Thực trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc:

Làm sao để giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực?

Thứ Hai, 10/10/2022, 13:35

Chỉ trong 2 năm đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tốt bởi người lao động đang có sự thay đổi về tư duy trong nền kinh tế thị trường. Thế nhưng cùng đó lại đặt ra vấn đề cần nhanh chóng có chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư.

Câu chuyện đáng lưu tâm

Một nguồn tin từ Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết, từ đầu năm 2020 tới hết tháng 6/2022, có 131 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Bộ nghỉ việc theo nguyện vọng; trong đó có 17 công chức, 114 viên chức. Báo cáo của Bộ Y tế gửi tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong vòng 1 năm rưỡi, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, hơn 9.300 nhân viên y tế bỏ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang tư.

Làm sao để giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực? -0
Nên coi đây là tín hiệu đáng mừng vì tư duy của người lao động đã thay đổi

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thì trước vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ đã báo cáo Thủ tướng, có văn bản gửi các Bộ, Ngành địa phương, đề nghị báo cáo lại trong giai đoạn COVID-19 vừa qua. Đến nay Bộ đã nhận được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành. Qua đó xác định trong vòng 2 năm rưỡi (từ 2020 đến giữa năm 2022) có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Con số này chiếm gần 2% so với tổng số biên chế được giao. Bình quân một năm có 15.800 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng số biên chế được giao. Trong đó địa phương chiếm tỉ lệ 82%, còn lại 18% thuộc khu vực Trung ương. Khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người nghỉ việc. Trong đó khối giáo dục hơn 16.000, y tế 12.000 người nghỉ việc. Như vậy, khối đơn vị y tế và giáo dục thuộc các bộ có số lượng công chức, viên chức nghỉ nhiều nhất.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 - 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi vào khu vực công, với người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng, mức này thấp hơn cả lương tối thiểu vùng 4 của người lao động đang làm việc ở khu vực tư.

Làm sao để giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực? -0
Chị Trần Thị H, giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông mới đây cũng đã từ bỏ ngôi trường gắn bó với mình gần 20 năm để ra làm ngoài

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh thống kê từ đầu năm 2020 tới hết tháng 6 vừa qua, Thành phố có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng (bình quân mỗi tháng khoảng 200 người nghỉ). Lãnh đạo thành phố cho rằng, hiện khu vực công gặp thách thức rất lớn trong thu hút, giữ chân nhân lực trình độ cao, người có năng lực, kinh nghiệm, khi không cạnh tranh được với khu vực tư về thu nhập, đãi ngộ. Trong khi đó, người làm trong khu vực công phải tuân thủ nhiều quy định, quy chế, chưa kể những vụ việc sai phạm bị xử lý gần đây cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhiều người.

Anh Nguyễn Văn T. (trước đó từng công tác tại Bệnh viện huyện Thanh Oai, Hà Nội) một thời gian dài, tuy nhiên, dù công việc rất vất vả và áp lực nhưng thu nhập không đủ để anh T. nuôi sống gia đình nên anh đã làm đơn xin nghỉ việc. Sau đó anh T. xin vào làm tại một phòng khám tư nhân ở quận Thanh Xuân. Anh T. chia sẻ: “Làm nghề y thì ở đâu cũng vất vả, áp lực thôi nhưng ra ngoài tôi được trả lương cao gấp 3 lần so với mức lương trước đó. Nói thật lòng là khi thu nhập ổn định mình mới tập trung vào chuyên môn và nâng cao tay nghề được”.

Hay như trường hợp của chị Trần Thị H., sinh năm 1981 (giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông) mới đây cũng đã từ bỏ ngôi trường gắn bó với mình gần 20 năm để ra làm ngoài. Được biết, dù công tác gần 20 năm trong ngành giáo dục nhưng lương của chị H. cũng chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng. Chị H. cho biết: “Chồng tôi bị mất trong một vụ tai nạn cách đây 5 năm nên một mình tôi phải nuôi 2 đứa con ăn học. Với mức thu nhập đó ở ngoài thành phố thì không thể nào đủ để trang trải cuộc sống của 3 mẹ con. Chính vì thế dù rất đau lòng nhưng tôi buộc phải bỏ công việc ổn định để xin vào dạy học tại một trung tâm tiếng Anh. Tôi “cày cuốc” kịch liệt mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 20 triệu đồng, nghĩa là gần gấp 3 số tiền lương Nhà nước. Thôi thì trong lúc khó khăn đành phải chọn giải pháp tạm thời vậy”.

