Houthi - Bài toán khó cho vận tải hàng hải

Thứ Bảy, 25/05/2024, 19:23

Theo chỉ huy giám sát lực lượng hải quân Mỹ ở Trung Đông, nước này đang trong trận chiến hàng hải lớn đầu tiên kể từ Thế chiến II. Thế nhưng, đây không phải là sự đọ sức giữa các cường quốc thế giới, mà là trận chiến giữa một siêu cường và một nhóm vũ trang biệt lập đang kiểm soát một trong những khu vực nghèo nhất và thiếu tài nguyên nhất trên trái đất.

“Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng”

Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu vận tải ở Biển Đỏ đang làm xói mòn quyền tự do hàng hải, vốn được coi là chuẩn mực quốc tế, và đe dọa một nguyên tắc vốn được cho là nền tảng của hệ thống quốc tế và nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Việc các cuộc tấn công của Houthi được nhắc đến nhiều hơn trên các bản tin, ngay cả khi chúng vẫn diễn ra, cũng như việc các hãng vận tải biển lớn tiếp tục tránh đi qua Biển Đỏ là bằng chứng cho thấy “tình trạng bình thường mới” đã được thiết lập và quyền tự do hàng hải ở đó không còn được đảm bảo.

Houthi - Bài toán khó cho vận tải hàng hải -0
Tàu chở dầu Marlin Luanda bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Houthi
 

Mối đe dọa này khó có thể biến mất trong một sớm một chiều. Houthi có nhiều lý do để tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và có thể là khu vực xa hơn ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ở Dải Gaza, và phản ứng quốc tế cho đến nay xem ra không đủ để ngăn chặn họ. Một loạt tổ chức phi nhà nước, tổ chức nhà nước bất hảo và các bên liên quan theo chủ nghĩa xét lại khác cũng đang lưu ý đến mức độ gián đoạn mà các cuộc tấn công của Houthi gây ra cho hoạt động thương mại.

Các cuộc tấn công của Houthi và phản ứng quốc tế cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cho thấy việc xây dựng một mặt trận thống nhất trong môi trường địa chính trị hiện tại, cho dù là để giải quyết các mối đe dọa trước mắt đối với lợi ích cơ bản toàn cầu, không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chúng cũng nhấn mạnh rằng cái gọi là “hòa bình tiêu cực” không phải là giải pháp thực sự cho xung đột bạo lực. Vẫn có thể đưa ra một giải pháp lâu dài cho mối đe dọa từ Houthi đối với quyền tự do hàng hải, từ đó phát đi tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi của hệ thống quốc tế. Một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc dẫn dắt ở Yemen là giải pháp hợp lý nhất để ngăn chặn các yếu tố bên trong Yemen thúc đẩy các cuộc tấn công của Houthi, nhưng tiến trình đó cần phải đi đôi với quan điểm thống nhất, có nguyên tắc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về các cuộc tấn công. Yemen cũng là cơ hội duy nhất để HĐBA LHQ chứng tỏ sự đoàn kết, vai trò và khả năng hành động nếu các nước vùng Vịnh sẵn sàng và có thể chứng tỏ vai trò lãnh đạo ở phía sau.

Khó khăn trong việc đưa ra phản ứng quốc tế thống nhất, mạnh mẽ trước mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải là điều gây lo ngại. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công của Houthi ở Trung Đông, Châu Á và Châu Âu chưa sẵn sàng tham gia liên minh hàng hải do Mỹ dẫn dắt ở Biển Đỏ 3 mang tên “Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng”, một phần do những vấn đề nhạy cảm xung quanh dải Gaza. Dù phải đối mặt với cả các cuộc tấn công trực tiếp lẫn hậu quả kinh tế gián tiếp, nhưng Trung Quốc vẫn từ chối hành động. Mặc dù hầu như không có gì đáng ngạc nhiên về tình trạng quan hệ song phương Mỹ - Trung, nhưng điều đó cho thấy rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó các cường quốc không sẵn lòng hợp tác để bảo vệ lợi ích toàn cầu, ngay cả khi sự hợp tác này không liên quan đến cạnh tranh giữa họ.

