Muốn phát triển, phải phòng, quét sạch tham nhũng, tiêu cực

Thứ Năm, 13/01/2022, 11:31

Tham nhũng không thuần túy là tham nhũng mà còn cần truy nguyên tới nguồn gốc của nó là nạn tiêu cực, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần còn là vấn đề chính trị, văn hóa, đạo đức và xã hội nóng bỏng. Đây là một trong những “lỗ hổng”, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín...

Để hoàn thành trọng trách trong tư cách là một Đảng cầm quyền, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, rằng: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa v.v..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa v.v... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Đó là thách thức sinh tử trên con đường phát triển. Phòng, chống tham nhũng là công việc nóng bỏng trước mắt cũng là công cuộc lâu dài. Nhưng, không phải là vô hạn độ. Trong rất nhiều công việc, nổi bật 7 việc phải cấp bách chỉnh đốn và thực thi nghiêm ngặt:

Đầu tiên là phải nhận thức lại vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn khái lược, tham nhũng gồm 5 loại, gọi là “đạo” (ăn cắp): Đạo chích (ăn cắp vặt), đạo vật (ăn cắp của cải, tiền bạc quốc khố), đạo danh (ăn cắp danh tiếng, học vị), đạo vị (ăn cắp chức vụ, ăn trộm chính trị) và đạo tâm (ăn cắp lòng tin). Tổng quan, tham nhũng hiện diện trên 5 phương diện chủ yếu: Tham nhũng kinh tế, tham nhũng chính trị, tham nhũng chính sách, tham nhũng nhân phẩm và tham nhũng lòng tin.

Muốn phát triển, phải phòng, quét sạch tham nhũng, tiêu cực -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9-12-2021.  Ảnh: Quang Phúc

Qua các vụ việc và người liên quan, tham nhũng vận động dưới mọi thủ đoạn, hình thức và ở mọi mức độ: Từ tham nhũng chính trị, kinh tế tới tham nhũng quyền lực, lòng tin, chúng luôn cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thậm chí bất chấp các quy định của Đảng, bất chấp pháp lý và bất chấp luân thường đạo lý... cho thấy sự phức tạp và mức độ tàn phá của nó.

Nhưng, những người phạm tội tham nhũng thường bắt đầu từ tiêu cực, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rồi sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ, các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Nếu chính trị là sự thanh khiết từ to tới nhỏ, thì tiêu cực chính là phi chính trị, là vô chính trị và là kẻ thù của chính trị.

Mười năm nay xác tín: Sự lệch lạc về tư tưởng, sự băng hoại về đạo đức và sự hủ bại về lối sống, dù bất kể là ai, nhất định dẫn tới sự thất bại về chính trị, sự đổ vỡ về sự nghiệp và sự méo mó về nhân cách cá nhân, bởi sa vào vũng bùn tham nhũng, tiêu cực; và càng cấp bách cho thấy, phải gắn chống tham nhũng và tiêu cực với chống lãng phí, nếu không chúng ta mới chống tham nhũng “một nửa”, chống tiêu cực nửa vời. Tham nhũng không thuần túy là tham nhũng mà còn cần truy nguyên tới nguồn gốc của nó là nạn tiêu cực, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần còn là vấn đề chính trị, văn hóa, đạo đức và xã hội nóng bỏng. Đây là một trong những “lỗ hổng”, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín.

Thứ hai là phải đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, thống nhất, đồng bộ và minh bạch.

Buông lỏng kiểm soát quyền lực nhất định dẫn tới sự tha hóa, thoái hóa, lạm dụng quyền lực, thậm chí sở hữu và buôn bán quyền lực, trước hết là quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, có thể dẫn tới thoán đoạt quyền lực và bán nước. Đây là nguy cơ chết người và làm sụp đổ, tan rã thể chế.  

Do đó, cấp bách tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, các thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhân dân, trên nền tảng Quốc pháp và Đảng cương nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mình được Hiến định, theo Quốc pháp và Đảng cương. Phải cải cách phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước đối với Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội... hợp thành cơ chế kiểm soát quyền lực tổng thể, trực tiếp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Ba là cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nạn trộm cắp hay là nạn tham nhũng, nếu về vật chất thì đó là sự ô nhục làm bại hoại quốc gia, làm nhục quốc thể, cá nhân thì táng tận lương tâm, sỉ nhục đạo đức, liêm sỉ và làm hủ bại lối sống. Nhưng, tham nhũng về chính trị, về quyền lực, nói như Cụ Hồ là “đạo vị” (ăn trộm chức vụ), nó sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục ruỗng nhân tâm, phá nát lòng tin và có nguy cơ làm tan hoang đất nước. Tất cả đã vượt qua những vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống và đụng chạm tới pháp luật và pháp luật phải làm công việc của mình.

