Libya - Cơn sóng ngầm trước ngày bầu cử

Thứ Hai, 15/11/2021, 08:45

Các bên tham gia xung đột ở Libya đang tìm cách tăng cường hỗ trợ quân sự từ các lực lượng bên ngoài trước thềm cuộc tổng tuyển cử nhằm thống nhất Libya. Truyền thông Arab đưa tin, sau cuộc gặp ngày 6-11 tại Istanbul giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đứng đầu Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya Abdel Hamid Dbeibah, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sẵn sàng tăng cường hiện diện ở Libya...

Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ thêm dầu vào lửa và có nguy cơ nâng cao mâu thuẫn giữa các phe phái tranh giành quyền lực ở Libya, gây nguy hiểm cho tiến trình bầu cử. Một tình huống sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm cho Ý và toàn bộ Liên minh châu Âu.

Rút quân đội nước ngoài khỏi Libya

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Roma, Ý, hồi cuối tháng 10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố Ankara từ chối rút quân khỏi Libya. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cam kết sẽ tổ chức và thực hiện việc rút toàn bộ quân đội nước ngoài hiện diện tại nước này, điều kiện tiên quyết cho việc cử hành cuộc bầu cử được cho là mang lại hòa bình cho Libya. Libya sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống được chờ đợi từ lâu vào ngày 24-12 tới, trong khi các cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022. Mục tiêu là chấm dứt tình trạng vô chính phủ và nội chiến mà Libya đã chìm sâu kể từ khi chế độ Muammar Gadhafi sụp đổ vào năm 2011.

Libya - Cơn sóng ngầm trước ngày bầu cử -0
Một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh thổ Libya ngày nay bị chia cắt thành một phần phía Tây dưới sự kiểm soát của chính quyền Tripoli và một phần phía Đông nằm trong tay tướng Khalifa Haftar và Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Phe thứ hai này không chỉ tham gia vào một cuộc xung đột gay gắt trong nhiều năm với quân đội Tripoli và với các nhóm chiến binh Hồi giáo, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình còn phức tạp hơn do số lượng lớn lính đánh thuê và lực lượng nước ngoài có mặt tại Libya để hỗ trợ cho hai phe đối đầu chính.

Chính vì lý do này mà lộ trình do LHQ vạch ra, trên hết, đưa ra việc loại bỏ các nhóm vũ trang nước ngoài, phải được xác định trong khuôn khổ của một hình thức đàm phán “5+5”, trong đó tất cả các phe phái có mặt trên bàn đàm phán, dưới sự bảo trợ của LHQ. Vào ngày 8-10, Ủy ban Quân sự hỗn hợp “5+5” đã họp trong 3 ngày tại Geneva và kết thúc bằng việc ký kết một kế hoạch hành động quy định việc rút lui dần dần, công bằng, có phối hợp của tất cả lính đánh thuê và lực lượng nước ngoài ở Libya.

Cuộc họp tại Geneva được tổ chức theo các lộ trình được nêu trong thỏa thuận ngừng bắn ngày 23-10-2020 và các nghị quyết liên quan do Hội đồng Bảo an LHQ ban hành. Cuộc họp là một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán nội bộ Libya do LHQ thúc đẩy, cũng như các nỗ lực của cộng đồng quốc tế thông qua hội nghị Berlin.

