Mô hình nào cho Ukraine?
Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và việc bàn tới một mô hình trung lập lúc này cho Ukraine có thể vẫn còn hơi sớm. Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ, kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus để tìm giải pháp cho cuộc xung đột, trước khi chuyển sang đàm phán trực tuyến nhằm đẩy nhanh tiến trình.
Hai bên mới thống nhất được về vấn đề lập hành lang sơ tán dân thường nhưng chưa đạt được đột phá về lệnh ngừng bắn. Liệu kinh nghiệm lịch sử của Thụy Điển và Áo có thể giúp hiểu được hướng tiến triển của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine hay không?
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov gần đây nói rằng "việc phi quân sự hóa Ukraine theo phiên bản của Áo hoặc Thụy Điển đã được đề cập tại các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Moscow và Kiev và có thể được coi là một thỏa hiệp". Trước đó, đại diện Ukraine cũng bày tỏ quan điểm tương tự nhưng sau đó có thông báo rằng Kiev không có ý định sao chép kinh nghiệm của người khác và sẽ đưa ra phiên bản trung lập của riêng mình.
Tuy nhiên, việc làm quen với kinh nghiệm của Thụy Điển và Áo sẽ giúp hiểu được hướng tìm kiếm thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Thụy Điển đã là một quốc gia trung lập từ hơn 200 năm qua.Lần cuối cùng nước này tham chiến chống lại Na Uy vào năm 1814.Điều này không ngăn cản Thụy Điển ngày nay có một nền công nghiệp quân sự ấn tượng, các lực lượng vũ trang quốc gia và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc.
Sau Thế chiến 2, Áo trải qua quá trình phi phát xít hóa và các lực lượng Đồng minh chống Hitler chiếm đóng trên lãnh thổ của nước này trong 10 năm.Để tránh tình trạng chia cắt đất nước như đã xảy ra với Đức, Áo đã thông qua luật trung lập vĩnh viễn, điều này làm hài lòng tất cả các đồng minh và họ rút quân.
Bất chấp tình trạng trung lập (hai nước chưa bao giờ là thành viên của NATO), chế độ nghĩa vụ quân sự chung vẫn tồn tại ở Thụy Điển và Áo. Ở Thụy Điển ngay cả phụ nữ cũng phải đi nghĩa vụ quân sự.Ở cả hai quốc gia này, lực lượng vũ trang được chia thành lục quân và không quân.Thụy Điển có một hạm đội hải quân, bao gồm các tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu quét mìn và cả tàu ngầm.Trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển trung lập, thậm chí đã bắt đầu tiến hành chương trình hạt nhân của riêng mình nhưng đã từ bỏ chương trình này vì chi phí cao và sự phản đối của quốc tế.
Đối với Áo, vị thế quốc tế hiện tại của nước này được mang lại từ bên ngoài do kết quả của Hiệp ước năm 1955, khi các lực lượng Đồng minh chống Hitler rời Vienna để đổi lấy sự đảm bảo trung lập của nước này. Không giống như ví dụ trước, quân đội Áo không được phân biệt bởi bất kỳ sức mạnh cụ thể nào.Ngoài ra, còn có các tập đoàn quân sự nhưng họ không thể so sánh với các tập đoàn của Thụy Điển.Phiên bản trung lập của Áo, không giống như phiên bản của Thụy Điển, khiến đất nước này ít bản sắc hơn.
Đối với Ukraine, xét từ góc độ lợi ích và nhu cầu hiện tại của xã hội, lựa chọn theo mô hình trung lập của Thụy Điển thuần túy về mặt hình ảnh có hấp dẫn hơn. Tuyên bố nghiên cứu về các phiên bản trung lập của Thụy Điển và Áo là khả thi cho thấy tiến bộ trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine.Tuy nhiên, trong rất nhiều thông tin được giới truyền thông hiện nay đưa ra, thật khó hiểu để mỗi bên hình dung khả năng thành công, ngay cả trong trung hạn, như thế nào.
