Houthi:  Bài toán khó của phương Tây

Thứ Ba, 19/12/2023, 14:11

Ngày 11/12, một tàu chở dầu đang đi ngoài khơi Yemen đã bị nhóm vũ trang nổi dậy Houthi tấn công. Đây là vụ việc mới nhất nhắm vào các tàu thuyền lưu thông qua tuyến đường này, với 40% hoạt động thương mại toàn cầu đi qua.

Lực lượng Houthi tuyên bố sẽ tấn công tất cả các tàu thuyền của Israel hoặc tàu hướng đến cảng Israel để ủng hộ người Palestine. Nhóm phiến quân này đang kiểm soát một phần Yemen, đặc biệt là các lối vào eo biển ở khu vực Biển Đỏ. Các nước phương Tây muốn huy động quốc tế để đảm bảo trục thương mại then chốt này nhưng khó có thể lay chuyển tình thế.

image001.jpg -0
Houthi đã công bố một đoạn video vụ tấn công tàu vận tải trên đường tới Israel ở Biển Đỏ hôm 20/11/2023

Cơ quan Hoạt động Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO), một bộ phận của Hải quân Hoàng gia, báo cáo vào đêm 11/12 rằng một tàu đã bị bắn ở eo biển Bab el-Mandeb, vùng biển ngoài khơi cảng Mokha ở phía tây nam Yemen. Vụ việc khiến tàu bốc cháy nhưng thủy thủ đoàn được cho là đã an toàn. Hãng tin AP sau đó dẫn lời các công ty tình báo tư nhân đưa tin rằng tàu Strinda chở dầu và hóa chất của Na Uy đã bị tấn công ở Biển Đỏ. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) đã xác nhận vụ tấn công và nói thêm rằng một tên lửa hành trình chống hạm đã được phóng từ khu vực do Houthi kiểm soát.

Ngày 12/12, người phát ngôn của phong trào Houthi ở Yemen, Yahya Sarea, thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công trên, đồng thời cho biết Houthi còn ngăn chặn một số tàu khác do không đáp ứng cảnh báo từ Hải quân Yemen trong hai ngày qua, và cũng theo Houthi, tàu Na Uy bị tấn công sau khi "thủy thủ đoàn phớt lờ mọi cảnh báo".

Thương mại toàn cầu bị đe dọa

Ngay sau khi một tên lửa bắn từ Yemen đã đánh trúng tàu chở dầu treo cờ Na Uy, Pháp kêu gọi tránh có bất kỳ xung đột nào trong khu vực Biển Đỏ. Hải quân Pháp đang bố trí một hạm đội tại đây nhằm đáp trả các cuộc tấn công do phiến quân Houthi phát động từ vài tuần trước. Những cuộc tấn công lặp đi lặp lại này làm giới vận tải hàng hải lo lắng, vì chúng gây nguy hiểm cho hoạt động di chuyển qua kênh đào Suez - một trong những tuyến đường thương mại chính trên toàn thế giới.

Vào cuối tuần trước, Hải quân Pháp đã can thiệp khu vực bằng hoạt động đánh chặn máy bay không người lái. Vào ngày 9/12, phiến quân Houthi dọa tấn công bất kỳ tàu thuyền nào đang hướng đến Israel nếu không có bất kỳ viện trợ nào được cấp cho người dân ở Dải Gaza.

Tuy căng thẳng gia tăng nhưng hoạt động đi lại trong khu vực này hầu như không thay đổi. Thế nhưng, tuyến đường giao thông đi đến Israel đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Lợi nhuận thu được từ hoạt động tại cảng Eilat ở Biển Đỏ đang sụt giảm. Những chiếc thuyền từng thường xuyên sử dụng Kênh đào Suez để đi đến các cảng của Israel ở Địa Trung Hải đang phải chuyển hướng, làm kéo dài hành trình và chi phí. Các công ty bảo hiểm phải áp dụng phí bảo hiểm bổ sung cho tất cả các chuyến hàng vận chuyển từ hoặc đến Israel. Nếu xung đột leo thang, sẽ là một cú sốc lớn đối với ngành thương mại toàn cầu.

