Một năm đầy biến cố

Thứ Ba, 02/01/2024, 09:14

2023 là một năm đầy biến cố với hai cuộc xung đột gây tác động toàn cầu, nhiều cuộc đảo chính khu vực, trong khi nền kinh tế thế giới trì trệ, ảm đạm. Mặc dù, căng thẳng Mỹ-Trung có vẻ giảm nhiệt, nhưng mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng căng thẳng, cùng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những diễn biến năm tới sẽ rất khó đoán định.

Xung đột vũ trang, đảo chính ở nhiều nơi

Ngày 7/10/2023, phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng nắm quyền ở Dải Gaza, bất ngờ mở cuộc tấn công vào Israel, sát hại khoảng 1.200 người và bắt giữ hàng trăm công dân Israel. Để đáp trả, Chính phủ Israel mở chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ năm 1973 tấn công Dải Gaza, với mục đích hủy diệt hoàn toàn lực lượng Hamas. Tính đến ngày 24/12, hơn 21.300 người đã thiệt mạng và hơn 52.000 người bị thương. Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc. Nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết khiến bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh toàn khu vực.

Một năm đầy biến cố -0
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS quyết định sẽ mở rộng nhóm.

Xung đột Nga-Ukraine bước vào năm thứ hai với mức độ khốc liệt không suy giảm. Đến nay vẫn chưa có bất cứ tín hiệu ngoại giao nào cho thấy cả Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Những cuộc xung đột khác xảy ra tại Myanmar, Yemen... cùng với việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, nhiều nước đẩy mạnh đầu tư quân sự cho thấy thế giới đầy bất ổn. Xung đột liên tiếp làm ảnh hưởng trầm trọng tới an ninh toàn cầu, tác động mạnh tới kinh tế chính trị thế giới.

Cũng trong năm 2023, xu hướng thay đổi chính phủ một cách vi hiến tại nhiều quốc gia châu Phi đẩy khu vực này chìm sâu trong bất ổn, làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng. Các cuộc binh biến do quân đội tiến hành lật đổ chính quyền tại Niger ngày 26/7 và tại Gabon ngày 30/8 đã tiếp nối làn sóng đảo chính tại Tây và Trung Phi với 8 cuộc đảo chính trong vòng 3 năm qua. Châu Phi sẽ vẫn phải đối mặt với các thách thức như xung đột, chia rẽ về kinh tế, an ninh, sắc tộc.

Một năm đầy biến cố -0
Cuộc xung đột Hamas - Israel tác động không nhỏ đến thế giới và khu vực.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm

Hậu quả của đại dịch COVID-19, hàng loạt cuộc xung đột, bất ổn chính trị tại nhiều khu vực khiến năm 2023 tiếp tục là một năm ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Thương mại hàng hóa suy giảm, lạm phát leo thang, nợ công của nhiều quốc gia tăng cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá 2,1%, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự tính mức tăng trưởng chỉ khoảng 3%. Những khó khăn chưa thể giải quyết khiến dự báo kinh tế thế giới năm 2024 có thể ảm đạm hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9% năm 2023, thấp hơn mức 3,3% của năm 2022 và sẽ chỉ đạt khoảng 2,7% vào năm tới.

Căng thẳng Mỹ - Trung giảm nhiệt

Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. Đây là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sau khoảng một năm, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang do vấn đề Đài Loan, vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc và những xung đột liên quan đến thương mại, công nghệ điện tử và an ninh mạng. Căng thẳng hai bên đến nay có vẻ hạ nhiệt, dù Washington vẫn tiếp tục nỗ lực hạn chế Bắc Kinh về thương mại và tiếp cận công nghệ cao, đồng thời tiếp tục ủng hộ đồng minh Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông và bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Mở rộng các tổ chức đa phương

Liên minh châu Phi được kết nạp vào G20 (nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 9/9/2023 ở Ấn Độ; Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) quyết định sẽ kết nạp thêm 6 nước kể từ đầu năm 2024. Việc các tổ chức đa phương mở rộng được xem là động thái quan trọng, thể hiện vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới phù hợp hơn với thực tế của thế giới ngày nay. Tầm nhìn của BRICS không chỉ là ngày càng mở rộng để đối trọng với phương Tây, mà còn tạo ra một đồng tiền chung để giảm bớt vai trò thống trị của đô la Mỹ.

 COP28 đạt thỏa thuận lịch sử

Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các bên cũng cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030. Đây được đánh giá là một bước tiến của nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh năm 2023 được coi là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua.

Những dự báo cho năm 2024

Năm 2024, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng gia tăng, kéo theo những đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt bất thường. Nếu phương Bắc và Nam bán cầu không thể đạt được các thỏa thuận nhằm xoa dịu cơn khủng hoảng khí hậu và lương thực, thì thế giới sẽ không thể tránh khỏi phong trào di cư trong những thập kỷ tới.

Một năm đầy biến cố -0
Chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thương mại toàn cầu bị thu hẹp.

Kỳ vọng thỏa thuận hòa bình ở Ukraine

Khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2024, quyền quyết định viện trợ vũ khí trong tương lai cho Ukraine sẽ nằm trong tay đảng Cộng hòa. Khoản viện trợ này hiện ước tính khoảng 90 tỷ USD và có hiệu lực cho đến tháng 12/2023. Làn sóng chỉ trích chính sách của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày càng gia tăng và có thể lan rộng ra toàn bộ nền chính trị Mỹ. Gần đây, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Joe Biden nhằm viện trợ thêm 80 tỷ USD quân sự cho Ukraine hoặc nhân đạo ở Kiev. Nguyên nhân là vì đảng Cộng hòa do ông Donald Trump lãnh đạo trực tiếp phản đối đề xuất này, với mục đích buộc ông Zelensky phải ký thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Nga Putin.

