Liên hợp quốc và câu chuyện cải tổ

Thứ Bảy, 28/09/2024, 07:11

Trong 2 ngày 22 và 23/9, ngay trước thềm Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 (UNGA 79), Tổng thư ký LHQ António Guterres đã chủ trì một hội nghị đặc biệt của LHQ: Hội nghị thượng đỉnh tương lai. Hội nghị này bàn thảo nhiều vấn đề tương lai của một thế giới đầy biến động và nhiều thách thức, trong đó vấn đề “cải tổ LHQ” được quan tâm và tranh luận nhiều.

Cốt lõi của nội dung cải tổ LHQ vẫn là làm sao để Hội đồng Bảo an đa dạng hơn, đa phương hơn. Hiện tại, Hội đồng Bảo an chỉ do 5 ủy viên thường trực là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh nắm quyền phủ quyết kể từ khi thành lập sau Thế chiến II đến nay. Ngày nay, các quốc gia trên khắp thế giới được thay phiên nhau giữ chức thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhưng không có quốc gia nào ở Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh hoặc Caribe có quyền phủ quyết như các thành viên thường trực. Quyền phủ quyết cho phép các thành viên thường trực, được gọi là P5, chặn bất kỳ nghị quyết nào, từ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đến các lệnh trừng phạt, để bảo vệ lợi ích quốc gia và các quyết định về chính sách đối ngoại của họ. Nhưng, hiện đang có một động thái mới nhằm thay đổi trật tự thế giới cũ này.

Liên hợp quốc và câu chuyện cải tổ -0
Cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, ngày 16/9.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị trở lại trụ sở LHQ để tham dự UNGA khóa 79, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đã nhắc lại lời kêu gọi lâu nay của châu Phi về việc cải cách Hội đồng Bảo an, bao gồm 2 vị trí thành viên thường trực mới cho các quốc gia châu Phi.

“Các vấn đề của châu Phi chiếm gần 50% hoạt động hằng ngày của Hội đồng Bảo an và phần lớn các nghị quyết Hội đồng Bảo an liên quan đến hòa bình và an ninh. Châu lục này cũng là bao gồm hơn ¼ số quốc gia thành viên LHQ (54 quốc gia) với dân số hơn 1 tỷ người nhưng vẫn có quá ít đại diện trong cơ quan quan trọng này của LHQ”, ông Bio phát biểu tại một cuộc họp cấp cao tại LHQ vào tháng 8. Một nhà ngoại giao cấp cao tại LHQ nói rằng châu Phi hiện đang là mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng của các quốc gia P5, cụ thể như việc Nga và Mỹ đang quyết liệt cạnh tranh ảnh hưởng ở châu lục này.

Nỗ lực cải cách cơ quan quyền lực nhất của LHQ trong nhiều năm qua đã thu hút được sự quan tâm của giới chính trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn đưa ra lập luận về các ghế thường trực cho châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe trong bài phát biểu trước LHQ vào năm 2022. Một số nhà ngoại giao lạc quan rằng cuộc thảo luận chung vào tháng 9 này sẽ được sử dụng như một cơ hội quan trọng để suy ngẫm về tương lai của hệ thống đa phương - sẽ chứng kiến sự đồng thuận xung quanh lộ trình cải cách Hội đồng Bảo an.

Sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên thường trực đã dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng đối với việc Hội đồng Bảo an không thể ngăn chặn các vấn đề lớn nhất của thế giới, từ các cuộc xung đột đẫm máu ở Gaza và Ukraine, đến mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.

“Mỹ và Nga thường sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ một quốc gia khách hàng, trong trường hợp của Israel hoặc Syria, hoặc để bảo vệ lợi ích quốc gia của chính họ, như trường hợp Nga phủ quyết các vấn đề về Ukraine”, nhận định của chuyên gia Anjali Dayal của LHQ, trợ lý giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Fordham.

Pháp và Anh đã hạn chế sử dụng quyền phủ quyết của họ kể từ năm 1989. Nhưng, những năm sau Chiến tranh Lạnh đã chứng kiến Mỹ, Nga và Trung Quốc sử dụng Hội đồng Bảo an để “giải oan cho các đồng minh của họ và bảo vệ họ khỏi hậu quả của các quyết định chính sách đối ngoại không được lòng dân”, bà Anjali Dayal nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Sierra Leone Timothy Musa Kabba tin rằng sự công bằng hơn trong Hội đồng Bảo an sẽ giúp phá vỡ bế tắc và mang lại cho Hội đồng Bảo an nhiều uy tín hơn. “Có nhiều cuộc xung đột mà Hội đồng Bảo an thực sự đưa ra các nghị quyết không được thực hiện ngay, điều này cho thấy sự kém hiệu quả của Hội đồng Bảo an hiện tại”, Bộ trưởng Kabba phát biểu tại trụ sở LHQ. Ông nói thêm rằng trong “một thế giới đa dạng hơn, toàn cầu hóa hơn, kết nối chặt chẽ hơn, thì Hội đồng Bảo an cần được dân chủ hóa để có sự đại diện dựa trên địa lý”.

Ngoài 5 ghế thường trực còn có 10 ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an, 3 trong số đó thuộc về châu Phi. Các ghế không thường trực không có quyền phủ quyết và được UNGA bầu theo khu vực cho nhiệm kỳ 2 năm. Dư luận chung tại hành lang LHQ đều cho rằng “đã đến lúc phải thay đổi”. Nhưng, cuộc cạnh tranh giữa 193 quốc gia thành viên của LHQ đã ngăn cản các nỗ lực thay đổi. Chẳng hạn, Brazil và Ấn Độ muốn có các ghế thường trực, nhưng họ sẽ không có được sự đồng tình của các đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Liên hợp quốc và câu chuyện cải tổ -0
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio phát biểu tại UNGA khóa 78, năm 2023.

Ngoài nỗ lực của Liên minh châu Phi (AU) nhằm giành được 2 ghế ủy viên thường trực và thêm 2 ghế không thường trực, còn có ít nhất 5 nhóm thành viên khác của LHQ có ý tưởng riêng về cải cách Hội đồng Bảo an.

“Đây là một cuộc tranh luận đã diễn ra trong nhiều thập kỷ”, Daniel Forti, nhà phân tích cấp cao về vận động và nghiên cứu của LHQ tại Crisis Group, nói. “Các nhà ngoại giao vẫn chưa thống nhất về công thức mở rộng Hội đồng Bảo an theo cách đạt được đa số hai phần ba cộng với Washington, Moscow và Bắc Kinh để cùng nhất trí về một công thức”.

Ông nói thêm rằng có nhiều động lực chính trị hơn đối với điều này, nhưng “điều đó không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải tiến gần hơn đến cải cách”. Chẳng hạn, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tước bỏ quyền phủ quyết của các quốc gia P5 sẽ không thể thực hiện được.

Những người ủng hộ cải cách Hội đồng Bảo an cho biết việc mở rộng là có thể, chỉ ra trường hợp vào năm 1963, khi Hội đồng Bảo an được mở rộng từ 10 lên 15 quốc gia thành viên. “Vì vậy, mặt khác, có thể đây là một cơ hội”, một nhà ngoại giao cấp cao tại LHQ nói. “Nhưng, chúng ta còn rất xa mới có thể thực hiện cải cách Hội đồng Bảo an thực sự”, nhà ngoại giao này nói thêm.

An Châu (Tổng hợp)
.
.