Liên minh phòng không Trung Đông: Liệu có khả thi?

Chủ Nhật, 24/07/2022, 08:43

Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc các quốc gia Arab liên kết với Israel để chống lại tên lửa của Iran, song giới phân tích nhận định, sự thiếu lòng tin lẫn nhau cùng những khác biệt về mặt kỹ thuật giữa các bên sẽ khiến sáng kiến về một liên minh kiểu này của Mỹ dường như là rất xa vời.

Trước thềm chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền của ông và những người đồng nhiệm Israel đã thảo luận về việc thiết lập một “Liên minh phòng không Trung Đông”. Khái niệm này được lập ra như một sự đáp trả mối đe dọa mà các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cùng các máy bay không người lái của Iran đặt ra cho các quốc gia trên khắp khu vực, bao gồm Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq và một số nước khác.

Bối cảnh không thuận lợi

Xét bề ngoài, ý tưởng của Mỹ có vẻ rất ý nghĩa. Mối đe dọa từ tên lửa và máy bay không người lái của Iran là có thật và đang ngày càng gia tăng. Hiệp định Abraham đã mở ra cánh cửa cho một sự hợp tác rộng rãi, sâu sắc và cởi mở hơn giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Việc Israel được đưa vào Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) mới đây cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng vũ trang của Mỹ và khu vực.

Đáng tiếc là chính quyền ông Biden lại đưa ra sáng kiến này trong một bối cảnh phức tạp, có nguy cơ khiến sáng kiến được đề xuất chỉ giống như một cử chỉ mang tính biểu tượng. Tệ nhất là nó còn có thể làm suy yếu thêm an ninh Trung Đông.

Liên minh phòng không Trung Đông: Liệu có khả thi? -0
Lá chắn tên lửa tại Trung Đông liệu có sớm được triển khai?

Lý do đầu tiên là sáng kiến này dường như hoàn toàn mang tính phòng thủ. Nếu không có các cuộc thảo luận song song về việc ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran, Tehran có rất ít động lực để giảm bớt sự đầu tư vào các tên lửa và máy bay không người lái hoặc ngừng sử dụng chúng để đe dọa các nước láng giềng. Ngược lại, việc các nước trong khu vực tập trung củng cố quốc phòng có thể thôi thúc Iran tăng cường phát triển và triển khai các loại vũ khí này để áp đảo hệ thống phòng thủ đang ngày càng tinh vi của các nước láng giềng.

Thứ hai, và quan trọng hơn, việc đẩy mạnh một sự hợp tác phòng không khu vực được đề xuất khi Mỹ đang sốt sắng theo đuổi tiến trình quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran - JCPOA. Một sự quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ ngay lập tức cung cấp cho chế độ này quyền tiếp cận hàng trăm tỷ USD, một phần trong số đó chắc chắn sẽ được đổ vào các tên lửa và máy bay không người lái có năng lực hơn. Nói cách khác, chính quyền ông Biden đang thúc đẩy một chính sách vừa tạo điều kiện cho mối đe dọa tên lửa Iran phát triển, trong khi lại đang đề xuất việc hỗ trợ các đối tác và đồng minh của Mỹ tự vệ chống lại chính mối đe dọa này.

Rào cản kỹ thuật

Theo các quan chức và chuyên gia, một mục tiêu thực tế hơn sẽ là việc Israel chia sẻ thêm thông tin tình báo với các nhà nước Arab, thường xuyên tiến hành các cuộc trao đổi thực chất và thậm chí có thể mua thêm các loại vũ khí thích hợp. Mục tiêu này sẽ dễ đạt được hơn so với một lá chắn phòng thủ có thể phát hiện tên lửa bằng radar, vệ tinh và một số hệ thống cảm biến khác.

Trao đổi với “Politico”, Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định: “Rất khó để đưa các cảm biến và hiệu ứng của quân đội và hải quân Mỹ vào một hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung. Điều này thậm chí còn khó khăn hơn khi những hệ thống này đến từ nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau”.

Nhìn chung, một trong những trở lại lớn nhất hiện vẫn là sự miễn cưỡng của các nước trong khu vực về việc chia sẻ thông tin tình báo. Theo David Des Roches, Phó giáo sư Đại học Quốc phòng tại Washington, các nước này có thể sẽ sẵn sàng hơn trong việc đóng góp vào hệ thống thông tin chia sẻ các mối đe dọa dựa trên một “xương sống kỹ thuật số” do Mỹ cung cấp, nhưng khó có khả năng họ sẽ chia sẻ dữ liệu về mối đe dọa này một cách kịp thời.

Bên cạnh những thách thức ngoại giao, còn có các rào cản về địa lý và kỹ thuật cần phải khắc phục. Cả Israel, Saudi Arabia và UAE đều đang sở hữu những hệ thống phòng không tinh vi, khiến một liên minh phòng thủ tên lửa chắc chắn sẽ vấp phải nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, đòi hỏi nhiều thời gian để tích hợp các hệ thống với nhau.

Lựa chọn khả thi hơn

Cũng phải thừa nhận rằng triển vọng về sự hợp tác phòng không giữa Israel và các quốc gia Arab hiện nay đã khả thi hơn nhiều so với thời ông Biden đến thăm Israel vào năm 2016 khi còn là Phó Tổng thống, bởi khi đó, Jerusalem chỉ duy trì quan hệ với Ai Cập và Jordan. Sau này, chính những hành động được cho là ngày càng hung hăng của Tehran, cùng với việc chính quyền ông Trump phá vỡ một số thỏa thuận, đã giúp thay đổi đáng kể bức tranh ngoại giao khu vực.

Tổng thống Joe Biden cũng có thể đã sử dụng chuyến đi của mình để thông báo rằng sự kiên nhẫn dành cho JCPOA đã hết và ông cam kết phát triển một kế hoạch khác với các nước láng giềng của Iran để thực sự đảm bảo rằng Cộng hòa Hồi giáo không bao giờ phát triển hoặc mua được vũ khí hạt nhân. Một chính sách được cải thiện sẽ không chỉ giúp bảo vệ trước các tên lửa và máy bay không người lái của Iran, mà còn mang tính răn đe để Iran thậm chí không dám nghĩ tới việc sử dụng chúng.

Mỹ cũng nên tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt của riêng mình để ngăn chặn Trung Quốc và những nước khác mua dầu của Iran, qua đó tạo nguồn thu để phục vụ phát triển tên lửa, khủng bố và gây hấn của Iran.

Tóm lại, theo giới phân tích, ông Joe Biden vẫn có cơ hội để dẫn dắt nước Mỹ thoát khỏi chính sách nhu nhược và chuyển sang chính sách cứng rắn và răn đe hơn với Iran. Một chính sách như vậy sẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối tác của Mỹ ở Trung Đông, có nhiều khả năng thành công hơn và có thể sẽ mang lại một nền an ninh khu vực tốt hơn tại một thời điểm mà các mối đe dọa ở những nơi khác trên toàn cầu đang ngày càng tăng.

Ngọc Bích (Tổng hợp)
.
.