Mổ xẻ BRI từ câu chuyện Sri Lanka

Thứ Hai, 11/07/2022, 12:05

Xung đột bùng phát ở Sri Lanka do khủng  hoảng kinh tế đã dẫn tới những tranh cãi về “bẫy nợ” do Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc gây ra. Dưới hiệu ứng cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine, BRI do Trung Quốc khởi xướng đang đối diện với nhiều thách thức hơn và rủi ro nợ cũng vì thế mà gia tăng.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy BRI đã trở thành vấn đề mà Trung Quốc không thể né tránh.

Vũng lầy nợ nần

Do tác động của đại dịch, nền kinh tế Sri Lanka, vốn phụ thuộc vào ngành du lịch, liên tục xấu đi trong những năm gần đây. Điều này cộng với sự đan xen phức tạp của các yếu tố như cuộc chến Nga - Ukraine gây ra lạm phát toàn cầu đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tồi tệ ở Sri Lanka kể từ khi nước này tách khỏi Anh và tuyên bố độc lập vào năm 1948. 78 triệu USD tiền lãi của 2 lô trái phiếu không thể thanh toán. Theo số liệu chính thức được công bố, giá tiêu dùng ở thủ đô Colombo trong tháng 5 đã tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước.

Mổ xẻ BRI từ câu chuyện Sri Lanka -0
Bạo động đã lan ra khắp các thành phố của Sri Lanka.

Trên thực tế, giá thực phẩm ở Sri Lanka bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Sau nhiều tháng mất điện trong năm nay, Sri Lanka cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực và nhiên liệu trầm trọng. Từ đầu tháng 4 đến nay, các cuộc biểu tình quy mô lớn yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa từ chức đã diễn ra ở thủ đô Colombo, không ngừng mở rộng và biến thành các cuộc xung đột đẫm máu. Đến cuối tháng 5, ít nhất 5 người thiệt mạng và 225 người bị thương. Xung đột từng bước lan rộng cả nước.

Việc mất khả năng thanh toán đã đẩy Sri Lanka lún sâu vào vũng lầy nợ nần. Năm 2017, Sri Lanka thậm chí buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota và khu vực xung quanh rộng 15.000 mẫu Anh với thời hạn 99 năm.

Theo Reuters, từ năm 2017 đến nay, Sri Lanka đã tích lũy khoản nợ trị giá 11,8 tỷ USD thông qua trái phiếu chủ quyền quốc tế (ISB), chiếm phần lớn nhất trong nợ nước ngoài với tỷ lệ 36,4%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cung cấp các khoản vay trị giá 4,6 tỷ USD, đứng thứ hai với tỷ lệ 14,3%; tiếp đó là Nhật Bản và Trung Quốc, mỗi nước cho vay khoảng 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng giá trị các khoản vay của Sri Lanka. Còn theo số liệu của Viện Nghiên cứu Verite, Colombo, các khoản vay từ Trung Quốc chủ yếu được Sri Lanka sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước, nhưng lãi suất bình quân là 3,3%, cao hơn nhiều so với mức 0,7% của Nhật Bản. Ngoài ra, kỳ hạn bình quân đối với các khoản vay từ Trung Quốc là 18 năm, ngắn hơn so với kỳ hạn 24 năm từ Ấn Độ và 34 năm từ Nhật Bản.

Tranh cãi về “bẫy nợ”

Cuộc tranh cãi về “bẫy nợ” do các dự án của BRI một lần nữa lại nổ ra. Trước đó, những cáo buộc đối với Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở Nepal, Bangladesh và nhiều nước châu Phi và luôn bị Trung Quốc bác bỏ. Đáng chú ý, tại cuộc họp báo bên lề Lưỡng hội (Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc) vào tháng 3-2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã xây dựng hơn 10.000km đường sắt, gần 10.000km đường bộ, gần 100 cảng, cũng như rất nhiều trường học và bệnh viện ở châu Phi. Do đó, ông khẳng định đó không phải là “bẫy nợ” mà là thành quả của sự hợp tác.

Mổ xẻ BRI từ câu chuyện Sri Lanka -0
Cảng Hambantota được Sri Lanka cho Trung Quốc thuê trong 99 năm.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng đăng bài bình luận, nhấn mạnh nợ trung bình của các nước liên quan đến BRI đối với Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,8% GDP, thấp hơn nhiều so với mức cảnh báo của cộng đồng quốc tế là 60%. Hơn nữa, trước và sau khi thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ BRI, tỷ lệ nợ của các nước đối với Trung Quốc đều không vượt quá 25%. Nhiều nước có tỷ lệ nợ đối với Trung Quốc chưa đến 1% trong nhiều năm. Dẫn số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bài viết này cho rằng phần lớn chủ nợ của một vài trong số 17 quốc gia kém phát triển nhất phải đối diện với rủi ro nợ không phải là Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2021, tổ chức nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), Viện Kinh tế thế giới Kiel và Viện Kinh tế quốc tế Peterson đã cùng công bố báo cáo cho rằng trong giai đoạn 1999-2020, chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã ký 100 hợp đồng với 24 quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Đông Âu với nhiều điều khoản về bảo mật, khiến các nước vay nợ không thể tiết lộ thông tin về các khoản vay và khó nhận được các khoản vay cũng như viện trợ từ các nước khác. Điều này khiến họ càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chính cơ chế hợp tác thiếu minh bạch này cũng trở thành cơ sở để các chuyên gia, học giả nước khác công kích BRI. Trong bài viết có tiêu đề “Bình luận chính sách kinh tế của Oxford” đăng trên tạp chí The Economic Journal số ra mới đây, chuyên gia Michael Bennon thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford và nhà kinh tế chính trị nổi tiếng gốc Nhật Bản Francis Fukuyama đã liệt kê 9 trường hợp tranh chấp hoặc phải đàm phán lại về BRI ở Montenegro, Sri Lanka và Pakistan. Từ đó nêu rõ điều mà Trung Quốc phải đối diện trên thực tế là rủi ro đạo đức sau khi hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng. Các nước vay nợ lấy lý do không có khả năng trả nợ để yêu cầu đàm phán lại.

Bài viết cho rằng mặc dù Trung Quốc bảo vệ lợi ích thương mại thông qua các hợp đồng nói trên để tránh bị các nước vay nợ tùy tiện yêu cầu đàm phán lại và tái cấu trúc nợ nhưng biện pháp này cũng không tránh khỏi xung đột.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.