Không ai có thể đơn độc giành chiến thắng
Kể từ năm 2017, theo đề nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 21/8 hằng năm là Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố (The International Day of Remembrance and Tribute to the Victims of Terrorism).
Năm nay, ngày kỷ niệm thương đau ấy mang chủ đề "Di sản: Tìm kiếm hy vọng và xây dựng một tương lai hòa bình". Nó diễn ra, trong bối cảnh một mệnh đề u ám vẫn liên tục được nhấn mạnh: Ở kỷ nguyên toàn cầu hóa này, không một quốc gia nào có thể tự tin rằng mình hoàn toàn “miễn nhiễm” với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cũng chẳng quốc gia nào đủ khả năng giành chiến thắng trước những thế lực hắc ám và bạo tàn đó, chỉ bằng những nỗ lực đơn độc của riêng mình.
1.Trên trang chủ của Trung tâm Chống khủng bố Liên hợp quốc (UN C o u n t e r - T e r o r r i s m Centre/UNCCT), một thông điệp nhức nhối hằn lên: “Chủ nghĩa khủng bố, dưới mọi hình thức biểu hiện, vẫn là một thách thức toàn cầu, đối với hòa bình và an ninh”. Minh chứng cho mệnh đề ấy, chúng ta có những số liệu thống kê lạnh người.
Theo Báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), năm 2022, số vụ tấn công khủng bố trên thế giới giảm nhưng gây thương vong nhiều hơn, với mức độ sát thương tăng 26%. Năm 2022, trung bình số người thiệt mạng trong một vụ khủng bố là 1,7 người, tăng so với mức 1,3 của năm 2021 và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này tăng, trong vòng 5 năm qua.
Mới ngày 30/7 thôi, một vụ đánh bom đẫm máu xảy ra tại huyện Bajaur, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã làm rung chuyển cả đất nước Pakistan cũng như dư luận thế giới, với 55 người thiệt mạng (bao gồm cả trẻ em). Sau đó, lực lượng khủng bố thuộc chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở tỉnh Kho[1]rasan (gọi là IS-K) đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết này.
Trong thập niên qua, mỗi năm, trung bình có khoảng 21.000 người thiệt mạng bởi những vụ tấn công khủng bố như vậy. Đến nay, hầu như không còn vùng lãnh thổ nào trên hành tinh này, trừ những địa cực lạnh giá hay những nơi thâm sơn cùng cốc vắng dấu chân người, chưa từng trải qua ít nhất một vụ khủng bố.
Tháng 6 vừa qua, chính Việt Nam chúng ta - một trong những quốc gia an ninh, ổn định và yên bình nhất hoàn cầu - cũng đã chứng kiến một vụ tấn công khủng bố man rợ và tàn khốc tại tỉnh Đắk Lắk, tội ác khiến 9 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an, vụ án xảy ra do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.
Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, từ rất lâu rồi, đã là mối hiểm họa xuyên biên giới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nó thậm chí đã hóa thân thành một con quái vật liên lục địa. Từ nước Mỹ - siêu cường số 1 thế giới - qua châu Âu, đến Á, Phi, Mỹ Latin, Úc, nơi đâu, cái bóng đen thoát thai từ hận thù, cuồng tín và cực đoan ấy cũng sẵn sàng “nhe nanh múa vuốt”.
2. Kể từ năm 2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xem xét Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc 2 năm một lần, biến nó thành một tài liệu sống động, phù hợp với các ưu tiên chống khủng bố của các quốc gia thành viên. Việc xem xét Chiến lược là cơ hội để các quốc gia thành viên đổi mới cam kết quốc tế đối với các nỗ lực đa phương nhằm chống khủng bố, đánh giá tiến độ thực hiện Chiến lược trong 2 năm qua, cũng như xác định các lĩnh vực khác cần chú ý trong 2 năm tới.
Năm 2023 này, các quốc gia thành viên đã tiến hành đánh giá lại Chiến lược lần thứ 8 và ngày 22/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua mà không cần biểu quyết Nghị quyết 77/298 về đánh giá lần thứ 8 Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên Hợp Quốc, do đó duy trì sự đồng thuận đằng sau chiến lược.
Trong 4 trụ cột của Chiến lược chống khủng bố toàn cầu mà Liên hợp quốc đưa ra, việc “xác định biện pháp giải quyết các điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố” được đặt lên đầu tiên, sau đó mới đến “xác định các biện pháp phòng, chống chủ nghĩa khủng bố”, “các biện pháp nhằm xây dựng năng lực của các quốc gia để ngăn ngừa và chống lại chủ nghĩa khủng bố, cũng như tăng cường vai trò của hệ thống Liên hợp quốc trong vấn đề này” và “các biện pháp đảm bảo tôn trọng quyền con người cho tất cả mọi người; xem pháp quyền là nền tảng cơ bản của cuộc chiến chống khủng bố”.
Như vậy, nói cách khác, câu hỏi đầu tiên đặt ra là: Đâu là nguyên nhân đích thực nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố, tiếp sức cho nó, để nó có được sức sống dai dẳng như vậy, trong thực tế? Chúng ta biết rằng, sau hơn 2 thập kỷ kể từ khi nước Mỹ chính thức tuyên bố tiến hành “Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, xuất phát từ vụ tấn công vào tòa tháp đôi ở New York - “Trái tim của nước Mỹ” ngày 11/9/2001, hàng loạt “đầu lĩnh” của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã bị tiêu diệt, bao gồm cả Osama Bin Laden của Al-Qaeda hay Abu Musab al-Zarqawi của IS (cũng như 2 kẻ “kế vị” y).
