Khi lợi ích quốc gia lên tiếng

Thứ Tư, 01/06/2022, 07:10

Sẽ là cực kỳ khó khăn để đạt được bất cứ thỏa hiệp nào. Mệnh đề bất biến này đã và đang tiếp tục được chứng minh, bởi những diễn biến mới nhất liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền Đông Ukraine.

Những vết rạn đã lại hằn lên

Khép lại ngày làm việc đầu tiên (30-5) của Hội nghị thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong 2 ngày, theo Reuters và Thông tấn xã Việt Nam, EU vẫn không đạt được nhất trí về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Thậm chí, trước đó một ngày, sau nhiều tuần thảo luận, Bộ trưởng Kinh tế Đức - ông Robert Habeck đã bày tỏ lo ngại, rằng sự đoàn kết của EU “đang bắt đầu rạn nứt”.

Cụ thể, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Habeck nhấn mạnh: “Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, người ta đã thấy châu Âu có khả năng như thế nào khi có sự gắn kết mạnh mẽ. Với hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai (30-5), chúng ta hy vọng sự đoàn kết đó sẽ được tiếp tục, nhưng nó đã bắt đầu rạn nứt trở lại”.

Khi lợi ích quốc gia lên tiếng -0
Ukraine đã bị tàn phá hết sức nặng nề.

Nhưng, tại hội nghị thượng đỉnh đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố: “Sẽ không có sự thỏa hiệp nào vào thời điểm này”. Có nghĩa là Hungary vẫn phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga - phần quan trọng nhất trong các gói trừng phạt mà EU đang dự định tiến hành nhắm vào Nga.

Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ, EU đã đưa ra 5 gói trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU mới chỉ nhất trí về một phần của gói trừng phạt này là loại ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga phát sóng trong EU và bổ sung thêm các cá nhân vào danh sách bị phong tỏa tài sản.

Còn riêng về vấn đề cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga, không chỉ Hungary, còn khá nhiều quốc gia thành viên EU lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi vẫn chưa kịp xây dựng một phương án nhằm thay đổi hoặc giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung đóng vai trò quyết định ấy.

Hungary - quốc gia nằm sâu trong đất liền không có lối ra biển - đã phản đối bất kỳ lệnh cấm vận dầu mỏ nào, trừ phi nước này được miễn trừ thực hiện trong ít nhất 4 năm để có thời gian chuẩn bị và EU cần phải tài trợ 800 triệu euro để sửa chữa các nhà máy lọc dầu của nước này cho phù hợp với các nguồn dầu thô khác. Hy Lạp, Síp và Malta cũng cho rằng các quy định mới này đe dọa sự tồn tại của các công ty vận tải biển, nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như đời sống người dân nước mình.

Khi lợi ích quốc gia lên tiếng -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin.

Từ một tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã làm rõ: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng sẽ có một lằn ranh đỏ, đó là cấm vận năng lượng và họ (EU) đã vượt qua giới hạn đỏ này”. Thủ tướng Orban ví lệnh cấm vận ấy như là “một quả bom nguyên tử” ném vào nền kinh tế Hungary. Hơn thế, ông còn sẵn sàng ban hành tình trạng khẩn cấp ở đất nước mà mình lãnh đạo.

Thủ tướng Orban cho biết Hungary sẽ cần 5 năm và dành khoản đầu tư lớn vào các cơ sở lọc dầu và đường ống dẫn mới có thể giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, hiện đáp ứng khoảng 65% nhu cầu trong nước. Theo ông Orban, lùi 1-2 năm là không đủ.Bên cạnh đó, ông cũng đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan không khi đầu tư lớn để mong có kết quả sau 4-5 năm nữa và Hungary vẫn chờ đề xuất mới của EC.

Không chỉ Budapest, nhiều thành viên khác của EU - bao gồm cả Đức, nền kinh tế lớn nhất, cũng từng nhắc đến nguyên tắc “các biện pháp trừng phạt không được làm tổn hại tới quyền lợi thiết yếu”.

Song, Kiyv không cam lòng nhìn mọi chuyện diễn ra như vậy. Trong bối cảnh đang lâm vào một cuộc chiến hết sức khó khăn, các nhà lãnh đạo Ukraine đã luôn thúc đẩy những “bạn bè” của họ, theo những cách có thể nói là khá nóng nảy và “phi ngoại giao”. Thí dụ gần nhất, ngày 16-5, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi EU “bỏ qua” sự phản đối của Hungary. “Chúng tôi không hài lòng với thực tế là lệnh cấm vận dầu mỏ chưa được thực thi”, ông Dmytro Kuleba nói sau cuộc họp với các ngoại trưởng EU ở Brussels, “Chúng ta đều rõ ai là bên ngăn cản.Nhưng, thời gian đang hết dần vì Nga ngày nào cũng kiếm tiền từ dầu mỏ và dùng số tiền này đầu tư vào chiến sự”.

Khi lợi ích quốc gia lên tiếng -0
Binh sĩ Nga tuần tra tại thị trấn Volnovakha thuộc vùng Donetsk, Ukraine.