Đi tìm lời giải từ cuộc sống

Có thể thấy tình trạng “người nhà nước” xin thôi việc đang tăng từng ngày và rất đáng báo động. Lý do mà người viết đơn xin nghỉ việc thì có rất nhiều, như “theo nguyện vọng cá nhân, “do tiền lương thấp”. “do sức khỏe”, “do điều kiện gia đình”, “do môi trường làm việc không phù hợp”… Nếu xét ở một góc độ nào đó, trong một thị trường lao động rất mở như hiện nay, công chức, viên chức hoàn toàn được quyền chọn nơi làm việc, được trả công xứng đáng so với sức lao động mà mình bỏ ra.

Làm sao để giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực? -0
Y tế là ngành mà rất nhiều cán bộ xin nghỉ việc trong thời gian qua

Một câu hỏi mà rất nhiều người lo ngại rằng, liệu đây có phải là “làn sóng mới” nghỉ việc nhà nước hay không? Về vấn đề này, rất nhiều chuyên gia cho rằng, đây là chuyện hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn. Và, người lao động cũng có quyền lựa chọn, tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình. Không làm ở khu vực công thì làm ở khu vực tư, tất cả đều vì sự phát triển của đất nước…

Vấn đề mà nhiều chuyên gia lo ngại, nếu cứ với đà này, các cơ quan nhà nước, bệnh viện công lập, trường công sẽ không có người giỏi làm việc? Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn cho rằng, nhìn dưới góc độ phạm vi các cơ quan, tổ chức nhà nước, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc, xin nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây là vấn đề rất cần phải quan tâm. Vì người xin thôi việc, xin nghỉ việc thường lại là những người làm việc tốt, có năng lực chuyên môn cao. Họ xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư hoặc doanh nghiệp với mức lương cao hơn, đãi ngộ phù hợp hơn.

Có thể thấy nguyên nhân khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc chính là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thấp; cơ hội thăng tiến không nhiều trong khi áp lực công việc ngày một lớn.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hành chính công, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phân tích: “Hai động lực lớn nhất để công chức gắn bó trong lĩnh vực công là “được cống hiến và thăng tiến” nhưng nếu thăng tiến không được đảm bảo, không công bằng, trong khi đó, chế độ lương thì thấp, không đảm bảo cuộc sống thì họ sẽ đi tìm cơ hội mới cho mình…”.

Để ngăn chặn tình trạng này, rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm trước tiên và nhanh chóng là phải cải cách chế độ tiền lương cũng như đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế thị trường. Phải tìm nguyên nhân sâu xa, cái gì thuộc về phạm trù chính sách pháp luật, hệ thống quản trị thì phải sửa đổi.

Đặc biệt, phải giữ bằng được và trao cơ hội thăng tiến cho những công chức, viên chức có tầm, có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chứ không phải ưu tiên “con ông cháu cha”. Một việc mà không thể thiếu đó chính là tiếp tục tinh giảm biên chế theo đúng chủ trương của Đảng theo hướng đào thải những người không làm được việc và tuyển mới những người làm được việc để thay thế. Cần nghiên cứu, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, cho công chức, viên chức trong thực thi công vụ để giảm tải khâu trung gian hoặc không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về vấn đề tự chủ, xã hội hóa, đào tạo cán bộ để có hành lang pháp lý, bảo vệ họ khi họ làm việc, tránh bị sai phạm.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố tiền lương chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến công chức, viên chức thôi việc, dù nó cũng rất quan trọng. Bởi, lao động của công chức, viên chức là một loại hình lao động vinh dự, có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Chính vì vậy còn có các nhân tố khác dẫn đến “làn sóng nghỉ việc” chính là nhận thức, tư tưởng và động cơ tham gia vào công vụ, môi trường làm việc, động lực làm việc…

Bởi, thực tế vừa qua, công chức, viên chức thôi việc có cả lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Những người này chắc hẳn lương không hề thấp. Pháp luật về công chức, viên chức đều quy định công chức, viên chức phải tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước. Vì vậy, nói công chức, viên chức thôi việc vì lương thấp cũng có, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tất nhiên, tiền lương trả cho công chức, viên chức phải phù hợp với sự cống hiến phục vụ của họ. Đặc biệt là không quá xa về tiền lương giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp như hiện nay.

Có nên dùng khái niệm “chảy máu chất xám”?

Có thể nói, làm việc khu vực công hay khu vực tư đều là phục vụ nhân dân, phát triển đất nước. Vì thế dùng khái niệm “chảy máu chất xám” để nói về việc nhân lực thôi việc ở khu vực công sang khu vực tư là sai bản chất vấn đề.

Làm sao để giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực? -0
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn, cho rằng, cần nghĩ rằng việc nhiều công chức, viên chức bỏ việc lại là tín hiệu tốt, cho thấy người lao động đã thay đổi về tư duy. Không còn phân biệt khu vực công với khu vực tư và giúp chúng ta nhận thức được trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ luôn có sự dịch chuyển cơ cấu nhân lực xã hội. “Chính vì thế cần phải có chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư”, TS Tuấn cho biết thêm.

Phong Anh
.
.