Indonesia với nỗ lực tăng trưởng ASEAN

Thứ Ba, 03/01/2023, 15:01

Indonesia, 1 trong 5 thành viên sáng lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ sớm đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023.

Được xem như một thành viên kỳ cựu và dạn dày kinh nghiệm của khối, Indonesia gánh vác trọng trách lần thứ 4 trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN khi bức tranh kinh tế-chính trị-xã hội của khu vực cũng như thế giới trải qua những biến động chưa từng có. Đây là thách thức, song như hai mặt của một đồng xu, cơ hội luôn song hành và mang theo những kỳ vọng.

Những gam màu đan xen

Indonesia đảm đương cương vị dẫn dắt ASEAN trong bối cảnh địa chính trị và nền kinh tế khu vực, cũng như trên toàn cầu nhiều gam màu xám. Nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm nay và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch. Đầu tháng 12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 từ 1,7% xuống 1,4%.

indonesia.jpg -0
Indonesia đã có những nền tảng và sự chuẩn bị cho vị trí Chủ tịch ASEAN 2023.

Trước đó, trong báo cáo công bố cuối tháng 10-2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine. Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều sụt giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.

Dịch COVID-19 dù tạm lắng song vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong khi đó cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát và chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần; các thách thức khác của nhân loại như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, cạnh tranh nước lớn,… đặt ra nhiều bài toán hóc búa cho các chính phủ, buộc phải có những biện pháp cứng rắn. Trong lĩnh vực kinh tế, việc thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn và các biện pháp tài khóa đơn lẻ không đủ mạnh để phát huy hiệu quả.

Trong bức tranh u ám này, nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng vẫn còn những khoảng sáng và châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng tích cực trong năm 2023, trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn của châu Á được dự đoán chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023. S&P Global Market Intelligence cũng cho rằng các nền kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm tới, được dự đoán sẽ tăng khoảng 3,5% trong 2023.

Việc Indonesia trở thành chủ tịch ASEAN năm 2023 là sự kiện được nhiều bên hoan nghênh và chờ đón, và thời điểm này có thể được coi là sự tiếp nối vai trò dẫn dắt và lãnh đạo khi nước này vừa kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch của G20. Đây cũng được xem là cơ hội để Indonesia ưu tiên và phát huy sức mạnh ngoại giao kinh tế và y tế trong bối cảnh khu vực và thế giới tích cực hồi phục hậu COVID-19.

Kỳ vọng cùng những thử thách

Theo kế hoạch, Indonesia sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN vào quý I/2023, nhanh chóng khởi động các nỗ lực nhằm xây dựng và triển khai các ưu tiên của Chủ tịch 2023. Trong các phát biểu khi nhận “búa” ASEAN từ Chủ tịch ASEAN năm 2022 Campuchia, nhà lãnh đạo Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 mang lại kết quả hữu ích, không chỉ cho các thành viên ASEAN mà còn vì lợi ích quốc gia của Indonesia nói riêng và lợi ích khu vực cũng như toàn cầu nói chung.

Jakarta đã có những tuyên bố thể hiện quyết tâm duy trì vị trí là tâm điểm tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á, theo đúng chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”. Một trong các ưu tiên chính của Indonesia trong năm 2023 là phục hồi và hợp tác kinh tế hậu COVID-19. ASEAN dưới sự dẫn dắt của Indonesia trong năm 2023 cũng có mục tiêu tạo động lực để nền kinh tế khu vực phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy các những giá trị về nhân văn và dân chủ; hướng đến cái đích là vào năm 2045, ASEAN sẽ trở nên thích ứng, nhạy bén hơn để khẳng định hơn nữa vai trò trung tâm của khối trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc và mang lại lợi ích kinh tế cho 684 triệu người dân trong khu vực.

Indonesia muốn tập trung vào việc đảm bảo các cam kết nhằm thực hiện tầm nhìn ASEAN 2025, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến kết nối và thương mại kỹ thuật số. Một trọng tâm khác trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia được nhắc đến nhiều là đưa Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN. Sau hơn một thập kỷ vận động hành lang, Timor-Leste đã có một chiến thắng ngoại giao quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2022 khi nhận được sự đồng thuận của 10 nước thành viên ASEAN, trong đó Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor-Leste trở thành thành viên của khối.

Thành công của Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN có thể sẽ được đánh giá dựa trên cách nước này quản lý và dẫn dắt khối phát huy vai trò trung tâm, vận dụng sự đồng thuận một cách khéo léo và hiệu quả trước những thách thức lớn của khu vực như tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông hay những tác động chiến lược từ sự kình địch Trung-Mỹ ở Đông Nam Á, tác động của cạnh tranh giữa các cường quốc đối với quyền tự chủ chiến lược của khu vực.

Kỳ vọng đặt ra cho Indonesia trong năm tới là không hề nhỏ. Indonesia có nền tảng thành công từ những lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong quá khứ với rất nhiều điểm nhấn như Thỏa thuận Bali II, khởi xướng các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN hay gần đây nhất là năm 2011, Indonesia đã đặt nền móng cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới - có hiệu lực vào ngày 1-1-2022.

Liệu Indonesia sẽ có một nhiệm kỳ thành công và đột phá khi dẫn dắt khối ASEAN trong năm 2023?              

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.