Khủng hoảng rác thải y tế hậu đại dịch
Sự xuất hiện thêm hàng chục nghìn tấn rác thải y tế, một hệ quả của nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, đang làm gia tăng sức ép lên các hệ thống quản lý toàn cầu để tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng rác thải y tế.
Lượng rác thải khổng lồ
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 87.000 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân, vật tư để xét nghiệm và tiêm chủng COVID-19 đã được phân phối cho các quốc gia từ tháng 3-2020 đến tháng 11-2021 thông qua một sáng kiến khẩn cấp của Liên Hợp quốc. Dù vậy, hầu hết thiết bị, vật tư này sau đó sẽ trở thành rác thải.
Phân tích cho thấy, hơn 140 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm, có thể tạo ra 2.600 tấn rác thải không lây nhiễm, chủ yếu là nhựa và 731.000 lít chất thải hóa học, đã được đã vận chuyển đến các nước. Ngoài ra, việc tiêm hơn 8 tỉ liều vaccine COVID-19 trên toàn cầu đã tạo ra 143 tấn rác thải dưới dạng ống tiêm, kim tiêm và hộp đựng. Báo cáo cho biết, một số chất thải có thể khiến nhiều người bị kim tiêm đâm trúng hoặc phơi nhiễm với mầm bệnh.
Đáng lo ngại, WHO cho biết những con số trên chỉ là bề nổi của vấn đề, do báo cáo của WHO chỉ xem xét số vật dụng y tế do Liên Hợp quốc phân phối chứ không tính đến mặt hàng các nước mua thêm, cũng như không bao gồm các loại rác thải y tế từ cộng đồng, chẳng hạn như khẩu trang dùng một lần.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính có thêm 280 tấn rác thải y tế được thải ra mỗi ngày ở thủ đô Manila của Philippines. Con số này tại thủ đô Jakarta của Indonesia là 212 tấn. Đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy nhu cầu bao bì nhựa cũng như gia tăng sản xuất các mặt hàng dùng một lần như khẩu trang, găng tay và các bộ kit xét nghiệm, trong đó nhựa là thành phần chính.
Các tuyến đường thủy của khu vực, cả nội địa và ngoài biển, có khả năng bị ảnh hưởng đáng kể bởi làn sóng rác thải phát sinh từ đại dịch. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Nam Á tạo ra khoảng 300 triệu tấn chất thải rắn hằng năm, 70-80% trong số đó bị đổ vào các đường thủy trên đất liền hoặc ngoài đại dương. Khoảng 12% trong con số này là nhựa. Điều này có nghĩa là khoảng 27 triệu tấn nhựa, phần lớn thuộc loại không phân hủy được, đang bị đổ vào các con sông và đại dương mỗi năm riêng ở Nam Á.
WHO đánh giá, hiện nay 30% các cơ sở chăm sóc sức khỏe (ở các nước kém phát triển nhất là 60%) không được trang bị để xử lý lượng rác thải y tế hiện có, chưa nói đến rác thải bổ sung, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân viên y tế và cộng đồng. Tại không ít quốc gia, rác thải y tế thậm chí bị đổ ra các bãi rác thông thường hoặc bị vứt bỏ bừa bãi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự bùng phát COVID-19 đang bộc lộ các vấn đề tồn tại xung quanh việc quản lý chất thải, ô nhiễm môi trường biển và đường thủy cũng như quản lý rác nhập khẩu, với lưu ý rằng sự lây lan của đại dịch trên toàn thế giới có “liên quan đến nhiều thách thức khác mà các quốc gia phải đối mặt”.
Theo tiến sĩ Anne Woolridge, Chủ tịch của Health CareWasteWorking Group, ngày càng có nhiều đánh giá cho thấy các khoản đầu tư cho y tế phải xem xét các tác động về môi trường và khí hậu. Trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tại nhiều nước trên thế giới, Tổng Giám đốc WHO đã kêu gọi tất cả các quốc gia nên tiếp tục bảo vệ người dân bằng cách sử dụng mọi công cụ phòng ngừa. Điều này cho thấy tình hình rác thải y tế vẫn sẽ tiếp tục phức tạp trong thời gian tới.
Đông Nam Á và nỗi lo “bãi rác” thế giới
Kể từ khi Trung Quốc đóng cửa với rác nhập khẩu vào năm 2021, các quốc gia xuất khẩu rác thải lớn trên thế giới - châu Âu, Anh, Mỹ và Australia - phải loay hoay tìm điểm đến thay thế, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á.
Abi Aguilar, nhà vận động khu vực Đông Nam Á thuộc Greenpeace, cho biết sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều rác thải nhựa sẽ lại tìm đường đến khu vực này và “các nước phát triển lợi dụng các chính sách quản lý rác thải không nhất quán ở các nước Đông Nam Á để thúc đẩy xuất khẩu rác thải nhựa của họ”.
Những thách thức trong việc xử lý và giám sát thặng dư rác thải nhựa ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp trong buôn bán và xử lý rác thải, theo báo cáo về quản lý rác thải nhựa toàn cầu do Interpol công bố vào tháng 8-2020. “Khi các quốc gia nhập khẩu rác thải trên thế giới đưa ra luật mới hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa, Interpol ước tính rất có thể hoạt động buôn bán rác thải nhựa sẽ tiếp tục thích ứng và chuyển hướng sang các nước mới”, báo cáo cho biết thêm những điểm tiếp nhận rác mới sẽ có thể là các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Aguilar thừa nhận rằng các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để không trở thành bãi rác của thế giới, nhưng các biện pháp này có lẽ không hiệu quả hoặc đủ để giải quyết vấn đề. Một số quốc gia Đông Nam Á đã có các thỏa thuận thương mại lớn để tiếp nhận rác thải từ các quốc gia khác và hiện đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề này.
Đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á thiếu các trang thiết bị để xử lý sự gia tăng đột biến chất thải liên quan đến các đợt bùng phát đại dịch ở trong nước, chưa kể đến dòng rác thải từ nước ngoài. Sự gia tăng chất thải do đại dịch gây ra và nỗi ám ảnh phải xuất khẩu rác thải của các quốc gia giàu có làm trầm trọng thêm tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay.
COVID-19 thường được mô tả là một cú sốc đột ngột với nhân loại. Và, giải quyết vấn đề rác thải nhựa - một bài toán cũ nay lại càng khó hơn trong bối cảnh cam go này. Sẽ rất đáng lo, nếu phong trào chống rác thải nhựa chững lại thì tác hại đối với môi trường sẽ rất lớn.