẽ lên án bạo lực gia tăng “gieo rắc đau khổ, đẩy Myanmar vào khủng hoảng nhân đạo”. ASEAN chủ trương duy trì bản đồng thuận 5 điểm nhằm vãn hồi ổn định chính trị tại Myanmar. ASEAN đã cố gắng thúc đẩy một kế hoạch hòa bình 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng các thành viên đã bị chia rẽ về cách giải quyết chính quyền quân sự Myanmar. Chính quyền quân sự này đã hoàn toàn phớt lờ kế hoạch hòa bình mà họ đã ký. Sự giậm chân tại chỗ trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar đã gây ra thất vọng và làm nổi bật mâu thuẫn nội bộ khối, trong đó sự thống nhất và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các thành viên vẫn là ưu tiên hàng đầu. Một số quốc gia muốn loại trừ hoàn toàn quân đội Myanmar trong khi một số quốc gia khác muốn tiếp tục đối thoại với quân đội Myanmar. Trong khi Indonesia nỗ lực làm nổi bật cuộc khủng hoảng ở Myanmar với các bên liên quan thì động thái đơn phương của Thái Lan nhằm lôi kéo các nhà cầm quyền quân sự của nước này - những người bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN - đã làm tổn hại đến uy tín của khối và gây ra căng thẳng thêm. Myanmar cũng là chủ đề trong các buổi hội nghị với Trung Quốc.

Ngoài vấn đề Myanmar, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối cùng trong năm này cũng diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc công bố bản đồ mới, đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông, khiến nhiều nước thành viên ASEAN lên tiếng phản đối. Theo phát ngôn viên Chính phủ Hirokazu Matsuno, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã chính thức lên án bản đồ này, trong khi Nhật Bản cho biết họ đã gửi"công hàm phản đối mạnh mẽ" tới Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ bản đồ ngay lập tức. Khối ASEAN nhìn nhận “lo ngại” của một số thành viên trước những “tranh chấp chủ quyền” làm “xói mòn lòng tin”, đồng thời “tác động đến an ninh, hòa bình” của khu vực. Do vậy ASEAN nhấn mạnh đến ưu tiên “duy trì và phát triển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải” ở Biển Đông trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trực tiếp liên quan đến 4 nước thành viên gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong cuộc họp hôm 6/9 với Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Philippines, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris một lần nữa khẳng định “cam kết lâu dài của Mỹ với Đông Nam Á và rộng hơn là với toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng Washington nhắc lại lập trường chống mọi “thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Ngoài thượng đỉnh nội khối, ngày 6/9, ASEAN tổ chức chuỗi hội nghị thượng đỉnh liên tiếp tại Jakarta với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Canada. Đây là cơ hội cho các cường quốc “quyến rũ” hoặc gây áp lực lên khối 10 quốc gia. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thay mặt Tổng thống Joe Biden; Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình đến tham dự. Theo Washington, Tổng thống Hàn Quốc đã yêu cầu các đồng minh từ chối mọi lời mời hợp tác với CHDCND Triều Tiên vì quốc gia này đang tiến hành đàm phán mua bán vũ khí với Nga. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết “căng thẳng tổng thể trên Bán đảo Triều Tiên” đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo tài liệu, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan và “tiếp tục nỗ lực hướng tới hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Nước chủ nhà Indonesia phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN rằng các thành viên trong nhóm không nên đóng vai trò trung gian cho các nước lớn.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN: Cơ hội để khẳng định! -0
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại phiên họp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc, ngày 6/9.

Ngày 6/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra "Chiến tranh Lạnh mới" tại hội nghị thượng đỉnh, nơi quy tụ đại diện các cường quốc và lãnh đạo Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng bày tỏ quan ngại trước các chính sách của Mỹ nhằm khuyến khích hình thành các khối tại các vùng lân cận với Trung Quốc như Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) hay liên minh quân sự AUKUS (Úc, Mỹ, Anh). Quan chức Trung Quốc đã kêu gọi chống lại mọi đối đầu giữa các khối tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, với sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và lãnh đạo ASEAN.

"Những bất đồng và tranh chấp có thể nảy sinh giữa các quốc gia do hiểu lầm, cạnh tranh lợi ích hoặc do những can thiệp từ bên ngoài", ông Lý Cường cho biết. Ông nói thêm rằng: "Để kiểm soát những tranh chấp trên, điều cần thiết bây giờ là không chọn phe, phản đối sự đối đầu giữa các khối và ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

Liên quan tới ASEAN, ngày 30/8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, quốc gia này sẽ tăng cường hỗ trợ và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong 6 lĩnh vực khác nhau, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông và tuần tra hàng hải. Tuyên bố được đưa ra trong lúc phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ-Thái Bình Dương (AIPF) tại Jakarta.

Thủ tướng Kishida cho biết:“Chúng tôi sẽ phát triển một loạt kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Theo ông, trong 3 năm tới, Nhật Bản sẽ thu nhận và đào tạo 5.000 người trong 6 lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác về không gian mạng và hạ tầng giao thông (xây dựng cảng biển, đường bộ, đường sắt và sân bay).

Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực thi hành pháp luật hàng hải bằng cách đào tạo nhân viên của các cơ quan tuần tra bờ biển và cảnh sát hàng hải, cũng như cung cấp tàu tuần tra. Quốc gia này cũng sẽ đẩy mạnh chuỗi cung ứng tại khu vực này nhằm đảm bảo phân phối hàng hóa ổn định và an ninh lương thực. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ, Tokyo dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 12/2023.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.