Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy

Thứ Năm, 20/10/2022, 14:25

Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, với những diễn biến mới nhất, đã xuất hiện nguy cơ ngọn lửa xung đột lan rộng sang những khu vực khác, mà rõ nét nhất là Belarus, hay Moldov.

Mặt trận mới mà cũ

Bắt đầu từ ngày 17/10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon, với sự tham gia của 60 máy bay quân sự thuộc 14 quốc gia thành viên.  Theo tuyên bố của NATO, cuộc tập trận diễn ra ở khu vực phía Tây Bắc châu Âu, trong không phận của Bỉ và Anh, cũng như trên Biển Bắc. Các phương tiện truyền thông của Bỉ nêu rõ trung tâm của cuộc tập trận sẽ là căn cứ không quân Kleine Brogel của Bỉ ở tỉnh Limburg.

Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy -0
Giới quan sát quốc tế đã nhắc đến “một mặt trận mới”.

Mặc dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích “đây là các cuộc tập trận thường niên theo lịch trình được tiến hành để duy trì khả năng hạt nhân của NATO luôn trong trạng thái an toàn và hiệu quả”, đồng thời nhấn mạnh cuộc tập trận này không liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay xung quanh Ukraine, song có lẽ, bất cứ ai quan tâm theo dõi tình hình chiến sự ở Ukraine cũng cảm nhận được rằng tính chất “răn đe” của cuộc tập trận Steafast Noon vẫn hướng đến một đối tượng cụ thể: Quân đội Nga, đặc biệt là sau những tuyên bố hé lộ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuyên bố ấy thậm chí còn được nhắc lại bởi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin. Ngày 14/10, trả lời phỏng vấn hãng tin NBC, ông Lukashenko cảnh báo Ukraine và phương Tây không nên dồn ép Nga vào góc tường, nói rằng Moscow sở hữu vũ khí hạt nhân là có lý do.

Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy -0
Tổng thống Belarus Lukashenko - đồng minh thân cận nhất của nước Nga.

“Nga đã nêu rõ lập trường của mình: Chúa không cho phép một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Liên bang Nga; trong trường hợp đó, Nga có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí nếu cần thiết”. Trong một phát biểu khác, Tổng thống Belarus cũng cho biết ông đã đặt Belarus vào tình trạng mà ông gọi là báo động khủng bố cao độ vì căng thẳng ở biên giới, theo Reuters.

Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố: Chuyến tàu đầu tiên chở các đơn vị lính Nga đã tới Belarus.  Động thái này diễn ra sau khi Moscow và Minsk nhất trí về việc triển khai lực lượng chung, nhằm phản ứng trước động thái tăng cường quân sự của NATO ở biên giới của Belarus. Theo đó, “quyết định thành lập lực lượng quân đội khu vực được đưa ra và được thực hiện chỉ để bảo vệ” các đường biên giới của Nhà nước Liên minh, giữa bối cảnh các hoạt động đang diễn ra ở khu vực biên giới.

Có lẽ cũng cần phải làm rõ, liên minh giữa Nga và Belarus là một thực thể chính trị đã hiện hữu từ năm 1999, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia. Đến hiện tại, mối quan hệ ấy lại càng trở nên khăng khít. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với phương Tây và Ukraine, tuần trước Belarus cáo buộc Kiev “lên kế hoạch không kích” vào nước này. Ukraine đã phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm khiêu khích và đổ lỗi cho Kiev.

Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy -0
Những đơn vị lính Nga đầu tiên đến Belarus.

Trước đó, ông Lukashenko đã chỉ trích Ukraine vì thực hiện các hành vi gây hấn ở biên giới của Belarus, cho biết Ukraine đã tập hợp 15.000 binh lính ở khu vực này trong khi tiến hành trinh sát và thiết lập một số vị trí khai hỏa.

Cuối cùng, dù phía Ukraine có thừa nhận những thông tin ấy hay không, liên minh Nga - Belarus đã quyết định hành động bằng những bước đi thực tế. Trả lời đài RT ngày 14/10, Tổng thống Belarus Lukashenko nói lực lượng nước này, với khoảng 70.000 quân, sẽ đóng vai trò cốt lõi trong khi lực lượng Nga sẽ “hỗ trợ”. Ông Lukashenko nói không hy vọng Nga sẽ đưa đến 10.000-15.000 quân, có nghĩa số binh lính sẽ thấp hơn con số này. Tuy nhiên, ông không tiết lộ lực lượng chung sẽ được triển khai ở đâu.

Đó thực sự là một ẩn số đầy cạm bẫy, đối với Ukraine. Chưa ai quên, hồi tháng 2 năm nay, Belarus đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ để tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, trực tiếp uy hiếp thủ đô Kiev. Một kịch bản tương tự, rõ ràng, hoàn toàn có thể được lặp lại trong những ngày tới, tùy thuộc vào yêu cầu của tình hình chiến sự. Cho dù, Tổng thống Lukashenko luôn khẳng định vai trò của Belarus trong cuộc xung đột này chỉ dừng lại ở việc phòng thủ, đảm bảo “sẽ không có ai bắn sau lưng Nga” từ lãnh thổ Belarus và quân đội Belarus sẽ không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy -0
Lính Ukraine diễn tập quân sự gần biên giới Belarus, ngày 30/9.

