Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi

Thứ Hai, 19/12/2022, 21:05

Ngày 13/12, Washington trải thảm đỏ đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi đến dự thượng đỉnh Mỹ - châu Phi, dự kiến kéo dài 3 ngày. Cuộc chiến chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, kinh tế và y tế sẽ là những chủ đề thảo luận trọng tâm. Tuy nhiên, Washington cũng ý thức được rằng cần phải làm sống lại mối quan hệ với châu lục này trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi, các quan chức chính quyền Biden đã hạ thấp mối lo ngại ngày càng tăng của họ về ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi, châu lục có hơn 1,3 tỷ người sinh sống. Thay vào đó, các quan chức chính quyền Mỹ cố gắng tập trung vào nỗ lực cải thiện hợp tác với các nhà lãnh đạo châu Phi. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để làm sâu sắc thêm nhiều mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có ở châu Phi. Chúng tôi sẽ tập trung vào nỗ lực tăng cường các mối quan hệ đối tác này trên nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, y tế đến hòa bình và an ninh, nhưng trọng tâm của chúng tôi sẽ là châu Phi”.

1412 ảnh1.jpg -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -châu Phi ở Washington, D.C. ngày 13/12/2022

Để đạt được mục tiêu đó, các quan chức Nhà Trắng nói rằng “các sáng kiến và các kết quả quan trọng” - cách nói ngoại giao cho những thông báo lớn - sẽ được đưa ra trong suốt các cuộc họp. Nhà Trắng ngày 9/12 đã duyệt trước một thông báo quan trọng sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nói rằng Tổng thống Biden sẽ nhân dịp hội nghị này tuyên bố ủng hộ việc Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Tổng thống Biden đã dành phần lớn thời gian trong 2 năm đầu cầm quyền để cố gắng xoa dịu những nghi ngờ trên trường quốc tế về vai trò lãnh đạo của Mỹ sau 4 năm thực hiện chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump. Với hội nghị thượng đỉnh lần này – được tổ chức sau 8 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên do Tổng thống Barack Obama chủ trì, Tổng thống Biden có cơ hội xoa dịu những lo ngại ở châu Phi về việc liệu Mỹ có nghiêm túc hướng tới việc xây dựng mối quan hệ với châu lục này hay không.

Nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thu hút các quốc gia châu Phi xích lại gần Mỹ diễn ra vào thời điểm phức tạp, khi chính quyền của ông đã bày tỏ rõ ràng họ tin rằng hoạt động của Trung Quốc và Nga ở châu Phi là mối quan ngại nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ và châu Phi.

Trong chiến lược mới cho khu vực châu Phi cận Sahara được công bố hồi tháng 8, chính quyền Biden cảnh báo rằng Trung Quốc - quốc gia đã “bơm” hàng tỷ USD vào năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án khác của châu Phi - coi khu vực này là một đấu trường cạnh tranh. Washington cũng lập luận rằng Nga, quốc gia buôn bán vũ khí chiếm vị trí nổi bật nhất tại châu Phi, coi lục địa này là môi trường dễ dàng để các nhà tài phiệt có mối liên hệ với Điện Kremlin và các công ty quân sự tư nhân đầu tư kiếm lời.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh rằng những lo ngại về Trung Quốc và Nga sẽ không phải là trọng tâm của hội nghị sắp tới. Phát biểu với các phóng viên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi Molly Phee nói: “Mỹ ưu tiên mối quan hệ với châu Phi vì lợi ích chung và quan hệ đối tác của hai bên trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Một lần nữa, chúng tôi hiểu rất rõ về lịch sử Chiến tranh Lạnh; một lần nữa, chúng tôi hiểu rất rõ về tác động tiêu cực của chủ nghĩa thực dân đối với châu Phi và chúng tôi nỗ lực hết sức để tìm cách tránh lặp lại một số sai lầm của những thời kỳ trước đó”. Washington đã thất vọng vì phần lớn các nước châu Phi từ chối theo chân Mỹ lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, nhưng Tổng thống Biden được cho là sẽ không công khai nhấn mạnh vào những khác biệt giữa hai bên.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này có một phiên họp bàn về thúc đẩy an ninh lương thực và khả năng phục hồi hệ thống lương thực. Châu Phi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu, một phần do các chuyến hàng từ nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn Ukraine bị sụt giảm. John Stremlau, Giáo sư thỉnh giảng về quan hệ quốc tế tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, cho biết: “Một trong những chủ đề độc đáo của Hội nghị thượng đỉnh này là thiệt hại mà những người dân thường ở châu Phi phải gánh chịu vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine, liên quan tới nguồn cung cấp lương thực và việc các nguồn hỗ trợ phát triển được chuyển hướng sang cho Ukraine. Chi phí cơ hội của xung đột này đối với châu Phi là rất lớn”.

Bốn quốc gia bị đình chỉ tư cách thành viên của AU - Guinea, Sudan, Mali và Burkina Faso - không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi vì các cuộc đảo chính ở các quốc gia này đã dẫn đến những thay đổi quyền lực vi hiến. Nhà Trắng cũng không mời quốc gia Đông Phi Eritrea do Washington không có quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước này.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ mong đợi Tổng thống Biden đưa ra một số cam kết lớn trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, quan trọng nhất, hội nghị lần này là cơ hội để ông Biden chứng minh rằng châu Phi không chỉ là một chiến trường trong cuộc cạnh tranh kinh tế và quân sự với Bắc Kinh và Moscow.

Abraham Kuol Nyuon - nhà phân tích chính trị, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Juba ở Nam Sudan – cho biết: “Tôi thực sự tin tưởng rằng Mỹ vẫn được coi là một siêu cường theo quan điểm của người châu Phi, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo châu Phi không muốn ủng hộ việc Mỹ thúc đẩy dân chủ. Họ cần sự hỗ trợ của Mỹ chứ không phải hệ thống của Mỹ”.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.