Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo

Thứ Tư, 23/04/2025, 11:56

Tháng 4/2025, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến khu vực Trung Đông, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Chuyến thăm này không chỉ gia tăng mối quan hệ giữa Indonesia với các quốc gia Hồi giáo mà còn là lời khẳng định sức mạnh của thế giới Hồi giáo trong một thế giới đang phân cực, chia rẽ mạnh mẽ hiện nay.

Chuyến thăm lịch sử

Chuyến thăm Trung Đông - Bắc Phi (khu vực MENA) của Tổng thống Indonesia kéo dài một tuần từ 9 đến 16/4/2025 bao gồm các điểm dừng chân tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, Jordan. Dù đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu nhà nước Indonesia đến khu vực này, nhưng với một chương trình dày đặc, rộng khắp và rất nhiều hoạt động quan trọng như lần này, chuyến thăm đã đánh một dấu mốc mới trong quan hệ giữa quốc gia có số người Hồi giáo lớn nhất thế giới với khu vực đông người Hồi giáo nhất.

Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo -0
Ai Cập và Indonesia thể hiện quyết tâm tìm giải pháp cho vấn đề Palestine.

Tại mỗi quốc gia, ông đã có những cuộc gặp gỡ cấp cao với lãnh đạo chính phủ, các doanh nhân, đại diện cộng đồng người Indonesia và ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng. Tại UAE, ông Prabowo đã ký nhiều bản ghi nhớ (MoU) về đầu tư, năng lượng, công nghệ, giáo dục, và quốc phòng để nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới. UAE được xác định là "đồng minh chiến lược" và đối tác quan trọng trong phát triển kinh tế Indonesia. Hai nước quyết tâm đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên gấp đôi, khoảng 10 tỷ USD/năm trong 5 năm tới.

Đặc biệt, UAE đã cam kết sẽ đầu tư vào Quỹ đầu tư quốc gia mới thành lập của Indonesia 10 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Hai bên cũng ký thỏa thuận góp vốn xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn với công suất tới 10 GW.

Tại Ai Cập, cùng với Tổng thống nước chủ nhà ông Fattah El-Sisi, hai nhà lãnh đạo đã ký kết văn bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với cam kết hợp tác kinh tế, thương mại, truyền thông, và công nghệ thông tin. Đây là bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai bên. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia đã khởi động sáng kiến hợp tác trong xây dựng, năng lượng, thực phẩm và y tế. Các nhà lãnh đạo hai nước đã đề ra mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Ở góc độ quốc phòng, thỏa thuận sản xuất và chuyển giao công nghệ máy bay không người lái hiện đại như mẫu UAV Akichi và Bayrakta là rất đáng chú ý. Các cam kết về đầu tư, phát triển trong nông nghiệp, giáo dục cũng được ký kết tại Qatar và Jordan. Uớc tính, tổng giá trị của các hợp đồng và thỏa thuận thương mại nhà lãnh đạo Indonesia thực hiện với các nước chủ nhà lên tới hàng chục tỷ USD.

Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo -0
Thế giới Hồi giáo đang nỗ lực kết nối mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây.

Mục tiêu chiến lược của Indonesia

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, khát vốn, khát thị trường, việc Indonesia tìm đến các quốc gia giàu có ở MENA (gần gũi về mặt tôn giáo nhưng thực tế lại xa cách về quan hệ kinh tế thương mại trong quá khứ) là điều tất yếu. Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới, tốc độ phát triển nhanh (năm 2024 tăng trưởng GDP lên tới 5,4%), quy mô dân số đứng thứ 4 thế giới, tuổi trung bình trẻ (30,4 tuổi) với rất nhiều dư địa phát triển.

Ngược lại, các quốc gia khu vực MENA có vốn, công nghệ và nguồn lực lại nằm ở vị trí cửa ngõ thông thương thế giới nên rất quan trọng với Indonesia trong mục tiêu tìm kiếm nguồn vốn và vươn ra thế giới. Indonesia cũng đang tích cực quảng bá ngành công nghiệp halal (thực phẩm cho người Hồi giáo) vốn chiếm 10% GDP, nhằm chiếm lĩnh thị trường toàn cầu trị giá 3.000 tỷ USD, trong đó MENA là thị trường trọng điểm. 

Mới nhậm chức được 6 tháng, nhưng đây đã là lần thứ hai người đứng đầu nhà nước Indonesia tới thăm khu vực. Lần gần đây nhất, ông Prabowo tới Ai Cập vào tháng 12/2024 khi ông cùng nhà lãnh đạo nước chủ nhà bàn về nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là tình hình ở Gaza. Đây có thể nói là điểm mới trong chính sách đối ngoại của Indonesia trong nhiệm kỳ này khi nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đã chủ động lên tiếng về những vấn đề liên quan đến người Hồi giáo.

Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo -0
Thỏa thuận mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ giúp đa dạng nguồn cung cho quân đội Indonesia trước các biến động trên thế giới.

Một trong những trọng tâm của chuyến công du là kế hoạch sơ tán tạm thời khoảng 1.000 người Palestine bị thương hoặc trẻ mồ côi từ Gaza đến Indonesia. Tổng thống Prabowo nhấn mạnh rằng sáng kiến này chỉ được thực hiện với sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan và không nhằm mục đích tái định cư lâu dài. Theo những thông tin được đưa ra sau chuyến đi, các quốc gia trong khu vực đang rất ủng hộ kế hoạch này của ông Prabowo. Vấn đề người tị nạn Palestine đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo trong khu vực khi không có cách giải quyết ổn thỏa. Nếu Indonesia “giúp đỡ”, gánh nặng sẽ được giảm bớt và vấn đề này cũng sẽ nhận được sự chú ý rộng rãi hơn trên phạm vi toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, hành động “nghĩa hiệp” này sẽ giúp Indonesia ghi điểm trong cộng đồng Hồi giáo trên thế giới và đem đến uy tín quốc tế lớn hơn cho họ. Đây có lẽ là một phần trong chiến lược của ông Prabowo nhằm xây dựng hình ảnh Indonesia như một quốc gia Hồi giáo lớn, có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu.

Chuyến công du dài ngày này đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Indonesia, từ chính sách "tự do” truyền thống sang một chính sách tích cực, chủ động hơn, nhằm tăng cường ảnh hưởng và vai trò của Indonesia trên trường quốc tế. Tổng thống Prabowo đã thể hiện mong muốn đưa Indonesia trở thành một quốc gia có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực và trên thế giới nhờ mối quan hệ cân bằng với cả phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Chuyến đi cũng nằm trong nỗ lực của Indonesia trong việc củng cố an ninh. Các thỏa thuận với UAE, Qatar trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hướng tới giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã được ký. Trong lĩnh vực quốc phòng, việc Indonesia mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nỗ lực đa dạng nguồn cung trong những năm qua. Những thỏa thuận chuyển giao công nghệ còn cho thấy mục tiêu hiện đại hóa quân đội và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia trong thời gian tới. Tất cả những điều này đều nằm trong chiến lược chung nhằm đảm bảo an toàn cho Indonesia trong thế giới biến động hiện nay.

Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo -0
Một cuộc biểu tình ở Indonesia thể hiện sự ủng hộ người Palestine.

Một thế giới Hồi giáo đoàn kết hơn

Thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi trong quyền lực chính trị khi mô hình đơn cực tan vỡ và các cực mới nổi lên. Indonesia cùng với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và một số quốc gia Hồi giáo khác đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Mối liên kết giữa họ trong khuôn khổ đạo Hồi là một mối liên kết tự nhiên. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự chia rẽ về văn hóa, tôn giáo và chính trị, mối quan hệ giữa các nước Hồi giáo trở nên đặc biệt quan trọng. Indonesia đang tận dụng vai trò cầu nối giữa Đông Nam Á và MENA, đồng thời khẳng định vị trí của mình trong việc định hình các vấn đề của thế giới Hồi giáo. 

Trên bình diện rộng hơn, thế giới Hồi giáo với dân số 1,9 tỷ người, chiếm 25% thế giới, cùng nguồn lực năng lượng và tài chính khổng lồ, các quốc gia Hồi giáo có tiềm lực định hình chính sách quốc tế. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - với 57 thành viên - đang nỗ lực tăng cường đoàn kết nội khối, giải quyết các thách thức như xung đột Palestine, Syria, Yemen, hay khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, sự chia rẽ về lợi ích giữa các nước Arab, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn là rào cản lớn. Trong bối cảnh đó, Indonesia nổi lên như một hình mẫu về cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giúp kết nối thế giới Hồi giáo với phương Tây. Jakarta tham gia sâu vào các sáng kiến đa phương như G20 hay ASEAN, đồng thời vận động cho các giá trị chung của Hồi giáo như công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. 

Indonesia trong nỗ lực thắt chặt liên kết thế giới Hồi giáo -0
Bản đồ thế giới Hồi giáo ngày nay.

Tóm lại, mối liên kết giữa Indonesia và MENA phản ánh xu thế hợp tác Nam-Nam ngày càng mạnh mẽ, trong khi thế giới Hồi giáo đang chuyển mình để khẳng định vai trò vượt ra khỏi khuôn khổ tôn giáo. Với tư cách là quốc gia Hồi giáo dân chủ và năng động, Indonesia không chỉ là cầu nối kinh tế - văn hóa mà còn góp phần định hình một trật tự thế giới đa cực, nơi các giá trị Hồi giáo được lồng ghép vào giải pháp cho những thách thức toàn cầu.

Tiểu Phong
.
.