Hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây “đau đầu”

Thứ Hai, 12/12/2022, 13:25

Năng lượng lâu nay vẫn là một công cụ được vũ khí hóa trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị và điều này vẫn đúng trong cuộc khủng hoảng lớn nhất hiện nay trên thế giới - cuộc xung đột Ukraine - khi mà các bên liên quan đang tiếp tục phải đau đầu giải bài toán năng lượng.

Khi hầu hết các quốc gia ở châu Âu đang phải vật lộn tìm cách bù đắp lượng khí đốt bị thiếu hụt thì Hungary và Serbia tiếp tục mua khí đốt của Nga, bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức cấm việc này. Đồng thời, nhiều quốc gia cũng sẵn sàng mua khí đốt của Nga, nhưng phải tuân thủ "các lệnh trừng phạt một cách đúng đắn". Trong bối cảnh đó, một “trung tâm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu” vừa được Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhất trí đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây “đau đầu” -0
Moscow lâu nay vẫn tìm cách xây dựng các tuyến dẫn khí đốt thay thế như Ankara và giảm sự phụ thuộc vào các tuyến đường ống ở châu Âu.

Trước quyết định này, đầu tháng 11 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia hạn thêm 1 năm nữa đối với các biện pháp trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cáo buộc Ankara thăm dò bất hợp pháp các mỏ khí đốt ngoài khơi đảo Síp.

Rõ ràng, EU có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên, trong trường hợp này là của Hy Lạp và Síp, nhưng động thái mới nhất này có lẽ nên được xem xét trong bối cảnh rộng hơn. Các vấn đề khai thác, vận chuyển và cung cấp khí đốt tự nhiên hiện nay có một khía cạnh chính trị đặc biệt trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Quốc tế tuần lễ năng lượng Nga, Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi có thể di chuyển khối lượng khí đốt bị mất, vốn được vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc dọc theo đáy biển Baltic đến khu vực biển Đen, bằng cách tạo ra trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu ở Thổ Nhĩ Kỳ, tất nhiên là nếu các đối tác của chúng tôi quan tâm đến điều này”. Người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của ông đã nhiệt tình chấp nhận lời đề nghị.

Vấn đề “khí đốt” không chỉ có ý nghĩa kinh tế hay chính trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nó còn trở thành một loại biểu tượng trừu tượng cho sự thành công của đất nước này trên trường quốc tế. Ankara từ lâu đã vạch ra mục tiêu trở thành một trung tâm vận chuyển lớn và nếu có thể, là nước bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Hiện tại, có 7 đường ống dẫn khí đốt chính chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, 4 kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang hoạt động và các mỏ khí đốt của nước này ở biển Đen cũng đang được Thổ Nhĩ Kỳ tích cực phát triển. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đưa mỏ khí đốt đầu tiên vào hoạt động trong vòng một tháng tới.

Tuy nhiên, một số người hoài nghi cho rằng Gazprom sẽ đặt một đường ống dẫn đến các mỏ này và tập đoàn khí đốt Thổ Nhỉ Kỳ BOTA (tương tự Gazprom của Nga) sẽ chỉ đơn giản là sống bám vào nó.

Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với “TRT Haber”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết “trong trường hợp nhu cầu tăng, chỉ riêng khí đốt của Nga có thể là không đủ. Do đó, Ankara hiện đang đàm phán với các nhà cung cấp đường ống và khí đốt tự nhiên hóa lỏng khác ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và thậm chí cả Đông Nam Á - tổng cộng khoảng 6 nhà cung cấp”. Với các khu vực địa lý rộng lớn này, việc tổ chức hậu cần để cung ứng sẽ khá phức tạp, nhưng kế hoạch của Ankara về việc tổ chức một hội nghị với các nhà cung cấp khí đốt tiềm năng cho trung tâm được đề xuất vào đầu năm tới chứng tỏ sự nghiêm túc trong ý định của họ.

Bằng cách thực hiện dự án này, Ankara hy vọng cả hai phía sẽ nhận được khí đốt tương đối rẻ cũng như các khoản thanh toán và thậm chí cả hoa hồng cho việc bán nhiên liệu của Nga cho thị trường châu Âu.

Về quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây, cả Mỹ và EU đã nhiều lần kiên trì mời các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, song Ankara cho đến nay vẫn cẩn thận né tránh.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ, gần một tuần sau khi hai ông Putin và Erdogan đồng ý thành lập trung tâm này, Trợ lý Bộ trưởng Mỹ phụ trách mảng khủng bố tài chính và tội phạm tài chính, bà Elizabeth Rosenberg đã đến thăm Ankara và Istanbul để thảo luận về “một loạt chủ đề, bao gồm các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga của một liên minh rộng lớn gồm hơn 30 quốc gia, vấn đề an ninh năng lượng, chính sách chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố”. Các cuộc họp này khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết các rủi ro từ việc né tránh các lệnh trừng phạt và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác”.

Washington, theo đề xuất của họ là cả Brussels, đều đang gia tăng áp lực kinh tế lên Ankara, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng của nước này. Do đó, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải từ chối cung cấp dịch vụ thẻ Mir của Nga, định kỳ trả lại các khoản thanh toán bằng USD và Euro cho những người trả tiền ở Nga, ngay cả khi họ chuyển qua đại lý, mà hầu hết là các ngân hàng phương Tây. Tuy nhiên, luôn có một kẽ hở và các công việc hiện đang được thúc đẩy để tiếp tục chấp nhận thẻ ngân hàng của Nga và để các khoản thanh toán được thực hiện dễ dàng bằng đồng Ruble. Các giao dịch như vậy không được các cơ quan quản lý tài chính ở Mỹ và châu Âu theo dõi.

Đối với bản thân Ankara, họ có những biện pháp riêng để lách qua những kẽ hở. Châu Âu hẳn vẫn còn những ký ức tươi mới về việc ông Recep Tayyip Erdogan từng mở “cánh cổng” cho hàng trăm nghìn người di cư từ châu Á, châu Phi và trước sự “ngoan cố” của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, NATO vẫn chưa thể tiếp nhận Thụy Điển và Phần Lan.

Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ không giống quốc gia nào khác trên thế giới, vẫn đang quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ kinh tế bền vững với Nga. Do đó, có thể suy đoán rằng nước này sẽ tiếp tục chống lại sức ép do các đồng minh phương Tây đặt ra, cho dù đây chắc chắn là điều không hề dễ dàng gì.

Ngọc Bích
.
.