Liên minh quân sự AUKUS chọc giận đồng minh?

Thứ Ba, 21/09/2021, 08:37

Liên minh quân sự giữa 3 nước Anh - Mỹ - Australia (viết tắt là AUKUS) vừa chính thức được khai sinh nhằm mục tiêu “đối phó Trung Quốc”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng liên minh này không chỉ tạo ra nguy cơ gây bất ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn khiến nhiều đồng minh không hài lòng vì cảm thấy mình bị đối xử xa lạ, rẻ rúng.

Liên minh “đối phó” với Trung Quốc?

Việc thành lập liên minh AUKUS đã được công bố trong một thông báo chung phát đi tại cuộc họp trực tuyến qua cầu truyền hình giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 15-9.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, 3 quốc gia sẽ cử các đội công tác phối hợp để lập một kế hoạch chung trong 18 tháng tới để lắp ráp hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Australia, sẽ được đóng tại thành phố cảng Adelaide của Australia. Dự án sẽ đưa Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân.

Mặc dù lãnh đạo 3 nước không đề cập gì đến Trung Quốc trong phát biểu của mình nhưng dư luận chung trong giới quan sát đều nhìn thấy rõ rằng liên minh AUKUS là một thực thể ra đời không vì mục đích gì khác hơn là nhằm “ứng phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông và vấn đề Đài Loan”, theo hãng thông tấn AP của Mỹ. Phát biểu với báo chí ngay trước cuộc họp của lãnh đạo 3 nước, giới chức Mỹ cũng úp mở vấn đề này khi cho rằng liên minh được thành lập “nhằm duy trì và nâng cao khả năng răn đe”.

Liên minh quân sự AUKUS chọc giận đồng minh? -0
Cuộc họp trực tuyến công bố thành lập Liên minh AUKUS.

Đối với những người am hiểu về Chiến tranh Lạnh, họ không xa lạ gì với cái tên viết tắt của liên minh: AUKUS. Cái tên này nghe có vẻ rất giống một cái tên liên minh khác ra đời cách đây 75 năm, vào thời điểm bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Đó là liên minh thỏa thuận chia sẻ tình báo mang mật danh UKUSA - bao gồm 5 quốc gia Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, sau này được biết đến với cái tên “Ngũ nhãn” (Five Eyes). Tài liệu về thỏa thuận thành lập liên minh này công bố vào tháng 6-2020 được đánh giá là một trong những tài liệu quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh, đã tiết lộ “một trong những nền tảng của mối quan hệ đặc biệt mà Anh và Mỹ vẫn duy trì đến ngày nay”.

Nhưng, không giống như thỏa thuận UKUSA, liên minh AUKUS có khía cạnh an ninh và công nghệ phát triển cao. Nó xảy ra vào thời điểm nhiều nước phương Tây đang điều chỉnh lại quan hệ của họ với Trung Quốc. Cho đến những năm gần đây, Australia đã nhấn mạnh vào chiến lược “bảo hiểm rủi ro” trong việc điều hướng các động lực đang thay đổi trong khu vực. Canberra đã tự rút khỏi Quad, một liên minh chiến lược với Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Đồng minh không hài lòng

Phản ứng của giới chính trị tại các quốc gia liên quan có khác nhau nhưng đều có xu hướng không đồng tình với liên minh AUKUS. Trung Quốc lẽ đương nhiên chống lại liên minh này, cũng như bất kỳ liên minh chiến lược nào trước đây do Mỹ khởi xướng trong khu vực. Trong một tuyên bố với báo chí hôm 16-9, Bắc Kinh cho rằng các nước liên minh AUKUS có nguy cơ tự đánh mất giá trị, tự làm phương hại đến lợi ích của mình và làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm. Dali Yang, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Chicago cho biết: “Bắc Kinh đang cố gắng củng cố mối quan hệ của mình với các nước khác, với hy vọng rằng họ có thể giữ thái độ trung lập nhất có thể khi đạt được các thỏa thuận như vậy”.

Tức giận hơn hết có lẽ là Pháp, một đồng minh quan trọng của Anh, Mỹ, Australia. Trước AUKUS, Pháp và Australia đã ký thỏa thuận mua bán tàu ngầm vào năm 2016. Tuy nhiên, với AUKUS, việc mua bán tàu ngầm giữa hai nước bị hủy bỏ, vì điều khoản quan trọng đầu tiên trong thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS là Mỹ sẽ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia và giúp nước này xây dựng căn cứ tàu ngầm. Đây sẽ là một trong những dự án phức tạp, kéo dài hàng thập niên và đòi hỏi công nghệ tiên tiến nhất. Một quan chức cấp cao của Mỹ đã mô tả thỏa thuận này là “một quyết định cơ bản, ràng buộc Australia với Mỹ và Anh trong nhiều thế hệ”.

Tuy nhiên, thỏa thuận đó cũng chính là trở ngại đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không chỉ về mặt tài chính mà còn cả về ngoại giao. Nước Pháp đã nỗ lực trong nhiều năm để đảm bảo mối quan hệ đối tác với Australia và tăng cường sự hiện diện chiến lược của nước này ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phát biểu trên đài phát thanh France Info hôm 16-9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ sự tức giận, cho rằng thỏa thuận mua bán tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ và Australia là một “cú đâm sau lưng đồng minh. Chúng tôi thiết lập mối quan hệ tin cậy với Australia và sự tin tưởng này đã bị phản bội”.

Không chỉ Pháp, New Zealand và Canada cũng là những đồng minh quan trọng không có mặt trong thỏa thuận liên minh AUKUS. Hai quốc gia thành viên liên minh Ngũ nhãn này có những điểm tương đồng trong định hướng đối với Bắc Kinh, tránh đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhằm hạn chế đối đầu với Trung Quốc. Riêng đối với New Zealand, việc Australia tham gia liên minh AUKUS càng khiến quan hệ hai nước trở nên xa cách hơn.

Liệu cuối cùng, sáng kiến AUKUS có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Xét cho cùng, nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông Trump đã cho các đối tác của Mỹ thấy các sáng kiến đa phương có thể “lóe sáng” trong một sớm một chiều với việc thay đổi quyền lực ở Washington. Nhưng, nếu sáng kiến này tồn tại, nó có thể cho thấy hình dạng của một chiến lược an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể có trong tương lai khi Biden hợp nhất các đồng minh và đối tác để giải quyết “các mối đe dọa của thế kỷ 21”, chuyên gia Yuka Kobayashi thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở London cho biết.

Trương Hùng
.
.