Lạm phát cao nhất 5 thập kỷ: Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ?

Thứ Tư, 05/04/2023, 15:20

Lạm phát của Pakistan đã lên tới 35,37% trong tháng 3 khi chính phủ nước này cố gắng đáp ứng các điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để “mở khóa” một gói cứu trợ khẩn cấp. Hiện có những lo ngại rằng, Pakistan đang đi theo vết xe đổ của Sri Lanka, quốc gia Nam Á đã phá sản năm ngoái.

Phá kỷ lục lạm phát

Theo Cục Thống kê Pakistan, lạm phát ở nước này đã tăng lên mức 35,37% trong tháng 3 so với một năm trước đó do giá thực phẩm, đồ uống và phương tiện đi lại tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa mức trung bình 27,26% của năm ngoái và xô đổ kỷ lục 31,5% của tháng 2 vừa qua.

Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ? -0
Lạm phát tại Pakistan tháng 3 tăng 35,37%, cao kỷ lục trong vòng 5 thập kỷ qua. Ảnh: Getty Images

Dữ liệu từ Cục Thống kê Pakistan cũng cho thấy giá vận chuyển tại nước này tăng tới 54,94% còn lạm phát thực phẩm tăng 47,15% trong tháng 3 so với một năm trước đó. Giá quần áo và giày dép tăng 21,93% trong khi chi phí nhà ở, nước và điện tăng 17,49%.

Theo phát ngôn viên của Cục Thống kê Pakistan, mức tăng 35,37% của tháng 3/2023 là kỷ lục tại quốc gia Nam Á này trong 5 thập kỷ qua. “Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận trong dữ liệu mà chúng tôi có”, phát ngôn viên kể trên nói, đồng thời cho biết thêm lạm phát lương thực trong tháng 3 lần lượt ở mức 47,1% và 50,2% đối với khu vực thành thị và nông thôn.

Nhiều năm quản lý tài chính sai lầm và bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Pakistan đến bờ vực sụp đổ. Tình hình gần đây càng trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và trận lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm một phần ba đất nước hồi tháng 9 năm ngoái, khiến hơn 1.700 người chết, phá hủy 2 triệu ngôi nhà và gây ra thiệt hại lên đến 30 tỷ USD.

Giờ đây, Pakistan cần hàng tỷ USD để trả các khoản nợ đã đến hạn, trong khi dự trữ ngoại hối suy giảm nghiêm trọng và đồng rupee rơi tự do. Tháng 1 vừa qua, đồng rupee của quốc gia Nam Á này chạm mốc mất giá tới 14%, mức thấp nhất mọi thời đại, sau khi nhà chức trách từ bỏ các biện pháp kiểm soát tỷ giá hối đoái, nhằm đảm bảo các điều kiện cho gói cứu trợ của IMF.

Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ? -0
Người thân của các nạn nhân bị chết trong vụ giẫm đạp tranh giành thực phẩm cứu trợ tại Karachi gào khóc thảm thiết. Ảnh: AP

Chương trình cứu trợ của IMF dành cho Pakistan về cơ bản đã bị đình chỉ kể từ tháng 11 năm ngoái, chủ yếu là do nước này từ chối đáp ứng yêu cầu tuân theo tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định và thực hiện các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng, đến cuối tháng 1, Chính phủ Pakistan cuối cùng đã chấp nhận các yêu cầu và viết thư cho IMF, đề nghị gửi một phái bộ tới Islamabad để đánh giá về khả năng cứu trợ.

Dự kiến, chương trình của IMF sẽ được khôi phục với đợt tiếp theo khoảng 1,1 tỷ USD được giải ngân như một phần của gói cứu trợ 6,5 tỷ USD. Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, nhưng ngay cả khi IMF “bơm” 1,1 tỷ USD cho Pakistan thì con số đó vẫn như muối bỏ biển, không đủ để bảo vệ dự trữ ngoại hối của Islamabad. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pakistan gần đây thừa nhận nước này cần 3 tỷ USD để đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài và khoảng 5 tỷ USD khác để đáp ứng thâm hụt tài khoản vãng lai. Tổng cộng, Pakistan cần khoảng từ 9-10 tỷ USD để ổn định đồng rupee.

Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ? -0
Một cuộc biểu tình kêu gọi giãn nợ cho Pakistan. Ảnh: The Nations

Khó khăn bủa vây

Trong bối cảnh lạm phát leo thang, người nghèo Pakistan đang cảm thấy rõ nhất gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Reuters, kể từ khi bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo đến nay, ít nhất 20 người Pakistan đã thiệt mạng trong các vụ giẫm đạp tại các trung tâm phân phối thực phẩm, trong đó có 12 người tại Karachi, thành phố lớn nhất nước này.

Các trung tâm phân phối bột mì được thành lập trên khắp Pakistan, một số là một phần của chương trình được chính phủ hỗ trợ nhằm giảm bớt tác động của lạm phát. Theo hồ sơ của cảnh sát, hàng nghìn người kéo đến để tranh giành lương thực cứu trợ đã gây ra cảnh chen lấn hỗn loạn và giẫm đạp. Bên cạnh thiệt hại về người, hàng nghìn bao bột mì cũng đã bị cướp khỏi các điểm phân phối. Shahida Wizarat, một nhà phân tích chính trị tại Karachi, phát biểu với Reuters: “Tôi thấy tình trạng này giống như nạn đói đang xảy đến vậy”.

Đầu năm nay, sự cố mất điện trên toàn quốc ở Pakistan đã khiến gần cả trăm triệu người rơi vào cảnh tăm tối và hàng chục nghìn doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng. Trong khi một số người cho rằng nguyên nhân gây ra sự cố mất điện chỉ là do kỹ thuật thì trên thực tế Pakistan có thể sớm cạn kiệt nhiên liệu vận hành cho các nhà máy điện của mình.

Từ đầu năm 2015, Pakistan đã tăng công suất phát điện thông qua Chương trình Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan nhưng việc mở rộng này phải trả giá đắt, cả về lợi nhuận cao được đảm bảo cho các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) của Trung Quốc và nợ ngoại tệ đắt đỏ. Hiện, Pakistan đã không thể thanh toán công suất cho các IPP theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn. Nợ ngành điện của đất nước đã tăng lên khoảng 9 tỷ USD.

Bên cạnh vấn đề về điện, nguồn cung dầu mỏ của Pakistan cũng trong tình trạng báo động do thiếu ngoại tệ. Giá xăng tại Pakistan đã tăng 16% và có thể còn tăng nữa trong khi nước này đang phải vật lộn để trả tiền nhập khẩu dầu vì dự trữ ngoại hối đã giảm xuống chỉ còn 3,7 tỷ USD, tương đương với 3 tuần nhập khẩu. Được biết, Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD) gần đây đã đồng ý tài trợ cho khoản nhập khẩu dầu trị giá 1 tỷ USD theo hình thức trả chậm nhưng số tiền này không đủ để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ của Pakistan dù chỉ trong một tháng.

Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ? -0
Trận lũ lịch sử năm 2022 nhấn chìm 1/3 đất nước Pakistan, góp phần khiến kinh tế nước này khủng hoảng nặng nề. Ảnh: Washington Post

Trong thế kẹt

Những khó khăn tứ bề cùng với mức lạm phát cao kỷ lục đang làm dấy lên lo ngại rằng Pakistan có thể là quốc gia Nam Á tiếp theo vỡ nợ. Cựu Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi, một lãnh đạo cấp cao của liên minh cầm quyền, đã cảnh báo rằng Pakistan sẽ vỡ nợ nếu không tiếp tục tuân thủ chương trình của IMF, kiềm chế chi tiêu và tăng các khoản thu từ thuế.

