Israel: Cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận đe dọa vị thế của Thủ tướng Netanyahu

Thứ Tư, 12/04/2023, 16:30

Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Israel tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp do chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, bất chấp những lo ngại về an ninh gia tăng sau 2 vụ tấn công chết người diễn ra hôm 7/4.

Sự giận dữ lên cao vì niềm tin xuống thấp

Cuộc biểu tình bắt đầu bằng một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công một ngày trước đó. Những người biểu tình cho biết họ sẽ không chùn bước bởi những lo lắng về an ninh. “An ninh là một chuyện nhưng cải cách lại là chuyện khác” - Amitay Ginsberg, sinh viên 26 tuổi tham gia tuần hành, nói - “Chúng tôi vẫn sẽ đến đây để nói to và rõ ràng rằng sẽ không để cuộc cải cách này trôi qua".

Israel: Cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận đe dọa vị thế của Thủ tướng Netanyahu -0
Người biểu tình phong tỏa nhiều con phố tại Tel-Aviv, thủ đô Israel hôm 1/3 để phản đối dự luật cải cách tư pháp. Ảnh: BBC

Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong một loạt cuộc biểu tình vốn thu hút hàng trăm nghìn người Israel trên khắp đất nước trong nhiều tháng qua. Họ xuống đường để phản đối những đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Những đề xuất này nhằm cho phép chính phủ kiểm soát hiệu quả việc bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án Tối cao và cho phép Quốc hội Israel (Knesset) bác bỏ nhiều quyết định của Tòa án Tối cao, đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 3 khi Thủ tướng Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant do ông này phản đối kế hoạch cải cách. Sự kiện như giọt nước tràn ly, làm bùng phát các cuộc biểu tình và đình công - bao gồm cả cuộc tổng đình công được kêu gọi bởi liên đoàn lao động hàng đầu Israel là Histadrut, dẫn đến việc đóng cửa sân bay Ben-Gurion và làm đình trệ phần lớn nền kinh tế.

Trước tình hình đó, hôm 27/3, Thủ tướng Netanyahu đã chấp nhận tạm đình chỉ kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp, một “sự trì hoãn” mà theo người đứng đầu Chính phủ Israel là để cho phép “một cơ hội đối thoại thực sự” và không làm chia rẽ đất nước. Động thái của ông Netanyahu, cùng với việc người Do Thái bước vào Lễ Vượt qua (hay còn gọi là Lễ Quá hải) diễn ra từ ngày 5 đến 12/4 đã khiến các cuộc biểu tình lắng xuống.

Nhưng, các cuộc biểu tình vừa được phát động trở lại cho thấy, niềm tin của công chúng Israel vào khả năng ông Benjamin Netanyahu hủy bỏ những đề xuất cải cách là rất thấp. Điều này càng rõ ràng hơn khi Thủ tướng Israel quyết định “trì hoãn” cũng vẫn tuyên bố rằng chính phủ của ông cuối cùng sẽ thông qua luật để “lấy lại sự cân bằng đã mất giữa các ngành trong hệ thống chính phủ”, đồng thời “bảo vệ và củng cố các quyền cá nhân”.

Căng thẳng bủa vây

Những cuộc biểu tình trên đường phố Israel chỉ là một phần trong “gói khủng hoảng toàn diện” mà ông Netanyahu đang “tự sắm” cho mình. Bên cạnh việc ủng hộ cải cách tư pháp (ông Netanyahu không có quyền đề xuất do đang bị điều tra tham nhũng), chính phủ liên minh cực hữu của ông cũng đang có nhiều động thái làm gia tăng căng thẳng, xung đột giữa Israel và Palestine.

Israel: Cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận đe dọa vị thế của Thủ tướng Netanyahu -0
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (giữa) sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (bìa trái) do ông này phản đối kế hoạch cải cách. Ảnh: Jerusalem Post

Trong số này, đáng chú ý nhất là việc cho xây dựng nhiều nhà ở mới tại các khu định cư Efrat, Beita Ilit, Đông Jerusalem và việc tổ chức những cuộc tấn công, xua đuổi tín đồ Hồi giáo Palestine khỏi khu vực đền thờ Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền) tại Đông Jerusalem.

