Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi

Thứ Tư, 21/06/2023, 10:16

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại một trường trung học ở miền Tây Uganda cuối tuần qua khiến gần 50 người thương vong không chỉ làm rúng động thế giới. Nó còn nhắc lại một thực tế là “bóng ma” Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lan rộng khắp châu Phi.

Vụ thảm sát man rợ

Đêm Thứ sáu 18/6 đáng ra đã như mọi đêm cuối tuần khác đối với hơn 60 học sinh Trường trung học nội trú Lhubirira ở tỉnh Mpondwe, miền Tây Uganda, giáp biên giới CHDC Congo. Các em, cả nam và nữ, bắt đầu những ngày nghỉ tại ký túc xá sau cả tuần học hành căng thẳng.

Nhưng, tai họa khủng khiếp đã ập đến, biến nơi đây thành địa ngục. Khoảng hơn một chục kẻ khủng bố bịt mặt bỗng xuất hiện. Với súng trường và dao, chúng lùa các nam sinh vào một căn phòng rồi ném bom xăng phóng hỏa. Khi ký túc xá nam bị đốt cháy, những kẻ thủ ác tiếp tục lục soát các căn nhà khác trong trường rồi bắn và chém chết khoảng 20 nữ sinh.

Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi -0
Quân đội Uganda phong tỏa Trường trung học Lhubiriha, nơi diễn ra vụ thảm sát học sinh.  Ảnh: Tuko

Khi quân đội và cảnh sát Uganda tới hiện trường, họ tìm thấy 41 thi thể, trong đó có 38 học sinh và không ít trong số đó đã cháy đến mức cần xét nghiệm ADN để xác định danh tính. Có 8 học sinh may mắn còn sống nhưng bị bỏng rất nặng và được đưa tới điều trị tại một bệnh viện địa phương.

Chỉ huy lực lượng quân đội Uganda tại khu vực biên giới với CHDC Congo, Thiếu tướng Dick Olum cho biết, những kẻ tấn công nhiều khả năng là chiến binh thuộc Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF), một nhóm phiến quân khủng bố có liên hệ mật thiết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

“Hiện trường cho thấy, những kẻ này vừa lùng sục khắp trường, vừa giết chóc. Chúng đã bắt cóc 6 học sinh và mang theo lương thực cướp được rút qua bên kia biên giới, về phía công viên quốc gia Virunga của CHDC Congo. Chúng tôi đang truy đuổi thủ phạm và tìm cách giải cứu những nạn nhân”, Thiếu tướng Dick Olum nói.

Ngay sau khi biết tin về vụ thảm sát, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres đã lên án "hành động kinh khủng" này và kêu gọi đưa những kẻ đứng sau sự việc ra trước công lý.  Ông Guterres gửi lời “chia buồn chân thành” tới các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những học sinh bị bắt cóc và nhắc lại “tầm quan trọng của những nỗ lực tập thể nhằm giải quyết tình trạng bất ổn xuyên biên giới giữa Congo và Uganda”.

Trong khi đó, Tổng thống Uganda, Yoweri Museveni tuyên bố sẽ truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm và “tiêu diệt đến những tên cuối cùng”. Ông Museveni ra lệnh đưa thêm quân tới khu vực biên giới với CHDC Congo, đồng thời cho biết, “cần thêm quân đội và nỗ lực ngoại giao từ các quốc gia trong khu vực” để giải quyết những thách thức an ninh hiện nay.

Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi -0
Lực lượng an ninh khám nghiệm ký túc xá nam của Trường Lhubiriha, nơi bọn khủng bố đã thiêu chết nhiều học sinh. Ảnh: AFP

Khi ADF được hà hơi tiếp sức

Sự kiện bi thảm hôm 16/6 là vụ tấn công đẫm máu nhất của bất kỳ nhóm khủng bố nào ở Uganda kể từ khi các chiến binh thuộc tổ chức Al-Shabaab có liên hệ với Al-Qaeda đặt bom giữa đám đông đang xem trận chung kết World Cup 2010 ở thủ đô Kampala, giết chết 76 người.

Cuộc tấn công vào Trường trung học Lhubiriha cũng gợi lại ký ức đau buồn về vụ thảm sát do ADF thực hiện năm 1998, khi những kẻ khủng bố này giết chết hơn 80 sinh viên tại một trường cao đẳng ở miền Tây Uganda, cách thành phố Mpondwe khoảng 60 km.

