Khí đốt - quân át trong bàn cờ Nga với phương Tây
Liên minh châu Âu đang tự mình và nhờ vả các đồng minh trong NATO ráo riết tìm kiếm nguồn cung đề phòng khả năng Nga làm gián đoạn nguồn cung khí đốt đối với họ để trả đũa các đe dọa trừng phạt từ phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.
Bất chấp các hoạt động ngoại giao dồn dập và nhất là sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron ngày 7-2-2022, tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn dai dẳng liên quan đến vấn đề Ukraine. Mỹ và Liên minh châu Âu đe dọa những đòn phạt kinh tế nặng nề chưa từng có nếu Nga đưa quân sang can thiệp quân sự vào Ukraine. Giới quan sát cho rằng không chắc gì những trừng phạt đó sẽ làm Nga phải chùn tay.
Kể từ khi ban hành các biện pháp trừng phạt Nga sau sự cố Crimea năm 2014, 720 công chức và doanh nhân Nga bị liên đới. Những biện pháp trừng phạt đã làm mất của Nga từ 1,5 đến 2 điểm GDP mỗi năm, tức gần 100 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng lại không mấy đáng kể, trong khi những thiệt hại cho EU lại nhiều hơn với Nga. Đơn giản là vì từ năm 2014, Nga theo đuổi một chính sách tự chủ nhiều lĩnh vực chiến lược, một chính sách thay thế để hạn chế sự phụ thuộc của Nga vào EU và Mỹ, để ít bị tổn hại trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Năm 2014, nhằm đáp trả các đòn trừng phạt của phương Tây, Điện Kremlin đã ban hành lệnh cấm vận nhắm vào hàng xuất khẩu châu Âu và rộng hơn nữa là phương Tây sang Nga. Tiếp đến, chính sách thay thế này liên quan đến tổ hợp công nghiệp-quân sự vào thời điểm phương Tây chấm dứt xuất khẩu vũ khí sang Nga, đặc biệt là các linh kiện. Đó không hẳn là các loại vũ khí xuất khẩu mà đúng hơn là những linh kiện dùng cho chế tạo vũ khí của Nga. Cuối cùng chính sách này cũng liên quan đến mọi lĩnh vực mà Điện Kremlin đánh giá là có tính chiến lược bất kể là trong ngành hàng không hay nhiều lĩnh vực khác như công nghệ tin học.
Kết quả là sau 8 năm qua, Nga đã giảm rất nhiều vào sự lệ thuộc của phương Tây, thậm chí Nga giờ còn trở thành đối thủ cạnh tranh với châu Âu chí ít trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi lá bài “chí mạng” mà Nga đang nắm trong tay là khí đốt. Khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ của EU đến từ Nga, đặc biệt, Đức nhập khẩu hơn 55% lượng khí đốt của Nga.Nếu EU trừng phạt Nga, Moscow có thể trả đũa bằng cách giảm nguồn cung. Nên biết rằng giá khí đốt tại châu Âu trong năm qua và hiện nay luôn ở mức cao kỷ lục, nếu Nga tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung, kinh tế và xã hội EU có thể rơi xuống vực. Ý thức được điểm yếu này, EU đang tự mình ra sức hoặc nhờ Mỹ tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Mới đây tờ báo La Vanguardia của Tây Ban Nha đưa tin NATO đang nghiên cứu khả năng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt giữa Tây Ban Nha và Pháp, giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Âu vào khí đốt của Nga. Theo tờ báo, Mỹ có thể sẽ sử dụng các bồn chứa của Tây Ban Nha để chứa một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ vận chuyển đến, sau đó đưa đến châu Âu bằng đường ống. Washington đang cố gắng tạo ra một liên minh các nước nhập khẩu LNG của Mỹ ở châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc của các nước Trung Âu, đặc biệt là Đức, vào nguồn cung từ Nga. Mỹ đã một lần nữa đề xuất với Đức sử dụng dự án thay thế đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Nhật báo La Vanguardia cho biết kế hoạch chung bao gồm “biến bán đảo Tây Ban Nha thành một trung tâm phân phối có khả năng làm suy yếu đáng kể sự phụ thuộc mạnh mẽ của Đức và Trung Âu vào khí đốt của Nga”. Phương án hồi sinh dự án hành lang khí đốt Midcat bị bỏ hoang cũng đang được nghiên cứu “trong bối cảnh lịch sử mới” để đưa khí đốt Algeria đến Trung Âu.
Đường ống mới cũng sẽ vận chuyển khí đốt hóa lỏng từ các bến cảng ven biển Tây Ban Nha đến Trung Âu. Dự kiến dự án này sẽ được đưa ra thảo luận trong một cuộc họp của NATO vào tháng 6. Đức đang nghiêm túc xem xét đề xuất này vì Berlin muốn đa dạng hóa nguồn cung và muốn có một đường ống dẫn khí đốt từ Tây Ban Nha.Điều này phù hợp với kế hoạch của Đức bắt đầu sản xuất hydro xanh ở Bắc Phi, loại khí này cũng có thể được vận chuyển qua đường ống được đề xuất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, châu Âu không thể thay thế khí đốt của Nga. Cả Algeria và các nước châu Á đều không thể giúp châu Âu theo hướng này. Trước đó, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã nói về sự cần thiết phải đưa Tây Ban Nha “hội nhập” tốt hơn vào thị trường năng lượng châu Âu. Ông Borrell gọi Tây Ban Nha là khu vực không phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Rõ ràng, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu muốn nói là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ “dạy” cho phần còn lại của châu Âu cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Nhưng, phương thức của hai nước này không thích hợp với các quốc gia thành viên khác. Bởi lẽ, không hề có vế chính trị nào trong việc Tây Ban Nha không phụ thuộc năng lượng vào Nga, chỉ có logic kinh tế - Tây Ban Nha mua khí đốt qua đường ống dẫn khí Algeria có lợi hơn là mua khí đốt của Nga, và Bồ Đào Nha thích nhận hydrocarbon thông qua các cảng nhập khẩu LNG bên bờ biển hơn là xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đến Nga. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không phải là các nước sản xuất khí đốt, họ chỉ có thể tổ chức quá trình vận chuyển của nó.Nhưng điều này đi kèm với một số khó khăn.
Đầu tiên, Algeria đã bất hòa với Marooc, dẫn đến việc một trong hai đường ống dẫn khí đốt đến Tây Ban Nha bị tắc nghẽn. Ngoài ra, Algeria đang giảm xuất khẩu, do lượng tiêu thụ khí đốt trong nước tăng lên, trong khi sản lượng vẫn ở mức cũ.
Ngoài ra, ông Josep Borrell đã kêu gọi EU “khẩn trương xem xét việc thành lập các kho dự trữ chiến lược của EU và khả năng mua chung khí đốt, như đã được Ủy ban châu Âu đề xuất trước đó”. Nhà ngoại giao khẳng định “trong những tuần gần đây Nga đã thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng”. Nên biết rằng, ông Borrell từng đổ oan cho việc “Gazprom từ chối thực hiện các chuyến giao hàng bổ sung để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu, điều này chỉ làm tăng thêm sự lo lắng trên thị trường”.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU lưu ý rằng năng lượng luôn là vấn đề địa chính trị tối quan trọng. Theo ông, chủ đề này nằm trong chương trình nghị sự của EU, do giá cao và những khó khăn về nguồn cung khí đốt gây ra bởi cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga. Ông Borrell cũng chỉ ra rằng: Nga đã chuẩn bị tốt hơn cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong khi EU chưa sẵn sàng cho khả năng Nga cúp nguồn cung cấp khí đốt.