Trung Quốc đang là chủ nợ song phương lớn nhất của Pakistan với tổng nợ khoảng 30 tỷ USD, chiếm 30% tổng nợ nước ngoài của quốc gia này. Ngoài ra, như đã đề cập ở phần trên, Pakistan còn nợ các IPP Trung Quốc 1,1 tỷ USD tiền mua điện. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Pakistan đồng ý trả khoản này theo từng đợt. Nhưng, IMF không hài lòng. Hồi tháng 8 năm ngoái, IMF yêu cầu Chính phủ Pakistan đàm phán lại các thỏa thuận mua bán điện để siết chặt chi tiêu. Pakistan sau đó cũng cố gắng đàm phán lại nhưng đối tác Trung Quốc từ chối.

Theo các chuyên gia, Pakistan hiện bị mắc kẹt giữa yêu cầu của IMF và lợi ích của các chủ nợ. Việc gia hạn các khoản nợ sẽ giúp giảm nhẹ phần nào áp lực mà đất nước này đang phải chịu đựng. Nhưng, ai sẽ chấp nhận giãn nợ cho Islamabad? Trong một bài viết mới đây trên Financial Times, ông Yousuf Nazar, cựu giám đốc đầu tư vào các thị trường mới nổi của Citigroup, tin rằng chỉ có một gói cứu trợ lớn và ngay lập tức mới cứu được Pakistan khỏi tình trạng nguy ngập. Nếu không, nước này có thể chịu chung số phận như Sri Lanka năm ngoái.

Liệu Pakistan có tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ? -0
Người ủng hộ cựu Thủ tướng Imran Khan xô xát với cảnh sát khi họ tới bắt giữ ông này. Ảnh: Washington Post

Hiện Pakistan vẫn đang hy vọng nhận đủ khoản cứu trợ trị giá 6,5 tỷ USD của IMF. Nhưng, ngay cả khi được hồi sức bằng “liều kháng sinh” này, quốc gia Nam Á với hơn 220 triệu dân này vẫn còn rất xa điểm an toàn. Bộ Tài chính Pakistan mới đây cảnh báo lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức cao do sự mất giá của tỷ giá hối đoái và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu cũng như khoảng cách cung cầu của những mặt hàng thiết yếu.

Trong khi đó, cái vòng luẩn quẩn từ sức ép phải thắt lưng buộc bụng và tăng thuế theo yêu cầu của IMF cũng sẽ tạo ra nhiều hệ lụy tới an sinh-xã hội. Những cái chết từ các vụ giẫm đạp gần đây là lời cảnh báo đỏ cho Pakistan. Đặc biệt khi nếu nhìn sang một quốc gia Nam Á khác là Sri Lanka, nơi người dân đang xuống đường biểu tình để phản đối chính phủ tăng thuế như điều kiện tiên quyết để được IMF cứu trợ.

Nếu không được cứu, Pakistan có thể đi theo con đường vỡ nợ của Sri Lanka. Nhưng, nếu được cứu không đúng cách, không có giải pháp căn cơ và toàn diện, Pakistan cũng rất dễ vào một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, rồi kéo theo khủng hoảng chính trị. Cần biết rằng, chính trường nước này hiện đang âm ỉ mâu thuẫn rất lớn, khi cơ quan công tố Pakistan hồi tháng 3 ra lệnh bắt giữ và khởi tố cựu Thủ tướng Imran Khan, dẫn tới các cuộc xô xát bạo lực giữa những người ủng hộ ông Khan và cảnh sát.

Ông Khan sau đó đã tới Islamabad trình diện và tòa án cũng hủy lệnh bắt giữ. Nhưng, “quả bom” hẹn giờ trên chính trường Pakistan vẫn chưa được tháo ngòi, khi đảng PTI của cựu Thủ tướng Khan tuyên bố không lùi bước, sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình vận động sự ủng hộ cho chính trị gia 70 tuổi này.

Nguyễn Khánh
.
.