Leo thang căng thẳng Nga-NATO
Nga hôm thứ Tư cáo buộc Ukraine bắn hạ máy bay vận tải quân sự chở 65 tù binh Ukraine. Moscow nghi ngờ Kiev đã thực hiện vụ việc này bằng tên lửa của Mỹ hoặc Đức sản xuất. Cùng ngày xảy ra vụ tai nạn này, NATO tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ai là thủ phạm?
Vụ tai nạn xảy ra ở Belgorod, miền Tây nước Nga, giáp ranh biên giới Ukraine. Trước đó, khu vực Belgorod vốn là mục tiêu của các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine. Đây là sự kiện đẫm máu nhất ở Nga trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm qua.
Máy bay bị rơi là Ilyushin Il-76, thuộc loại máy bay vận tải quân sự cỡ lớn được thiết kế để vận chuyển quân đội, hàng hóa hoặc vũ khí. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngoài 65 tù binh Ukraine, trên máy bay còn có 6 thành viên phi hành đoàn và 3 binh sĩ Nga. Máy bay bị một quả tên lửa bắn hạ. Chính quyền địa phương Nga thông báo tất cả những người trên máy bay đều đã chết.
Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng Chính phủ Ukraine đứng sau vụ bắn hạ máy bay, đồng thời cho biết hệ thống radar của Nga đã phát hiện 2 tên lửa của Ukraine được phóng từ khu vực Kharkiv ngay trước thời điểm xảy ra tai nạn. Trước đó, nghị sĩ Nga - cựu tướng Andrei Kartapolov cho biết, tên lửa phóng lên thuộc loại Patriot của Mỹ hoặc IRIS-T do Đức sản xuất. Ông giải thích thêm, cơ quan điều tra sẽ xác định chính xác loại tên lửa nào đã được phóng đi bằng cách thu hồi các mảnh vỡ tại hiện trường vụ tai nạn.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc trao đổi tù nhân đáng lẽ sẽ diễn ra tại trạm kiểm soát Kolotilovka ở biên giới Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, chiếc máy bay bị bắn rơi được biết đã rời căn cứ không quân Chkalovsky gần Moscow và đang trên đường đến Belgorod. Nghị sĩ Kartapolov cho biết, chuyến bay không được máy bay chiến đấu Nga hộ tống đúng theo thỏa thuận của Nga với Ukraine. Ông cho biết thêm, chiếc máy bay vận tải Il-76 thứ hai chở khoảng 80 tù binh Ukraine đã hạ cánh an toàn.
Đại diện Cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) Andriy Yusov cho biết, cuộc trao đổi tù nhân đã được lên kế hoạch vào thứ Tư, đồng thời nói thêm: “Tai nạn không nên xảy ra vào lúc này”. Trước đó, Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi tù binh chiến tranh quy mô lớn.
Trong phiên họp toàn thể ngày 24/1, Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói: “Hạ viện Nga sẽ xin sự hỗ trợ của Quốc hội Mỹ và Hạ viện Đức để tìm ra tên lửa và bệ phóng nào đã gây ra vụ tai nạn máy bay Il-76 ở vùng Belgorod”. Chủ tịch Vyacheslav Volodin giải thích: “Các nước cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình và các thành viên quốc hội phải luận tội những kẻ đã gây ra thảm họa này”.
Cũng trong phiên họp trên, Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma, nhấn mạnh chiếc máy bay chở tù binh Ukraine có thể đã bị loại tên lửa Patriot của Mỹ hoặc IRIS-T của Đức sản xuất bắn hạ. “Họ đã bắn những binh sĩ ngay trên không trung bằng tên lửa của Mỹ và Đức. Bắn những phi công không có khả năng tự vệ trên máy bay vận tải quân sự, những người vốn đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo”, Volodin nhấn mạnh.
Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố: “Việc Ukraine giết hại tù binh, công dân của chính họ, những người lẽ ra đã có mặt ở nhà trong vòng 24 giờ sau đó, rõ ràng là một hành động hết sức man rợ”. Ông Peskov cảnh báo sự kiện này có thể gây ảnh hưởng tới tiến trình trao đổi tù binh với Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế, đồng thời chỉ định một số cơ quan nhà nước Ukraine tiến hành điều tra tai nạn. Ông Zelensky nói: “Phải tìm được những manh mối rõ ràng nhất có thể và càng nhiều càng tốt, vì máy bay bị bắn rơi trên lãnh thổ Nga và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”. Cho tới nay, Kiev không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận máy bay bị bắn hạ bởi vũ khí Ukraine, như khẳng định của Moscow. Bộ Quốc phòng Ukraine hiện vẫn giữ im lặng trước lời cáo buộc của Nga. Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm có câu trả lời. Cần có thêm thời gian để xác thực thông tin”.
Hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 24/1, ông John Kirby cho biết Nhà Trắng đã nhận được thông tin về một chiếc máy bay quân sự của Nga chở những quân nhân Ukraine để thực hiện một cuộc trao đổi tù binh đã bị rơi ở vùng Belgorod. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mỹ có thêm thông tin liên quan hay không, ông Kirby nói: “Không, chúng tôi không biết”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi đã xem các báo cáo nhưng chúng tôi không thể xác nhận chúng”. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết thêm, Washington “đang cố gắng hết sức để có thể hiểu rõ hơn và có thêm thông tin về vấn đề đó”. Theo yêu cầu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp khẩn vào lúc 17 giờ ngày 25/1.
Cuộc tập trận của NATO
Cũng vào ngày xảy ra vụ tai nạn máy bay ở Nga, ngày 24/1, NATO bắt đầu đợt diễn tập quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận bắt đầu khi tàu chiến Gunston Hall của hải quân Mỹ rời cảng, khởi động hành trình vượt Đại Tây Dương để tới châu Âu. Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu Christopher Cavoli nhấn mạnh, NATO sẽ thể hiện năng lực củng cố khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua hoạt động di chuyển lực lượng xuyên Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ.
Khoảng 90.000 binh lính từ Mỹ và các quốc gia đồng minh NATO tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2024, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 5/2024, nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của liên minh. Hơn 50 tàu từ hàng không mẫu hạm đến tàu khu trục sẽ tham gia cùng hơn 80 chiến đấu cơ, máy bay trực thăng và máy bay không người lái, cùng ít nhất 1.100 phương tiện chiến đấu, bao gồm 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh.
Trong thông báo của mình, NATO không nêu đích danh nước Nga nhưng tài liệu chiến lược hàng đầu của liên minh nhận định Nga là mối đe dọa quan trọng và trực tiếp nhất đối với an ninh các thành viên NATO. Hôm 21/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã nói với hãng thông tấn nhà nước RIA rằng quy mô của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 đánh dấu "sự trở lại không thể thay đổi" của NATO đối với các toan tính từ thời Chiến tranh Lạnh.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ hôm 24/1, ông Lavrov bình luận về lời kêu gọi của nhiều quốc gia phương Tây về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga trong những năm tới, đồng thời nói rằng ông hy vọng "những người cảnh báo về sự cần thiết phải chuẩn bị chiến tranh với Nga vẫn còn bản năng tự vệ". "Chúng tôi không có mong muốn, không có nhu cầu về mặt quân sự, chính trị hay kinh tế để tấn công bất cứ ai ở bất cứ đâu", ông Lavrov nói.
Ông Lavrov dường như đề cập đến cảnh báo của một số thành viên NATO rằng, căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh cuộc chiến ở Ukraine có thể lan sang các khu vực khác ở Đông Âu. Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng nếu Mỹ không thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng phòng thủ của Ukraine trong xung đột với Nga, Washington và phương Tây có nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến "trực tiếp" với Moscow.