Vào đầu tháng 11, Ủy ban 5+5 đã tổ chức một cuộc họp khác, lần này là tại Cairo, vẫn do LHQ tổ chức, trong đó đại diện của Sudan, Chad và Niger cũng tham gia. Nhân dịp này, các quốc gia láng giềng của Libya bày tỏ sẵn sàng hợp tác trong quá trình trục xuất các chiến binh và lính đánh thuê nước ngoài, trong khi các đại biểu từ Sudan, Chad và Niger phối hợp hành động để ngăn cản những người này trở lại Libya và gây bất ổn cho các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tuân theo các thỏa thuận chung mở ra một vấn đề lớn. Trên thực tế, gần một nửa lực lượng nước ngoài hiện diện ở Libya có liên hệ với Ankara: theo SOHR (Đài quan sát nhân quyền Syria), tổng số lính đánh thuê người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ ở quốc gia Bắc Phi này là khoảng 7.000 người, trong khi LHQ ước tính có khoảng 20.000 chiến binh nước ngoài trên lãnh thổ Libya. Các nguồn tin của SOHR cũng xác nhận rằng bất chấp nỗ lực đàm phán để rút quân vào đầu tháng 10, các cựu chiến binh Hồi giáo trong cuộc xung đột Syria vẫn tiếp tục đóng tại các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, trong khi một đội quân mới gồm 90 người từ Syria vừa được vận chuyển đến Libya bằng máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Libya - Cơn sóng ngầm trước ngày bầu cử -0
Thủ tướng chính phủ lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận về vùng lãnh hải năm 2019.

G20: Ngoại giao theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Hội nghị G20 ở Roma, ông Erdogan không chỉ xác nhận ý định không rút quân khỏi Libya mà còn tái khẳng định với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ được hợp pháp hóa bằng một thỏa thuận hợp tác quân sự ký với Chính phủ Libya, đồng thời phủ nhận rằng các hoạt động của họ có thể được coi là hoạt động của những người lính đánh thuê bất hợp pháp.

Tuy nhiên, điều này không chính xác. Trước hết, nhận xét của ông có thể áp dụng cho đội quân do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức cử đến Libya vào đầu tháng 1-2020 và chắc chắn không áp dụng cho những người lính đánh thuê Syria tiếp tục đóng tại các căn cứ quân sự của Ankara ở Libya. Ngoài ra, các thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh vào ngày 8-10 tại Geneva đề cập rõ ràng đến việc rút lính đánh thuê, chiến binh nước ngoài và lực lượng nước ngoài, lực lượng nước ngoài được hiểu là bao gồm cả quân đội chính quy và các cán bộ đào tạo.

Những “cán bộ đào tạo” người Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Libya trong khuôn khổ thỏa thuận được Ankara ký vào tháng 11-2019 với Chính phủ GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu, một chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, điểm quan trọng là vào thời điểm hiệp ước được ký kết, nhiệm vụ của GNA đã hết hạn và do đó, với tư cách là một chính phủ lâm thời, nó không có quyền ký một hiệp ước hợp tác quân sự như vậy. Cũng vì lý do đó mà các nước láng giềng của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hiệp ước về biên giới trên biển (và các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng) do Tripoli và Ankara ký cùng lúc đó.

Libya - Cơn sóng ngầm trước ngày bầu cử -0
Bản đồ phân chia các vùng lãnh thổ và các lực lượng chiếm đóng tại Libya.

Vì những lý do này mà sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya phải được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế vì nó tạo thành tiền đồn cho tham vọng tân đế quốc của Ankara. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Erdogan, trong thời gian diễn ra Hội nghị G20, đã tuyên bố từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh về Libya ở Paris, điều này chứng tỏ ông không có ý định ủng hộ Libya trong các nỗ lực quốc tế nhằm ổn định đất nước.

Tại Roma, Tổng thống Erdogan có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Ý Mario Draghi, nhưng điều này không mang lại kết quả cụ thể nào. Không có tiến triển nào đạt được trong quan hệ Ý-Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa SAMP-T của Ý-Pháp, mà trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan tâm. Bất chấp thông báo chung về hướng phát triển trong tương lai về vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tiếp tục dự án này trừ khi quan hệ của họ với Paris được cải thiện. Và, ông Erdogan dường như không còn mong muốn tiếp tục theo hướng này.

