Liệu đã phải là nấc thang cuối cùng?

Thứ Tư, 08/02/2023, 12:04

Một đợt tấn công mới từ phương Tây lại bắt đầu ngày 5/2, khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut, trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu chính của Moscow. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể trong giao dịch dầu toàn cầu, đặc biệt là dầu diesel - nguồn nhiên liệu quan trọng đối với mọi nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyện “Liệu các lệnh trừng phạt mới này có thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt hơn những biện pháp từng được áp dụng trong quá khứ gần?” hiện vẫn bị bao phủ bởi không ít hoài nghi.

“Tăng cường hỏa lực”

Biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển - có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Biện pháp mới cấm các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga nếu không được mua bán trong mức giá trần đặt ra, cũng áp dụng với các công ty hỗ trợ kỹ thuật, môi giới hoặc tài chính như các công ty bảo hiểm cho các hãng vận chuyển các chế phẩm dầu mỏ của Nga. Mức phạt với công ty vi phạm có thể lên đến 5% doanh thu toàn cầu.

Liệu đã phải là nấc thang cuối cùng? -0
Dầu mỏ Nga vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu, thông qua những giao dịch ngầm.

Các nước thuộc EU, G7 và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2, lần lượt là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu.

Mới chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, phương Tây tung ra gói trừng phạt chưa từng có trong lĩnh vực năng lượng với một quốc gia, nhằm triệt tiêu nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow, bao gồm: Cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga; ngăn các công ty châu Âu làm trung gian thúc đẩy các thương vụ mua bán dầu Nga, trừ khi hợp đồng mua bán dầu được thực hiện với giá dưới 60 USD/thùng.

Việc gấp rút bồi thêm một nhát búa tạ nữa vào guồng máy xuất khẩu dầu mỏ của nước Nga, dường như, cũng kín đáo hé lộ rằng những cú đòn đã được tung ra có lẽ là chưa đủ sức nặng.

Tuy vậy, theo nhận định của The Economist, ít nhất là trong ngắn hạn, lĩnh vực xuất khẩu dầu diesel và các chế phẩm dầu khác của Nga sẽ phải lao đao, bởi những thách thức không dễ xử lý. Ngắn gọn, nước Nga sẽ không dễ tìm thấy những khách hàng mới nhằm lấp đầy khoảng trống mà thị trường châu Âu để lại, khi cả Trung Quốc và Ấn Độ - những “khách sộp” mới “xuất hiện từ dông bão” trong vòng 12 tháng qua - đều có nhà máy lọc dầu của riêng mình. Trong khi đó, tiến trình thay thế các đội tàu chở dầu mang cờ hiệu châu Âu cũng là chuyện không hề đơn giản.

Liệu đã phải là nấc thang cuối cùng? -0
Giá xăng và dầu diesel tăng có thể làm tình trạng lạm phát trầm trọng thêm trên thế giới.

Không có ai yên ổn

Tuy nhiên, chưa biết nền kinh tế Nga sẽ tổn thất ở mức độ nào, những ý kiến trái chiều đã kịp dậy lên, xoay quanh những thiệt hại chung mà nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ phải gánh chịu.

Giá dầu diesel - vốn đã tăng cao kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng phát, có thể sẽ còn tiếp tục tăng. Riêng trong năm 2022, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng từ mức 1,66 euro/lit lên 2,14 euro/lit. Có lẽ ai cũng hiểu, giá năng lượng tăng là yếu tố chính dẫn tới tình trạng lạm phát ở châu Âu - hoàn cảnh khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu cũng như tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.

Nếu nguồn cung từ Nga bị hạn chế, châu Âu buộc phải tăng nhập khẩu dầu diesel từ các khu vực khác, như châu Á và Trung Đông. Có điều, quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu nhiên liệu cao hơn cũng đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển tiếp tục tăng vọt, làm trầm trọng thêm gánh nặng chi phí. Cũng phải nhấn mạnh: Nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng.

Nói như Matthew Sherwood, chuyên gia phân tích từ Hãng Economist Intelligence Unit (EIU), biện pháp mới của EU sẽ gây một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau khi lệnh cấm được triển khai, nhưng các thị trường EU vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế, dẫn tới áp lực giá các sản phẩm từ dầu nhìn chung sẽ có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Eurasia Group tin rằng lệnh cấm mới sẽ dẫn tới những thách thức về hậu cần, kho bãi và sau cùng là chi phí vận chuyển.

Cho dù tỏ ra lạc quan, chuyên gia Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo Bank dự đoán: Giá xăng và đặc biệt là giá dầu diesel sẽ vẫn duy trì ở mức cao, nhất là nếu biện pháp cấm đi kèm với mức giá trần 100 USD/thùng với dầu diesel. Nguồn cung dầu diesel từ Mỹ và Trung Đông có thể bù đắp nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn sẽ diễn ra trong ngắn hạn.

Kịch bản này, thực tế, đã kịp trở thành nỗi ám ảnh với không ít khu vực doanh nghiệp quốc tế. Từ đầu năm 2023, những khách hàng có nhu cầu lớn đã tìm mọi cách gấp rút đổ dầu diesel của Nga đầy các bể chứa, khiến lượng mua vào trong tháng 1/2023 đạt mức cao nhất so với trung bình các năm khác. Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, tính từ đầu năm 2023, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu đạt trung bình 700.000 thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Song, ngược lại, tình trạng khan hiếm có khả năng cũng sẽ tạo nên một “hiệu ứng đòn bẩy” tích cực. Công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng WoodMac dự kiến biên lợi nhuận dầu diesel của châu Âu, lợi nhuận mà một nhà máy lọc dầu kiếm được về mặt lý thuyết từ việc lọc dầu thô thành dầu diesel, đạt trung bình 38 USD/thùng trong nửa đầu năm 2023, cao hơn gấp đôi mức trung bình của giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022.