Việc Israel công nhận 9 khu định cư bị luật pháp quốc tế coi là bất hợp pháp, đồng thời lên kế hoạch thúc đẩy xây dựng khoảng 7.000 căn hộ định cư mới đã làm sứt mẻ nghiêm trọng niềm tin mong manh vừa được Palestine và Israel tạo dựng qua 2 hội nghị an ninh ngày 26/2 tại Jordan và ngày 19/3 tại Ai Cập. Trong khi đó, những hoạt động trấn áp của lực lượng an ninh Israel đối với tín đồ Hồi giáo ở đền thờ Al-Aqsa cũng đi ngược những tuyên bố của chính ông Netanyahu, khi ông cam kết thực hiện một loạt biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Bạo lực do đó đã nhanh chóng được châm ngòi. Cả nhánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Hezbollah (phong trào thánh chiến của người Hồi giáo dòng Shia, trú chân ở Lebanon) đều lên án chính phủ của Thủ tướng Netanyahu và bắn hàng chục quả rocket vào các thành phố, thị trấn của Israel thời gian qua. Đáp trả, Israel tiến hành chiến dịch quân sự với tên gọi “Bàn tay mạnh mẽ” tấn công vào các vị trí của Hamas ở Dải Gaza, đồng thời thực hiện hàng trăm vụ không kích nhằm vào các cơ sở của Hezbollah ở Lebanon và Syria.

Áp lực với ông Netanyahu còn gia tăng trên mặt trận ngoại giao khi Saudi Arabia - đối thủ nặng ký về địa chính trị ở Trung Đông mà Israel đang tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn - và kẻ thù không đội trời chung của Israel là Iran đang xích lại gần nhau sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia này. Hôm 8/4, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết các quan chức nước này đã đến Iran để thảo luận về các thủ tục mở lại đại sứ quán ở thủ đô Tehran và lãnh sự quán ở thành phố Mashhad. Đối với nhiều người trên chính trường Israel, động thái của Saudi Arabia và Iran là chỉ dấu nguy hiểm cho việc nước này sẽ bị cô lập mạnh mẽ trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông.

Coi chừng già néo đứt dây

Theo các nhà phân tích, thái độ cứng rắn thời gian qua có thể khiến “sinh mệnh chính trị” của ông Benjamin Netanyahu gặp nguy hiểm, bất chấp việc ông là thủ tướng nắm quyền lâu nhất lịch sử Israel với 6 nhiệm kỳ và được xem như chính trị gia xuất sắc nhất của đất nước kể từ sau nhà lập quốc David Ben Gurion.

Israel: Cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận đe dọa vị thế của Thủ tướng Netanyahu -0
Người biểu tình quá khích bị cảnh sát bắt giữ. Ảnh: Reuters

Những tiếng nói phản đối ông Netanyahu ngày càng nhiều. Hàng chục cựu quan chức quốc phòng, an ninh và tình báo cấp cao đã phản đối các đề xuất làm suy yếu Tòa án Tối cao với lý do chúng đi ngược tiến trình dân chủ. Lực lượng dự bị quân sự quan trọng của Israel, bao gồm hầu hết những người đang phục vụ trong các đơn vị không quân trọng yếu nhất, đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc và cho biết họ sẽ từ chối tham gia nghĩa vụ, gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ tin cậy của hệ thống chỉ huy và năng lực tác chiến.

