Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi

Thứ Tư, 23/07/2025, 10:38

Trong những ngày giữa tháng 7/2025, thủ đô Malabo của Guinea Xích đạo thu hút sự chú ý của thế giới khi chứng kiến Cuộc họp Điều phối giữa năm (MYCA) lần thứ VII của Liên minh châu Phi (AU). Trong bối cảnh cả châu lục đen đang đối mặt với những thử thách lớn, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bất ngờ gửi đi thông điệp mạnh mẽ: Đoàn kết không phải là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để hiện thực hóa tầm nhìn "Châu Phi chúng ta mong muốn" vào năm 2063.

Khát vọng 2063: Từ tầm nhìn đến hành động

Chương trình Tầm nhìn 2063 được đề xuất lần đầu tiên tại thượng đỉnh của AU ở Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng 5/2013 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) - tiền thân của AU. Đến năm 2015, AU thông qua tài liệu đầy đủ về chương trình nghị sự Tầm nhìn 2063.

Không chỉ là một tài liệu chính trị, đây là bản thiết kế chi tiết cho mục tiêu xây dựng một châu Phi "tự cường, thịnh vượng và đoàn kết", nơi các quốc gia không còn bị chia cắt bởi biên giới và xung đột, là một khối thống nhất với mạng lưới giao thông kết nối, có một thị trường tự do chung và một nền hòa bình bền vững. Tầm nhìn 50 năm này được chia nhỏ thành các kế hoạch 10 năm, với giai đoạn thứ hai (2024-2033) được đánh dấu là "Thập kỷ Tăng tốc", tập trung vào "cú nhảy vọt" tham vọng. 

Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi -0
Hội nghị điều phối giữa năm lần thứ VII của AU đem đến làn gió mới cho Mục tiêu 2063.

Năm 2025 nằm trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này nhưng cũng là thời điểm các nước châu Phi đứng trước những cơ hội và thách thức lớn do những chuyển biến địa chính trị khu vực và thế giới diễn ra liên tiếp. Tại thượng đỉnh AU hồi đầu năm, Chủ tịch Ủy ban AU, ông Mahmoud Ali Youssouf đã không giấu giếm sự lo lắng khi thừa nhận: "Những căng thẳng chính trị và xung đột trên khắp lục địa đang cản trở khát vọng của chúng ta, phá vỡ kế hoạch và các chương trình đã đặt ra".

Lời cảnh báo này vang lên như hồi chuông thúc giục hành động tập thể trước nguy cơ lỡ nhịp của Thập kỷ Tăng tốc. Chính vì vậy, tại MYCA lần này, giữa AU và Các cộng đồng kinh tế khu vực của châu Phi (RECs) diễn ra từ ngày 10-13/7 ở Malabo vừa qua, toàn bộ chương trình đã nhắm đến khôi phục lại lộ trình cho Mục tiêu 2063.

Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi -0
Chủ tịch AU phát biểu tại Phiên họp giữa năm, khẳng định quyết tâm hướng đến Tầm nhìn 2063 cho châu lục đen.

Những cam kết cụ thể

Lần đầu tiên, một hội nghị điều phối của AU không dừng lại ở những tuyên bố chung mà những cam kết đã được đưa ra với mục tiêu cụ thể. Đầu tiên và đáng chú ý nhất là việc Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) đã đưa ra đề xuất chiến lược nhằm đẩy nhanh thực thi Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA). Theo đó, ECA cùng các thành viên của RECs sẽ đồng lòng xây dựng các quy chuẩn nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư, phát triển chuỗi giá trị và các khu kinh tế trong châu lục đen.

Ông Claver Gatete, Tổng Thư ký ECA, nhấn mạnh tinh thần khẩn trương: "Câu hỏi giờ đây không phải là chúng ta cần làm gì, mà là chúng ta phải làm nhanh đến đâu", phản ánh quyết tâm của các nhà lãnh đạo kinh tế châu Phi nhằm đạt được đột phá trong lĩnh vực này.

Nhằm củng cố thể chế và tài chính nội khối, Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fattah El-Sisi đã công bố 2 sáng kiến trọng tâm. Quỹ Phát triển NEPAD chính thức ra đời nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính phát triển trong nội bộ châu Phi, huy động nguồn lực nội lực và kích thích đầu tư khu vực. Đây được kỳ vọng là giải pháp cho bài toán thiếu vốn kinh niên của các quốc gia châu lục. Sáng kiến thứ hai là thành lập Trung tâm Khí hậu Toàn diện đặt tại Cairo, trung tâm này sẽ trang bị công cụ thích ứng và phục hồi trước thảm họa thiên nhiên cho các quốc gia thành viên.

Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi -0
Quỹ NEPAD được chính thức thành lập là bước đi cụ thể nhất cho những cam kết trước đó.

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng đã nhận thức rõ rằng thành công của Mục tiêu 2063 phụ thuộc vào sức mạnh của các RECs. Cuộc họp điều phối cấp cao giữa AU và lãnh đạo các RECs hôm 13/7 đã đặt nền móng cho sự phối hợp chặt chẽ hơn. Ông Workneh Gebeyehu, Tổng Thư ký Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) kiêm Chủ tịch Ủy ban Điều phối RECs đã nhấn mạnh đến các bước đi cấu trúc như phân bổ ngân sách riêng cho RECs và củng cố vị thế thể chế của họ trong cấu trúc AU. Một bước đi chợ thấy AU đang đặt trọng tâm chiến lược nhắm vào các vấn đề kinh tế thấy vì những tranh cãi chính trị như trước đây.