Phát biểu ngày 24/1 tại Trung tâm Chính sách Caspian, khi được hỏi NATO làm cách nào để lên kế hoạch tăng cường an ninh ở khu vực Biển Đen mà không rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Nga, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander tuyên bố NATO hy vọng sẽ chứng minh cho Moscow thấy rõ liên minh quân sự này chỉ sẵn sàng tự vệ thay vì tìm cách kích động xung đột trực tiếp với Nga. Tháng 7/2023, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đã thông qua kế hoạch triển khai 300.000 quân ở sườn phía Đông NATO, cùng với sự hỗ trợ lớn từ hải quân và không quân. Bình luận về kế hoạch trên, bà Wallander khẳng định đó là năng lực phòng thủ nhằm chứng tỏ NATO có thể và sẽ tự bảo vệ mình, chứ không nhằm kích động chiến tranh với Nga.
Trước đó, Báo Bild của Đức hồi đầu tháng trích dẫn một tài liệu mật cho biết, Đức đang chuẩn bị cho một kịch bản xung đột, trong đó Nga tiến hành một "cuộc tấn công mở" đối với NATO vào giữa năm 2025, sau những thắng lợi lớn ở Ukraine. Moscow đã phủ nhận thông tin này. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cũng cảnh báo người dân phải chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực với Nga trong 20 năm tới.
Điện Kremlin từng bác bỏ những lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột với phương Tây trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi các tuyên bố cho rằng Nga có thể tấn công NATO là "hoàn toàn vô nghĩa". Ông nhấn mạnh Moscow "không có lợi ích địa chính trị, kinh tế hay quân sự" khi làm như vậy.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Đức cũng dự đoán vào tháng 11 năm ngoái rằng NATO nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn với Nga trong vòng 5 đến 9 năm tới. Cơ quan Tình báo đối ngoại của Estonia đã công bố một báo cáo vào tháng trước, trong đó đưa ra mốc thời gian từ 3 đến 5 năm, làm tăng thêm lo ngại rằng các quốc gia vùng Baltic bị coi là "phần dễ bị tổn thương nhất của NATO". NATO đã thực hiện các bước để tăng cường khả năng phòng thủ của khối trong những tháng gần đây, mà chiến dịch "Steadfast Defender 2024" là biểu hiện gần nhất.
NATO tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine
Ngày 24/1, hãng tin AFP đưa tin Ukraine đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc đảm bảo nguồn cung đạn dược để chống lại các cuộc tấn công liên tiếp của Nga. Trong khi Mỹ đang ngừng viện trợ cho Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa ký thỏa thuận mua 220.000 đạn pháo để hỗ trợ thêm cho Ukraine. Hiện, giá trị các hợp đồng vũ khí mà NATO đã ký đang nhân lên gấp bội.
Kể từ khi thông qua Kế hoạch Hành động sản xuất quốc phòng vào tháng 7/2023, NATO đã không ngừng ký các hợp đồng mua vũ khí trị giá khoảng 10 tỷ euro. Ngày 23/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố hợp đồng mua 220.000 quả đạn pháo trị giá 1,1 tỷ euro. Đây là một hợp đồng thiết yếu vì lợi ích của 4 quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine trong tình hình nguy cấp như hiện nay.
Đạn pháo 155 mm hiện nay là tiêu chuẩn đối với các trung đoàn pháo binh của quân đội NATO và loại pháo này được xem là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, đặc biệt hiệu quả trong các cuộc tác chiến ở Ukraine. Nhưng, pháo binh của Ukraine đang tiêu hao một lượng đạn đáng kể, vượt xa tưởng tượng của các đồng minh.
3 tuần sau thông báo về việc mua 1.000 tên lửa Patriot của Mỹ, liên minh gồm 8 nước đồng minh trong đó có Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Romania đã chính thức ký kết hợp đồng trị giá hơn 5,5 tỷ euro để góp phần đảm bảo an ninh phòng không của Ukraine.