Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông…

Thứ Bảy, 22/10/2022, 10:00

Bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn... là những nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT). Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ TNGT vào ban đêm do nguyên nhân yếu tố hạ tầng, tổ chức giao thông như: Vụ một chiếc ô tô lao xuống biển khiến 4 người tử vong ở Quảng Ninh, hay vụ xe khách đấu đầu xe tải tại Bình Thuận khiến 8 người chết...

Nhằm khắc phục, hạn chế không để xảy ra TNGT, từ ngày 15/11/2021 đến ngày 30/9/2022, lực lượng CSGT đã khảo sát, phát hiện, kiến nghị ngành giao thông - vận tải và các đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục trên 6 nghìn điểm bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn trên các tuyến giao thông. Tuy nhiên, việc khắc phục vẫn còn hạn chế...

Có rất nhiều bất cập về tổ chức giao thông

Là lái xe chuyên vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc, anh Hoàng Văn Hải cho hay, tình trạng cắm biển báo, biển hướng dẫn giao thông một cách tùy tiện xảy ra ở nhiều tuyến đường, biển hướng dẫn giao thông, cái này che lấp cái kia khá phổ biến. Cùng đó, tình trạng những biển phụ được gắn kèm biển báo rất nhiều khiến người tham gia giao thông bị rơi vào “ma trận”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều đơn vị quản lý đường chưa duy trì điều kiện an toàn của tuyến đường theo quy định. Chẳng hạn, việc bắt buộc thẩm tra ATGT đối với các tuyến đường trước khi đưa vào khai thác, nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -0
Phòng kiểm soát trung tâm tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

“Công tác thẩm tra ATGT cần được đặc biệt coi trọng ngay cả đối với các tuyến quốc lộ đang khai thác. Cùng đó, cần có giải pháp kịp thời ngăn chặn các yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ mất ATGT”, ông Quyền nói.

Ngay tại Hà Nội, việc tổ chức giao thông cũng rất nhiều bất cập gây ùm tắc giao thông, thậm chí là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ tai nạn. Điển hình như công tác tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT cho biết, việc tổ chức giao thông trên Cầu Thanh Trì rất bất cập, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT đã kiến nghị rất nhiều lần, mãi đến năm 2021, ngành giao thông mới giảm tốc độ cho phép từ 80km/h xuống còn 60km/h. Đặc biệt, gần đây, sau khi CSGT thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3 thì Sở Giao thông - Vận tải mới tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì, thu hẹp dải phân cách mềm, mở rộng làn đường cho xe ô tô, đáp ứng đủ 3 làn xe ô tô và 1 làn xe mô tô. Việc này đã giúp giảm ùn tắc rõ rệt, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Cũng bức xúc về tổ chức giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, tình hình tai nạn, sự cố cũng được đánh giá là nghiêm trọng với trung bình khoảng 6 vụ tai nạn, sự cố xe cộ xảy ra mỗi ngày trên tuyến đường này, trong khi đó, hệ thống biển báo chưa đồng bộ, đặc biệt là đoạn từ cầu cạn Pháp Vân đến cầu Thanh Trì không đảm bảo.

“Việc bố trí xe cẩu kéo để giải phóng phương tiện chết máy hoặc TNGT trên cầu Thanh Trì gặp nhiều khó khăn do phương tiện cẩu kéo không có đường lên cầu” - Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho biết.

Mới khắc phục được hơn 22%

Theo Cục CSGT, trên đường bộ, lực lượng CSGT đã khảo sát, phát hiện, kiến nghị ngành giao thông - vận tải và các đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục 5.787 điểm bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, cụ thể như sau: Tình trạng mặt đường: 482 kiến nghị, vạch kẻ đường: 845 kiến nghị, biển báo: 2.678 kiến nghị, hộ lan: 86 kiến nghị, gờ giảm tốc: 295 kiến nghị, đèn tín hiệu: 191 kiến nghị, dải phân cách: 142 kiến nghị, đảo giao thông: 36 kiến nghị, kiến nghị khác: 1.032 kiến nghị (vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cống thoát nước;...).

Số kiến nghị ngành giao thông - vận tải đã khắc phục là 1.308 chiếm 22,6%. Trong đó: Mặt đường: 185 kiến nghị, vạch sơn: 204 kiến nghị, biển báo: 496 kiến nghị, hộ lan: 26 kiến nghị, gờ giảm tốc: 109 kiến nghị, đèn tín hiệu: 29 kiến nghị, dải phân cách: 67 kiến nghị, đảo giao thông: 12 kiến nghị, kiến nghị khác: 180 kiến nghị. Số kiến nghị ngành giao thông - vận tải chưa khắc phục là 4.479 chiếm 77,4%. Trong đó: Mặt đường: 397 kiến nghị, vạch sơn: 641 kiến nghị, biển báo: 2.182 kiến nghị, hộ lan: 60 kiến nghị, gờ giảm tốc: 186 kiến nghị, đèn tín hiệu: 162 kiến nghị, dải phân cách: 75 kiến nghị, đảo giao thông: 24 kiến nghị, kiến nghị khác: 752 kiến nghị. Cá biệt có 582 kiến nghị chưa được khắc phục là điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, trong đó có 201 kiến nghị là điểm đen, 561 kiến nghị là điểm tiềm ẩn về TNGT.

