ICJ phán quyết tạm thời vụ kiện Nam Phi - Israel

Thứ Hai, 05/02/2024, 12:50

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vừa đưa ra một quyết định liên quan vụ kiện của Nam Phi đối với Israel về tội “diệt chủng” khi tiến hành hoạt động quân sự chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza, gây ra cái chết cho hàng chục ngàn thường dân Palestine vô tội.

Tuy nhiên, ICJ cũng mở cho Israel một lối thoát “cửa hậu” bằng cách không đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của Nam Phi là buộc Israel ngừng bắn ngay lập tức mà chỉ yêu cầu Israel “đảm bảo rằng hành động quân sự tại Gaza là không diệt chủng”.

Trong phán quyết tạm thời, Chánh án Tòa án ICJ Joan Donoghue cho biết, Israel phải “thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình” để ngăn chặn các hành vi nằm trong phạm vi của công ước diệt chủng và phải đảm bảo “có hiệu lực ngay lập tức” rằng lực lượng Israel không thực hiện bất kỳ hành vi nào được quy định trong công ước. Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu của Nam Phi ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức đối với cuộc chiến đã phá hủy phần lớn Dải Gaza và giết chết hơn 25.000 người Palestine. Phán quyết này không phải là phán quyết cuối cùng của ICJ về việc liệu các hành động của Israel có dẫn đến tội diệt chủng hay không, đó là một dấu hiệu mạnh mẽ rằng các thẩm phán tin rằng “có rủi ro đối với người Palestine” theo Công ước Diệt chủng 1948.

ICJ phán quyết tạm thời vụ kiện Nam Phi - Israel -0
Các thẩm phán Tòa ICJ đưa ra phán quyết.

Để tìm kiếm một lệnh tạm thời từ ICJ nhằm hạn chế Israel thực hiện các hành động có khả năng diệt chủng ở Gaza, Nam Phi không chỉ muốn thay đổi cách đối xử của Israel với người Palestine mà còn cả toàn bộ trật tự dựa trên luật lệ sau Thế chiến 2, bao gồm cả thẩm quyền của chính ICJ. Chưa bao giờ có một vụ án cấp cao nào được đưa ra giữa một cuộc xung đột đẫm máu như vậy và hiếm khi có nhiều người đặt cược nhiều vào kết quả như thế.

Theo lời của luật sư người Ireland Blinne Ní Ghrálaigh, người đã tham gia vụ kiện của Nam Phi tại ICJ, “nguy cơ tử vong, tổn hại và hủy diệt sắp xảy ra mà người Palestine ở Gaza phải đối mặt và họ gặp rủi ro mỗi ngày trong thời gian chờ đợi các thủ tục tố tụng này. Ông Ghrálaigh yêu cầu phải triển khai ngay “các biện pháp tạm thời” nhằm giảm thiểu rủi ro cho người Palestine. Và, ICJ đã không trốn tránh những gì họ coi là trách nhiệm của mình. Không ra lệnh ngừng bắn hoàn toàn nhưng tòa đã đưa ra các lệnh bảo vệ, bao gồm cả việc chấm dứt giết hại người Palestine ở Gaza, điều này đi xa hơn nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế dự đoán.

Phán quyết ngày 26/1 gây tổn hại nặng nề đối với Israel và gây khó xử cho các chính trị gia như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người cho rằng vụ việc này là vô ích và Ngoại trưởng Anh David Cameron, người đã kêu gọi Nam Phi không nên bàn đến những từ ngữ như “diệt chủng”.

Tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc nhận thấy có nguy cơ chính đáng rằng quyền được bảo vệ khỏi nạn diệt chủng của người Palestine đang bị đe dọa từ các hành động của Israel. Thật trớ trêu, các khái niệm “tội ác chống lại loài người” và “diệt chủng” lại do chính giáo sư luật người Do Thái Raphael Lemkin tạo ra.

Đối với Israel, quốc gia ra đời vào năm 1948 sau nỗi kinh hoàng của nạn diệt chủng Holocaust và nhiều thế kỷ bị đàn áp, đây có thể là thời điểm đáng nhớ nhất. Toàn bộ bản sắc nhà nước Do Thái gắn liền với Holocaust, cũng giống như Nam Phi không thể tách rời khỏi chế độ phân biệt chủng tộc.

Thiệt hại ngoại giao là không tránh khỏi cho Israel. Một bức điện mật từ Bộ Ngoại giao Israel được rò rỉ trên báo chí vào tháng 12/2023 đã tuyên bố rằng, vụ kiện “có thể có những tác động tiềm ẩn đáng kể, không chỉ trong giới pháp lý mà còn lan tỏa trong các quan hệ song phương, đa phương, kinh tế, an ninh...”.

Phán quyết cũng là một phép thử đối với các đồng minh của Israel, đặc biệt là Mỹ và Anh. Các phát hiện của tòa án có tính ràng buộc nhưng không có cơ chế thực thi nào tồn tại để tránh áp lực ngang hàng và không có quốc gia ngang hàng nào quan trọng hơn Mỹ. Mỹ vốn không coi trọng ICJ, xem tòa án này là “một cơ quan bán pháp lý, bán chính trị mà các quốc gia đôi khi chấp nhận và đôi khi không”. Nhưng, cũng có nhiều lần trong thời gian gần đây, Mỹ và Anh đã kêu gọi các nước như Nga và Myanmar thực hiện đầy đủ những gì họ mô tả là phán quyết mang tính ràng buộc của ICJ.

Thế rồi, Mỹ lại chi hàng triệu USD để vận động thành công nhằm đảm bảo ứng cử viên mới nhất của họ, Giáo sư Sarah Cleveland, giành được một ghế trong ICJ. Khi tán thành việc ứng cử của cô, Tổng thống Joe Biden cho biết tòa án “vẫn là một trong những tổ chức quan trọng nhất của nhân loại nhằm thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới”. Sẽ khó để hoàn thành vai trò quan trọng đó nếu Washington chọn cách bác bỏ kết luận của tòa án.

Điều đó có nghĩa là Mỹ có nghĩa vụ ủng hộ các phát hiện của tòa án với tư cách là một bên ký kết công ước. Điều đó đòi hỏi nước này phải thúc giục đồng minh Israel tìm cách tuân thủ lệnh của tòa án. Động lực để Washington đàm phán ngừng bắn cũng ngày càng phức tạp.

Nếu như một quốc gia như Algeria tìm cách thực thi lệnh của ICJ thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể triển khai quyền phủ quyết bảo vệ của mình và chỉ ra rằng các quốc gia khác, đặc biệt là Nga, đã không tuân thủ phán quyết gần đây của ICJ về Ukraine - nhưng làm như vậy chẳng khác nào “tặng quà” cho Moscow.

Tiến sĩ Henry Lovat, giảng viên luật tại Đại học Glasgow, coi việc không có lệnh ngừng bắn là điều quan trọng. Israel đã tránh được bóng ma của lệnh ngừng bắn. Nhìn chung, các mệnh lệnh tạm thời sẽ nằm trong phạm vi kết quả dự đoán không phải là trường hợp xấu nhất đối với phái đoàn Israel và có lẽ phần lớn là những gì đã được dụ trù sẵn. Lệnh “thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn chặn việc thực hiện mọi hành vi trong phạm vi Điều 2” về cơ bản chỉ là sự tái khẳng định quan điểm pháp lý hiện có”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.