Khói lửa Trung Đông đe dọa kéo lùi kinh tế toàn cầu
Các hãng hàng không đã phải chuyển hướng hàng loạt chuyến bay khỏi không phận Iran. Giá dầu cũng tăng trở lại sau những động thái leo thang xung đột của cả Israel và Iran. Khói lửa ở vùng Vịnh bắt đầu đe dọa gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu bắt đầu tăng
Trong gần một năm kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và cuộc giao tranh ở Gaza, các nhà đầu tư đã cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lớn hơn có thể nổ ra ở Trung Đông, làm giảm nguồn cung dầu mỏ của thế giới và gây ra làn sóng chấn động khắp nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, thị trường nhìn chung đã bỏ qua khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn: Giá dầu vẫn ở mức thấp trong năm qua.
Tuy nhiên, sau khi Iran phóng một loạt tên lửa vào Israel vào thứ Ba tuần trước để đáp trả những vụ tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah, giá dầu bắt đầu tăng ngay vào sáng thứ Tư do lo ngại một cuộc xung đột lớn hơn có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu thô từ khu vực.
Và rồi, sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden nói vào thứ Năm (3/10) rằng đã có “các cuộc thảo luận” về việc hỗ trợ cho cuộc tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, giá dầu thô Brent - chuẩn mực dầu mỏ toàn cầu - đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn một năm.
Không rõ liệu biến động này có chuyển thành tình trạng giá dầu tăng mạnh và bền vững hay không. Hiện tại, các nhà phân tích chỉ ra rằng Mỹ vẫn có lượng dầu thô tồn kho cao trong khi các quốc gia sản xuất OPEC có đủ năng lực dự phòng để làm dịu tác động của sự gián đoạn, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng vọt nếu Tehran chặn đường vào eo biển Hormuz, nơi nối Vịnh Ba Tư với Biển Ảrập, vì khoảng 30% dầu của thế giới đi qua đó.
Giá dầu thô Brent hiện ở mức khoảng 75 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 84 USD vào thời điểm Hamas tấn công Israel ngày 7/10 năm ngoái. Nhưng công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners ước tính rằng một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Iran nhiều khả năng sẽ làm tăng giá dầu thêm 13 USD/thùng, trong khi kịch bản eo biển Hormuz đóng cửa có thể làm tăng giá dầu thêm 28 USD/thùng.
Vì vậy, câu hỏi lớn hiện nay là Israel và Iran sẽ phản ứng như thế nào và liệu những hành động đó có làm tắc dòng chảy dầu từ khu vực hay không? Lúc này, các cuộc tấn công của Israel vẫn giới hạn ở việc nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Lebanon song Roger Zakheim, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và hiện là Giám đốc Viện Ronald Reagan tại Washington, nhận định “Israel sẽ đáp trả Iran, không chỉ bằng hành động tương tự, mà còn làm những gì cần thiết để khôi phục khả năng răn đe của mình”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sáng Chủ Nhật cũng cảnh báo Iran rằng cuộc tấn công của họ vào nước này sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. “Iran đã hai lần phóng hàng trăm tên lửa vào lãnh thổ của chúng tôi, một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn nhất lịch sử”. ông Netanyahu nói. “Không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận một cuộc tấn công như vậy vào các thành phố và công dân của mình, và Israel cũng vậy. Israel có nghĩa vụ và quyền tự vệ để đáp trả những cuộc tấn công này, và chúng tôi sẽ làm như vậy”.
Thông điệp của ông Netanyahu đã rất rõ ràng. Nhưng liệu phản ứng mạnh mẽ của Israel có khôi phục được sự răn đe hay sẽ gây ra sự leo thang hơn nữa từ Iran và đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện? Câu trả lời có thể thấy trong một tuyên bố sau loạt tên lửa nhằm vào Israel của Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araghchi. “Hành động của chúng tôi sẽ kết thúc trừ khi chế độ Israel quyết định mời gọi sự trả đũa tiếp theo. Trong kịch bản đó, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn”, ông Araghchi khẳng định.
Thương mại toàn cầu đã hứng chịu ảnh hưởng
Viện nghiên cứu Oxford Economics ước tính kịch bản xấu nhất là chiến tranh lan rộng tại Trung Đông sẽ khiến giá dầu tăng vọt lên tới 130 USD/thùng và làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm tới. Nhưng đấy là đánh giá trong dài hạn. Trước mắt thì hoạt động vận tải và thương mại toàn cầu đã sớm hứng chịu những tác động nặng nề của xung đột ở Trung Đông.
Tình hình bất ổn ở Trung Đông trong năm qua vốn đã gây ra nhiều hỗn loạn và xáo trộn cho ngành hàng không, khiến các hãng hàng không thường xuyên thay đổi đường bay khi đánh giá lại mức độ an toàn của không phận trong khu vực. Giờ đây, theo công ty theo dõi chuyến bay FlightRadar24, hầu hết các hãng hàng không đang phải tránh không phận Iran trong các chuyến bay qua Trung Đông, vì lo ngại về một cuộc tấn công trả đũa từ Israel nhằm vào Iran.
