Liên kết Thủy quân lục chiến Mỹ - Hàn đi về đâu?
Những thay đổi trong cơ cấu quân đội Mỹ có tác động mạnh đến Hàn Quốc do hai nước đang duy trì quan hệ đồng minh quân sự và Hàn Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều hoạt động tác chiến chiến lược. Việc Mỹ cơ cấu lại lực lượng thủy quân lục chiến sẽ dẫn đến những thay đổi trong tổ chức quân sự của đồng minh Hàn Quốc.
Khả năng đổ bộ độc lập
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc là lực lượng tấn công đổ bộ lớn thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nga với hơn 28.000 quân phiên chế trong 2 sư đoàn và 2 lữ đoàn trực thuộc.
Sư đoàn 1 là sư đoàn đổ bộ, đóng vai trò là đơn vị cơ động chiến lược quốc gia trong thời bình và trong trường hợp khẩn cấp, làm nhiệm vụ chủ lực tiến công đổ bộ vào vùng biển phía sau của đối phương. Trực thuộc Sư đoàn 1 có 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến và 1 lữ đoàn pháo binh yểm trợ. Mỗi lữ đoàn thủy quân lục chiến có 1 tiểu đoàn chuyên biệt được giao nhiệm vụ phòng không, tấn công bất ngờ và đột kích. Sẽ có một đơn vị chuyên tiến hành hoạt động đổ bộ 3 chiều theo phương thức sử dụng máy bay vận tải để nhảy dù vào hậu phương của đối phương. Một đơn vị khác sẽ tiến hành chiến dịch đổ bộ ven biển theo hình thức truyền thống. Một đơn vị đột kích khác sẽ xuất kích từ tàu đổ bộ được trực thăng đưa vào hậu cứ tuyến phòng ngự ven biển để làm nhiệm vụ đánh vào hậu tuyến phòng thủ của đối phương.
Mô hình tác chiến cơ động 3 chiều
Hàn Quốc dường như là quốc gia duy nhất trên thế giới cho đến nay vẫn vận hành lực lượng tấn công đổ bộ quy mô cấp sư đoàn. Mặc dù Mỹ vẫn có một tổ chức sư đoàn trong thủy quân lục chiến nhưng trên thực tế đó chỉ là tổ chức hành chính. Lực lượng tác chiến hải quân Trung Quốc gần đây đã tăng nhanh về quy mô song cũng vận hành lực lượng thực tế tập trung vào đội hình cấp lữ đoàn. Trong trường hợp của Nga, người ta đã xác nhận rằng trong cuộc chiến với Ukraine, một lữ đoàn hải quân đã được biên chế và triển khai nhưng trên thực tế, quy mô của nó chỉ như một đơn vị bộ binh cơ giới nói chung chứ không phải là một đơn vị đổ bộ.
Sở dĩ lực lượng đổ bộ cấp sư đoàn biến mất ở các quốc gia là do hiện nay không cần tiến hành chiến tranh đổ bộ quy mô lớn và để duy trì lực lượng này rất tốn kém. Bất chấp xu hướng này, Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục duy trì lực lượng đổ bộ cấp sư đoàn trở lên do môi trường an ninh đặc biệt. Trong trường hợp một cuộc chiến tổng lực nổ ra giữa 2 miền Nam - Bắc hoặc khi cần kiểm soát khẩn cấp các cơ sở tên lửa và hạt nhân ở các tỉnh Pyongan và Hamgyeong (thuộc miền Bắc) khi có sự thay đổi đột ngột, một đơn vị cơ động 3 chiều sẽ rất cần thiết để triển khai nhanh lực lượng đến hậu phương của đối phương. Vì vậy, Hàn Quốc vẫn duy trì tổ chức thủy quân lục chiến quy mô lớn, nhưng vấn đề là nước này thiếu khí tài cơ động để nhanh chóng triển khai lực lượng này tới khu vực tác chiến trong trường hợp khẩn cấp.