Chúng ta cũng biết rằng, IS đã bị quét sạch khỏi tất cả các đô thị lớn ở Iraq cũng như Syria, sau đà trỗi dậy khủng khiếp suốt 2 năm. Chúng ta cũng biết rằng, hiện tại, IS cùng các nhóm khủng bố quốc tế khác, hầu hết đều không còn được “tiếp máu” bằng những nguồn tài trợ dồi dào, cũng như đã bị đánh bật khỏi hầu hết các phương thức tìm kiếm lợi nhuận (như các mỏ dầu ở Trung Đông).
Thế nhưng, vì sao thứ tư tưởng tàn khốc (luôn đi kèm với phương thức hành động bạo lực nhằm tạo nên sợ hãi) ấy vẫn chưa thể bị tận diệt?
Trên thực tế, chủ nghĩa khủng bố đã và đang biến tướng, liên tục thay đổi cách thức hành động, khiến mục tiêu xây dựng một tương lai hòa bình càng trở nên khó khăn hơn.
Rất đáng chú ý: Những quốc gia nghèo hoặc bất ổn chính trị, theo đánh giá của Liên hợp quốc, chủ yếu là các nước châu Phi, lại chiếm đa số trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chủ nghĩa khủng bố trong năm 2022 như Somalia, Burkina Faso, Nigeria, Mali, Niger... Khu vực Sahel (Tây Phi) là nơi chịu tác động nặng nề nhất, với 43% số ca tử vong vì khủng bố toàn cầu là ở khu vực này, cao hơn 7% so với năm 2021.
Chủ nghĩa khủng bố đã thưa thớt dần ở các nước phương Tây (dù hiểm họa từ những “con sói đơn độc” vẫn luôn chực chờ), nhưng hiện hữu nhiều hơn ở các khu vực khác, đặc biệt là tại những quốc gia có hệ sinh thái nghèo nàn và dễ bị tổn thương bởi các cú sốc, từ biến đổi khí hậu đến bệnh dịch hay chiến tranh.
Xung đột bạo lực vẫn là động cơ chính làm gia tăng khủng bố, khi hơn 88% số vụ tấn công và 98% số ca tử vong vì khủng bố trong năm 2022 là ở các nước đang xảy ra xung đột. Cả 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong năm 2022 đều là những nước có xung đột vũ trang. Tỷ lệ tử vong trong các vụ khủng bố ở những nước có xung đột cũng cao hơn 7 lần, so với tỷ lệ tương ứng ở các nước yên bình.
Như vậy, so với các thời kỳ Al-Qaeda hay IS trỗi dậy trong quá khứ, có lẽ bản chất những nguyên nhân cốt lõi “nuôi nấng” chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn không có gì thay đổi. Đó là tình trạng bất bình đẳng trong xã hội (cũng như giữa các phần của thế giới), là sự xuất hiện của các khoảng trống quyền lực, là tình trạng chia rẽ và kỳ thị tín ngưỡng hay sắc tộc, là những thúc bách từ nghèo đói, uất ức, dẫn đến việc tâm lý hận thù dễ dàng bị châm ngòi và bùng cháy thành những hành vi cực đoan.
3. Liên hợp quốc nhấn mạnh: Không quốc gia nào có thể tự ứng phó với nguy cơ khủng bố. Các tổ chức khủng bố thường khai thác những điểm yếu trong năng lực phòng, chống của mỗi quốc gia, đồng thời cũng có sự liên kết giữa các tổ chức khủng bố khác nhau ở cùng khu vực. Bởi vậy, hợp tác đa phương vẫn là yếu tố cần thiết và tiên quyết để ứng phó hiệu quả với mối đe dọa này. Minh chứng từ thực tế, không gì khác, chính là việc IS bị đánh đuổi và tiêu diệt, buộc phải rút chạy khỏi các vùng đất mà chúng đã chiếm được tại Trung Đông, sau khi cả hai đại cường quân sự Nga và Mỹ cùng dẫn đầu các khối liên quân, tiến hành trấn áp bằng vũ lực.
Liên hợp quốc, do đó, khuyến nghị các nước củng cố các cơ chế hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, luôn theo sát và chia sẻ thông tin về diễn biến tình hình khủng bố tại quốc gia cũng như khu vực, nhằm bảo đảm các biện pháp can thiệp đồng đều và phù hợp với thực tế, phát hiện và ngăn chặn “bóng ma đẫm máu” ấy.
Ở cấp độ quốc gia, mỗi nước cũng cần xây dựng năng lực của các cơ quan chính phủ, các tổ chức ứng phó với khủng bố, sớm cắt đứt các hoạt động tài trợ cho khủng bố, ủng hộ xây dựng và triển khai các quy định luật pháp, chính sách và chiến lược chống khủng bố, đồng thời huy động toàn xã hội cùng tham gia ngăn chặn bạo lực cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, chú trọng đảm bảo an ninh biên giới, an ninh trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, một vấn đề mang tính quyết định, không thể buông lỏng, chính là việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục giới trẻ - nhóm đối tượng rất dễ bị tiếp cận, chiêu mộ, dụ dỗ để bị tiêm nhiễm những tư tưởng khát máu, đặc biệt là ở kỷ nguyên bùng nổ mạng xã hội hiện tại.
Giúp các thế hệ kế cận có được nhận thức đúng đắn, bên cạnh việc duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, nâng cao điều kiện sống, đẩy lùi bất công, thu hẹp các khoảng cách... Đúc rút từ di sản thương đau, đó chính là những phương thức kiến tạo hy vọng cho tương lai.