Khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày một nặng nề

Thứ Hai, 12/05/2025, 08:45

Ngày 5/5/2025, Nội các An ninh Israel đã phê duyệt kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự nhằm chiếm đóng toàn bộ dải Gaza và duy trì sự hiện diện lâu dài tại các khu vực chiếm đóng. Động thái này diễn ra sau khi các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ làm trung gian thất bại vào tháng 3.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã huy động hàng chục nghìn quân dự bị và cam kết tăng cường các hoạt động nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas. Hiện tại, Israel đang kiểm soát khoảng 1/3 dải Gaza và đã áp đặt lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo, khiến tình hình nhân đạo tại khu vực trở nên nghiêm trọng.

“Cỗ chiến xa của Gideon”

Kế hoạch quân sự mang tên “Gideon’s Chariot”, tạm dịch là “Cỗ chiến xa của Gideon” không chỉ là một bước leo thang quân sự mà còn phản ánh sự chuyển dịch sâu sắc trong tư duy an ninh quốc gia của Israel, từ phản ứng tạm thời sang kiểm soát ổn định và lâu dài trong giai đoạn hậu xung đột.

l-c lu-ng israel du-c tri-n khai t-i khu v-c g-n biên gi-i israel và d-i gaza ngày 3-4.jpg -0
Lính Israel triển khai tại khu vực gần biên giới và dải Gaza.

Theo các tài liệu quân sự bị rò rỉ và phân tích trên kênh Kan 11 News, mục tiêu trung tâm của “Gideon’s Chariot” là phá hủy toàn bộ hệ thống hạ tầng quân sự, mạng lưới chỉ huy, tiếp vận và năng lực tái tổ chức vũ trang của Hamas. Nhưng điểm then chốt lại nằm ở việc tái cấu trúc kiểm soát lãnh thổ thông qua hệ thống các “vùng lõi an ninh” trải dài từ Rafah, Khan Younis đến dọc hành lang biên giới giáp Ai Cập. Đây là những khu vực có ý nghĩa chiến lược cả về mặt quân sự lẫn kiểm soát nguồn lực nhân đạo, nơi Israel sẽ duy trì sự hiện diện thường trực của lực lượng vũ trang, nhưng dưới dạng phân tán, cơ động và linh hoạt, thay vì chiếm đóng quy mô lớn như trong quá khứ.

Nổi bật trong cấu trúc mới này là sự ra đời của các “đơn vị kiểm soát vùng xám” (Grey Zone Control Units) - lực lượng liên ngành gồm quân đội, tình báo quân sự (Aman), cảnh sát biên phòng và các chuyên gia chiến tranh đô thị. Các đơn vị này sẽ triển khai hoạt động trong những khu vực bán quân sự hóa, nơi chưa hoàn toàn ổn định nhưng đã bị tước quyền kiểm soát bởi Hamas. Việc sử dụng chiến thuật kiểm soát mềm này được thiết kế nhằm tránh rơi vào thế sa lầy từng khiến Israel tổn thất nặng nề trong các cuộc chiến ở miền Nam Lebanon (1982 - 2000) và Bờ Tây những năm đầu 2000.

Trong phát biểu ngày 6/5 trên truyền hình quốc gia, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ nhắm tới năng lực vũ trang, mà còn là ý chí kháng cự. Đây là một chiến dịch không giới hạn thời gian, nhằm làm tê liệt khả năng phục hồi của Hamas trong nhiều thập kỷ”. Nhận định này cho thấy rõ định hướng dài hạn của Tel Aviv: kết hợp sức mạnh quân sự, thao túng tâm lý dân cư và kiểm soát nhân đạo để tạo ra một thực thể Gaza hậu xung đột - Israel không cần hiện diện ồ ạt nhưng vẫn duy trì được kiểm soát toàn diện.

Quân sự hóa viện trợ nhân đạo

Một điểm đặc biệt gây tranh cãi trong kế hoạch “Gideon’s Chariot” là việc Israel dự định thiết lập cơ chế kiểm soát viện trợ nhân đạo theo mô hình quân sự. Theo The Times of Israel, chính phủ Israel đang xúc tiến thành lập một cơ quan dân sự - quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng để điều phối mọi hoạt động viện trợ tại Gaza, hoạt động độc lập với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý, cơ quan này sẽ hợp tác cùng các tập đoàn tư nhân của Mỹ nhằm vận hành chuỗi cung ứng lương thực, y tế và nước sạch. Giới phân tích nhận định, đây không đơn thuần là biện pháp hậu cần mà còn là một phần trong chiến lược “kiểm soát xã hội hậu xung đột”, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Hamas trong đời sống dân sự Gaza.

Truyền thông Israel cho biết tình báo quân sự nước này đã lập danh sách gần 200 cá nhân là trưởng khu dân cư, thủ lĩnh bộ lạc và quan chức hành chính địa phương tại Gaza để làm hạt nhân phân phối cứu trợ, đồng thời từng bước thiết lập cấu trúc quản lý thay thế cho hệ thống dân sự từng do Hamas kiểm soát.

Cùng với đó, IDF cũng đang triển khai các hoạt động chiến tranh tâm lý và thông tin chiến lược thông qua tờ rơi, video và tin nhắn trên các nền tảng số, nhằm khuyến khích người dân rời bỏ các vùng chiến sự và hợp tác với các lực lượng kiểm soát. Hình thức vận động tâm lý này từng được Israel sử dụng trong chiến dịch Cast Lead (2008). Song, lần này được đánh giá là có quy mô và độ tinh vi vượt trội.

Kế hoạch “Gideon’s Chariot” đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân đạo đã lên án kế hoạch này, cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Các quốc gia như Ai Cập, Vương quốc Hashemite Jordan, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về hậu quả của kế hoạch đối với dân thường Palestine và sự ổn định của khu vực.

Việc Israel triển khai kế hoạch “Gideon’s Chariot” không chỉ làm gia tăng căng thẳng tại Dải Gaza mà còn có nguy cơ lan rộng xung đột ra toàn khu vực Trung Đông. Các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen có thể lợi dụng tình hình để gia tăng các hoạt động chống lại Israel, đẩy khu vực vào vòng xoáy bạo lực mới. Đồng thời, việc kiểm soát viện trợ nhân đạo thông qua các cơ chế do Israel thiết lập có thể làm suy yếu vai trò của các tổ chức quốc tế, gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm nỗ lực hòa giải trong khu vực.

Hằng Trần
.
.