ADF được thành lập vào đầu những năm 1990 tại Uganda với tư cách là một nhóm Hồi giáo vũ trang chống lại chế độ của Tổng thống Yoweri Museveni. Vào cuối những năm 1990, các cuộc tấn công của quân đội Uganda buộc nhóm này phải rút lui vào các khu rừng rậm ở miền Đông Congo.

Để tiễu trừ hoàn toàn nhóm phiến quân này, quân đội Uganda đã triển khai một lực lượng lớn tới biên giới với CHDC Congo và phối hợp cùng nước láng giềng tổ chức các chiến dịch truy quét. Những hoạt động mạnh mẽ này khiến ADF ngày càng bị bóp nghẹt, cho đến khi chúng kết nối được với IS.

Tháng 7/2019, IS chính thức công nhận ADF là một trong những chi nhánh của mình, dưới cái tên “Tỉnh Trung Phi”. Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật từ IS đã hà hơi tiếp sức cho ADF, khuyến khích nhóm phiến quân này tiến hành các cuộc khủng bố quy mô lớn ở Uganda và nước láng giềng CHDC Congo.

Trước vụ thảm sát ở Trường trung học Lhubiriha, ADF cũng bị cáo buộc đã cho nổ bom trong một buổi lễ nhà thờ ở CHDC Congo, giết chết ít nhất 12 người vào tháng 1 năm nay. Nhóm này vốn đã bị Mỹ đưa vào danh  sách các tổ chức khủng bố vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mỹ bổ sung thủ lĩnh của ADF, Musa Baluku vào chương trình “Phần thưởng cho công lý”, đưa ra phần thưởng trị giá 5 triệu USD cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ y.

Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi -0
Nhiều nhóm khủng bố tại châu Phi đã tuyên thệ trung thành với IS. Ảnh: AP

Theo Tạp chí Foreign Policy, khu vực hoạt động của ADF hiện lớn gấp 4 lần so với năm 2017. Các cuộc tấn công của nhóm này không chỉ thường xuyên hơn, lan rộng hơn, mà còn tàn bạo hơn. Năm 2020, ADF đã thực hiện 22 vụ thảm sát, mỗi vụ giết chết hơn 10 người. Năm nay còn tệ hơn, khi ADF thực hiện 22 vụ khủng bố chết người chỉ trong 6 tháng, bao gồm sự kiện bi thảm ở Trường trung học Lhubiriha.

Bóng ma IS đe dọa châu Phi

Những hoạt động tàn bạo của ADF một lần nữa nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sự gia tăng ảnh hưởng của IS tại châu Phi. Bị truy quét và suy yếu tại “căn cứ địa” Iraq và Syria, IS đã tìm thấy miền đất mới ở lục địa đen. Trong vài năm qua, tổ chức khủng bố này liên tục truyền bá tư tưởng của chúng đến những nhóm phiến quân như ADF tại châu Phi.

Dù người ta có thể đặt câu hỏi về lòng trung thành của các chiến binh địa phương với IS, nhưng các nhóm này đã thể hiện tốt sự gắn kết với tổ chức trong hoạt động tuyên truyền. Chẳng hạn, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hàng loạt nhóm khủng bố tại châu Phi đã cam kết trung thành với người đứng đầu IS, dù hoàn toàn không biết gì về danh tính của nhân vật này.

Ý tưởng về một caliphate (vương quốc Hồi giáo được lãnh đạo bởi một lãnh tụ tôn giáo và chính trị tối cao) vẫn tồn tại, đặc biệt là ở châu Phi, nơi cùng với Afghanistan có các chi nhánh IS nguy hiểm và tích cực nhất. Các chi nhánh này được đặt tên là "tỉnh" để phù hợp với mô hình mở rộng ban đầu của IS do cố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi giới thiệu vào năm 2014.

Chi nhánh nhỏ nhất trong số được gọi là "tỉnh" là chi nhánh ở Somalia, có khoảng 200 chiến binh nhưng đã chứng tỏ hiệu quả như một trung tâm tài chính của IS. Về phía Bắc, ở Ai Cập, có mạng lưới các chiến binh được gọi là “Tỉnh Sinai” vẫn đang tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh Ai Cập.

Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi -0
Một số thành viên của tổ chức khủng bố ADF từng bị quân đội Uganda bắt giữ. Ảnh: Africa News

Nằm xa hơn về phía Nam, trong khu vực Sahel và lưu vực Hồ Chad ở Đông Bắc Nigeria, IS có sự hiện diện đáng kể nhất ở châu Phi, với cái gọi là “Tỉnh Sahel” và “Tỉnh Tây Phi". “Tỉnh Tây Phi" phát triển từ nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram từng liên kết với Al-Qaeda, có khoảng 5.000 chiến binh và kiểm soát các vùng nông thôn rộng lớn, nơi chúng đánh thuế cư dân và áp đặt cách giải thích khắc nghiệt về luật Hồi giáo.

“Tỉnh Sahel” là một thực thể mới hơn và nhỏ hơn, từng là một đơn vị thuộc “Tỉnh Tây Phi” nhưng kể từ tháng 3/2022, nó nổi lên như một “tỉnh” đúng nghĩa. Có địa bàn dọc theo biên giới giữa Mali và Niger, chi “Tỉnh Sahel” chính thức ra mắt vào năm 2019, đánh dấu bằng các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh và hàng loạt hành động tàn bạo với dân thường.

Một phân tích gần đây của Viện Hoover của Mỹ, cho biết “Tỉnh Sahel” đang “trong quá trình thiết lập một nhà nước Hồi giáo tự xưng bao gồm các vùng nông thôn trải dài từ Gao ở phía Bắc đến Dori ở phía Nam và từ N'Tillit ở phía Tây đến khu vực biên giới Tahoua ở phía Đông Mali”.

Hoạt động của tất cả các “tỉnh” châu Phi luôn được giới thiệu một cách tự hào trong mạng lưới truyền thông trực tuyến của IS. Trên nền tảng nhắn tin Telegram, nơi hệ thống truyền thông IS được quản lý bởi các kênh bán chính thức, hầu hết nội dung ngày nay đều liên quan đến các “tỉnh” châu Phi.

Ví dụ, vào ngày 16/5, hệ thống truyền thông của IS đăng tải báo cáo về một cuộc tấn công liều chết kép nhằm vào các lực lượng của phái bộ Liên minh châu Phi ở phía Đông Bắc Nigeria và những bức ảnh về cuộc tấn công vào một tiền đồn của chính phủ ở Beni thuộc CHDC Congo.

Các “tỉnh Tây Phi” và Sahel cũng thường xuyên sản xuất những video để nêu bật các hoạt động của chúng. Chẳng hạn, một video của “Tỉnh Sahel” vào tháng 4 vừa qua chiếu cảnh quay các trận chiến chống lại nhiều kẻ thù khác nhau, các vụ hành quyết và hình phạt khắc nghiệt trong luật Hồi giáo, chẳng hạn ném đá đến chết hoặc cắt cụt chi.

Khi khủng bố IS “xoay trục” sang châu Phi -0
Một người mẹ đau đớn gào khóc trong lễ tang các nạn nhân vụ thảm sát tại Trường Lhubiriha. Ảnh: AP

Những quan điểm tương tự cũng được thể hiện trên tuần báo tiếng Arab của IS, qua các bài xã luận. Những bài viết này nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi trong việc duy trì “dự án” caliphate, thậm chí còn tuyên bố rằng châu Phi đã thay thế Iraq và Syria để trở thành nơi người Hồi giáo phải thực hiện “hijra” (di cư) “vì ngày nay nó là vùng đất của thánh chiến”.

Hiện tại, tổ chức khủng bố Al-Qaeda cũng vẫn duy trì sự hiện diện ở châu Phi thông qua 3 chi nhánh, đáng kể nhất là Al-Shabaab tại Somalia. Theo Liên hợp quốc, Al-Shabaab có 7.000 đến 10.000 chiến binh và kiếm được khoảng từ 100 đến 150 triệu USD mỗi năm từ việc thu thuế trong các khu vực do chúng kiểm soát. 

Trong bối cảnh đó, việc IS gia tăng ảnh hưởng càng khiến bức tranh an ninh tại lục địa đen thêm u ám. Theo ông Tara Candland, Phó Chủ tịch Bridgeway Foundation - tổ chức chuyên theo dõi các tội ác hàng loạt trên khắp thế giới - tình hình hiện tại đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần một cách tiếp cận mới và toàn diện để giải quyết bạo lực ở châu Phi, nhằm vừa loại bỏ ảnh hưởng của các tổ chức khủng bố như IS vừa tránh ban hành các chính sách thiếu sót, bỏ quên những nguyên nhân khác như bất ổn chính trị hay tình trạng tước đoạt sinh kế của người dân...

Quang Anh (Tổng hợp)
.
.