Trong khi chờ đợi, Ukraine có vẻ như đang muốn kéo chân Nga, khiến nước này sa lầy trong chiến tranh. Đối với Ukraine, không thất trận đã là chiến thắng. Thế nên có hai kịch bản: leo thang hoặc đàm phán. Theo giới phân tích, một thỏa hiệp danh dự là việc làm rõ ra nguyên trạng trước cuộc chiến. Độc lập, chủ quyền của Ukraine được tái khẳng định và là nước trung lập vũ trang theo mô hình Thụy Điển hoặc Áo hay Thụy Sĩ nhưng trong khuôn khổ tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và tránh làm mất mặt Nga, cần đề ra cho Nga những điều kiện có thể chấp nhận được.
Ukraine, vốn đang giành được sự ủng hộ của nhiều nước, có thể chấp nhận hiện trạng tại tình hình Crimea và miền Đông Donbass, đó là những vùng đất mà Kiev không còn kiểm soát được. Còn Nga, quay lại với lý trí, nhìn nhận không thể chiếm được miền Nam Ukraine mà chỉ giới hạn ở Crimea, có nghĩa là Ukraine tiếp tục có được lối vào Hắc Hải, kiểm soát Odessa, Mariupol.
Thỏa hiệp này có thể sẽ không bao giờ được Nga chấp nhận nhưng kéo dài chiến tranh càng tệ hại hơn.Ukraine cũng đã từ bỏ ý định tham gia NATO.Nhưng, còn bao nhiêu sinh mạng nữa sẽ phải hy sinh trước khi hai bên chấp nhận thỏa hiệp? Có lẽ ánh sáng chỉ lóe lên khi cuộc chiến tiêu hao cả về quân sự và kinh tế giữa Nga và phe ủng hộ Ukraine bước đến hồi kết. Tuy nhiên, giờ chưa phải lúc vì Tổng thống Mỹ công du châu Âu từ 23 đến 26-3 để tìm cách củng cố đoàn kết Âu - Mỹ, siết chặt trừng phạt Moscow.
Tại đây, ông Biden sẽ tham dự 3 cuộc họp thượng đỉnh.Trước hết là thượng đỉnh của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiếp đó là thượng đỉnh khối 7 cường quốc kinh tế G7.Tổng thống Mỹ cũng là khách mời của thượng đỉnh Hội đồng châu Âu.Mục tiêu của ông Biden là tái khẳng định tình đoàn kết với các đồng minh và đối tác.Sự thống nhất mà Tổng thống Mỹ đặt lên hàng đầu kể từ cuộc khủng hoảng và cuộc chiến tại Ukraine.
Trong chuyến đi Bruxelles này, Tổng thống Mỹ có 2 hồ sơ ưu tiên. Thứ nhất là điều chỉnh về dài hạn việc bố trí các lực lượng của NATO tại sườn Đông của khối và thứ hai là về các trừng phạt chống lại Nga, để bảo đảm hiệu quả, để các trừng phạt không bị lách và cũng để siết thêm trừng phạt. Tổng thống Mỹ cũng dự kiến thông báo thêm các biện pháp trừng phạt mới đặc biệt nhắm vào các nghị sĩ Nga. Sẽ có các thảo luận để châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga và giảm việc mua dầu khí nói chung. Về điểm này, Nhà Trắng biết đây là điều dễ dàng với Mỹ hơn với châu Âu nhưng hai bên có thể tìm kiếm một số giải pháp chung.
Nhận xét về diễn biến đàm phán hòa bình giữa Nga với Ukraine, ngày 23-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết “mọi thứ đang rất khó khăn”. “Các cuộc đàm phán mới lại bắt đầu.Mọi thứ rất khó khăn. Nguyên nhân là do Ukraine mặc dù hiểu rõ những gì nên thỏa thuận trong các cuộc đàm phán nhưng lại liên tục thay đổi lập trường. Họ bác bỏ cả các ý tưởng do chính mình đưa ra”, ông Lavrov nói với TASS.
“Thật khó để không nghĩ rằng, Ukraine đang bị Mỹ dắt tay.Các cuộc đàm phán nhanh chóng mang lại kết quả chỉ không có lợi cho họ (Mỹ).Họ muốn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.Họ muốn cuộc xung đột kéo dài càng lâu càng tốt”, ông Lavrov cáo buộc.