Mỹ lại can thiệp sâu vào chiến sự ở Trung Đông?
Dư luận quốc tế trong tuần này đặc biệt chú ý đến diễn biến mới bên cạnh các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah. Đó là việc Tổng thống Joe Biden hôm đầu tuần đã tuyên bố sẽ chuyển một hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để hỗ trợ Israel trong cuộc chiến đang diễn ra tại Trung Đông. Đi cùng hệ thống là một đội quân vận hành nó gồm khoảng 100 người.
Phát biểu hôm 13/10, Tổng thống Biden cho biết động thái này chỉ nhằm “giúp Israel phòng thủ” khi nước này đang “nghiên cứu” phương án đáp trả Iran sau vụ phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1/10 vừa qua.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder mô tả việc triển khai này là một phần trong “những điều chỉnh rộng rãi hơn mà quân đội Mỹ đã thực hiện trong những tháng gần đây” để hỗ trợ Israel và bảo vệ nhân viên Mỹ khỏi các cuộc tấn công của Iran và các nhóm được Iran hậu thuẫn.
Các quan chức cho biết Mỹ đã bí mật thúc giục Israel điều chỉnh phản ứng của mình để tránh gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, với việc ông Biden công khai lên tiếng phản đối cuộc tấn công của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran và bày tỏ lo ngại về cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng việc Mỹ chuyển hệ thống lá chắn tên lửa tiên tiến nhất đến Israel là một dấu hiệu rõ ràng cho sự chuẩn bị tình huống giao chiến với Iran một khi Israel triển khai đòn trả đũa và sẽ hứng chịu các đòn tấn công mới từ Iran.
Israel được cho là đang sở hữu các hệ thống “lá chắn” phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất khu vực Trung Đông, bao gồm Iron Dome (Vòm Sắt), David’s Sling và hệ thống Arrow 2, Arrow 3. Các hệ thống phòng thủ đánh chặn này có chức năng phòng thủ khác nhau đối với từng loại tên lửa tấn công khác nhau, trong đó Arrow là hệ thống đánh chặn tầm xa.
Nhưng, sự việc Iran phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo làm thủng hệ thống lá chắn tên lửa của Israel ngày 1/10 vừa qua - cũng như những cuộc phóng tên lửa và tấn công bằng thiết bị bay điều khiển từ xa (UAV) của Hezbollah - cho thấy năng lực phòng không của Israel đang “có vấn đề” - và bản thân Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng đang tiến hành điều tra nội bộ để xem điều gì đã xảy ra.
Mạng lưới lá chắn tên lửa Vòm Sắt nổi tiếng của Israel từ khi triển khai chưa bao giờ bị các lực lượng Palestine hay Hezbollah chọc thủng trong các cuộc đụng độ trước đây. Thế nhưng, trong cuộc leo thang hiện tại, dường như hỏa lực của đối phương đã được nâng cấp đáng kể khiến cho các hệ thống “lá chắn” bộc lộ nhiều điểm yếu, có thể do được vận hành chưa tốt hoặc lỗ hổng trong sự phối hợp giữa các hệ thống nên để lọt mục tiêu. Việc có nhiều mục tiêu trên khắp lãnh thổ Israel bị trúng tên lửa của Iran và Hezbollah khiến dư luận đánh giá các hệ thống “lá chắn” này chưa đủ sức chống trả trong tình huống bị tấn công dồn dập bằng tên lửa đạn đạo tốc độ cao.
Iran đã cảnh báo Mỹ không nên tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông. “Mỹ đã cung cấp một lượng vũ khí cực lớn cho Israel. Hiện tại, họ cũng đang đặt sinh mạng của quân đội mình vào vòng nguy hiểm khi triển khai họ để vận hành các hệ thống tên lửa của Mỹ tại Israel. Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong những ngày gần đây để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực nhưng tôi xin nói rõ rằng chúng tôi không có “lằn ranh đỏ” nào trong việc bảo vệ người dân và lợi ích của mình” - Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã đăng trên X hôm 13/10.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel. Theo báo cáo về chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023, 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel đến từ Mỹ. Đức đứng thứ hai, cung cấp 30%, tiếp theo là Italy với 0,9%. Anh, Pháp và Tây Ban Nha nằm trong số những nước cung cấp nhỏ khác.
Theo báo cáo của SIPRI, vũ khí nhập khẩu từ Mỹ “đã đóng vai trò quan trọng trong các hành động quân sự của Israel chống lại Hamas và Hezbollah”; đồng thời, vào cuối năm 2023, hàng nghìn quả bom và tên lửa dẫn đường đã được Mỹ chuyển giao cho Israel. Máy bay chiến đấu F-35 và F-15 cũng đã được Mỹ chuyển giao cho Israel vào tháng 1/2024. Phân tích của kênh truyền hình CNN đã xác định nhiều trường hợp đạn dược do Mỹ cung cấp đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến, bao gồm cả trong các cuộc tấn công gây thương vong cho dân thường.
Giới phân tích cho rằng động thái chuyển giao hệ thống THAAD cho thấy Mỹ ngày càng can dự sâu vào cuộc chiến Trung Đông và gián tiếp gây ra thương vong cho hàng vạn người dân vô tội ở Gaza và Hezbollah. Không chỉ là việc chuyển giao vũ khí mang danh nghĩa “bảo vệ đồng minh”, mà sự can thiệp của Mỹ còn bao gồm nhiều hành động khác nhằm ứng phó với tình hình ngày càng thêm nhiều nhóm, nhiều lực lượng Hồi giáo ủng hộ Hamas và Hezbollah tham gia tấn công Israel từ nhiều phía trong khu vực Trung Đông. Để đáp trả các hành động tấn công Israel của lực lượng Hồi giáo Houthi ở Yemen, ngày 16/10, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom tầm xa tàng hình B-2 tấn công loạt mục tiêu là các kho chứa đạn dược nằm sâu trong lòng đất của Houthi.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết cả 5 mục tiêu của Houthi đều bị đánh trúng. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng máy bay ném bom tàng hình chiến lược để tấn công lực lượng Houthi ở Yemen kể từ khi Mỹ bắt đầu chiến dịch tấn công Houthi sau khi xảy ra loạt vụ tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ. B-2 có “thể hình” lớn hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu đã được sử dụng cho đến nay để nhắm vào các cơ sở và vũ khí của Houthi. Nó có khả năng mang theo tải trọng bom nặng hơn nhiều.