Mỹ Latin bất bình về cuộc chiến Gaza
Quan hệ ngoại giao giữa Colombia và Israel tiếp tục xấu đi sau loạt phát ngôn công kích qua lại giữa hai bên quanh việc Israel triển khai các hành động quân sự tại Gaza, gây ra thảm họa nhân đạo khiến thế giới phẫn nộ.
Cuộc tranh cãi mới nhất bắt đầu vào ngày 1/5. Phát biểu tại một cuộc mít tinh ngày Quốc tế Lao động ở Bogotá, Tổng thống Petro một lần nữa mô tả cuộc bao vây Gaza của Israel là “nạn diệt chủng”. Ông tuyên bố: “Ngày mai, quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel sẽ bị cắt đứt... Nếu Palestine chết, nhân loại sẽ chết và chúng tôi sẽ không để họ chết”.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Israel Israel Katz đã phản bác bình luận của nhà lãnh đạo Colombia. Cần nhớ rằng Israel là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Colombia. Trong lịch sử, Colombia từng là một trong những đối tác thân thiết nhất của Israel ở Mỹ Latinh. Colombia sử dụng máy bay chiến đấu và súng máy do Israel chế tạo để chống lại các băng đảng ma túy và các nhóm nổi dậy. Hai nước đã ký hiệp định thương mại tự do vào năm 2020. Nhưng, quan hệ giữa hai quốc gia đã nguội lạnh kể từ khi ông Petro được bầu làm Tổng thống Colombia vào năm 2022.
Cuộc chiến Israel-Hamas đã gây ra tranh cãi ngoại giao dữ dội giữa Israel và Colombia, với việc Tổng thống Colombia Gustavo Petro ví hành động của Israel với hành động của Đức Quốc xã trước đây, còn Israel thì cáo buộc ông Petro khiến mạng sống của người Do Thái gặp nguy hiểm và khuyến khích “những hành động khủng khiếp của Hamas”. Cuộc tranh cãi bắt đầu một ngày sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023. Ông Petro đã sử dụng tài khoản X chính thức của mình để tố cáo cái mà ông gọi là những nỗ lực “tân Quốc xã” nhằm tiêu diệt người dân, tự do và văn hóa của người Palestine.
Tổ chức Đại hội Do Thái Thế giới (World Jewish Congress) cáo buộc vị tổng thống cánh tả của Colombia hoàn toàn phớt lờ hàng trăm nạn nhân dân sự Israel và gọi tuyên bố của ông Petro là “sự xúc phạm đến 6 triệu nạn nhân của Holocaust và người Do Thái”. Ngày hôm sau, ông Petro quay lại mạng xã hội để bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant rằng quân đội của ông ta đang chiến đấu với “động vật người” ở Gaza. Ông Petro viết trên X: “Đây là những gì Đức Quốc xã nói về người Do Thái. Tất cả những lời nói căm thù này nếu tiếp tục sẽ dẫn đến Holocaust”.
Trong những ngày tiếp theo, ông Petro đã liên tục sử dụng mạng xã hội để chỉ trích hành động quân sự của Israel ở Gaza. Người Israel vốn đã không hài lòng với Colombia vì Tổng thống Petro cho đến nay vẫn từ chối lên án mạnh mẽ những hành động tấn công do Hamas gây ra đối với người Israel. Tuy nhiên, ông Petro cho rằng Israel không thể lấy hành động tấn công của Hamas làm cái cớ để thảm sát người Palestine vô tội ở Gaza. “Tôi đã đến trại tập trung Auschwitz và bây giờ tôi thấy nó được sao chép ở Gaza”, ông Petro đăng trên X, khiến Đại sứ Israel ở Bogotá Gali Dagan chỉ trích, đòi ông Petro đến miền Nam Israel để chứng kiến hậu quả hành động tấn công của Hamas. Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Semana của Colombia, Dagan cho biết ông chưa bao giờ nghe thấy ai “từ thế giới dân chủ của nhân loại so sánh người Israel với Đức Quốc xã”.
Cuộc tranh cãi leo thang mạnh hơn vào trung tuần tháng 10/2023 khi Israel công khai chỉ trích ông Petro vì “những tuyên bố thù địch và chống Do Thái”, thông báo rằng họ sẽ tạm dừng xuất khẩu trang thiết bị an ninh sang Colombia và đã triệu tập Đại sứ Colombia Margarita Manjarrez để khiển trách chính thức. Trong tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao Israel tiếp tục nhấn mạnh đến cuộc tấn công của Hamas làm hơn 1.200 người Israel bị sát hại và hàng trăm người bị bắt cóc.
Tuyên bố cho biết Israel lên án các hành động can thiệp của ông Petro “hỗ trợ cho các hành động của Hamas, kích động chủ nghĩa bài Do Thái, gây tổn hại cho các đại diện của nhà nước Israel và đe dọa sự an toàn của cộng đồng Do Thái ở Colombia”. Vài phút sau, ông Petro phản pháo: “Nếu quan hệ đối ngoại với Israel phải bị đình chỉ, hãy đình chỉ chúng. Chúng tôi không ủng hộ hành động diệt chủng”. Ông Petro nói thêm: “Sự tàn bạo sẽ bị đánh bại vì lợi ích của nhân loại, dân chủ, hòa bình và tự do thế giới”.
Tổng thống Colombia Petro không phải là nhà lãnh đạo Mỹ Latinh duy nhất có phản ứng trước cuộc xung đột Israel-Hamas. Tuần trước, Đại sứ Israel tại Mexico đã bày tỏ sự thất vọng rằng chính phủ của ông Andrés Manuel López Obrador đã không có “lập trường mạnh mẽ hơn” đối với cuộc khủng hoảng và trong việc lên án Hamas.
Tổng thống López Obrador cho biết ông tôn trọng quan điểm của Israel. “Nhưng, chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi không muốn bạo lực. Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa hòa bình”, ông tuyên bố.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã lên án các cuộc tấn công mà Israel phải hứng chịu và kêu gọi chấm dứt “sự điên rồ của chiến tranh”. Nhưng, ông cũng gọi hành động quân sự của Israel làm chết hàng chục ngàn người Palestine là “diệt chủng”. Trong những ngày gần đây, ông Lula đã nói chuyện với cả Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog. Ông viết trên X: “Brazil sẵn sàng cố gắng tìm ra con đường hướng tới hòa bình”.
Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng mạnh mẽ đối với hành động quân sự tàn bạo của Israel ở Gaza. Ông Recep Tayyip Erdogan đã ra lệnh cho Bộ Thương mại dừng toàn bộ giao dịch thương mại với Israel. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 2/5: “Các giao dịch xuất nhập khẩu liên quan đến Israel đã bị dừng, bao gồm tất cả các sản phẩm. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát các biện pháp mới này cho đến khi Chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Gaza”.