Xu hướng chống chủ nghĩa quốc tế có thể gây khó khăn hơn cho việc xây dựng cách tiếp cận thống nhất ngay cả giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Au. Người dân châu Âu và các chính trị gia mà họ ủng hộ tỏ ra hoài nghi hơn về việc nhường lại quyền kiểm soát hoặc nguồn lực cho các tổ chức quốc tế, điều có thể khiến các nước lớn như Pháp quyết định duy trì quyền kiểm soát cấp quốc gia đối với các nguồn lực hải quân ở Biển Đỏ. Kết quả dẫn đến những nỗ lực mang tính chắp vá mà phần lớn do một mình Mỹ thực hiện. Những nỗ lực chắp vá này mặc dù đã ngăn chặn thành công nhiều cuộc tấn công của Houthi, nhưng chưa đủ để duy trì các thể chế thương mại và khôi phục hoạt động vận tải biển quan trọng ở Biển Đỏ.

Houthi - Bài toán khó cho vận tải hàng hải -0
Trực thăng của Houthi bay theo tàu hàng Galaxy Leader trên Biển Đỏ
 

Dải Gaza - Gốc rễ của vấn đề

Việc giảm leo thang theo kiểu nào đó trong khu vực có thể là cần thiết để tạm ngừng các cuộc tấn công của Houthi trong ngắn hạn, khi xét tới các động cơ thực sự về ý thức hệ của Houthi và nhu cầu chứng tỏ với công chúng rằng các cuộc tấn công của họ nhằm đảm bảo một số lợi ích cho người Palestine. Tuy nhiên, chỉ riêng thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza không đủ để giải quyết mối đe dọa từ Houthi đối với quyền tự do hàng hải.

Nhiều chuyên gia Yemen cho rằng mục tiêu hỗ trợ người Palestine không phải là động lực chủ yếu thúc đẩy các cuộc tấn công của Houthi. Động lực mạnh mẽ hơn là nhu cầu đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi sự bất đồng quan điểm ngày càng tăng ở trong nước về khả năng lãnh đạo của Houthi kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen bắt đầu có hiệu lực hồi tháng 4/2022, cũng như nhu cầu củng cố vị thế của Houthi ở cả trong nước lẫn khu vực.

Yemen đang trong giai đoạn chuyển tiếp mà nhiều người dân nước này gọi là giai đoạn “không chiến tranh, không hòa bình”. Thỏa thuận ngừng bắn đã tạo ra giai đoạn chuyển tiếp từ một cuộc chiến tranh dân sự và khu vực cường độ cao sang các cuộc đàm phán thầm lặng xung quanh một tiến trình chính trị. Giai đoạn chuyển tiếp gây khó chịu đối với người Houthi, vốn chỉ lãnh đạo trong thời chiến và không thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của Yemen, cụ thể là dầu khí. Theo ước tính của Liên hợp quốc, doanh thu hàng năm của Houthi là 1,8 tỷ USD - không đủ để họ quản lý  hơn 25 triệu người Yemen dưới quyền kiểm soát. Houthi đã mất nhiều năm cũng như sinh mạng để chiếm giữ các mỏ dầu và khí đốt của Yemen nhưng không có kết quả. Các cuộc tấn công trên biển là công cụ mới mạnh mẽ giúp Houthi củng cố quyền kiểm soát của họ.

Houthi - Bài toán khó cho vận tải hàng hải -0
Tàu chiến Mỹ triển khai trên Biển Đỏ

Houthi vẫn có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tàu vận tải biển ở Gaza. Đó là một câu chuyện đơn giản, và con đường dẫn tới một giải pháp ở Dải Gaza là chặng đường đầy chông gai. Ngay cả khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Houthi vẫn có thể biện minh cho các cuộc tấn công của họ, chẳng hạn bằng cách phản đối sự hiện diện liên tục của lực lượng an ninh Israel ở Dải Gaza hoặc yêu cầu sự bảo đảm về một nhà nước Palestine.

Các tuyên bố của Houthi để lại nhiều khoảng trống cho các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra: Các nhà lãnh đạo Houthi cho biết họ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi hành động gây hấn ở Dải Gaza chấm dứt, Dải Gaza không còn bị bao vây và tình hình được giải quyết hoàn toàn. Người Houthi ở Yemen cho rằng sự bao vây chứng tỏ quyền kiểm soát của họ đối với các cảng nhập cảnh của Yemen chưa được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận. Theo quan điểm này, Dải Gaza có thể sẽ bị bao vây trong tương lai gần.