Vì thế, đây phải là khâu đột phá để đổi mới tư duy, tầm nhìn trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Do đó, việc cần kíp là, đổi mới thiết chế pháp luật. Trên cơ sở thiết lập vòng cương tỏa tổng hợp từ đức trị tới pháp trị và thực thi một cách công khai, dân chủ, bởi và bằng hệ thống pháp luật, gồm 8 mặt chỉnh thể: 1. Không nên tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 2. Không được tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 3. Không thể tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 4. Không cần tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 5. Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 6. Không thể thoát khi tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 7. Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng, tiêu cực và lãng phí - 8. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, công bằng và kịp thời.

8 phương diện đó hợp thành thể chế. Đó là cái gốc, cái động lực của đổi mới thể chế pháp luật.

Tiếp theo là đổi mới bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ quyền lực, quyền năng và quyền tự quyết.

Sẽ rất mơ hồ, thậm chí thất bại nếu phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đơn thuần chỉ bằng một bộ máy không ngang tầm. Kinh nghiệm cho thấy và đã xác tín, thực tiễn bắt đầu từ đâu thì tầm nhìn và tư duy phải xuất phát từ đấy và vượt trước, nếu không muốn lẽo đẽo đi sau thực tiễn.

Do đó, cùng với đổi mới cơ chế, sự thành bại ở đây nằm ở làm tốt việc xây dựng bộ máy phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đồng bộ, với trung tâm lãnh đạo, chỉ huy đủ mạnh, độc lập tương đối, gắn với đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ thực thi công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ kỷ luật, pháp luật. Bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo thực thi phải được trao đủ quyền năng, quyền lực và được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện quyền lực. 

Không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế hiệu quả, phù hợp pháp luật và thông lệ quốc tế. Công khai, dân chủ và minh bạch, trên nền móng pháp luật là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh này. 

Thứ năm là phải đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ người đứng đầu các thành viên hệ thống chính trị các cấp ngang tầm và tinh gọn.

Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tự răn lấy mình, tự mình nêu gương. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp... phải Gương mẫu - Trung thực - Trong sạch - Liêm sỉ và Kỷ luật. Liêm sỉ là một tiêu chuẩn và thước đo đối với mỗi chính trị gia. Ai không giữ được tối thiểu như thế thì nên chủ động từ chức, từ nhiệm. Người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các chính trị gia, phải thật sự nêu gương cao nhất về thủ pháp cầm quyền và tuân thủ vô điều kiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết về đạo đức, lối sống, về tư cách làm người chân chính. Đây không chỉ là liêm sỉ, là đạo lý mà còn là trách nhiệm chính trị.

Nếu sự răn dạy của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, dư luận của Nhân dân chưa đủ chuyển thì Đảng cương không vùng cấm, Quốc pháp bất vị thân phải kiềm tỏa và toàn dụng. Pháp luật góp phần làm nên đạo đức xã hội, làm nên tư tưởng và chỉnh đốn lối sống. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”.  Mỗi chính trị gia phải có trách nhiệm nêu gương một cách thực sự. Đây là liêm sỉ và danh dự của chính trị gia.

Tiếp theo là phải dựa hẳn vào Nhân dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là một trong những việc nền tảng quyết định thành bại.

Phải dựa hẳn vào Nhân dân, cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân. Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, để cùng Đảng, Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, ở đây là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng sự này đòi hỏi, Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là động lực của việc kiểm soát quyền lực đối với Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực rất mệnh hệ này.

Cuối cùng là cần chủ động hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả để phòng, chống tham nhũng. 

Cùng với tham nhũng trong nước, không ít vụ án liên quan với cả nước ngoài, cùng với tẩu tán tài sản tham nhũng, nạn tẩu tán nhân sự, can phạm tham nhũng diễn ra phức tạp, liên quan tới ngoài nước, có tính chất xuyên quốc gia.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng vừa là vấn đề về lợi ích trong việc nắm bắt xu hướng hợp tác của khu vực và thế giới về phòng, chống tham nhũng, cùng tham gia giải quyết vấn nạn chung của khu vực và thế giới, góp phần   tăng cường hòa bình, hữu nghị và phát triển là trách nhiệm của quốc gia, trực tiếp nhất là trách nhiệm của các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, việc nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả các cam kết, các điều khoản của các thỏa thuận, điều ước quốc tế sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, thể hiện tính chủ động, tính cam kết ở mức độ cao và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi.

TS. Nhị Lê (Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)
.
.