Căng thẳng ở Libya

Trong lúc này, tình hình chính trị tại Libya ngày càng trở nên bấp bênh, nhất là kể từ khi Hạ viện (Quốc hội Tobruk) chất vấn hồi tháng 9 năm ngoái, trước sự xúi giục của tướng Haftar, chính phủ đoàn kết dân tộc. Từ góc độ quân sự, căng thẳng cũng ngày càng gia tăng, đến mức trong những ngày gần đây, thủ lĩnh của hai nhóm dân quân- Muammar Davi, người đứng đầu Lữ đoàn 55, và Ahmad Sahab - là nạn nhân của các cuộc tấn công ám sát.

Tại thời điểm này, khó có thể chắc chắn rằng cuộc bầu cử Tổng thống Libya sẽ diễn ra vào tháng 12, trong khi cuộc bầu cử quốc hội đã bị hoãn đến năm 2022. Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể củng cố đáng kể ảnh hưởng của mình ở Libya, thì một phần trách nhiệm đáng kể phải thuộc về cựu Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, do thiếu quyết liệt trong vấn đề Libya. Được lợi trên thực tế, chỉ trong vài năm qua, Ankara có thể đã đưa hàng trăm “cố vấn quân sự” đến đất nước Bắc Phi này.

Với hiệp ước về biên giới trên biển và phân định các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng, Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm quyền kiểm soát đường bờ biển của Tripoli cũng như một loại bảo trợ đối với các mỏ khí đốt và dầu ở Địa Trung Hải. Ảnh hưởng chính trị của Ankara đối với Chính phủ GNA và sau đó là đối với chính phủ đoàn kết dân tộc Libya là rất lớn.

Cuộc nội chiến giữa Tripoli và Benghazi còn cho phép Ankara cung cấp binh lính cùng vũ khí cho phe Tripoili để tái triển khai lực lượng dân quân đánh thuê của họ trước đây đã hoạt động ở Syria và giành quyền quản lý cảng, sân bay Misurata trong 99 năm. Ngày nay, Tổng thống Erdogan, nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ mà ông có thể vươn tới một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã có thêm một vũ khí để gây áp lực lên châu Âu, đó là nguồn cung cấp năng lượng, bên cạnh vũ khí đã được sử dụng rộng rãi, đó là kiểm soát các luồng di cư, mà hiện nay ông có thể điều tiết không chỉ tuyến đường Balkan mà còn trên tuyến Địa Trung Hải đến châu Âu. Theo số liệu chính thức, đây là con đường phổ biến nhất đối với những kẻ buôn người, theo đó, tính đến ngày 22 tháng 10, 51.568 người di cư đã đến Ý trong năm nay, so với 26.683 năm 2020.

Libya - Cơn sóng ngầm trước ngày bầu cử -0
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thăm một đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thủ tướng Ý Mario Draghi yêu cầu Liên minh châu Âu phân bổ ngân quỹ để Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn luồng di cư đến châu Âu là món hời lớn với Ankara. Trên thực tế, Brussels đã trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ USD để quản lý tuyến đường từ các nước Balkan đến châu Âu. Hiện có 3,7 triệu người Syria đang sống trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó phải kể đến 300.000 người Afghanistan. Một quả bom hẹn giờ mà Ankara đe dọa sẽ phát nổ bất cứ lúc nào nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Nói tóm lại, các cuộc khủng hoảng nhân đạo - từ Afghanistan đến Syria, nay cùng với cuộc khủng hoảng Libya - đã trở thành một cơ hội phi thường để Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm nguồn lực từ châu Âu và giữ cho nước này an toàn trước các áp lực. Đây là lý do tại sao việc duy trì một chính phủ thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Tripoli lại rất quan trọng đối với Tổng thống Erdogan: nó cho phép ông chơi một trò chơi địa chính trị phức tạp chống lại EU, kết hợp năng lượng và người di cư.

Xây dựng lại sự cân bằng ở Địa Trung Hải và thay đổi tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối là thách thức thực sự mà châu Âu phải đối mặt, thay vì mạo hiểm với những khát vọng phi thực tế là cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Mộc Thạch(Tổng hợp)
.
.