Cạm bẫy dành cho Ukraine

Biên giới Belarus chỉ cách thủ đô Kiev của Ukraine chưa đầy 200 km. Bởi vậy, khi quân đội Ukraine đẩy mạnh những nỗ lực tái chiếm lãnh thổ ở phía Đông đất nước mình, sự hiện diện của quân đội Nga tại Belarus chính là một lưỡi gươm treo lơ lửng, sẵn sàng đột kích vào hậu tuyến địch, cắt đứt các đường tiếp vận huyết mạch.

Đây là một bài toán cực kỳ hóc búa đối với các tướng lĩnh Ukraine, trong bối cảnh đà phản kích của họ ở miền Đông không được phép đánh mất tốc độ, trước khi cái giá lạnh khủng khiếp của mùa đông ập tới.

Trong những ngày qua, hình thái cuộc chiến đã thực sự thay đổi rõ rệt. Quân đội Nga, từ thế công chuyển về thế thủ nhằm siết chặt phòng tuyến ở 4 tỉnh vừa tổ chức trưng cầu dân ý, đã tận dụng tối đa ưu thế về không quân cũng như các thiết bị không người lái (UAV), nhằm chặn đứng các đợt tấn công của Ukraine cũng như đánh phá cơ sở hạ tầng ở hậu phương. Còi báo động phòng không vang lên không ngớt trên toàn lãnh thổ Ukraine, hằng ngày.

Ukraine không hề được yên ổn, nhưng vẫn phải duy trì thế tấn công. Song song với đó, quân đội Nga giảm được tỷ lệ thương vong cũng như nhân lực một cách đáng kể. Cộng thêm lệnh động viên mới được Tổng thống Valdimir Putin ký ban hành, quân đội Nga không chỉ bắt đầu “dư dả” về quân số hơn so với giai đoạn trước mà còn sở hữu khả năng tính toán đến những nước đi mới trên cục diện chiến trường.

Trong khi đó, nếu quân đội Ukraine không mở được những “đột phá khẩu” nhằm thay đổi cục diện chiến trường ở các tỉnh duyên hải miền Đông Nam, nguy cơ hiện hữu đối với họ là sự suy kiệt, cả về các nguồn lực lẫn tinh thần chiến đấu.

Lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy -0
Gọng kìm vô hình bao vây Ukraine.

Song, nếu như tình hình chiến sự trở nên bất lợi cho phía Nga, thì trở lại khả năng đã được đề cập, các đơn vị lính Nga đồn trú tại Belarus có thể lập tức tràn qua biên giới, thực hiện chiến lược “vây Ngụy cứu Triệu”. Sau lưng họ, đã có những đơn vị binh sĩ Belarus che chắn, bảo đảm cho hướng hành quân này không thể bị đánh tập hậu. Do đó, nhằm tránh nguy cơ Kiev hay Kharkov lại bị tập kích, phía Ukraine bắt buộc phải duy trì một số lượng binh lính phòng thủ cần thiết ở hướng biên giới phía Bắc này, nghĩa là không thể dốc toàn lực đánh xuống miền ven biển Đông Nam.

Và hơn thế, chỉ cần một cái cớ, nghĩa là trường hợp các điểm bên trong biên giới Belarus giáp Ukraine bị tấn công, Tổng thống Lukashenko cũng hoàn toàn có thể ra lệnh cho các binh sĩ của mình tham dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Có thể hiểu, vì sao Tổng thống Ukraine Zelensky phủ nhận các cáo buộc âm mưu tấn công Belarus, đồng thời cáo buộc ngược trở lại rằng Nga “cố gắng trực tiếp lôi kéo Belarus vào cuộc chiến này”.

Ông Zelensky cũng kêu gọi đặt một phái đoàn quan sát viên quốc tế ở biên giới Ukraine - Belarus. Ông không thể mạo hiểm để đất nước của mình một lần nữa rơi vào tình thế “lưỡng đầu thọ địch”.

Đặc vị trí địa lý của Ukraine khiến cho mọi nỗ lực phòng thủ đều trở nên khó khăn gấp bội. Trong khi đó, bên cạnh việc viện trợ quân sự, hầu như vẫn không có khả năng NATO điều quân tham chiến, nhằm “cứu viện” cho một quốc gia chưa phải là thành viên chính thức của mình. Bởi vì, thật dễ hiểu, điều đó đồng nghĩa với Đại chiến thế giới lần 3 - viễn cảnh không ai muốn trở thành hiện thực.

Nói cách khác, quân đội Ukraine vẫn sẽ phải vừa tổ chức phòng thủ một cách hết sức cẩn trọng, vừa phải nỗ lực tìm kiếm thêm những thắng lợi mang tính chất quyết định, trước khi rã rời trong một guồng quay mà phía Nga nắm quyền kiểm soát nhịp điệu. Điều đáng sợ là đến lúc này, nước Nga vẫn chỉ coi đây là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, chứ chưa phải một cuộc chiến tranh đúng nghĩa, với tất cả các nguồn lực được kích hoạt.

Có chăng, một điểm tích cực hiếm hoi nào đó, là chuyện với quá nhiều ưu thế về hình thái chiến trường, quân đội Nga dường như vẫn chưa nhất thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân, dù chỉ là ở cấp độ chiến thuật...

Mây Linh
.
.