Khủng hoảng lương thực toàn cầu nhìn từ Biển Đen

Thứ Năm, 07/07/2022, 21:06

Biển Đen vốn là một trung tâm an ninh lương thực toàn cầu khi giữ vai trò là cửa ngõ xuất khẩu các sản phẩm ngũ cốc và dầu ăn. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến điểm trung chuyển này trở thành một “điểm nghẽn” đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu, đặc biệt tại Trung Đông và Bắc Phi.

Trong tháng 6, các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian với Nga về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc đã bị đình trệ, bỏ lỡ cơ hội để xoa dịu cuộc khủng hoảng hàng hóa và ngăn chặn nạn đói cũng như tình trạng bất ổn khu vực. Nếu Moscow và Kiev tiếp tục không đạt được thỏa thuận trong việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, hoạt động xuất khẩu lương thực sẽ càng trở nên khẩn cấp.

Cửa ngõ Biển Đen

Trước khi xung đột xảy ra, 90% hàng hóa xuất khẩu của Ukraine đi qua Biển Đen. Kể từ tháng 2 đến nay, các cần cẩu bốc dỡ hàng hóa của cảng đã ngừng hoạt động, khi hạm đội Biển Đen của Nga phong tỏa cảng biển này.

Trọng tâm để giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ là một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Mặc dù 80% diện tích đất canh tác của Ukraine vẫn nằm trong tầm kiểm soát của quốc gia này, nhưng Nga đang kiểm soát phần lớn đường bờ biển của quốc gia láng giềng. Các bãi mìn do Nga và Ukraine rải ở Biển Đen đã chặn đứng việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục.

Khủng hoảng lương thực toàn cầu nhìn từ Biển Đen -0
Xung đột Nga – Ukraine khiến ngũ cốc của Ukraine không thể xuất khẩu.

Phương án vận chuyển thay thế vẫn có các sà lan trên sông Danube và các tuyến đường bộ có thể là giải pháp tạm thời cho xuất khẩu của Ukraine. Không có đường ra biển, Ukraine đang tập trung vào các tuyến đường thay thế để đạt mục tiêu 2 triệu tấn xuất khẩu mỗi tháng. Ukraine kỳ vọng có thể vận chuyển 700.000 - 750.000 tấn từ hai cảng nhỏ trên sông Danube đến Romania mỗi tháng, từ đó sẽ vận chuyển đến Bắc Phi và châu Á. Phần còn lại sẽ đi bằng đường bộ và đường sắt đến châu Âu.

Tuy nhiên, các phương án này khó khăn và lượng hàng hóa vận chuyển được ít và chậm hơn rất nhiều so với nhu cầu. Trong 22 ngày đầu tháng 5, chỉ có 28.000 tấn ngũ cốc được xuất khẩu bằng đường bộ từ Ukraine. Tại biên giới đất liền, có những hàng ô tô dài tới 16 dặm đang chờ đợi do thủ tục nhập khẩu phức tạp của Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, đường sắt vẫn là phương án phức tạp và tốn kém. Một nguyên do là các chuyến tàu của Ukraine sẽ phải dừng lại ở biên giới vì khổ đường sắt từ thời Liên Xô rộng hơn 9 cm so với đường ray ở các nước láng giềng châu Âu. Sau đó, việc phải chuyển ngũ cốc sang các tàu khác cũng tốn kém cả thời gian và giới hạn cả khối lượng có thể vận chuyển. Thời gian xếp hàng tại cửa khẩu để đổi toa hàng là 16 ngày song có thể lên đến 30 ngày.

Nga đã đồng ý về một “hành lang” vận tải cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, với đề nghị rút lực lượng hải quân của nước này để cho phép những chuyến hàng khởi hành từ Odessa và Mariupol, đổi lại việc đình chỉ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua trước khi Kiev có thể đồng ý với đề xuất này.

Cả Nga và Ukraine đang đổ trách nhiệm cho nhau trong việc rải mìn dẫn đến hậu quả việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ. Kiev cáo buộc Nga đặt mìn hải quân thời Liên Xô ở biển Azov và Biển Đen nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển và cung cấp lương thực ra toàn cầu. Nga đổ lỗi cho Kiev về các bãi mìn xung quanh cảng Odessa.

Một cuộc khủng hoảng toàn cầu

Trước đây, Ukraine từng vận chuyển hơn 50% lượng ngũ cốc xuất khẩu từ cảng Biển Đen ở thành phố Odessa. Thế bế tắc đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), 20 triệu tấn ngũ cốc dự kiến cung cấp cho thị trường toàn cầu đang bị mắc kẹt ở Ukraine, một lượng lớn ngũ cốc vốn có thể giúp giảm áp lực của thị trường lương thực toàn cầu nếu chúng được xuất khẩu.

Chính phủ Ukraine ước tính khoảng 22 triệu tấn thực phẩm, bao gồm lúa mỳ, ngô, lúa mạch và hạt hướng dương vẫn bị mắc kẹt tại các cảng biển. Các kho chứa cũng đã sử dụng hết công suất. Tình trạng tắc nghẽn này tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng và đẩy giá hàng hóa leo thang chóng mặt trên khắp thế giới. Đầu tháng 6, Cộng hòa Chad đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực khi kho dự trữ ngũ cốc của nước này cạn kiệt. Trong khi đó, tại Ai Cập, 300.000 tấn ngũ cốc đã thanh toán tiền vẫn chưa được giao hàng, gây áp lực lớn lên quốc gia này. Được biết, Ai Cập đang phải trợ cấp 270 triệu chiếc bánh mỳ mỗi ngày cho người dân nghèo.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc  Antonio Guterres đã tuyên bố rằng có tới 1,6 tỷ người sẽ bị ảnh hưởng trên toàn cầu do cuộc khủng hoảng lương thực. Ông cảnh báo chiến tranh có nguy cơ tạo ra một làn sóng đói kém và nghèo khổ chưa từng có, châm ngòi kéo theo bất ổn về kinh tế và xã hội. Theo báo cáo do Tổ chức Oxfam công bố trong tháng 5, cứ 48 giây khu vực Đông Phi lại có 1 người có nguy cơ chết vì nạn đói kéo dài. Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lúa mỳ toàn cầu ngày càng trở nên cấp bách, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đàm phán để mở ra hành lang an toàn cho lượng ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng ở Biển Đen, song chưa thu được kết quả nào khi Ukraine và Nga không đạt được thỏa thuận. Ngày 22-6, Bộ Quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng xác nhận Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán về việc lập tuyến đường biển an toàn trên Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Moscow muốn phương Tây dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này. Trong khi đó, Kiev muốn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho các bến cảng của mình thì mới đồng ý với kế hoạch do UN kêu gọi. Ukraine cũng khẳng định mọi sự thỏa thuận phải có sự tham gia và chấp thuận của họ.

Giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ cần đến một nỗ lực đa phương và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nếu tình hình xuất khẩu ngũ cốc tiếp tục bị gián đoạn, ngũ cốc của vụ thu hoạch năm ngoái tại Ukraine sẽ bị hỏng và vụ mùa năm nay sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Kéo theo đó sẽ là tác động không thể tính toán tới thị trường ngũ cốc toàn cầu cũng như cuộc sống người dân nhiều nước.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.