Giải pháp trong tương lai

Trước ngày 7/10/2023, Houthi theo đuổi một tiến trình chính trị được Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho phép họ tiếp cận các nguồn lực kinh tế bổ sung và cuối cùng có thể chính thức hóa quyền kiểm soát của họ ở miền Bắc Yemen. Trong bối cảnh các cuộc tấn công của Houthi ảnh hưởng đến hơn ¼ số quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tương lai của tiến trình này thế là lại chưa rõ ràng.

Khi tiến trình bị đình trệ, Houthi có thể tiếp tục nỗ lực chiếm đoạt tài nguyên dầu khí của Yemen bằng vũ lực, tận dụng động lực được tạo ra bởi các cuộc tấn công trên biển. Houthi đã lợi dụng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ để khởi động nỗ lực cưỡng ép tòng quân, kể cả đối với trẻ em. Houthi cũng có thể lợi dụng tâm lý lo ngại của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về các cuộc tấn công gần đây của Houthi vào lãnh thổ của họ. Những cuộc tấn công như vậy có thể mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông. Đặc biệt, Houthi có thể lợi dụng mối lo ngại này để đảm bảo rằng Saudi Arabia và UAE không cung cấp cho các đồng minh ở Yemen sự hỗ trợ cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công của Houthi vào các mỏ dầu khí.

Mặc dù một số nhà phân tích ủng hộ Mỹ hỗ trợ cuộc tấn công chống lại Houthi, nhưng các điều kiện cho một cuộc tấn công như vậy thậm chí còn kém thuận lợi hơn so với 5 năm qua, khi các cuộc tấn công được Saudi Arabia và UAE hậu thuẫn không đạt được tiến bộ đáng kể nào. Kể cả như năm 2018, khi lực lượng Houthi yếu hơn nhiều và khi UAE sẵn sàng huy động lực lượng lớn trên thực địa, kể cả cho một cuộc tấn công đổ bộ do UAE chỉ huy. Khó có thể tưởng tượng việc Mỹ hoặc các bên liên quan trong khu vực cung cấp sự hỗ trợ như vậy vào lúc này. Những bất đồng rõ rệt về vấn đề Dải Gaza kết hợp với sự hoài nghi về con đường phía trước thúc đẩy các bên liên quan trong khu vực theo đuổi các thỏa thuận riêng lẻ, và điều này chỉ khiến tăng thêm quyền lực của Houthi.

Có lẽ một góc nhìn khác cũng cần đặt ra, rằng đây có thể là cơ hội chứng tỏ hệ thống quốc tế vẫn hoạt động. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng một tiến trình chính trị được Liên hợp quốc hậu thuẫn sẽ mang lại ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ nhất đối với Houthi. Nếu được thực hiện một cách hiệu quả, tiến trình này có khả năng buộc Houthi phải thỏa hiệp với các bên chính trị khác ở Yemen. Điều quan trọng hơn cả là tiến trình chính trị như vậy có thể mang lại các điều kiện cần thiết cho sự phục hồi kinh tế, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng giàu có của Yemen, và nó sẽ mang lại những động lực mạnh mẽ cản trở Houthi tiếp tục sử dụng vũ lực trong khu vực.

Tuy nhiên, tiến trình chính trị như vậy chỉ có thể hiện thực hóa nếu đi kèm với một lập trường quốc tế thống nhất, có nguyên tắc về các cuộc tấn công của Houthi vào tàu vận tải biển. Nếu không, thậm chí nó sẽ tạo điều kiện cho Houthi tiếp tục các cuộc tấn công để đạt được sự nhượng bộ lớn hơn. Vấn đề là, HĐBA LHQ liệu có thể đưa ra quan điểm thống nhất về các cuộc tấn công của Houthi hay không, khi nó được “đội lốt” bằng tinh thần sát cánh với người Palestine, với sức ép tại Dải Gaza, nơi mà Liên hợp quốc đang đóng một vai trò mờ nhạt?

Huy Thông
.
.