Riêng trên 8 tuyến đường cao tốc lực lượng CSGT thuộc Cục thông qua công tác nghiệp vụ đã khảo sát, phát hiện, kiến nghị khắc phục 61 nội dung liên quan đến các bất cập về tổ chức giao thông trên 8 tuyến cao tốc, bao gồm: Tình trạng mặt đường: 12 kiến nghị, vạch kẻ đường: 3 kiến nghị, biển báo hiệu: 16 kiến nghị, hộ lan: 7 kiến nghị...

Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -0
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra phát hiện vi phạm tại tuyến đường vành đai 3 trên cao Hà Nội.

Trên đường sắt, lực lượng CSGT thuộc Cục và công an các địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, phát hiện và kiến nghị khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông như: Tiếp tục bố trí người cảnh giới tại 370 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ cần bố trí người cảnh giới; xây dựng 4.205m đường gom, hàng rào ngăn cách cắt giữa đường sắt với đường bộ; xây dựng gờ, gờ giảm tốc tại 59 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; lắp đặt bổ sung các biển báo hiệu tại các đường ngang qua đường sắt; Rào kín, xóa bỏ 190 lối đi tự mở qua đường sắt; rào thu hẹp chiều rộng 2 lối đi tự mở qua đường sắt.

Trên đường thủy nội địa, Bộ Giao thông - Vận tải đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, đối chiếu với quy định tại thông tư về xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, đến nay trên các tuyến đường thủy nội địa hiện có: 53 điểm đen TNGT: Miền Bắc 25 điểm, miền Trung 12 điểm, miền Nam 16 điểm...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, qua công tác theo dõi, kiến nghị các bất cập về tổ chức giao thông của lực lượng CSGT trong thời gian qua còn gặp những khó khăn như một số địa phương chưa quan tâm sát sao, nhất là những bất cập đã kiến nghị nhưng chưa được khắc phục là nguyên nhân gây ra những vụ TNGT và ùn tắc giao thông. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các bất cập về tổ chức giao thông còn rời rạc, thiếu thống nhất nên tiến độ giải quyết khắc phục bất cập về tổ chức giao thông còn chậm, chưa đạt hiệu quả. Việc sửa chữa, khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông được kiến nghị, nhất là nơi cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, hư hỏng trên các tuyến đường còn rất chậm, một số điểm khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng kiến nghị nhiều lần mới được sửa chữa. Nguyên nhân việc chậm khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông của ngành giao thông - vận tải và các đơn vị, cơ quan liên quan do nguồn kinh phí để thực hiện việc khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông thường tương đối lớn, trải qua nhiều thủ tục xét duyệt nên còn chậm trễ, chưa được quan tâm đúng mức.

“Đối với các tuyến đường bộ, cao tốc xây dựng theo hình thức BOT, Bộ Giao thông - Vận tải chưa có cơ chế hợp lý để các đơn vị của BOT chịu trách nhiệm tiến hành khắc phục, sửa chữa các bất cập về tổ chức giao thông. Chưa xử lý được các trường hợp tập thể, cá nhân vi phạm không khắc phục kịp thời các bất cập về tổ chức giao thông để xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông; chưa có quy định, chế tài bắt buộc thực hiện việc khắc phục bất cập về tổ chức giao thông khi được kiến nghị” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã yêu cầu các Sở Giao thông - Vận tải, Cục Quản lý đường bộ, ban quản lý dự án, nhà đầu tư BOT rà soát, tăng cường các giải pháp nâng cao ATGT.

“Để kịp thời khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông và ngăn chặn nguy cơ gây tiềm ẩn gây mất ATGT, các đơn vị cần xử lý kịp thời bất cập về tổ chức giao thông, mất ATGT được Ban ATGT, lực lượng CSGT và các phương tiện truyền thông, Hiệp hội Vận tải và lái xe phản ánh”, Tổng cục Đường bộ thông tin.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an: “Tại những điểm đen, bất cập về tổ chức giao thông mà CSGT đã phát hiện, kiến nghị nhiều lần nhưng cơ quan chức năng không khắc phục thì tôi yêu cầu các đơn vị phải mở hồ sơ. Nếu vẫn không khắc phục mà xảy ra TNGT nghiêm trọng hoặc ùn tắc thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu lực lượng CSGT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo rằng cơ quan quản lý, vận hành và khai thác đường bộ phải có trách nhiệm với các phát hiện, kiến nghị về bất cập trong công tác tổ chức giao thông đường bộ...

Minh họa các bất cập về tổ chức giao thông

Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -0
Vạch sơn nét liền phân định làn dừng khẩn cấp bị mờ, không liền mạch hoặc bị trám mặt đường gây mất nét nên không đủ căn cứ pháp lý để tuyên truyền và xử phạt lỗi vi phạm “Điều khiển xe đi trong làn dừng xe khẩn cấp của đường cao tốc” hoặc gây khó khăn cho nhận định của người tham gia giao thông.
Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -1
Vị trí cuối cầu Thanh Trì vào đường Vành đai 3, tồn tại vạch sơn hình mũi tên hướng dẫn phương tiện di chuyển vào làn dừng khẩn cấp.
Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -2
Biển cấm ô tô tải vào giờ cao điểm trên đường Phạm Văn Đồng (cả 2 chiều đường).
Kiến nghị khắc phục 6 nghìn “điểm đen” giao thông… -3
Vành đai 3 trên cao không cắm biển cấm ô tô tải vào giờ cao điểm tại các điểm xuống đường Phạm Văn Đồng nên không đồng bộ về tổ chức giao thông, dễ gây lúng túng, vi phạm cho người điều khiển ô tô tải.
Phương Thủy
.
.