Mỹ lập liên minh chống Houthi trên Biển Đỏ
Mỹ vừa tuyên bố thành lập một lực lượng bảo vệ hải quân tăng cường hoạt động ở phía Nam Biển Đỏ trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ phiến quân Houthi của Yemen nhằm vào các tàu buôn có liên quan đến phương Tây và có đích đến là Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, nỗ lực mới này được gọi tên là Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng (Operation Prosperity Guardian), cần thiết để giải quyết “sự leo thang gần đây trong các cuộc tấn công liều lĩnh của phiến quân Houthi từ Yemen”.
Nước Anh cho biết, họ sẽ nằm trong số các quốc gia tham gia, nhưng vắng mặt các quốc gia Arab như Ai Cập và Saudi Arabia. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết, những quốc gia khác cùng tham gia trong nỗ lực này bao gồm Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã lên tiếng ủng hộ Hamas ở Gaza và thể hiện sự ủng hộ đó bằng cách tiến hành các cuộc tấn công tên lửa tầm xa vào Israel. Nhưng, những điều này phần lớn đã bị Saudi Arabia và Mỹ chặn lại và không có tác động gì. Chiến thuật đã thay đổi đáng kể cách đây một tháng, khi các chiến binh Houthi bắt giữ một tàu chở hàng do Anh và Nhật Bản điều hành mang tên Galaxy Leader, trong một cuộc đột kích bằng trực thăng được ghi lại trên video. Hiện con tàu này vẫn nằm ở cảng Hodeidah của Yemen. Ban đầu, nhóm phiến quân Houthi nhắm mục tiêu vào tàu vận tải của Israel, nhưng sau đó đã tăng cường tấn công vào nhiều loại tàu chở dầu và tàu vận tải hàng hóa khác đang đi qua và hướng tới eo biển Bab el-Mandeb.
Viêc Mỹ tuyên bố thành lập liên minh hài quân chống Houthi được ví như việc mở ra một chiến tuyến mới trên vùng Biển Đỏ, bên cạnh các chiến tuyến ở Liban và Syria. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ vẫn sẽ bị gián đoạn và các cuộc tấn công vẫn tiếp tục cho dù có liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Hôm 18/12, quân đội Mỹ cho biết, tàu chở dầu Swan Atlantic đã bị tấn công bởi máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo chống hạm được phóng từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen. Các chủ sở hữu người Na Uy cho biết con tàu chỉ bị hư hại nhẹ, thủy thủ đoàn không bị thương và con tàu tiếp tục ra khơi dưới sự bảo vệ của hải quân Mỹ.
Trước đó, USS Carney, một tàu khu trục đang tuần tra ở Biển Đỏ, đã bắn hạ 14 máy bay không người lái tấn công một chiều của Houthi. Tàu chiến của Pháp và Anh cũng đã bắn hạ máy bay không người lái ở khu vực Biển Đỏ trong tuần qua. Chính phủ Anh cho biết họ sẽ đóng góp tàu khu trục HMS Diamond cùng với 3 tàu khu trục Mỹ tham gia Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết: “Chính phủ đang hợp tác với Mỹ, Pháp và các đồng minh quốc tế khác để đưa ra biện pháp răn đe đáng kể nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào hoạt động vận chuyển tự do có thể ảnh hưởng đến thương mại tự do”.
Một nhà phân tích Farea Al-Muslimi thuộc tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết các cuộc tấn công của Houthi sẽ tiếp tục cho đến nay bất chấp thông báo của Mỹ và hoạt động vận tải thương mại có thể vẫn cảnh giác khi đi qua Biển Đỏ. Ông Al-Muslimi nói: “Lực lượng Houthi sẽ tiếp tục, họ thích sự chú ý và họ nhận được sự hỗ trợ rộng rãi trong thế giới Arab”.
Một vấn đề khó khăn hơn nữa là làm thế nào để bảo vệ vận tải thương mại mà không leo thang xung đột đến mức Mỹ và các đồng minh ném bom Yemen để ngăn chặn các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, bởi “Mỹ không muốn tạo ra một tiền tuyến khác với người Houthi”. Đồng thời, các cuộc đàm phán giữa người Houthi và Saudi Arabia để ngăn chặn cuộc chiến kéo dài của họ vẫn đang ở một điểm nhạy cảm. Các cuộc đàm phán hòa bình do Oman làm trung gian đã diễn ra trong năm 2023, nhưng sự bùng nổ của chiến tranh ở Gaza đã khiến tiến trình trở nên bấp bênh trước khi các cuộc tấn công vào tàu buôn bắt đầu một tháng trước.
Các cuộc tấn công tàu chở dầu và tàu chở hàng của lực lượng Houthi đã gây ra tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu. Khoảng 19.000 tàu qua lại kênh đào Suez mỗi năm, khiến nó trở thành một trong những tuyến đường quan trọng của thế giới, đặc biệt là vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa giữa châu Á và châu Âu. Sự gián đoạn đã góp phần làm giá dầu tăng cao. Giá dầu thô Brent tương lai, chuẩn mực toàn cầu, đã tăng lên trên 80 USD hôm 20/12, sau khi giảm xuống dưới 74 USD một tuần trước đó. Việc tăng giá có thể ảnh hưởng đến thuế năng lượng tiêu dùng, làm tăng thêm lạm phát. Sự gián đoạn kéo dài đối với các hình thức vận chuyển thông thường có thể gây ra tình trạng thiếu sản phẩm cho người tiêu dùng hoặc vật tư cho nhà sản xuất, mặc dù cho đến nay chưa có nhiều báo cáo về các tác động này.
Ghi nhận của Công ty vận tải Kuehne and Nagel cho biết 103 tàu đã thay đổi lộ trình, trong đó nhiều tàu dự kiến sẽ đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Các tàu chở dầu và khí đốt cũng đã chuyển hướng, trong đó BP là công ty lớn nhất công khai tuyên bố rằng họ đã làm như vậy. Công ty Đan Mạch Moller-Maersk hôm 19/12 cho biết họ sẽ định tuyến lại các tàu đi vòng quanh châu Phi và mũi Hảo Vọng và họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Việc chuyển hướng này làm kéo dài thêm khoảng 6.000 hải lý cho một hành trình thông thường từ châu Á đến châu Âu, có khả năng kéo dài thêm 3 hoặc 4 tuần cho thời gian giao sản phẩm.
Công ty Maersk cho biết: “Chúng tôi tin rằng một giải pháp cho phép quay trở lại sử dụng kênh đào Suez và quá cảnh qua Biển Đỏ và vịnh Aden sẽ được đưa ra trong tương lai gần, nhưng tại thời điểm này vẫn khó xác định chính xác khi nào điều này sẽ xảy ra”. Các công ty vận tải biển khác trước đây đã tuyên bố họ sẽ tạm dừng hoặc định tuyến lại giao thông, bao gồm Công ty dầu khí BP của Anh, OOCL của Hong Kong, Hapag-Lloyd của Đức và Công ty Vận tải Địa Trung Hải thuộc sở hữu của Italy-Thụy Sĩ.