Thủy quân lục chiến là lực lượng thâm nhập hậu phương địch bằng phương tiện đổ bộ tàu chiến và máy bay. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc hiện tại lại rất thiếu cả tàu chiến và máy bay để chở thủy quân lục chiến. Nhìn vào số lượng tàu đổ bộ hiện có, chỉ có 10 chiếc bao gồm 2 tàu lớp Dokdo có khả năng chở lực lượng đổ bộ cấp tiểu đoàn, 4 tàu lớp Gojunbong. Theo tính toán của giới chuyên môn, ngay cả khi huy động tổng cộng cả 10 tàu, Hàn Quốc cũng chỉ đủ để đổ quân và thiết bị của 1 lữ đoàn. Tàu chiến lớp Gojunbong là tàu đổ bộ xe tăng (LST) trong Thế chiến 2 cho đến nay vẫn giữ gần như nguyên trạng nên không phù hợp tác chiến đổ bộ hiện đại. Ngay cả chiến hạm lớp Cheonwangbong, được cho là thuộc loại mới, cũng không có khả năng lắp phương tiện đệm khí cho hoạt động “đổ bộ ngoài đường chân trời”. Loại tàu đổ bộ này đã lỗi thời và lại phải tiếp cận tầm bắn của tên lửa đất đối hạm và pháo bờ biển của đối phương nếu một chiến dịch đổ bộ thực sự diễn ra.
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc cũng thiếu sức mạnh không quân. Có 3 tiểu đoàn dù trong Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến song không có máy bay vận tải chuyên dụng. Lực lượng Không quân chỉ có một số máy bay vận tải C-130 và CN-235, trong trường hợp khẩn cấp, các máy bay này sẽ được giao nhiệm vụ đầu tiên xâm nhập vào hậu phương của lực lượng đặc biệt và vận chuyển tài sản có giá trị cao. Mặc dù lực lượng phòng không thủy quân lục chiến mới được thành lập với biên chế 30 trực thăng đổ bộ và 24 trực thăng vũ trang, song ngay cả khi toàn bộ lực lượng của quân đoàn không quân được huy động thì cũng chỉ có thể triển khai khoảng 200 quân cùng lúc.
Thủy quân Lục chiến Mỹ và kế hoạch tái cấu trúc 10 năm
Trong trường hợp phải đổ bộ lên bờ biển của đối phương và xây dựng một đầu cầu tiền tuyến, quân đội Hàn Quốc thiếu lực lượng hỗ trợ, không thể độc lập duy trì và mở rộng bãi đá đầu bờ. Để duy trì một bãi đổ bộ, cần phải kiểm soát hoàn toàn khu vực bờ biển cả trên không và xung quanh vùng đổ bộ. Hỏa lực mạnh cần được phủ toàn bộ vùng ngoại vi của bãi đổ bộ trong khi các lực lượng xe tăng, thiết giáp và pháo binh cần nhanh chóng đổ bộ tập kết.
Hiện tại, trên thế giới chỉ duy nhất có quân đội Mỹ là có khả năng triển khai hoạt động này. Lực lương Mỹ đang có toàn bộ các phương tiện có thể nhanh chóng hạ cánh xe tăng, pháo tự hành và xe bọc thép hạng nặng, cũng như tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ lớn, trên bờ biển mà không cần dỡ phương tiện. Tuy nhiên, vấn đề là không biết quân đội Mỹ sẽ duy trì khả năng này trong bao lâu nữa.
Tháng 3/2020, thủy quân lục chiến Mỹ đã công bố kế hoạch mang tên “Tái thiết lực lượng 2030” của tướng Tổng tư lệnh David Berger. Đây là một dự án tái cấu trúc chưa từng có và sẽ làm thay đổi cấu trúc cơ bản của thủy quân lục chiến Mỹ trong 10 năm tiếp theo. Theo đó, thủy quân lục chiến Mỹ giảm lực lượng 19.000 quân và đại tu hoàn toàn cấu trúc đơn vị hiện có, tập trung vào các hoạt động đổ bộ và các nhiệm vụ triển khai nhanh ở nước ngoài. 24 tiểu đoàn bộ binh hiện có được đổi thành 21 tiểu đoàn bộ binh nhẹ; 21 tiểu đoàn pháo binh giảm xuống còn 5 và hầu như từ bỏ nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.
Cụ thể, tiểu đoàn bộ binh đang bị thu hẹp sẽ được tổ chức lại thành một khái niệm hoàn toàn mới về các đơn vị bộ binh hạng nhẹ, chứ không phải là “bộ binh thủy quân lục chiến” như trước đây. Trung đoàn thủy quân lục chiến hiện nay được biên chế cơ bản với 3.400 binh sĩ và tiểu đoàn thủy quân lục chiến trực thuộc được tổ chức thành một “tiểu đoàn bộ binh tăng cường” với khoảng 1.000 quân. Trung đoàn duyên hải thủy quân lục chiến (MLR) mới thay đổi sẽ giảm quân số xuống còn 2.200 người và tiểu đoàn thủy quân lục chiến trực thuộc sẽ được tổ chức lại thành đại đội tác chiến ven biển (LCT) bao gồm các tổ chức cấp trung đội theo chức năng. Cùng với đó, lực lượng xe tăng của thủy quân lục chiến dự kiến sẽ bị loại bỏ.
