“Mục tiêu kép” của ông Macron ở Trung Quốc

Thứ Hai, 10/04/2023, 10:25

Chuyến công du Trung Quốc trong 3 ngày (5 đến 7/4) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được giới quan sát đánh giá là rất quan trọng bởi mang theo trọng trách to lớn là tìm cách “chặt đứt” mối quan hệ gắn bó giữa Trung Quốc với Nga và sau đó “lôi kéo” Trung Quốc đứng về phía phương Tây chống lại Nga trong cuộc chiến Ukraine. Nhưng, xem ra “mục tiêu kép” này khó thực hiện được.

Sau khi đặt chân đến Bắc Kinh, ông Macron đã phát biểu rằng ông muốn đẩy lùi quan điểm cho rằng có “vòng xoáy căng thẳng gia tăng không thể tránh khỏi” giữa Trung Quốc và phương Tây.

“Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để vào cuộc xung đột Nga-Ukraine”, một quan chức từ Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố. Bản thân Tổng thống Macron cũng tuyên bố ngay trước chuyến công du rằng ông muốn “khởi động lại quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu với Trung Quốc”, với mục đích thúc đẩy liên kết thương mại của Pháp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Paris xem Trung Quốc có khả năng làm “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến Ukraine: Có thể xoay chuyển cán cân theo hướng “tích cực” thông qua đối thoại về các điều kiện để chấm dứt xung đột hoặc theo hướng “tiêu cực” nếu Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho Nga. Trung Quốc là một trong số ít quốc gia không lên án cuộc chiến Ukraine, đồng thời lãnh đạo Trung Quốc cũng không chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trung Quốc được coi là quốc gia duy nhất có thể mở các kênh liên lạc cho tất cả các bên trong cuộc xung đột và gây áp lực ngoại giao hiệu quả lên ông Putin. Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng nước này đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nga-Ukraine. Sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2023 và thông báo về một kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine, phương Tây đã ngay lập tức bày tỏ lo ngại, cho rằng kế hoạch đó “nghiêng về phía Nga”.

“Mục tiêu kép” của ông Macron ở Trung Quốc -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đối với Trung Quốc, Pháp được xem là một đối tác mạnh hơn ở châu Âu so với Đức hay toàn khối EU. Trong một báo cáo được xuất bản vào tháng 2/2023, các giáo sư tại Đại học Phúc Đán lập luận rằng thỏa thuận AUKUS đã làm tổn hại quan hệ Pháp-Mỹ và rằng “khi đối mặt với xung đột Nga-Ukraine, Pháp và Mỹ có những lợi ích và thái độ khác nhau” đối với Nga. Tất cả những điều này khiến một số người ở Trung Quốc coi Tổng thống Macron là một nhà lãnh đạo phương Tây “thân thiện” hơn so với Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Năm 2022, Trung Quốc là đối tác lớn thứ ba của EU về xuất khẩu hàng hóa và là đối tác lớn nhất về nhập khẩu của EU. Các nhà lãnh đạo EU muốn tái cân bằng mối quan hệ thương mại của họ đồng thời giải quyết sự phụ thuộc của khối EU vào Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như nguyên liệu thô quan trọng, công nghệ liên quan đến điện toán, chất bán dẫn và công nghệ sạch.

Với các mục tiêu thương mại, Tổng thống Macron đã mang theo một phái đoàn gồm 60 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến Bắc Kinh, trong đó có cả các ông chủ của Airbus và EDF - một số người hy vọng ký được các hợp đồng béo bở và thiết lập lại các mối quan hệ thương mại đã bị chậm lại trong đại dịch COVID-19.

Trong cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Macron đã thể hiện ngay quan điểm cứng rắn của Pháp cũng như EU về cuộc chiến Ukraine. Ông nói: “Tôi biết có thể tin tưởng vào việc các bạn sẽ đưa nước Nga trở lại với lý lẽ và mọi người trở lại bàn đàm phán”. Pháp chịu áp lực lớn từ phía Mỹ đòi hỏi Tổng thống Macron phải làm sao “ngăn chặn việc Nga - Trung Quốc siết chặt mối quan hệ hữu hảo”, đồng thời lôi kéo Trung Quốc về phía chống lại cuộc chiến Ukraine.

Tuy nhiên, nỗ lực lôi kéo Trung Quốc của ông Macron có vẻ không mang lại kết quả mong muốn. Đáp lại sự hăng hái của Tổng thống Pháp, Chủ tịch Trung Quốc chỉ “nhẹ nhàng” khẳng định quan điểm “muốn tránh sự leo thang” và nói thêm rằng châu Âu là một “cực độc lập trong một thế giới đa cực” và rằng Trung Quốc ủng hộ quyền tự trị chiến lược của châu Âu. Sau đại dịch COVID-19 với nhiều tổn thất, Trung Quốc mong muốn tìm kiếm đối tác để phục hồi kinh tế, khôi phục lại đà tăng trưởng như trước dịch. Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác thương mại song phương giữa Pháp, EU và Trung Quốc, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại “Từ nông trại Pháp đến bàn ăn Trung Quốc”, hay như Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới (New Global Financial Pact). Ông không muốn bàn nhiều về vấn đề Ukraine cũng như quan hệ giữa Trung Quốc với Nga.

Cùng tham gia chuyến “du thuyết” của ông Macron trong ngày 6/4 có bà Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen. Bà Von der Leyen cho rằng “Trung Quốc có trách nhiệm dùng ảnh hưởng chính trị của mình để tác động đến cuộc chiến Ukraine”. Bà nói: “Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với cuộc chiến của ông Putin sẽ là yếu tố quyết định cho quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai”. EU không mong đợi một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Trung Quốc nhưng tin rằng điều quan trọng là phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là về các vấn đề thương mại. Bà Von der Leyen cũng kêu gọi Chủ tịch Tập Cận bình nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nhưng việc này đã không xảy ra.

Với tình trạng quan hệ hiện nay, việc ông Macron và bà Von der Leyen “du thuyết” Trung Quốc chỉ mang tính “biểu tượng” nhằm gây ảnh hưởng nào đó. Với việc Trung Quốc vẫn xem lập trường của châu Âu đối với Trung Quốc được đánh dấu bằng “sự thù địch về ý thức hệ, cảnh giác về an ninh và cạnh tranh về kinh tế”, trong khi Mỹ vẫn đang có những hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, có thể nói rằng việc phương Tây cố tình lôi kéo Trung Quốc chỉ là câu chuyện “làm cho có”, trừ phi Trung Quốc được lợi “rất, rất, rất lớn”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.