Khủng hoảng khí đốt chưa buông tha châu Âu
Châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm – trong lúc này vì nhờ có mùa Đông đặc biệt ấm áp, một chiến lược về đa dạng hóa nguồn cung được hoạch định tốt cùng các biện pháp giảm tiêu thụ, lục địa này đã tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng thảm khốc sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Nhưng “bóng ma” của một cuộc khủng hoảng khí đốt trong nay mai vẫn đang đe dọa châu lục này.
Mức dự trữ khí đốt chưa được sử dụng của lục địa này ở mức khoảng 60% - cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình thông thường vào thời điểm này trong năm - và giá khí đốt tiêu chuẩn của châu ÂU trên sàn giao dịch Hà Lan TTF đã giảm hơn 85% so với mức cao nhất vào tháng 8 năm ngoái, từ 340 euro/MWh xuống dưới 50 euro/MWh.
Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ giá cả sẽ thay đổi đáng kể trong những tháng tới, điều này sẽ tác động mạnh đến hóa đơn năng lượng của các công ty và hộ gia đình. Tình trạng thắt chặt tại các thị trường khí đốt châu Âu có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn khi mùa hè đến gần, nhiều khả năng đẩy giá năng lượng trở lại mức 100 euro/MWh hoặc thậm chí cao hơn.
Có thể sử dụng một số phép tính tương đối đơn giản để hiểu được tình hình năng lượng phức tạp của châu Âu. Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của châu Âu chỉ dưới 500 tỷ m3 mỗi năm. Lượng khí đốt dự trữ hiện nay (vốn đang ở mức cao bất thường) cộng với sản xuất trong nước và lượng nhập khẩu hiện tại của cả khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm cả nhập khẩu từ Nga, tổng cộng châu Âu có 440 tỷ m3. Do đó, châu Âu sẽ cần cắt giảm tiêu thụ hoặc tăng nhập khẩu LNG thêm 60 tỷ m3 để lấp đầy khoảng cách cung-cầu.
Thực hiện một chiến lược như vậy không hề dễ dàng. Mặc dù châu Âu đã cố gắng giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống khoảng 430 tỷ m3 trong năm 2022 (thấp hơn 13% so với mức năm 2021), nhưng thời tiết ấm áp bất thường đóng một vai trò quan trọng và có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Tây Ban Nha, do không bị ảnh hưởng lớn vì thiếu khí đốt của Nga, chỉ cắt giảm tiêu thụ ở mức vừa phải, còn Pháp và Italy cắt giảm ít hơn mức trung bình của châu Âu. Ngược lại, Đức và Hà Lan phải cắt giảm nhiều hơn đáng kể, giảm mức tiêu thụ của họ xuống khoảng 20% so với năm 2021.
Giả sử rằng thời tiết trở lại tương đối bình thường vào mùa Đông tới, các chính phủ châu Âu sẽ cần đặt mục tiêu cắt giảm 10% mức tiêu thụ so với mức của năm 2021 để giữ tổng mức tiêu thụ dưới 450 tỷ m3. Việc cắt giảm một phần sẽ đến từ các ngành công nghiệp như hóa chất, kim loại và thủy tinh, những ngành sử dụng nhiều khí tự nhiên. Đồng thời, các công ty và hộ gia đình châu Âu có thể sẽ duy trì các biện pháp tiết kiệm năng lượng khôn ngoan mà họ đã áp dụng và giới hạn tiêu thụ bắt buộc (chẳng hạn như để sưởi ấm khu dân cư) có thể sẽ được giữ nguyên. Nếu vậy, châu Âu có thể cắt giảm tiêu thụ 50 tỷ m3, gần bù đắp được 60 tỷ m3 mà châu Âu bị thiếu hụt.
Châu Âu sẽ cần nhập khẩu thêm LNG từ các nhà cung cấp trên toàn cầu đề bù đắp 10 tỷ m3 còn lại. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản lượng LNG toàn cầu vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 23 tỷ m3. Điều đó có nghĩa là châu Âu sẽ cần phải thâu tóm gần một nửa mức tăng tổng thể này. Và vì châu lục này sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nền kinh tế châu Á đang phục hồi – nhất là Trung Quốc – nên nhu cầu về LNG có thể sẽ đẩy giá TTF lên cao hơn mức hiện tại, có khả năng khiến mức sàn lên tới 80 euro/MWh.
Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn nếu việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên và LNG của Nga bị dừng hoàn toàn, đây vẫn là một khả năng rõ ràng có thể xảy ra. Lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga hiện nay là khoảng 45 tỷ m3 (chỉ bằng 20% so với mức trước chiến tranh). Cùng với 10 tỷ m3 bị thiếu hụt, việc bị mất đi nguồn cung này sẽ khiến châu Âu bị thiếu tới 55 tỷ m3 khí đốt, nhiều hơn gấp đôi so với mức tăng nguồn cung dự kiến của LNG trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ nguồn cung LNG, châu Âu sẽ thiếu khả năng cần thiết để tái hóa khí (đưa LNG về dạng khí). Theo kịch bản cực đoan này, châu Âu sẽ cần xử lý khoảng 190 tỷ m3, nhưng công suất hiện tại của châu lục này chỉ khoảng 157 tỷ. Tất nhiên, nếu mức cắt giảm tiêu thụ thấp hơn 10%, tình trạng thiếu khí đốt sẽ còn nghiêm trọng hơn đáng kể, gây ra áp lực tăng giá mạnh hơn.
Dù vậy, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu không có khả năng vượt quá mức 200 euro/MWh vì 3 lý do (ngoài thực tế là EU áp mức giá trần là 180 euro/MWh). Đầu tiên, giá cao vào năm ngoái một phần là do châu Âu thiếu sự chuẩn bị cho một cú sốc chưa từng có như vậy. So với 1 năm trước, châu Âu đang ở vị thế mạnh mẽ hơn nhiều để đối phó với tình trạng thiếu khí đốt. Thứ hai, việc mua chung khí đốt tự nhiên ở cấp độ EU sẽ giúp kiểm soát giá cả, nhờ sức mạnh đàm phán to lớn của khối với tư cách là thị trường chung lớn nhất thế giới. Thứ ba, EU đang trong quá trình đưa ra chuẩn giá riêng cho các hợp đồng LNG. Hiện tại, giá LNG ở châu Âu được cố định theo giá TTF, giá này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự gián đoạn dòng khí đốt tự nhiên “chảy” đến lục địa này.
Mặc dù vai trò của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu đã giảm đáng kể, nhưng nguồn khí đốt của Nga vẫn rất cần thiết để cân bằng cung-cầu tại thị trường châu Âu cho đến khi EU củng cố được khả năng tái hóa khí hoặc cho đến khi các nguồn năng lượng thay thế được đưa vào hoạt động. LNG chắc chắn đã trở nên quan trọng hơn trong cơ cấu năng lượng của châu Âu so với vài năm trước, nhưng LNG chỉ giúp bù đắp được phần nào nguồn cung khí đốt bị thiếu hụt của EU. Việc cắt giảm tiêu thụ và các cơ chế đoàn kết của EU sẽ vẫn cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông tới.