Theo đó, hải quân Mỹ đang thực hiện kế hoạch thay đổi tàu và học thuyết về tàu đổ bộ phù hợp với những thay đổi trong chiến lược và tổ chức của lực lượng thủy quân lục chiến mới. Trước hết, tàu tấn công đổ bộ boong hở, vốn có đặc tính đổ bộ mạnh, đang được thay thế dần bằng loại tàu sân bay hạng nhẹ chở được 20 chiếc F35B. Các khí tài di động trên không gắn trên tàu đổ bộ được chuyển sang tàu đổ bộ kiểu lớp San Antonio trọng tải 25.000 tấn. 11 tàu lớp San Antonio đã được đóng mới và đưa vào phiên chế trong khi 2 chiếc nữa đang được hoàn thiện. Loạt tàu đổ bộ mới này sẽ thay thế hoàn toàn các tàu đổ bộ cũ lớp Whidbey Island trọng tải 16.100 tấn và tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry trọng tải 16.600 tấn.
Trong thời gian tiếp theo, dự kiến sẽ còn có những thay đổi đáng kể nữa. Kế hoạch tiếp theo của quân đội Mỹ sẽ là đóng mới và đưa vào vận hành hàng loạt tàu tấn công đổ bộ cỡ nhỏ 4.000 tấn mang tên thiết giáp hạm đổ bộ hạng nhẹ (LAW). Các hạm đội lớn bao gồm cả tàu sân bay roll-on/roll-off sẽ dần được thay thế hoặc tái cấu trúc để đảm bảo tính hiệu quả cả trong thời chiến và thời bình.
Bài toán tăng cường năng lực độc lập với Hàn Quốc
Sự thay đổi chiến lược như vậy được cho là hoàn toàn phù hợp với tình hình địa chính trị hiện tại khi khái niệm chiến lược của quân đội Mỹ đã thay đổi. Vấn đề là khi quân đội Mỹ giảm số lượng tàu đổ bộ và tàu triển khai cố định sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng tiến hành các hoạt động đổ bộ của thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Như đã nói ở trên, mặc dù duy trì thủy quân lục chiến cấp quân đoàn nhưng khả năng tác chiến lại chưa đạt đến cấp lữ đoàn, nên Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện của Mỹ.
Những thay đổi trong chiến lược hoạt động của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm tài sản tăng cường của Mỹ tại Hàn Quốc trong vài thập kỷ. Trước đây, thông qua “Kế hoạch tác chiến (OPLAN) 5027”, Mỹ cam kết sẽ gửi 600.000 quân, 5 tàu sân bay, 160 tàu chiến và 2.500 máy bay quân sự trong vòng 90 ngày nếu chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên. Trong OPLAN 5015, được chỉnh sửa năm 2015, đã có sự thay đổi đột ngột về diễn biến tình hình và các kịch bản chiến tranh cục bộ bên cạnh các mối đe dọa chiến tranh thông thường hiện có. Tuy nhiên, như đã bộc lộ qua các chiến địa thời gian qua, khả năng tiến hành chiến tranh thông thường của quân đội Mỹ đang suy yếu đi đáng kể. Khó có thể tin rằng Mỹ sẽ gửi một lực lượng quân sự quy mô lớn hỗ trợ một đồng minh như đã cam kết.
Hàn Quốc là quốc gia không thể từ bỏ khả năng tác chiến đổ bộ quy mô lớn bởi sự đặc thù và các yếu tố đi kèm. Một khi chiến tranh tổng lực xảy ra, nó chắc chắn sẽ kéo dài và gây thiệt hại không thể lường trước được. Nó sẽ chỉ nhanh chóng được kết thúc khi tiến hành một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn vào hậu phương để nhanh chóng làm tê liệt hệ thống chỉ huy và hậu cần của đối phương.
Để có thể thực hiện được một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn đó, Hàn Quốc cần rất nhiều tàu, máy bay và pháo, xe tăng như đã phân tích ở trên, chưa kể còn phải tăng cường các lực lượng hải quân và không quân hỗ trợ. Vào thời điểm các nguồn lực phục vụ quân sự đang giảm nhanh chóng, việc mở rộng số lượng của hải quân và thủy quân lục chiến dường như là không thể. Nguồn lực ở cấp quốc gia có thể được huy động, song hoàn toàn là điều không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.