Mỹ sẽ hợp tác với Taliban như thế nào?
Sau 20 năm đối đầu Taliban, lực lượng mà Mỹ cho là phiến quân, bắt tay với khủng bố, giờ đây khi quyết định rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan, Mỹ bắt đầu tính phương án “hợp tác” với lực lượng này.
Lĩnh vực đầu tiên mà chính quyền Mỹ buộc phải hợp tác với Taliban là việc đảm bảo an ninh cho việc sơ tán công dân Mỹ và các đối tác người Afghanistan. Mỹ đã sơ tán hơn 120.000 người, trong đó có 6.000 người Mỹ. Ngoài con số đó, cũng còn khoảng 100 đến 200 người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan mà không có quân đội để sơ tán hoặc giúp họ đến sân bay, vì thế Mỹ phải dựa vào sự giúp sức của Taliban.
Ngay khi Mỹ bắt đầu chiến dịch sơ tán công dân Mỹ và người Afghanistan làm việc cho Mỹ, một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thực hiện cuộc tấn công khủng bố vào sân bay Kabul. Một chiến binh IS đã kích nổ chiếc áo chứa bom hôm 26-8 bên ngoài cổng tu viện ở phía Đông Nam của sân bay Kabul, giết chết 13 quân nhân Mỹ và hàng chục thường dân Afghanistan. Cuộc tấn công đã góp phần tạo nên “cú sốc lớn” cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, mức độ phối hợp và hỗ trợ của Taliban đã vượt xa những gì các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nói trước công chúng. Giới quan chức cho biết trong hơn một tuần, các chiến binh Taliban từng chiến đấu với Mỹ trong 2 thập niên qua đã giúp đưa người Mỹ đi qua các trạm kiểm soát, dọn dẹp đường phố để người Mỹ có thể đi qua an toàn và thậm chí giúp họ mang hành lý đến cổng sân bay. Thậm chí, các tay súng Taliban còn tiến hành một số hành động kiểm soát an ninh trên các ngã đường ra vào và bên trong Kabul để ngăn chặn khủng bố.
“Taliban đã tỏ ra rất thực dụng và chuyên nghiệp khi chúng tôi bắt đầu thực hiện cuộc rút quân này” - tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết vài giờ sau khi những người lính cuối cùng của Mỹ rời khỏi Kabul.
Có sự phối hợp chặt chẽ như thế là vì cả hai bên đều muốn quân đội Mỹ rút đi và vì họ có chung một kẻ thù: nhóm khủng bố IS. Háo hức khẳng định quyền kiểm soát đất nước của mình, Taliban đã nói rõ với Mỹ rằng họ không muốn các chiến binh IS tiếp cận sân bay.
Trong một động thái có liên quan, Giám đốc CIA William Burns đã bí mật gặp thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar ở Kabul vào hôm 30-8. Đây là cuộc gặp ở cấp cao nhất của chính quyền Mỹ với Taliban kể từ khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Cuộc gặp diễn ra khi Mỹ tiếp tục sơ tán những người Mỹ vẫn còn ở Afghanistan và các đồng minh người Afghanistan đã hỗ trợ lực lượng Mỹ trước khi Taliban tiếp quản. Giới quan sát cho rằng mục đích bí mật của cuộc gặp này có liên quan đến các hoạt động tình báo của CIA tại Afghanistan và các sứ mệnh an ninh mà cơ quan này chưa thể chấm dứt tại đây, dù quân đội Mỹ đã rút hết. Các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ đang muốn tiếp tục cuộc chiến nhằm tiêu diệt tận gốc một nhóm Nhà nước Hồi giáo đóng ổ tại tỉnh Khorasan, Đông Bắc Afghanistan, một chi nhánh của IS. Ngay từ khi Taliban chưa tiến quân đánh chiếm Kabul, CIA và quân đội Mỹ đã bí mật hợp tác với Taliban trong cuộc chiến chống IS tại các vùng rừng núi hẻo lánh do Taliban kiểm soát. Phương án phối hợp đó sẽ vẫn được tiếp tục sau khi hai bên đi đến một thỏa thuận chính thức dựa trên tình hình mới là Taliban tiếp quản đất nước Afghanistan.
Ngay sau khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 30-8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng Mỹ và Taliban có thể hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên vì “lợi ích quốc gia quan trọng” của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Blinken, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể làm việc với Taliban trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như đảm bảo giải phóng các con tin người Mỹ, làm cho khu vực ổn định hơn và tiến hành các hoạt động chống khủng bố IS.
Tương lai của quan hệ hợp tác Mỹ-Taliban sẽ như thế nào tùy thuộc vào nhiều thứ. Ngoại trưởng Blinken nói thêm rằng để mối quan hệ hợp tác có thể hoạt động tốt, Taliban sẽ phải thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra để điều hành đất nước khác với trong thời kỳ thống trị tàn bạo vào thập niên 1990. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ duy trì mối quan hệ đối tác với Taliban dựa trên các hành động của Taliban, như liệu Taliban có cho phép người dân rời khỏi đất nước tự do hay không, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, thành lập một chính phủ bao trùm, đảm bảo đất nước không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố,...
Trong mối quan hệ hợp tác này, người Mỹ vẫn đang nắm trong tay những “công cụ” quan trọng để có thể kiểm soát, khống chế được Taliban, trong đó công cụ tài chính được xem là quan trọng nhất, kế đến là các hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu. Hiện Mỹ đang nắm giữ trong tay 9 tỉ USD dự trữ ngoại hối và vàng của Ngân hàng Da Afghanistan Bank (DAB) và có thể tác động để đóng băng tài sản ở tất cả các định chế tài chính quốc tế khác. Khi Taliban tiến vào kiểm soát Kabul ngày 15-8, hàng tỉ USD tài sản của Afghanistan tại IMF và các ngân hàng quốc tế lớn đã bị đóng băng.
Afghanistan lệ thuộc gần như hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu để phục vụ đời sống kinh tế, xã hội trong nước, vì thế rất cần ngoại hối (USD) để chi trả cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Do chiến tranh triền miên hàng chục năm qua, Afghanistan cũng là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn viện trợ nước ngoài, lên đến 8,5 tỉ USD/năm, tương đương khoảng 43% GDP. Người Mỹ chỉ cần sử dụng một trong các biện pháp, như cấm vận tài chính, cấm vận hoạt động ngân hàng quốc tế, ngăn chặn kiều hối, viện trợ,... cũng đủ khiến Taliban điêu đứng.