Liệu đã phải là nấc thang cuối cùng? -0
Năm 2023 sẽ không có nhiều cơ hội cho việc OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác.

Cũng có những quan điểm kỳ vọng các dự án lọc dầu mới sẽ giúp gia tăng sản lượng dầu diesel toàn cầu, thúc đẩy dòng chảy đến châu Âu vào cuối năm và giúp giảm bớt khủng hoảng năng lượng. Thí dụ, việc mở rộng nhà máy lọc dầu Jizan có công suất 400.000 thùng/ngày ở Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu công suất 650.000 thùng/ngày của Dangote ở Nigeria (dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2023), nhà máy lọc dầu mới al-Zour có công suất 615.000 thùng/ngày ở Kuwait, cùng một số nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc cũng như những khu vực khác.

Cơ hội nào cho dầu mỏ Nga?

Nước Nga có thể bị đánh quỵ bởi những đòn tấn công liên tiếp từ phương Tây không? Thật đáng ngạc nhiên, chính những nhà phân tích phương Tây lại không giấu giếm sự hoài nghi.

Theo Stephen Brennock, chuyên gia phân tích cấp cao của PVM Oil Associates ở London, biện pháp cấm dầu thô Nga được triển khai tháng 12/2022 không gây ra những tác động nghiêm trọng tới nguồn thu của Nga như dự báo trước đó. Dầu thô chất lên các tàu ở các cảng Baltic của Nga trong tháng 1/2023 dự báo sẽ tăng 50% so với tháng 12/2022.

Còn theo số liệu mà The Economist đưa ra, bất chấp gói trừng phạt trước, trong 4 tuần đầu tiên của năm 2023 (tính đến ngày 29/1), xuất khẩu dầu thô của Nga - không bao gồm dầu CPC (một loại dầu pha của Kazakhstan được vận chuyển từ Nga) - đạt 3,7 triệu thùng/ngày. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 6/2022 và nhiều hơn bất kỳ một tháng nào trong năm 2021.

Có thể đây là bằng chứng cho thấy gói trừng phạt tháng 12/2022 đã bảo đảm nguồn dầu từ Nga tiếp tục lưu thông để ổn định thị trường, nhưng lại hạn chế được giá thành để siết chặt nguồn lợi nhuận chảy về Nga. Theo một số ý kiến, mức giá trần này sẽ giúp người mua có ưu thế hơn trong thương lượng, trong khi quãng đường vận chuyển dài hơn đồng nghĩa chi phí bến bãi, container và nhiên liệu tăng, buộc Nga sẽ phải bồi thường cho các khách hàng.

Vấn đề là, theo The Economist, những số liệu được nắm bắt chỉ dựa trên các thông tin chính thức, mà trong bối cảnh dầu Nga không còn được giao dịch công khai, sự sai lệch là hoàn toàn có thể xảy ra. Đơn cử, giới lọc dầu và các nhà giao dịch ở châu Âu từng chia sẻ thông tin về biến động giá cả, song thị trường Ấn Độ thì không. Hoặc, chi phí vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á lại thường không được tiết lộ.

Liệu đã phải là nấc thang cuối cùng? -0
Chi phí vận tải có thể sẽ càng lúc càng trở nên đắt đỏ.

Công cuộc nắm bắt giá cả thực sự cũng khó khăn hơn, bởi tất cả các bên đều có lợi nếu chứng minh rằng mình đã giao dịch dầu ở giá thấp. Doanh nghiệp dầu thô Nga có xu hướng hạ thấp các hóa đơn, trong khi các cơ sở lọc dầu Ấn Độ hay Trung Quốc chắc chắn cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận trong giao dịch với nhà phân phối. Các giao dịch ngầm sử dụng hệ thống song song cũng ngày một phát triển. Trước tháng 12/2022, hơn một nửa giao dịch dầu thô từ cảng phía Tây của Nga được triển khai thông qua một doanh nghiệp vận tải hoặc tài chính châu Âu. Hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 36%.

Khi không thể bán được dầu tinh chế, Nga có thể sẽ tăng xuất khẩu dầu thô, qua đó tiếp tục thúc đẩy các giao dịch ngầm. Một khi dòng dầu của Moscow chảy ra khỏi tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp cấm vận sẽ ngày một ít tác dụng - The Economist nhận định.

Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ tháng 12 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng, khi nước này chủ động mua thêm dầu thô từ Nga. Tiếp nối, Trung Quốc trở thành khách hàng mua dầu Urals lớn thứ hai của Nga trong tháng 1. Từ lâu, Trung Quốc và Ấn Độ đều là các nước nhập khẩu dầu thô Nga để đưa về nước tinh chế. Do đó, các nước này có thể dễ dàng nâng lượng nhập khẩu dầu thô với giá ưu đãi, thay vì mua thêm các chế phẩm.

Bởi vậy, khó có thể chắc chắn rằng lệnh cấm vận mới sẽ có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ngược lại, nguy cơ các vấn đề kinh tế-xã hội ở phương Tây trở nên trầm trọng hơn vẫn là điều không thể bỏ qua.

Mây Linh
.
.