Đi xa hơn, cố vấn Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Lana Zerkal còn “hăm dọa”: “Ukraine nắm trong tay đòn bẩy gây áp lực mạnh mẽ, đó là đường ống Druzhba”. Hệ thống đường ống này, dài khoảng 4.000 km, có nhánh phía Nam là đường cung cấp dầu từ Nga chạy qua lãnh thổ Ukraine tới Hungary, mà theo bà Lana Zerkal thì “sẽ là dễ hiểu nếu xảy ra chuyện gì đó”.

Đáp lại, phía Budapest thẳng thừng: “Tuyên bố này (từ phía Ukraiine) đặc biệt gây sốc, vì Hungary đang làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những người tị nạn. Hơn 730.000 người từ Ukraine đã đến đây, trong khi Hungary đã đưa ra vô số đề nghị giúp đỡ đất nước này cũng như những người vẫn còn (mắc kẹt lại) ở đó” -theo Thư ký Bộ Ngoại giao Hungary Tamas Menzer.

Và ở một diễn biến liên quan khác nữa, sau khi Kiyv từng đề cập rằng Hungary cần phải lựa chọn “đứng về bên nào?”, câu trả lời của Budapest là: “Hungary đứng về phía Hungary”.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ

Khi cuộc xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine đã bước đến sát mốc ngày thứ 100, ngày 29-5, Tổng Thư ký khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, hiện không thể biết chính xác cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và “cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài”.

Bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc chiến, Nga tuyên bố mục tiêu của giai đoạn này là kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam và vùng Donbass, miền Đông nước láng giềng. Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, tập trung nỗ lực vào vùng Donbass ở Đông và Nam Ukraine, tạo thành hành lang phía Đông nối Nga, qua Crimea, tới Donest và Lugansk, cũng như thông hành lang trên bộ từ miền Nam Ukraine đến vùng ly khai Transnistria thuộc Moldova - nơi có 1.500 lính gìn giữ hòa bình Nga đồn trú.

Khi lợi ích quốc gia lên tiếng -0
Hungary đại diện cho sự chia rẽ trong quan điểm chung của EU.

Khu vực miền Đông được coi là lợi thế hơn cho Nga triển khai chiến dịch quân sự khi quân đội và các lực lượng thân Nga chiếm ưu thế tại đây. Miền Nam Ukraine lại thuận tiện đường tiếp tế nhân lực, vũ khí, hậu cần...

Trong khi đó, quân Ukraine gặp bất lợi so với giai đoạn đầu xung đột, khi phải phòng ngự trên địa hình bằng phẳng, ít đô thị che chắn.Đến ngày 29-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả tình hình là “khó khăn không thể diễn tả được”.

Theo dòng diễn biến thực địa chiến trường, song song với các cuộc tranh luận trong nội bộ EU, nội tình NATO cũng đang lâm vào tình thế tương đối rối ren, mà tâm điểm là sự quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ đối với đơn xin gia nhập của hai thành viên mới: Phần Lan và Thụy Điển.

Hai quốc gia này, do lo ngại đến an ninh quốc gia của chính mình, đã từ bỏ truyền thống trung lập, để chính thức lật sang một trang mới trong chính sách đối ngoại. Vấn đề là, trong khi Điện Kremlin tỏ ra khá “điềm đạm”, khi bắn đi thông điệp: Miễn là Phần Lan và Thụy Điển đừng chấp nhận cho đặt căn cứ quân sự nào trên lãnh thổ của mình, để khiến tạo nên những mối lo về an ninh quốc phòng từ phía Nga, thì trắc trở lại đến từ chính một thành viên chủ chốt của NATO: Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo quy định của NATO, các quốc gia xin gia nhập phải nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 30 thành viên.Nhưng, suốt những ngày qua, Ankara liên tục “cự tuyệt” Phần Lan và Thụy Điển.

Ngày 30-5, ông Ibrahim Kalin - Cố vấn Chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - đã nói với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan rằng: Ankara muốn thấy những “bước đi cụ thể” của Phần Lan và Thụy Điển về sự tồn tại của cái gọi là tổ chức khủng bố ở những nước này. Điều này bắt buộc phải được thực hiện, trước khi Ankara xem xét nỗ lực gia nhập NATO của Hensinki và Stockholm.

Khi lợi ích quốc gia lên tiếng -0
Giai đoạn 2 của cuộc chiến đang diễn ra vô cùng khốc liệt.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống Erdogan cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì cáo buộc hai nước này “chứa chấp” những phần tử có liên quan tới lực lượng vũ trang của đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như một số tổ chức bị Ankara quy kết là khủng bố. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác nữa được ông hé lộ là Phần Lan và Thụy Điển đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019.

Có lẽ, còn những nguyên nhân khuất lấp sâu xa nữa không bao giờ được nói ra một cách rõ ràng. Người ta chỉ có thể cảm nhận và phỏng đoán về nó, khi nhìn lại mối quan hệ tương đối khăng khít và chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, kể từ năm 2017-2018 đến nay, cũng như quan sát cách Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng bối cảnh xung đột Đông - Tây, để từng bước dần vươn lên nắm những vai trò lớn hơn, xứng đáng với một cường quốc thực thụ nằm vắt trên hai đại lục Âu - Á như hiện tại.

Xét cho cùng, lợi ích quốc gia vẫn luôn là mục tiêu tối thượng, dù ở bất cứ đất nước nào.

Mây Linh
.
.