Kết quả nào cho Hội nghị hòa bình Ukraine?
Hội nghị hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra trong ngày 15 và 16/6 tại Lucerne, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, hội nghị này có nguy cơ trở thành một thất bại do không có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là việc nước Nga không được mời.
Hơn 160 phái đoàn đã được mời tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine, bao gồm các thành viên của nhóm G7, G20, EU, Hội đồng châu Âu và Liên hợp quốc. Tuy nhiên, đã có nhiều lời từ chối tham gia từ một số quốc gia quan trọng, như Trung Quốc, Brazil, Saudi Arabia,...
Nguy cơ thất bại của hội nghị đang khiến cho Tổng thống Zelensky sốt ruột và ông đã phải thực hiện một loạt động thái ngoại giao chưa từng có. Ngày 2/6, ông bất ngờ đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Sự xuất hiện đột ngột của ông Zelensky khiến cho Đối thoại Shangri-La lần này mang màu sắc mới. Ngày 3/6, ông lại bất ngờ đến thăm Philippines để vận động Manila ủng hộ Hội nghị hòa bình Ukraine.
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, vốn không mặn mà với vấn đề của Ukraine, đành phải bất đắc dĩ chào đón ông. Thế nhưng, tại diễn đàn này, ông Zelensky đã lớn tiếng cáo buộc Trung Quốc “hỗ trợ Nga” bằng cách ngăn cản không cho các lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine. Trong lời cáo buộc, ông Zelensky cho rằng Trung Quốc đang bị nước Nga lợi dụng, trở thành “công cụ” trong tay ông V. Putin. Một ngày sau cáo buộc này, Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định nước này “không thêm dầu vào lửa”, luôn tôn trọng Ukraine và mối quan hệ kinh tế với Kiev.
Trước đó, người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc đã thông báo Trung Quốc không thể tham gia Hội nghị hòa bình Ukraine vì một số lý do. Ngày 3/6, Saudi Arabia và một số quốc gia Trung Đông cũng tuyên bố không thể tham dự hội nghị.
Sự từ chối tham gia của Saudi Arabia và Trung Quốc được các chuyên gia lý giải rằng đây là một hành động hợp logic. Trung Quốc không đưa ra lời giải thích, nhưng Riyadh và một số nước giải thích việc từ chối tham gia là vì hội nghị không có sự tham dự của Nga nên không mang ý nghĩa gì. Giới bình luận cũng cho rằng một hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine mà không có sự tham gia của một bên liên quan rất quan trọng là Nga thì hội nghị đó sẽ có kết cục như thế nào?
Không chỉ vắng mặt Nga, Trung Quốc, Hội nghị hòa bình Ukraine cũng đang thiếu vắng những nhà bảo trợ rất quan trọng cho Ukraine. Cụ thể, nước Mỹ chỉ xác nhận sẽ cử đại diện tham dự hội nghị, Tổng thống Biden thì không thể tham gia vì “bận rộn” cho hoạt động tranh cử trong nước. Tổng thống Zelensky rất thất vọng vì sự vắng mặt này nhưng không dám lớn tiếng đối với người chống lưng số 1 của mình.
Rõ ràng, so với hội nghị năm ngoái, hội nghị lần này đang có nguy cơ thiếu vắng sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các quốc gia chủ chốt như Nga, Trung Quốc và một số lãnh đạo quan trọng hàng đầu như Mỹ,... Giới chuyên gia cho rằng, để một Hội nghị hòa bình cho Ukraine đạt được mục đích ban đầu đặt ra thì ít nhất nó phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến xung đột tại Ukraine, cụ thể là Nga. Không có Nga, hội nghị sẽ thiếu vắng một đối tác quan trọng trong câu chuyện hòa bình Ukraine và sẽ không đạt được điều gì.
Trong khi đó, giới chuyên gia cũng bình luận rằng Hội nghị hòa bình Ukraine không có Nga tham gia sẽ mang ý nghĩa là một diễn đàn để ông Zelensky vận động hình thành một liên minh các quốc gia chống Nga trong cuộc chiến Ukraine. Qua đó, ông Zelensky hy vọng tiếng nói của các quốc gia và tổ chức quốc tế tại hội nghị sẽ có tác động gây áp lực đối với nước Nga nhằm xoay chuyển cục diện ngoại giao trong vấn đề xung đột Nga-Ukraine.
Trong một phỏng vấn với Tạp chí Foreign Policy hôm 3/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng Ukraine hướng đến việc khởi động đàm phán với Nga sau hội nghị này. Ông Kuleba cũng thừa nhận không thể có được hòa bình cho Ukraine mà không có sự hai bên là Nga và Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đàm phán sẽ rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Hạ tuần tháng 5/2024, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng đặt vấn đề về tính chính danh của Tổng thống Zelensky vì hiện nay nhiệm kỳ tổng thống của ông đã hết và Ukraine chưa thể tổ chức bầu cử do đang trong thời chiến, đang áp dụng thiết quân luật.
Nga cũng khó chấp nhận đàm phán với Ukraine sau khi các quốc gia phương Tây thực hiện một loạt động thái leo thang hỗ trợ Kiev thông qua việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16, tên lửa tầm xa và mới đây nhất là cho phép Ukraine sử dụng khí tài do phương Tây cung cấp tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Động thái leo thang nguy hiểm này đã được phía Nga cảnh báo “đừng đùa với lửa”, bởi việc sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu trên đất Nga sẽ được xem như sự xâm phạm gián tiếp của phương Tây đối với Nga. Tổng thống Nga V. Putin đã cảnh báo hành động như thế có nguy cơ dẫn đến xung đột lan rộng toàn cầu.
Một giải pháp thay thế có vẻ dễ chấp nhận hơn cho Hội nghị hòa bình Ukraine là việc Trung Quốc đứng ra tổ chức một hội nghị tương tự với sự tham gia của Nga. Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm, trong đó có những nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh nhưng không đi sâu vào chi tiết cụ thể. Trung Quốc và Brazil tuần trước đã ký một tuyên bố chung kêu gọi đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, các nước phương Tây lại không mặn mà với kế hoạch hòa bình của Trung Quốc vì cho rằng nó không đụng chạm đến các vấn đề mà phương Tây quan tâm nhất, đó là buộc Nga phải rút quân, trả lại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát và bị sáp nhập. Vì vậy, một kế hoạch hòa bình cho Ukraine trong bối cảnh hiện nay rất xa vời và nhiều nhà phân tích cho rằng đàm phán cũng sẽ chỉ diễn ra khi có sự thay đổi trong cách tiếp cận từ phương Tây.