“Hầu hết các hãng hàng không đã chuyển hướng các chuyến bay tránh xa Iran, với tuyến bay phía bắc bay qua Azerbaijan, Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ trên đường đến châu Á, và tuyến bay phía nam bay qua Ai Cập và Saudi Arabia”, người phát ngôn của trang web chuyên theo dõi các chuyến bay FlightRadar24, Ian Petchenik cho biết. Dĩ nhiên, việc phải đổi hành trình dài hơn dĩ nhiên kéo dài thời gian bay cũng như tăng chi phí nhiên liệu đáng kể.
Trong khi đó, tình hình đã xấu đi từ lâu đối với lĩnh vực vận tải biển và sẽ còn xấu hơn sau khi lãnh đạo lực lượng Houthi, Abdul Malik Al-Houthi, thề sẽ leo thang những cuộc tấn công vào các tàu quốc tế trên Biển Đỏ để ủng hộ người Palestine, Lebanon và Iran.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, lực lượng dân quân Yemen này đã bắt giữ một tàu thương mại và thủy thủ đoàn, đánh chìm hai tàu và đốt cháy nhiều tàu khác trong khi bắn hàng trăm tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và tàu không người lái vào hơn 100 tàu thương mại và hải quân ở Biển Đỏ, Vịnh Aden và Ấn Độ Dương.
Dù số lượng tàu bị Houthi tấn công là khá thấp so với lưu lượng giao thông qua Biển Đỏ, chiến lược của họ đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tăng chi phí vận chuyển, bao gồm cả bảo hiểm và trả lương cho thủy thủ làm việc ở những khu vực có rủi ro cao. Ông Stig Jarle Hansen, Phó giáo sư tại Đại học Khoa học Đời sống Na Uy nói: “Houthi không cần phải tấn công chính xác. Miễn là có thể khiến các thế lực quốc tế sợ hãi, họ đã đạt được chiến thắng, vì những cuộc tấn công này làm tăng giá bảo hiểm và do đó gây ra chi phí tăng trên toàn thế giới”.
Các cuộc tấn công của Houthi khiến hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez, tuyến đường nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải vốn chuyên chở 10-15% thương mại toàn cầu, đã giảm mạnh khi các tàu chuyển hướng đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi. Đối với các hãng vận tải biển, việc đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng cũng là một vấn đề đau đầu khi nó làm tăng thời gian vận chuyển thêm 10-14 ngày và đẩy giá cước lên cao, thậm chí tới gấp ba lần vào một số thời điểm trong năm qua.
Bây giờ, nếu chiến sự nổ ra giữa Israel và Iran, hoạt động vận chuyển đường biển sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, ước tính lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 0,18 điểm phần trăm trong năm 2024 và 0,23 điểm phần trăm vào năm 2025 nếu vấn đề đóng cửa kênh đào Suez không được giải quyết trước cuối năm nay.
Israel và Iran có chịu nổi gánh nặng chiến tranh?
Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nếu Israel và Iran xảy ra chiến tranh. Nhưng ngược lại, hai quốc gia này sẽ ra sao nếu sa chân vào một cuộc chiến kéo dài?
Trước cuộc tấn công ngày 7/10 và cuộc chiến tranh Israel - Hamas sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Israel sẽ tăng trưởng ở mức đáng mơ ước là 3,4% trong năm 2024. Hiện tại, dự báo này chỉ còn dao động từ 1% đến 1,9% và vào cuối tháng 9, khi cuộc chiến kéo dài gần một năm của Israel tiếp tục leo thang còn xếp hạng tín dụng của nước này một lần nữa bị hạ xuống, Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich, đã phải thừa nhận “nền kinh tế Israel đang chịu gánh nặng của cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử”.
Ngân hàng Trung ương Israel hồi tháng 5 ước tính vào rằng chi phí phát sinh từ cuộc chiến sẽ lên tới 250 tỷ shekel (66 tỷ USD) cho đến cuối năm sau, tương đương với khoảng 12% GDP của đất nước. Nhưng giờ đây, khi Israel đang tham chiến trên nhiều mặt trận: phát động một cuộc tấn công trên bộ chống lại Hezbollah ở Lebanon, thực hiện các cuộc không kích ở Gaza và Beirut đồng thời đe dọa trả đũa cho cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran, gánh nặng kinh tế sẽ còn tăng thêm nữa.
Ông Karnit Flug, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel, nhận định: “Nếu những leo thang gần đây biến thành một cuộc chiến kéo dài và dữ dội hơn, nó sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn cho hoạt động kinh tế và tăng trưởng (ở Israel)”.
Về phần Iran, ngay cả trước khi căng thẳng leo thang với Israel, nước này đã phải chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ: Tình trạng lạm phát cao, thất nghiệp gia tăng và đồng tiền sụp đổ. Ngày nay, người Iran phải trả khoảng 580.000 rial trên thị trường “chợ đen” cho 1 USD, gấp gần 20 lần tỷ giá 32.000 rial đổi 1 USD của thời điểm cách đây 1 thập kỷ.
Xuất khẩu dầu luôn là nguồn thu quan trọng của Iran. Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn xoay xở để bán được dầu ra nước ngoài và kiếm về tới 35 tỷ USD vào năm ngoái. Nhưng một khi chiến sự nổ ra, việc bán dầu sẽ gặp trở ngại cực lớn, và nền kinh tế Iran khó tránh khỏi tổn thương nặng nề. Tiếp tục ăn miếng trả miếng với Israel và biến xung đột hiện tại trở thành cuộc chiến kéo dài, vì thế, cũng là lựa chọn vô cùng nguy hiểm với Tehran.