Loạt vụ nổ thêm “nóng” lò lửa Trung Đông
Trong các ngày qua đã liên tiếp xảy ra loạt vụ nổ hàng ngàn thiết bị liên lạc (máy nhắn tin và máy bộ đàm) do lực lượng Hezbollah sử dụng ở Liban khiến hàng chục người chết và hàng nghìn người bị thương. Loạt vụ nổ càng làm “nóng” thêm lò lửa Trung Đông vốn đang rất nóng.
Dư luận quốc tế không ngớt lên tiếng kêu gọi các bên giảm nhiệt nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh lan rộng ở Trung Đông.
Thủ phạm là ai?
Khi xảy ra loạt vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9 làm hàng chục người chết và khoảng 3.000 người bị thương (trong đó có nhiều dân thường và trẻ em), vẫn chưa thể xác định được lực lượng nào đã đứng đằng sau các vụ nổ. Các chuyên gia chỉ nhanh chóng kết luận rằng những chiếc máy nhắn tin phát nổ là do bị cài chất nổ bên trong trước khi chúng được giao hàng cho Hezbollah khi lực lượng này đặt mua hàng loạt để sử dụng làm phương tiện liên lạc chính.
Giới chuyên gia phân tích, sở dĩ Hezbollah sử dụng chủ yếu máy nhắn tin (phổ biến cách đây 30-40 năm) để truyền thông tin cho nhau thay vì dùng điện thoại di động là vì thiết bị này lẩn tránh được việc bị tình báo Israel xác định vị trí. Quả đúng là Israel đã rất khó khăn trong việc “tìm” các thành viên Hezbollah để “diệt” trong chương trình “ám sát có mục tiêu” của mình.
Nhưng, đến khi tiếp tục xảy ra loạt vụ nổ máy bộ đàm làm 20 người chết và 450 người bị thương ngay ngày hôm sau (18/9) đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng tình báo Israel đã cài chất nổ và kích nổ chúng từ xa. Các phương tiện truyền thông Israel đưa tin rằng loạt vụ nổ là kết quả của một vụ tấn công vào chuỗi cung ứng, cho phép các điệp viên MOSSAD cài thuốc nổ vào máy nhắn tin và máy bộ đàm trước khi chúng được bán cho Hezbollah và việc đó đã được triển khai cách đây ít nhất 5 tháng. Truyền thông Israel cũng cho rằng Thủ tướng Netanyahu và các cố vấn quân sự của ông có thể đã quyết định kích nổ các thiết bị trong tuần này vì lo ngại rằng Hezbollah sắp phát hiện ra hoạt động cài chất nổ vào thiết bị liên lạc của nhóm này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã tuyên bố hôm 18/9 rằng Israel đang chuyển trọng tâm quân sự sang mặt trận mới chống lại Hezbollah. Ông còn khen ngợi Cơ quan tình báo MOSSAD của Israel vì “những thành tựu to lớn”, nhưng không nhận trách nhiệm về 2 ngày tấn công ở Liban. Những tuyên bố “lên gân” kiểu này được đưa ra vào thời điểm “nóng bỏng” dường như có dụng ý đốt nóng thêm bầu không khí vốn đã rất nóng.
Trong bối cảnh sự tức giận ngày càng tăng trong khu vực về vụ tấn công, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã không được cảnh báo trước và rằng tất cả các bên đều phải tránh leo thang. Bộ trưởng Ngoại giao Jordan cho biết Israel đang đẩy Trung Đông đến bờ vực xung đột khu vực bằng cách duy trì sự leo thang nguy hiểm trên nhiều mặt trận. Trong bài phát biểu sau cuộc họp của nhóm liên lạc bộ trưởng Hồi giáo và Arab tại Amman để vận động ngừng bắn ở Gaza, Ayman Safadi cho biết hòa bình sẽ không thành công nếu không có giải pháp hai nhà nước.
Hezbollah cho biết họ đang tiến hành một “cuộc điều tra an ninh và khoa học” về nguyên nhân của vụ nổ và rằng Israel sẽ nhận được “hình phạt công bằng” nếu đúng họ đứng đằng sau loạt gây hấn này. Bộ trưởng Thông tin Liban Ziad Makary lên án vụ tấn công là “hành động xâm lược”.
Cơ hội hòa bình càng xa vời
Trước khi xảy ra các vụ nổ thiết bị liên lạc, Israel và Hezbollah đã giao tranh qua biên giới chung trong một cuộc chiến đe dọa leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực. Israel đã phải di dời hàng nghìn dân thường ra khỏi khu vực giáp biên giới phía Bắc với Liban do lo ngại bị Hezbollah tấn công gây thương vong.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo và ngoại giao thế giới cảnh báo rằng hành động gây ra loạt vụ nổ thiết bị liên lạc này có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah bất chấp những nỗ lực của Mỹ và Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn sự leo thang với Hezbollah.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres lên án các cuộc tấn công và kêu gọi cả Hezbollah và Israel kiềm chế, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được triệu tập họp vào ngày 20/9 để thảo luận về các hoạt động chưa từng có được cho là một vụ vi phạm chuỗi cung ứng lớn của tình báo Israel. Ông Guterres cũng cho rằng hoạt động này có thể đã được lên kế hoạch như một màn dạo đầu cho một cuộc tấn công lớn của Israel vào Lebanon. “Rõ ràng là logic của việc khiến tất cả các thiết bị này phát nổ là để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu trước một chiến dịch quân sự lớn”, ông Guterres nói với các phóng viên.
Chính phủ Israel đã tuyên bố sẽ mở rộng mục tiêu chiến tranh bao gồm cả việc đưa hàng chục nghìn thường dân trở lại biên giới với Lebanon, vì vậy có khả năng đây cũng sẽ là cái cớ để ông Netanyahu gây chiến nếu ông quyết định tiến hành một cuộc triển khai quân trên bộ vào Liban, như một số quan chức Israel và Mỹ lo ngại.
Hành động đó đã khiến các nỗ lực đàm phán hòa bình, ngừng bắn của Mỹ càng trở nên xa vời. Trong khi các quan chức Mỹ cho rằng nền tảng cho một nền hòa bình dọc theo biên giới phía Bắc của Israel với Lebanon sẽ đến thông qua lệnh ngừng bắn ở Gaza, thì thỏa thuận đó đã tỏ ra khó đạt được kết quả.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông hôm 17/9 để thảo luận về thỏa thuận với Ai Cập, một bên trung gian của Hamas, nhưng sẽ bỏ qua Israel vì phiên bản mới nhất của thỏa thuận vẫn chưa sẵn sàng. Ngoại trưởng Blinken ám chỉ rằng Israel đã tính toán thời điểm tấn công để làm chệch hướng một bước đột phá tiềm năng trong các cuộc đàm phán đó. Điều bất thường là ông Blinken đã không có lịch trình đến thăm Israel trong chuyến đi Trung Đông.
Trong khi đó, các cuộc tấn công thiết bị liên lạc lại xảy ra chỉ một ngày sau khi cố vấn chính quyền Tổng thống Biden Amos Hochstein gặp 2 ông Netanyahu và Gallant trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với Hezbollah. Sau đó, Thủ tướng Israel tuyên bố rằng việc đưa hàng chục nghìn cư dân Israel trở về nhà của họ ở miền Bắc Israel đã trở thành mục tiêu chiến tranh quan trọng, cho thấy Israel có thể đang chuẩn bị cho sự leo thang hơn nữa.