Kiều bào mãi lưu giữ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bàng hoàng, tiếc thương, hụt hẫng... là cảm xúc chung của rất nhiều người con nước Việt xa xứ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Bởi, từ lâu, trong trái tim kiều bào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là biểu tượng của quốc gia đang mạnh mẽ vượt lên các thách thức để đạt được những thành tựu to lớn.
“Khi được gặp và tiếp xúc, tôi cảm nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi, như người bác, người chú, không hề xa cách”, giọng nói của Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu như nghẹn lại khi chúng tôi trò chuyện vào sáng 20/7. Trấn tĩnh một lúc, Tiến sĩ Phan Bích Thiện mới có thể kể lại kỷ niệm về những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong vai trò là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, những dịp về Việt Nam, Tiến sĩ Phan Bích Thiện được dự nhiều sự kiện có sự hiện diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Tổng Bí thư là người rất gần gũi, cởi mở, quan tâm đến mọi người xung quanh, đồng thời là một nhà lãnh đạo rất uyên bác, có tầm nhìn chiến lược.
“Những điều Tổng Bí thư đưa ra rất sâu sắc, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề. Tổng Bí thư chỉ đạo rất quyết liệt, đồng thời luôn động viên mọi người, rất nhân văn. Tôi còn nhớ kỷ niệm lần gặp nhân dịp Tổng Bí thư dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước sang thăm Hungary năm 2018. Trong cuộc gặp mặt với đại diện cộng đồng người Việt ở Hungary, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm từng người. Vì muốn lắng nghe ý kiến của mọi người nên Tổng Bí thư đã cho phép cuộc gặp mặt kéo dài hơn nhiều thời gian so với dự kiến ban đầu. Cuộc gặp dự định chỉ trong 30 phút với 3 ý kiến nhưng sau đó kéo dài đến hơn 1 tiếng với 6 người phát biểu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, bất kỳ ai có ý kiến thì giơ tay phát biểu, bác sẽ lắng nghe. Sau khi lắng nghe ý kiến, ngay lập tức tại cuộc gặp, Tổng Bí thư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tháo gỡ những vướng mắc cho kiều bào”, Tiến sĩ Phan Bích Thiện kể.
Cũng theo lời Tiến sĩ Phan Bích Thiện, cộng đồng người Việt ở châu Âu nói chung và trên thế giới nói riêng luôn nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về bảo tồn văn hóa. “Tổng Bí thư đã chỉ rõ, bảo tồn văn hóa là bảo tồn dân tộc. Đây là một điểm mấu chốt cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Vì vậy, chúng tôi, những người con xa xứ luôn cố gắng phát huy truyền thống, kinh nghiệm đã làm được, tiếp tục có nhiều sáng kiến để giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới”, Tiến sĩ Phan Bích Thiện nói.
Còn với Phó Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Australia, ông vẫn quen gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng “bác Trọng” - cách gọi đầy tình cảm, trìu mến. Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cho hay, cách đây 16 năm, ông và gia đình vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội đang có chuyến thăm Australia.
"Trong cuộc gặp đó, khi trò chuyện, thấy tôi sử dụng cả tên và chức vụ cho trang trọng thì bác Trọng có thân mật nói với tôi là thôi, cứ gọi là bác hoặc chú là được rồi. Vậy là từ đó, trong những cuộc nói chuyện của mình, tôi vẫn sử dụng cụm từ “bác Trọng” để nói về Tổng Bí thư". Phó Giáo sư Chu Hoàng Long cũng cho biết, gia đình ông sẽ không bao giờ quên kỷ niệm khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hướng tay về cậu con trai của ông Long, lúc đó mới được 3 tuổi và nói: “Ra ông bế cháu chút nào”...
Là kiều bào học tập, sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc trong 20 năm qua, Tiến sĩ Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) vinh dự có 2 lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cả cương vị là Chủ tịch Quốc hội và sau đó là Tổng Bí thư. “Tôi vẫn nhớ cảm giác đầy tự hào cách đây đúng 10 năm trước, khi Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm chính thức Hàn Quốc và được đón tiếp trọng thị với nghi lễ nhà nước cấp cao nhất tại Hàn Quốc. Khoảnh khắc 21 phát đại bác và Quốc ca Việt Nam được cử lên tại Hàn Quốc cho tôi thêm sự tự tin và tự hào về hai tiếng “Việt Nam”. Nhưng, hơn tất cả, đối với tôi, đó chính là tình cảm trân quý, sự giản dị và đầy tình người đến từ nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với kiều bào, đối với những người con xa xứ như tôi”, Tiến sĩ Trần Hải Linh nhớ lại.
Trong ký ức của người con xa xứ ngày ấy, ngay sau khi đến Hàn Quốc, chiều tối 1/10/2014, tại thủ đô Seoul, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao đã đến thăm Đại sứ quán và nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. “Tôi luôn ghi nhớ câu nói của Tổng Bí thư: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại; giúp cộng đồng duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc trong những năm gần đây tăng lên đáng kể, tôi mong muốn bà con nghiêm túc chấp hành luật pháp của nước sở tại, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, hòa nhập cuộc sống ở nước sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương đất nước. Mong bà con luôn cùng chung tay với Đảng và Nhà nước, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư...”, Tiến sĩ Trần Hải Linh chia sẻ thêm.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Hải Linh, những lời căn dặn đầy tình cảm ngày hôm đó và những lần gặp sau này, cùng những lời nhắc nhở sau đó và những bắt tay nồng ấm, thật chặt của Tổng Bí thư luôn là nguồn động lực vô giá, để ông và các kiều bào khác nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển cộng đồng, là “cánh tay nối dài” và cố gắng tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt, Tiến sĩ Trần Hải Linh rất tâm đắc với đường lối “ngoại giao cây tre” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên lần đầu tiên trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021). Tiến sĩ Trần Hải Linh khẳng định, thành tựu của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.