Động lực từ khủng hoảng

Tại sao tinh thần đoàn kết và cam kết mạnh mẽ lại bùng lên vào thời điểm này? Câu trả lời nằm ở chính những cơn sóng thách thức dồn dập đổ vào châu Phi trong thời gian qua. Xung đột và bất ổn đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua tại lục địa đen. Tình hình an ninh tại Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia và vùng Sahel liên tục có những diễn biến phức tạp. Những cuộc khủng hoảng này không chỉ gây đau thương về nhân mạng mà còn tàn phá cơ sở hạ tầng, làm trật bánh các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và quan trọng hơn, chúng trực tiếp đe dọa mục tiêu cốt lõi về "Hòa bình và An ninh" của Tầm nhìn 2063. Chúng cũng buộc các nhà lãnh đạo châu Phi phải nhận ra rằng không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức xuyên biên giới này.

Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi -0
Tổng thống Ai Cập El Sisi mang đến Guinea những cam kết hết sức cụ thể.

Kinh tế châu Phi cũng đang mất đi động lực tăng trưởng so với thời gian trước. Tăng trưởng chậm, lạm phát cao, gánh nặng nợ công khổng lồ, sự thu hẹp của các nguồn viện trợ và ưu đãi tài chính quốc tế đang siết chặt không gian tài khóa của nhiều quốc gia. Bài toán phục hồi kinh tế hậu đại dịch và ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu càng trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, hợp tác nội khối và tận dụng thị trường chung rộng lớn qua AfCFTA được xem là cứu cánh thiết thực. Ngân hàng Phát triển châu Phi dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực trên toàn châu lục (3,7% năm 2024 và 4,3% năm 2025) nhưng để đạt được điều đó, sự phối hợp chính sách là không thể thiếu. Do đó, AU đã trao trách nhiệm nặng nề này vào tay RECs.

Cùng với đó, châu Phi đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu dù có lượng phát thải thấp nhất trong số các đại lục. Hạn hán ở vùng Sừng châu Phi, lũ lụt ở Nam Phi và sa mạc hóa ở Sahel là những minh chứng rõ ràng. Sáng kiến Trung tâm Khí hậu của Ai Cập là phản ứng trực tiếp trước mối đe dọa sống còn này. Nó phản ánh nhận thức chung rằng thích ứng và giảm thiểu tác động khí hậu là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự phát triển bền vững nào.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang có nhiều biến động, sự trỗi dậy của chủ nghĩa đa cực và sự quan tâm ngày càng tăng của các cường quốc và nền kinh tế mới nổi (như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, UAE) tới châu Phi mang lại cả thách thức lẫn cơ hội. Thành công gần đây của Diễn đàn Indonesia - châu Phi lần thứ 2 (IAF-2) tháng 9/2024, với tổng giá trị cam kết hợp tác kinh doanh lên tới 3,5 tỷ USD (tăng hơn 6 lần so với năm 2018) trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, là minh chứng cho vị thế địa chính trị mới của châu Phi.

Trong khi đó thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi dự kiến tổ chức cuối năm 2025 này được kỳ vọng có thể đem đến những thỏa thuận thương mại lên đến 100 tỷ USD. Để tận dụng tối đa những cơ hội hợp tác Nam-Nam này và tránh rơi vào tình trạng phụ thuộc mới, châu Phi cần có một tiếng nói thống nhất và chiến lược tiếp cận rõ ràng, điều mà Tầm nhìn 2063 và sự đoàn kết nội khối có thể mang lại.

Châu Phi 2063: Cực mới hay lời hứa tan vỡ?

Hội nghị Malabo 2025 không đơn thuần là một sự kiện ngoại giao. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong ý thức tự cường của châu Phi khi các nhà lãnh đạo nhất trí rằng tương lai thịnh vượng chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng đoàn kết nội khối và chủ động nắm lấy vận mệnh của mình. Họ đang đặt những viên gạch đầu tiên cho một trật tự mới. Sự ra đời của các cơ chế tài chính như Quỹ NEPAD, sự củng cố vai trò của các RECs và việc đặt biến đổi khí hậu lên hàng ưu tiên cho thấy một cách tiếp cận thực tế và chủ động hơn so với giai đoạn trước.

Ông Mahmoud Ali Youssouf trong bài phát biểu bế mạc tuyên bố: “Đã đến lúc chuyển từ những nỗ lực rời rạc sang triển khai đồng bộ. Cùng nhau, chúng ta có thể mở khóa một châu Phi mà chúng ta mong muốn - kiên cường, thịnh vượng và tự lực”.

Khát vọng hiện thực hóa Tầm nhìn 2063 của châu Phi -0
Chiến tranh và nạn đói dai dẳng làm chậm lại tiến trình mục tiêu Tầm nhìn 2063 của châu Phi.

Thành công của Tầm nhìn 2063 không chỉ là vấn đề của riêng châu Phi. Trong một thế giới đa cực đang hình thành, một châu Phi ổn định, thịnh vượng và đoàn kết sẽ là một đối tác không thể thiếu. Tuy nhiên, con đường từ Malabo tới năm 2063 vẫn còn dài và gập ghềnh. Thập kỷ Tăng tốc để thực hiện 7 "cú nhảy vọt", với mục tiêu từ nâng tất cả các quốc gia lên mức thu nhập trung bình, đến xây dựng thể chế hiệu quả và đưa châu Phi trở thành một tác nhân toàn cầu mạnh mẽ đòi hỏi không chỉ cam kết chính trị nhất thời mà còn cần sự kiên trì của toàn bộ người dân châu Phi.

Dẫu sao, chúng ta cũng có thể hy vọng, bởi từ Malabo, một làn gió mới của khát vọng đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể đầu tiên sau nhiều năm trì hoãn.

Tử Uyên
.
.