Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus của Nga
Tổng thống Alexander Lukashenko đầu tuần này cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai thực tế trên lãnh thổ Belarus "trong vòng vài ngày tới". Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của đồng minh thân cận Belarus, sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng.
Việc Nga gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus cho thấy cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh đang sụp đổ.
Vũ khí nào sẽ được triển khai và ở đâu?
Tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Đây sẽ là lần triển khai đầu tiên bên ngoài nước Nga, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các đầu đạn loại này, tức là vũ khí hạt nhân kém mạnh hơn và tầm ngắn hơn, có khả năng được sử dụng trên chiến trường. Bước đi này được theo sát bởi Mỹ và các đồng minh, cũng như Trung Quốc, quốc gia đã nhiều lần cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.
Đối với Tổng thống Putin, quyết định triển khai vũ khí hạt nhân là một thông điệp gửi đến phương Tây, rằng ông sẽ không lùi bước trước cuộc chiến ở Ukraine. Ông đã đưa ra một thông báo, như thể suy nghĩ lại, trong một cuộc phỏng vấn với ông Pavel Zarubin - phóng viên truyền hình nhà nước Kremlin. Phỏng vấn được đăng tải trên dịch vụ tin nhắn trực tuyến Telegram, ngày 25/3. Ông Putin cho biết, nguyên nhân dẫn đến quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là do Vương quốc Anh thông báo sẽ cung cấp vũ khí chứa uranium nghèo cho Ukraine. Vào ngày 13/6, Tạp chí Wall Street đưa tin: Mỹ cũng chuẩn bị phê duyệt nhiều đợt viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Belarus nói rằng, việc triển khai số vũ khí trên là để đáp lại “chính sách hung hăng” của phương Tây và nhằm mục đích ép buộc các nhà lãnh đạo phương Tây phải suy nghĩ lại trước khi tiếp tục leo thang.
Theo ông Putin, vũ khí hạt nhân “chiến thuật” - có tên gọi như vậy vì chúng được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, sẽ được gửi đến Belarus, nhưng ông không nói chính xác đầu đạn nào sẽ được triển khai và ở đâu. Theo Tổng thống Nga, tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã được bàn giao cho Belarus. Iskander có tầm bắn là 500 km.
Cũng theo ông Putin, 10 máy bay của Belarus đã được điều chỉnh để mang đầu đạn. Belarus cũng xác nhận, máy bay SU-25 đã được điều chỉnh để mang đầu đạn. Theo những nguồn tin của Nga, máy bay phản lực SU-25 có tầm hoạt động lên đến 1.000 km. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết, vũ khí có thể được đặt tại căn cứ không quân Lida, chỉ cách biên giới Litva 40 km.
Theo Tổng thống Putin, Nga sẽ hoàn thành công việc xây dựng cơ sở lưu trữ đặc biệt ở Belarus vào ngày 7/7 hoặc 8/7. Vũ khí sẽ được triển khai ngay sau đó.
Tổng thống Belarus Lukashenko đã đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Vào tháng trước, ông đưa hàm ý rằng vũ khí đã được chuyển đi. Nhưng, vào ngày 13/6, ông lại nói rằng vũ khí sẽ được triển khai trong “vài ngày tới”. Cũng theo ông, có thể sẽ có “vũ khí hạt nhân cho tất cả những ai” tham gia liên minh Nga-Belarus. "Mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những gì chúng tôi yêu cầu trong vài ngày tới, thậm chí nhiều hơn một chút", ông nói. Ông Lukashenko nói rằng Belarus đang làm việc để đảm bảo rằng các cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến lược tầm xa của Nga, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, đã sẵn sàng để sử dụng.
Rủi ro hạt nhân
Ông Putin cho biết, Nga vẫn sẽ kiểm soát vũ khí, như cách Mỹ kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật mà họ đã triển khai ở châu Âu. Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân đến những căn cứ của NATO ở châu Âu từ những năm 1950, với mục đích chống lại Liên Xô.
Ông Putin đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về 200 đầu đạn hạt nhân chiến thuật B-61 mà Mỹ triển khai đến những căn cứ ở Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Những đầu đạn có xuất xứ từ Mỹ đó được giữ trong hầm của những căn cứ không quân. Mỹ cũng giữ mã bí mật để trang bị vũ khí: Mã đường nối lệnh cho phép kích hoạt vũ khí hạt nhân (Permissive Action Link - PAL).
Vũ khí hạt nhân của Nga hiện nằm dưới sự kiểm soát và trách nhiệm vận chuyển của Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng (GUMO 12). Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Mỹ đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân mà Liên Xô đưa đến Belarus, Ukraine và Kazakhstan sẽ được trả lại cho Nga - quốc gia kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Theo Reuters, bằng cách đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus, ông Putin đang cho thấy: Cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh đang sụp đổ.
Phản ứng của Mỹ và NATO
Mỹ đã chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của ông Putin, nhưng nói rằng họ không có ý định thay đổi lập trường của họ đối với vũ khí hạt nhân chiến lược và họ cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngày 27/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình, cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Dù vậy, chúng tôi vẫn lên án quyết định của Nga”. Ngày 18/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, ông Putin đã có hành động vô trách nhiệm.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, những cường quốc hạt nhân đang tăng cường triển khai đầu đạn hạt nhân với số lượng nhiều hơn, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
“Trong tổng số 12.512 đầu đạn được kiểm kê toàn cầu vào tháng 1/2023, khoảng 9.576 đầu đạn nằm trong kho dự trữ quân sự phục vụ cho cơ hội sử dụng tiềm năng, nhiều hơn 86 đầu đạn so với tháng 1/2022. Trong số này, khoảng 3.844 đầu đạn đã được triển khai kèm tên lửa và máy bay, và khoảng 2.000 - gần như tất cả đều thuộc về Nga hoặc Mỹ, đều được đặt trong tình trạng báo động cao, nghĩa là chúng được gắn trên tên lửa hoặc nằm trong những căn cứ không quân có máy bay ném bom hạt nhân”, trích dẫn báo cáo của SIPRI.
Theo SIPRI, Nga và Mỹ sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân toàn cầu. Quy mô kho vũ khí hạt nhân tương ứng của họ (tức là đầu đạn có thể sử dụng) dường như vẫn tương đối ổn định vào năm 2022, mặc dù tính minh bạch về lực lượng hạt nhân của cả hai quốc gia đã giảm trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine.