Một năm đầy thách thức của NATO

Thứ Hai, 10/02/2025, 11:13

Cùng với việc tiến trình toàn cầu hóa được đẩy nhanh và xu hướng đa cực hóa ngày càng rõ rệt, cơ chế an ninh tập thể truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. 2025 dự kiến sẽ là một năm đầy thách thức đối với Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

NATO những năm gần đây đã liên tục điều chỉnh chiến lược, tăng cường xây dựng các cơ chế phối hợp và kết nối nội bộ, đồng thời tích cực tìm cách mở rộng thành viên, từng bước chuyển đổi thành một liên minh an ninh mang tính toàn cầu. 3 vấn đề được cho là thách thức lớn nhất của NATO hiện tại, đó là sự trở lại của ông Trump, khó khăn của Ukraine khi gia nhập NATO và tranh cãi về chia sẻ chi tiêu quốc phòng, làm thế nào để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia thành viên và sức ép từ bên ngoài, tất cả không chỉ thử thách năng lực của các thành viên NATO mà còn liên quan trực tiếp đến triển vọng phát triển của khối này trong tương lai.

Viễn cảnh khó đoán định

Nhìn lại lịch sử, sự hiện diện liên tục và vai trò quan trọng của NATO phần lớn phụ thuộc vào thực lực quân sự lớn mạnh của Mỹ cũng như địa vị lãnh đạo của nước này trong liên minh. NATO luôn đặt Mỹ vào vị trí trung tâm, các quốc gia thành viên khác về cơ bản đóng vai trò hỗ trợ. Dù NATO được cung cấp số lượng quân đội và tài nguyên nhất định, nhưng nhiều năng lực chiến lược quan trọng như tiếp nhiên liệu trên không, tình báo chiến thuật, chỉ huy và kiểm soát chiến trường cũng như dự trữ đạn dược số lượng lớn đều hạn chế, và cuối cùng phải do Mỹ cung cấp.

1b.jpg -0
Dù nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng, các thành viên châu Âu của NATO vẫn còn những hạn chế rõ ràng về năng lực tình báo, giám sát và trinh sát so với Mỹ.

Tuy nhiên, khi bối cảnh an ninh quốc tế thay đổi, tính dễ bị tổn thương của các quốc gia thành viên châu Âu do thời gian dài phụ thuộc vào Mỹ ngày càng thể hiện rõ. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, NATO cho rằng năng lực quân sự mà các quốc gia châu Âu thành viên của khối đã bộc lộ là không đủ và họ sẽ khó có thể tự mình đối phó với tình hình an ninh nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Mặc dù không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, nhưng các thành viên châu Âu của NATO vẫn chưa giải quyết được sự chênh lệch về năng lực chủ chốt và Mỹ vẫn là một lực lượng không thể thiếu đối với các hoạt động của NATO cũng như an ninh châu Âu.

Trước khi kết quả bầu cử Mỹ được công bố vào cuối năm 2024, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nói rõ rằng NATO sẽ vẫn đoàn kết bất kể kết quả bầu cử như thế nào. Tuyên bố này không chỉ hé lộ tính phức tạp của quan hệ giữa NATO và Mỹ trong tương lai mà còn nêu bật những thách thức và rủi ro lớn nhất mà NATO phải đối mặt kể từ khi thành lập. Việc ông Trump yêu cầu các thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự không chỉ nhằm giảm gánh nặng quân sự cho Mỹ mà còn có yếu tố tăng doanh thu cho ngành công nghiệp quân sự của nước này, bởi chỉ tiêu quân sự tăng đồng nghĩa với việc Mỹ bán được nhiều vũ khí hơn.

Ukraine gia nhập NATO: Vấn đề hóc búa

Trong một hệ thống quốc tế với đa cực hóa phát triển nhanh chóng và tính khó đoán định không ngừng gia tăng, tương lai và vận mệnh của NATO không chỉ chịu tác động từ yếu tố Mỹ mà còn phải đối mặt với những thách thức từ tình hình an ninh khu vực. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, vai trò của NATO ngày càng trở nên nổi bật. Mọi quyết định và hành động đều có thể trở thành yếu tố then chốt quyết định hướng đi của xung đột Nga - Ukraine, thậm chí có thể đẩy cuộc xung đột cục bộ này lên mức độ nguy hiểm và quy mô lớn hơn.

Không ngừng mở rộng thành viên là biện pháp quan trọng mà NATO thực hiện từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO năm 2023 2024, số lượng quốc gia thành viên đã lên tới 32. Tuy nhiên, nội bộ NATO vẫn tồn tại mâu thuẫn và bất đồng lớn về vấn đề có nên thu nạp Ukraine hay không. Hầu hết các thành viên NATO cho rằng việc Ukraine gia nhập có thể giúp NATO thực hiện được mục tiêu cuối cùng là kiềm chế Nga, do đó kể từ khi xung đột nổ ra, NATO luôn coi Ukraine là tiền tuyến và cung cấp những khoản viện trợ lớn với mục đích làm tiêu hao nguồn lực của Nga.

Thời gian đầu cuộc xung đột, NATO chủ yếu cung cấp cho Ukraine các thiết bị phòng thủ như áo chống đạn và mũ bảo hộ. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột không ngừng leo thang, các nước như Mỹ và Anh bắt đầu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tiên tiến như hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân và tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, tạo điều kiện cho Ukraine tấn công các mục tiêu sâu hơn trong đất Nga, làm leo thang xung đột.

Chia sẻ chi tiêu quốc phòng

Là tổ chức quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, những thay đổi trong chi tiêu quốc phòng của NATO luôn là tâm điểm chú ý của quốc tế. Theo số liệu, chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Âu thành viên NATO trong năm 2024 đã tăng gần 20% so với năm trước, đặc biệt là Chính phủ Đức, với tổng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2024 là 73,41 tỷ USD, lập kỷ lục về chi tiêu của nước này và lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn NATO quy định - chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP. Ngân sách quốc phòng của Pháp cho năm tài chính 2024 cũng lên tới 49,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm trước, lập kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Dù ngày càng sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự, nhưng các quốc gia NATO vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong các hoạt động thực tế và sẽ khó đạt được các mục tiêu mong đợi. Hiện nay, các thành viên châu Âu của NATO vẫn còn những hạn chế rõ ràng về năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chẳng hạn như thiếu vệ tinh có thể bao phủ lãnh thổ của đối phương và trực thăng tầm xa có thể vận chuyển thiết bị quốc phòng và binh lính số lượng lớn.

Việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng cũng sẽ gây áp lực lớn đối với ngân sách của các quốc gia liên quan. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhìn chung là đang yếu ở châu Âu, việc tăng chi tiêu quốc phòng chắc chắn sẽ đòi hỏi phải cắt giảm các khoản chi tiêu dân sinh như ngân sách an sinh xã hội, điều này dễ gây ra các cuộc đình công và biểu tình, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cực đoan, thậm chí là bất ổn chính trị.

Ngọc Lan
.
.