Italy - công thức cho EU về người di cư?

Thứ Hai, 04/11/2024, 12:42

Vấn  đề người di cư đã trở thành một trong những thách thức nan giải nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.

Trong bối cảnh đó, giải pháp mới của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhằm giải quyết vấn đề này, đặc biệt là thỏa thuận với Albania để xử lý đơn xin tị nạn bên ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng có khả năng "thay đổi cuộc chơi" đối với vấn đề di cư bất hợp pháp tại châu Âu.

Giải pháp cho vấn đề tị nạn

 Kế hoạch của Thủ tướng Meloni bắt đầu được triển khai vào ngày 14/10, khi 16 người xin tị nạn được đưa qua Biển Adriatic đến Albania để đến một trung tâm tị nạn tại làng Gjader. Kế hoạch này mới chỉ giới hạn áp dụng với những người di cư là nam giới, khỏe mạnh, đã bị chặn lại khi đi qua Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền nhỏ và đến từ bất kỳ quốc gia nào trong số 19 quốc gia được Italy đánh giá là an toàn.

Italy - công thức cho EU về người di cư? -0
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) và Thủ tướng Albania Edi Rama bắt tay sau khi ký biên bản ghi nhớ về các trung tâm quản lý người di cư.

Khi đã đến Gjader, yêu cầu xin tị nạn của họ sẽ được xử lý trong vòng 28 ngày. Một số ít người may mắn được cấp quyền tị nạn sau đó sẽ được phép đến Italy, còn "phần lớn sẽ bị trục xuất về quốc gia xuất xứ của họ". Đây là cách tiếp cận có khả năng "thay đổi cuộc chơi" đối với vấn đề di cư bất hợp pháp.

Theo tờ Libération của Pháp, thỏa thuận kéo dài 5 năm giữa Rome và Tirana không giống bất kỳ thỏa thuận nào mà người ta từng chứng kiến trước đây ở châu Âu. Được ký kết vào tháng 11/2023, thỏa thuận này quy định Italy trả 160 triệu euro/năm cho Albania; để đổi lại, Rome hy vọng rằng 3.000 người xin tị nạn mỗi tháng sẽ được xử lý tại nước này.

 Phía Albania cho biết những người di cư sẽ được đưa đến cảng Shengjin, nơi họ sẽ được kiểm tra sức khỏe và cấp quần áo sạch. Sau đó, họ sẽ được đưa đến Gjader bằng xe buýt. Cơ sở rộng 70.000 m2 này được bao quanh bởi hàng rào kim loại cao 6 mét và được chia thành 3 khu vực. Khu vực đầu tiên bao gồm các phòng 4 giường và không có căng tin, thức ăn phải được "chế biến và tiêu thụ ở các khu vực chung". Khu vực thứ hai là khu vực an toàn dành riêng cho những người "bị từ chối tị nạn và đang chờ hồi hương". Khu vực thứ ba là một nhà tù nhỏ dành cho những người phạm tội tại trung tâm này.

Nhà báo Đức Marc Beise viết trên tờ Suddeutsche Zeitung rằng bất kỳ ai cũng phải cảm thấy “kinh hoàng” khi nhìn thấy những bức ảnh chụp trung tâm này vì nó trông giống như một nhà tù được canh giữ nghiêm ngặt. Điều tệ nhất là trung tâm Gjader không giải quyết được vấn đề mà lẽ ra nó phải xử lý. 16 người di cư bất hợp pháp đầu tiên được Italy đưa đến cơ sở này đã được lựa chọn cẩn thận - 10 người từ Bangladesh và 6 người từ Ai Cập. Chính phủ Italy hy vọng rằng, với lý do họ đến từ các quốc gia được đánh giá là tương đối ổn định, những người di cư này sẽ bị trục xuất do không thể xin tị nạn.

Chưa phù hợp?

Nhưng phán quyết của một tòa án ở Rome hôm 18/10 đã làm tiêu tan hy vọng đó. Tòa này đã ra phán quyết rằng 12 trong số 16 người di cư được đưa đến Albania vào ngày 14/10 sẽ phải được đưa trở lại Italy. Các thẩm phán cho biết những người này không thể bị đưa trở lại quê hương của họ là Ai Cập và Bangladesh vì các quốc gia này được coi là không an toàn để mọi người trở về. Trước đó, 4 người tị nạn khác đã được đưa đến Italy vì lý do sức khỏe hoặc vì là trẻ vị thành niên. Như vậy, tất cả 16 người được đưa đến Albania đều đã được đưa trở lại Italy. Rào cản pháp lý mà chính phủ Italy phải đối mặt là danh sách các quốc gia mà họ coi là an toàn bao gồm các quốc gia có khu vực không được coi là an toàn.

Thẩm phán Luciana Sangiovanni cho biết trong một tuyên bố: “Việc từ chối công nhận tính hợp pháp của hành động giam giữ người di cư tại các công trình và cơ sở ở Albania… là do không thể công nhận quốc gia xuất xứ của những người bị giam giữ này là quốc gia an toàn”, do đó họ “được đưa đến Italy".

Chỉ những người di cư đến từ danh sách 22 quốc gia mà Italy phân loại là an toàn mới có thể được gửi đến Albania. Ai Cập và Bangladesh nằm trong số đó nhưng phán quyết gần đây của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) về vấn đề này khiến Italy không thể giữ những người xin tị nạn ở Albania.

Khi ra phán quyết về một vụ việc riêng liên quan đến Cộng hòa Séc, ECJ cho biết một quốc gia ngoài khối không thể được tuyên bố là an toàn trừ khi toàn bộ lãnh thổ của quốc gia đó được coi là không gặp nguy hiểm.

Giải pháp “thay đổi cuộc chơi” của châu Âu?

Theo tạp chí The Economist, chính phủ của bà Meloni đã thông qua một luật mới để cứu vãn kế hoạch này. Tuy nhiên, bất kể kết quả ra sao, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) - từ Hà Lan đến Ba Lan - ngày càng bận tâm đến vấn đề tị nạn, kế hoạch của bà đang được theo dõi chặt chẽ.

Nhà báo Peter Rasonyi của tờ Neue Zurcher Zeitung cho biết tất cả những điều này khác xa so với cách châu Âu hình dung về hệ thống tị nạn của mình cách đây 10 năm. Vào thời điểm đó, Brussels được dẫn dắt bởi lý tưởng rằng châu Âu "nên mở cửa cho tất cả những người mới đến muốn xin tị nạn". Tuy nhiên, "bị choáng ngợp bởi thực tế của tình trạng nhập cư không kiểm soát", các quốc gia như Đức và Thụy Điển hiện đang tuyệt vọng tìm cách ngăn chặn nó.

Và đối với nhiều người, mô hình của Italy phù hợp với mong đợi. Ngay cả Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho rằng "các trung tâm trục xuất" ở nước ngoài là một khả năng có thể xảy ra. Các trại tiếp nhận bên ngoài EU; các thỏa thuận mới với các quốc gia xuất xứ do chế độ độc tài cai trị; thậm chí trục xuất sang Syria đều có vẻ khả thi.

Đúng là mô hình của Italy sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý, hay thậm chí có thể không hiệu quả. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, có vẻ như nó sẽ được đón nhận.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.