Israel và “làn sóng hòa giải” ở Trung Đông

Thứ Hai, 11/09/2023, 10:20

Dưới sự tích cực của Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran đã đạt được thỏa thuận hòa giải tại Bắc Kinh, tuyên bố chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước, vốn bị cắt đứt từ năm 2016. Sau đó, dưới sự dẫn dắt và tương tác lành mạnh của hai nước này, xu hướng hòa giải giữa các nước Trung Đông đã được thúc đẩy đáng kể khiến cộng đồng quốc tế kinh ngạc.

Chẳng hạn như cuộc xung đột kéo dài 8 năm ở Yemen đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 7/5/2023, Hội nghị bất thường cấp Ngoại trưởng của Liên đoàn Arab đã quyết định khôi phục tư cách thành viên đối với Syria; ngày 19/6/2023, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết nước này đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn bị cắt đứt từ năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập và Iran - Ai Cập cũng khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao cấp đại sứ.

Cảm giác cô lập

Tuy nhiên, Israel - nước đóng vai trò chủ chốt trong nhiều vấn đề khu vực - lại đang ở tình trạng “đóng băng” trong “làn sóng hòa giải” này. Không chỉ vậy, mâu thuẫn giữa Israel và Palestine lại trở nên gay gắt hơn. Tháng 7/2023, Israel phát động chiến dịch quy mô lớn nhất trong 20 năm qua nhằm vào thành phố Jenin thuộc khu Bờ Tây, khiến ít nhất 9 người Palestine thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Động thái này đã làm dấy lên sự phản đối rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Rốt cuộc, tình hình khu vực hiện tại có tác động thế nào đến Israel?

1.jpg -0
The Knesset - nơi tập trung quyền lực của nhà nước Israel.

“Làn sóng hòa giải” giữa các nước Trung Đông mang đến cảm giác bị cô lập và bất an mới cho Israel. Một mặt, Israel nhận thức được rằng trào lưu này chủ yếu do các nước trong khu vực nâng cao ý thức tự chủ chiến lược - họ muốn thay đổi cách truyền thống là phụ thuộc quá nhiều vào các cường quốc ngoài khu vực để giải quyết xung đột khu vực, đồng thời tìm cách cải thiện quan hệ song phương với các nước trong khu vực để đối phó với các thách thức từ bên ngoài. Chỉ có điều, Israel chưa trở thành đối tượng chính để các nước này tìm kiếm hòa giải và hợp tác, vì một số nước vẫn coi Israel là quốc gia thân phương Tây. Thực tế, đây cũng là di chứng của việc Israel từ lâu nay bị cho là “nhân tố ủy nhiệm” của Mỹ và phương Tây ở khu vực Trung Đông.

Sự cải thiện quan hệ giữa Iran và các nước Arab Vùng Vịnh như Saudi Arabia khiến Israel lo ngại Iran và các nước Arab sẽ lại sát cánh cùng nhau để kiềm chế ảnh hưởng của Israel ở khu vực Vùng Vịnh. Hồi đầu năm, Sharon Bar-Li - Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Israel cùng phái đoàn đã bị trục xuất khỏi lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 6 được tổ chức tại Ethiopia. Điều này cũng khiến Israel cảm thấy bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Israel sau đó tuyên bố châu Phi đã “bị một số ít nước cực đoan thao túng”.

Từ đầu năm 2023, các sự kiện an ninh từ Dải Gaza đến khu Bờ Tây liên tục xảy ra, gây thương vong cho người dân và binh lính Israel, khiến cảm giác bất an cũng theo đó mà tăng lên. Người dân Israel đều lo ngại các cuộc tấn công thường xuyên ở khu Bờ Tây sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới” và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý an ninh quốc gia của Israel.

Tìm kiếm sự cải thiện quan hệ

Phát triển quan hệ với Mỹ như thế nào là vấn đề mà Chính phủ Israel mỗi nhiệm kỳ đều phải xem xét trước tiên. Nhà Trắng đã chỉ trích việc chính quyền ông Netanyahu kiên quyết xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, đồng thời yêu cầu Israel kiềm chế trả đũa trên quy mô lớn đối với người Palestine. Điều này khiến dư luận cho rằng quan hệ Mỹ - Israel đã xuất hiện rạn nứt. Trong bối cảnh “làn sóng hòa giải” mới xuất hiện ở Trung Đông, việc Israel làm thế nào để có thể hàn gắn và điều chỉnh quan hệ với Mỹ đã trở thành phép thử lớn đối với chính quyền ông Netanyahu.

Và, điều khiến Israel lo lắng là “nhân vật chính” của làn sóng hòa giải này ở khu vực Trung Đông dường như lại là Iran, nước từ lâu đã được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Israel. Đối với Israel, Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao là do Iran chủ động, nhằm mục đích đảo ngược xu thế phát triển quan hệ giữa các nước Arab Vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Israel. Trong những năm gần đây, Iran được cho là đang mở rộng ảnh hưởng ở các nước Syria, Liban, Iraq và Yemen. Israel luôn tỏ ra lo ngại về việc này và thường xuyên tấn công các căn cứ của Iran ở Syria.

Ngoài ra, việc Iran và Ai Cập gần đây thảo luận về vấn đề khôi phục quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1979, cũng được Israel xem là một phần trong kế hoạch mở rộng quan hệ chiến lược của Iran với các nước châu Phi. Một trong những mục đích của kế hoạch này là kiềm chế ảnh hưởng của Israel ở châu Phi. Mới tháng 7 vừa qua, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến thăm 3 nước là Kenya, Zimbabwe và Uganda. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Iran tới một quốc gia châu Phi sau 11 năm. Israel cho rằng điều này sẽ mang đến thách thức cho chính sách ngoại giao và lợi ích của nước này ở châu Phi. Trong những năm gần đây, Israel tăng cường đầu tư ngoại giao vào châu Phi, không chỉ có được tư cách quan sát viên của Liên minh châu Phi vào năm 2021 mà còn bình thường hóa quan hệ với các nước Arab ở Bắc Phi như Morocco và Sudan.

Nhìn chung, “làn sóng hòa giải” không chỉ có lợi cho sự ổn định và phát triển của tình hình Trung Đông mà còn là biểu hiện cho thấy ý thức tự chủ chiến lược của các nước trong khu vực được nâng cao. Chỉ là với Israel, ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran đã mang đến những thay đổi tiêu cực đối với môi trường an ninh bên ngoài nước này. Xung đột Palestine - Israel kéo dài và thái độ không mấy mặn mà của Washington bấy lâu nay khiến Israel cảm thấy áp lực đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài ngày càng lớn, thúc đẩy nhà nước Do Thái này bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội ngoại giao mới.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.