Moshe Ya'alon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã sớm cảnh báo về sự phản kháng trong quân đội qua một bài phát biểu tại cuộc biểu tình ở Tel Aviv vào ngày 10/12 năm ngoái: “Âm mưu đầy ám ảnh của ông ta (Thủ tướng Netanyahu) nhằm lật đổ nền dân chủ của Israel là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Israel... Kẻ thù của chúng ta đang theo dõi và khả năng ngăn chặn của chúng ta đang yếu dần”. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Yair Lapid của Israel cũng kêu gọi ông Netanyahu đảo ngược quyết định sa thải ông Gallant và yêu cầu chính phủ dừng cuộc cải cách tư pháp, khi phát biểu tại cuộc họp của Knesset rằng đất nước đã “bị bắt làm con tin bởi một nhóm cực đoan không có phanh và không có giới hạn”.

Giờ đây, ngay cả các cử tri cánh hữu, những người đã bỏ phiếu cho liên minh hiện tại gồm các đảng cực đoan và cực hữu của ông Netanyahu cũng bày tỏ sự thất vọng với nhà lãnh đạo Israel. Tổng cộng 69% cử tri đã cho điểm kém trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền của chính phủ, theo cuộc thăm dò do Kênh 12 của Israel công bố hôm Chủ nhật.

Israel: Cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận đe dọa vị thế của Thủ tướng Netanyahu -0
Người biểu tình giơ cao ảnh Thủ tướng Netanyahu và khẩu hiệu ủng hộ nền dân chủ. Ảnh: IDI

Trong khi đó, Mỹ - đồng minh lớn nhất của Israel, cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình bất ổn tại đây. Phát ngôn viên Nhà trắng, bà Adrienne Watson trong cuộc họp báo hôm 26/3 tại Washinton khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục hối thúc mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Israel tìm kiếm một thỏa hiệp càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin rằng đó là con đường tốt nhất cho Israel và tất cả các công dân của mình”.

Áp lực từ nhiều phía đã buộc Thủ tướng Netanyahu phải lùi bước và thông báo rằng việc thông qua dự luật cải cách tư pháp sẽ bị hoãn lại cho đến sau thời gian nghỉ Lễ Vượt qua của Knesset. Nhưng, sự không chắc chắn về vị trí của Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và việc ông Netanyahu bổ nhiệm Bộ trưởng An ninh quốc gia có xu hướng cứng rắn, Itamar Ben-Gvir, đã không thực sự gửi đi thông điệp nhượng bộ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Knesset phê chuẩn dự luật hạn chế bãi nhiệm thủ tướng. Theo đó, một thủ tướng sẽ phải rời nhiệm sở trong trường hợp sức khỏe thể chất hoặc tinh thần không đảm bảo và có ít nhất 3/4 số bộ trưởng trong chính phủ hoặc đại biểu Knesset bỏ phiếu đồng ý. Luật này có thể giúp ông Netanyahu gia cố chiếc ghế của mình giữa muôn trùng áp lực. Nhưng, điều đó không có nghĩa rằng vị thế của chính trị gia 73 tuổi thực sự an toàn. Ông Netanyahu vẫn có thể một lần nữa bị buộc thôi nhiệm, như lần đầu vào năm 2021 khi ông không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Knesset.

Điểm mấu chốt lúc này là liên minh của ông Netanyahu phải thuyết phục Knesset thông qua toàn bộ các điều khoản chính của dự luật cải cách tư pháp, qua đó hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao. Bằng không, cơ quan này vẫn có quyền bác bỏ các luật mà Knesset ban hành với lập luận nó vi phạm Luật cơ bản của Israel.

Do đó, thời điểm Knesset họp trở lại sau Lễ Vượt qua vào đầu tháng 5 tới sẽ là thời khắc phán quyết đối với ông Netanyahu. Từ nay đến lúc ấy, người Israel nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục xuống đường bày tỏ sự phản đối dự luật, như tuyên bố của sinh viên Amitay Ginsberg với Reuter trong cuộc biểu tình tại Tel-Aviv cuối tuần qua. Mà tiếng nói của người dân, suy cho cùng, vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn vong của mọi chính phủ.

Nguyễn Khánh
.
.