12% hàng hóa toàn cầu đi qua kênh đào Suez. Đây là tuyến đường chính của nhiên liệu: 10% sản phẩm dầu mỏ, 5% dầu thô và 8% khí tự nhiên hóa lỏng lưu thông qua tuyến đường này. Đây là tuyến đường quan trọng nhằm cung cấp năng lượng đến cho người châu Âu. Đây cũng là tuyến đường quan trọng cho hoạt động thương mại ngũ cốc: 7% lượng ngũ cốc toàn cầu đi qua Biển Đỏ. Nếu eo biển Bab-el-Mandeb bị phong tỏa, cước vận chuyển bằng tàu biển có nguy cơ tăng vọt, và Ai Cập - quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ kênh đào Suez, sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Ngành vận tải hàng hóa đã chịu sẵn nhiều rủi ro vì hoạt động tại Kênh đào Panama - một tuyến đường vận chuyển hàng hóa lớn khác, đang trì trệ lại do ảnh hưởng của hạn hán. Nhiều chuyến hàng phải chờ đợi để di chuyển. Các chủ tàu đã chuyển hướng một số tàu của họ qua Suez, khiến lộ trình kéo dài thêm 5 ngày. Bây giờ, nếu phải tránh Biển Đỏ, tức là bỏ qua châu Phi thông qua Mũi Hảo Vọng, và chuyển lộ trình đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ, thì chuỗi cung ứng sẽ lại gặp đầy thử thách.

Giải pháp nào?

Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi ở khu vực Biển Đỏ đã buộc lực lượng hải quân phương Tây phải hành động. Kể từ ngày 7/10, khoảng 20 máy bay không người lái đã bị tiêu diệt, trong đó có 3 chiếc UAV do tàu hộ vệ Languedoc của Pháp tiêu diệt trong vòng 48 giờ. Trước tình trạng Houthi tấn công dồn dập nhằm vào tất cả con tàu, rất khó để tìm ra giải pháp, chuyên gia hàng hải Vincent Groizeleau cho biết. “Trong 2 tuần qua, đã có nhiều cuộc tấn công nhắm vào các tàu hướng đến cảng của Israel. Chúng tôi bắt đầu có một hướng lý giải khác, đó là tấn công các tàu thuyền viện trợ cho Israel, nhưng tất cả hàng hóa mà Israel cần không chỉ đi qua các công ty Israel mà còn thông qua các công ty quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ dõi theo phản ứng của phương Tây trước mối đe dọa này” - ông nói thêm

Để đảm bảo trục thương mại then chốt này, lựa chọn quân sự nằm trong số các phương án được đề xuất. Các cuộc tấn công nhắm vào tàu thương mại không phải là hiện tượng mới ở Biển Đỏ dù đã có một lực lượng quốc tế thường trực trong hơn 20 năm. Mỹ dự kiến sẽ tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực này nhằm mở rộng quy mô hiện diện ở Biển Đỏ, nhưng Mỹ cũng muốn huy động các quốc gia khác tham gia vào kế hoạch này, chẳng hạn như Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng hải quân không thể hộ tống mọi tàu thuyền dọc theo bờ biển phía Tây Yemen do Houthi kiểm soát.

Mỹ đã đề xuất các biện pháp trừng phạt ngoại giao và có thể sẽ liệt Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này có thể ngăn Yemen yêu cầu bồi thường trong khuôn khổ của một thỏa thuận hòa bình đang được đàm phán với Arab Saudi. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như không được quan tâm. Thực tế, các nước Arab khó có thể trừng phạt Houthi vì có khả năng sẽ bị cho là ủng hộ Israel. Trong khi Iran là đồng minh chính của nhóm phiến quân Yemen này.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.