Mặt khác, kế hoạch viện trợ quân sự cho Israel sau cuộc tấn công Dải Gaza sẽ tiêu tốn một phần lớn ngân sách quân sự của Mỹ, điều này có thể thúc đẩy ông Joe Biden và ông Vladimir Putin gặp nhau để bàn về thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vào cuối năm 2024, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến Ukraine cũng như xóa bỏ những khoản chi tiêu phung phí vào chiến tranh. Nhưng, Tổng thống Ukraine Zelensky, Vương quốc Anh và các nước vùng Baltic dường như không mong muốn thỏa thuận này.

Dự báo bầu cử Tổng thống Mỹ

Mức sống cao và nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, khiến mức độ tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden giảm xuống còn 39%. Điều này có thể tạo điều kiện cho ông Donald Trump thuận lợi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Theo khảo sát của CBS News và YouGov, sẽ có 61% cử tri đảng Cộng hòa đề cử ông Trump làm ứng cử viên đảng Cộng hòa. Ông Donald Trump cho rằng, thế giới đang tiến gần đến thế chiến thứ ba, do vậy phải có một cam kết toàn diện nhằm loại bỏ nhóm quyền lực tân bảo thủ theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, khiến thế giới rơi vào những cuộc chiến bất tận. Do đó, khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng vào năm 2024, chiến lược Đại Tây Dương của ông Joe Biden và George Soros nhằm loại bỏ quyền lực của ông Vladimir Putin sẽ suy yếu, thay vào đó là thỏa thuận hòa bình ở Ukraine và cùng chung sống chan hòa với Nga. Khi đó, G3 gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng đầu trục liên minh toàn cầu, chấm dứt giấc mơ toàn cầu hóa do tỉ phú George Soros và Quỹ Xã hội mở (OSF) dẫn đầu.

Khó khăn của ông Netanyahu

Trận chiến tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của 1.200 người Israel và khiến hàng trăm người bị Hamas bắt cóc. Trong một cuộc khảo sát, 80% người cho rằng Chính phủ Israel phải chịu trách nhiệm về việc Palestine tấn công người dân và 56% cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nên từ chức sau khi cuộc chiến chấm dứt.

Theo điều tra của IDF, quân đội Israel đã giết nhầm 3 con tin Do Thái vì bị cho là thành viên của Hamas. Đó là lý do vì sao người thân của những con tin bị Hamas bắt giữ đã vây quanh biểu tình tại nhà của Thủ tướng Netanyahu, buộc ông phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Xã hội Israel ngày càng bất mãn với cách xử lý khủng hoảng Hamas của ông Netanyahu vì thờ ơ trong việc giải cứu các con tin Do Thái sống sót. Điều này có thể buộc ông phải từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giải cứu các con tin Do Thái, thành lập một chính phủ mới với nhiệm vụ chính là tái hiện Hiệp định Oslo, giúp ổn định hòa bình của hai dân tộc ở cả hai quốc gia.

El Nino và tình trạng khẩn cấp về lương thực

Theo báo cáo của nhóm công tác liên cơ quan của Liên hợp quốc do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) điều phối, Trái đất khó có thể đạt được các mục tiêu khí hậu, khiến những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các vấn đề đói nghèo và sức khỏe, cải thiện việc tiếp cận nước sạch, năng lượng sạch và nhiều khía cạnh khác của phát triển bền vững suy yếu. Kịch bản này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi El Nino xuất hiện. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiện tượng khí hậu El Nino có liên quan đến tình trạng thời tiết khô hạn.

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change, bầu khí quyển Trái đất nóng lên làm gia tăng mức nhiệt trên bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương khiến các hiện tượng El Nino diễn biến mạnh mẽ hơn. FAO đã chuẩn bị sẵn một kịch bản nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về lương thực do sự xuất hiện của El Nino, vốn đã hình thành ở nhiều quốc gia như Colombia hoặc Venezuela. Theo WMO, El Nino có thể đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và kéo dài đến mùa hè năm 2024.

Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ

Chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển đến Bangladesh, Ấn Độ hoặc Việt Nam với mức lương hằng tháng thấp hơn nhiều. Theo Đại học Kinh doanh EAE, hiện tượng này được thúc đẩy do chi phí lao động mới nổi tăng lên và việc sản xuất robot tương đương với chi phí sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam hoặc các nước phương Tây, cùng với học thuyết bảo hộ của Mỹ. Số lượng doanh nghiệp chuyển dịch sang Mỹ đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua.

Kết hợp với việc Chính phủ của Tổng thống Joe Biden cấm các công ty Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và điện toán lượng tử, cũng như việc thực hiện các chính sách bảo hộ mới như Đạo luật CHIPS và Khoa học để kích thích sản xuất và phát triển quy mô trợ cấp lớn hơn. Sự phát triển của chất bán dẫn và ô tô điện trong tương lai trên đất Mỹ sẽ tạo ra một kịch bản về chủ nghĩa bảo hộ kinh tế trong 5 năm tới, khiến thương mại toàn cầu thu hẹp, nền kinh tế toàn cầu kết thúc và mở ra nền kinh tế khép kín trong nước.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.