“Khủng hoảng y tế” Hàn Quốc chưa tìm được lối thoát

Thứ Hai, 04/03/2024, 16:48

Các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú tại một số bệnh viện lớn tại Hàn Quốc đã đồng loạt nộp đơn thôi việc nhằm phản đối kế hoạch mở rộng tuyển sinh trường y của chính phủ nước này. Điều này dẫn đến việc lịch trình của các ca phẫu thuật, khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở đang phải sắp xếp lại, lịch phẫu thuật tại nhiều bệnh viện phải điều chỉnh giảm còn 50% so với thông thường.

Mặc dù chính phủ Hàn Quốc và các bệnh viện lớn đang xây dựng các biện pháp đối phó khẩn cấp để giải quyết vấn đề bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điều trị y tế song dường như ánh sáng vẫn chưa lóe lên ở cuối đường hầm.

“Khủng hoảng y tế” Hàn Quốc  chưa tìm được lối thoát -0
Các bác sĩ tham gia đình công phản đối kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa tại quận Yongsan thủ đô Seoul.

Tính đến ngày 26/2/2024, Hàn Quốc ghi nhận có tổng cộng 9.909 bác sĩ nội trú (tương đương 80,6%) tại 99 bệnh viện trên toàn quốc đã nộp đơn từ chức (nhưng đều không được chấp thuận), trong đó có 8.939 bác sĩ (chiếm 72,7%) rời khỏi nơi làm việc. Mặt khác, quy mô xin thôi học tập thể của sinh viên y khoa tại các trường đại học cũng đang tiếp tục mở rộng. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, tính đến 18 giờ ngày 21/2/2024, tổng số 11.778 sinh viên y khoa đã nộp đơn xin thôi học (chiếm 62,7%).

Ở Hàn Quốc, bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú là những người được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn và đã tốt nghiệp trường y. Trong đó, thực tập sinh là người đã có giấy phép hành nghề y và được phân công đến một bệnh viện đào tạo nhất định để đào tạo các kỹ năng lâm sàng. Bác sĩ nội trú là người đã hoàn thành khóa thực tập (trong trường hợp là bác sĩ đa khoa, người đã có giấy phép hành nghề y tế) hoặc người được Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi công nhận tương đương, được phân công vào một khóa đào tạo nhất định tại bệnh viện hoặc cơ sở đào tạo và đào tạo một chuyên ngành.

Bác sĩ thực tập sinh và bác sĩ nội trú được coi là nguồn nhân lực cốt lõi của các bệnh viện trong chẩn đoán và điều trị, hiện có hơn 13.000 thực tập sinh và bác sĩ nội trú tại Hàn Quốc. Trong đó, 5 bệnh viện lớn ở Hàn Quốc có tổng số 2.745 bác sĩ thực tập và nội trú, chiếm 39% tổng số bác sĩ của các bệnh viện ở quốc gia này. Thực tập sinh và bác sĩ nội trú hỗ trợ giáo sư (bác sĩ chuyên ngành) chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật trong bệnh viện, tham gia các vòng kiểm tra của khu để quản lý tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong từng khu và chịu trách nhiệm trực ban đêm và các nhiệm vụ khác.

Sự thiếu hụt nhân lực tại các cơ sở y tế ở Hàn Quốc đã dẫn đến việc sụt giảm tỷ lệ số ca phẫu thuật cũng như chẩn đoán và điều trị, trong đó lịch phẫu thuật của các bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul ghi nhận mức giảm từ 30% đến 50%.

Tình trạng hỗn loạn tương tự ở Hàn Quốc đã xảy ra vào đầu năm 2020 khi Tổng thống khi đó là ông Moon Jae-in thúc đẩy tăng số lượng bác sĩ thực tập sinh thêm 400 người/năm để đạt công suất tuyển sinh 4.000 sinh viên/năm. Các bác sĩ phản đối quyết định của chính phủ bởi cho rằng chỉ tăng số lượng sinh viên ngành y sẽ không giải quyết được sự chênh lệch trong khu vực và các vấn đề khác nhau liên quan đến chi phí y tế thấp và tình trạng thiếu bác sĩ.

Theo truyền thông Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng y tế hiện tại và những tranh cãi xung quanh việc tăng chỉ tiêu đầu vào sinh viên y khoa giữa chính phủ và Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) đang đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người dân ở Xứ sở Kim Chi.

Tờ nhật báo "The Hankyoreh" nhận định rằng, với nỗ lực ngăn chặn việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường y trên toàn quốc, KMA đang gián tiếp gây ra một “thảm họa chăm sóc sức khỏe” cho người dân ở Xứ sở Kim Chi. Việc sử dụng nỗi đau của bệnh nhân làm công cụ bảo vệ đặc quyền của các bác sĩ là một bước đi thái quá. Hành động tập thể “ích kỷ’ này sẽ không nhận được sự ủng hộ của công chúng bởi phần lớn người dân Hàn Quốc lại mong muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y.

Hai tờ nhật báo lớn khác của Hàn Quốc là "The Korea Times" và "JoongAng Daily" thì cho rằng hành vi từ bỏ hạnh phúc của người dân vì lợi ích riêng của giới bác sĩ cần phải chấm dứt mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. So với các quốc gia công nghiệp phương Tây, cải cách y tế của Hàn Quốc đang có rất ít tiến bộ.

Tình trạng quá tải trong thời gian dài đối với thực tập sinh và nội trú được coi là một vấn đề cơ cấu mãn tính trong các bệnh viện ở Hàn Quốc. Theo đó, ý kiến của các bác sĩ và Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc kêu gọi cải thiện môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ ngày càng lớn hơn bao giờ hết. Kết quả khảo sát tình hình hiện tại do Hiệp hội bác sĩ thực tập Hàn Quốc công bố vào tháng 1/2023 cho thấy thời gian làm việc trung bình hàng tuần của bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú là 77,7 giờ; 52% bác sĩ thực tập và nội trú làm việc trung bình hơn 80 giờ/tuần.

Để giảm thiểu tác động của việc các bác sĩ đình công tập thể đối với việc điều trị y tế thông thường của bệnh nhân, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã chủ trì một cuộc họp vào ngày 19/2/2024 và tuyên bố kích hoạt cơ chế y tế khẩn cấp tại các cơ sở y tế công cộng, hệ thống chẩn đoán và điều trị từ xa đối với tất cả các dịch vụ y tế sẽ cũng sẽ được cho phép trong thời gian bác sĩ đình công.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch kích hoạt “Dịch vụ ngoại trú 24 giờ” tại 409 cơ sở y tế cấp cứu trên cả nước, ưu tiên cho các ca phẫu thuật cấp cứu và nguy kịch cho bệnh nhân cũng như duy trì hệ thống chẩn đoán và điều trị cần thiết. Bên cạnh đó, bộ chủ quản cũng quyết định kéo dài thời gian khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công cộng, mở cửa sớm 4 “Phòng Giám sát tình hình y tế khẩn cấp khu vực” (đặt ở 4 khu vực lớn trên toàn quốc) vào ngày 4/3 tới để có thể kịp thời điều phối việc chuyển viện và điều chuyển bệnh nhân cấp cứu.

Phan Anh
.
.