Mỹ tái kích hoạt lệnh trừng phạt Venezuela

Thứ Hai, 05/02/2024, 17:56

Ngày 30/1, Mỹ tuyên bố sẽ tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt với Venezuela, với lý do rằng Tổng thống Nicolas Maduro đã không tôn trọng các cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống công bằng trong năm nay. Đây không phải là căng thẳng mới nhất giữa Washington và Caracas bất chấp việc trước đó hai nước đã đạt được thỏa thuận ngầm.

“Trong trường hợp không có tiến triển, bao gồm việc cho phép tất cả các ứng cử viên tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Mỹ sẽ không gia hạn giấy phép mua dầu khí của Venezuela, khi giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 18/4/2024”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố. Cùng lúc, Washington thông báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với công ty đại chúng Minerven, công ty khai thác vàng của Venezuela.

Trước đó, Mỹ đã quyết định giảm các lệnh trừng phạt với Venezuela được công bố sau thỏa thuận bầu cử được ký kết ở Barbados vào tháng 10/2023 giữa đại diện của Tổng thống Maduro và phe đối lập, nhằm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Thỏa thuận này đã tạo cơ hội cho những người “có tham vọng tranh cử” ở Venezuela. Đáp lại, Washington đã gia hạn việc mua dầu khí của Venezuela trong thời gian 6 tháng.

Mỹ tái kích hoạt lệnh trừng phạt Venezuela -0
Ứng cử viên đối lập Maria Corina Machado.

Nhưng, Tòa án Tối cao Venezuela tuần trước đã xác nhận ứng cử viên đối lập Maria Corina Machado không đủ tư cách trong cuộc bầu cử tổng thống, một quyết định bị Washington và Liên minh châu Âu lên án. Không có “cuộc bầu cử nào mà tôi không thể tham dự”, bà Machado phát biểu hôm thứ Hai, sau án phạt 15 năm mất tư cách tham dự bất cứ một cuộc bầu cử nào với lý do không đủ tư cách. Ở tuổi 56, người theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng vì tính hiếu chiến này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập Venezuela vào tháng 10/2023, với 92% số phiếu bầu.

Ông Nicolas Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018 trong một cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập tẩy chay và không được hơn 60 quốc gia công nhận, bao gồm cả Mỹ, quốc gia đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với nước này. Venezuela được lãnh đạo từ năm 1999 bởi đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV), đảng đầu tiên đưa ông Hugo Chavez lên nắm quyền và sau khi ông qua đời vào năm 2013, người kế nhiệm ông là Nicolas Maduro.

Theo báo cáo năm 2021 của Liên hợp quốc, các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn người Venezuela. “Các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ đã phong tỏa nền kinh tế, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương. Các lệnh trừng phạt này có mục tiêu nhằm vào người Venezuela, các công dân và doanh nghiệp của nước thứ ba. Sự tuân thủ quá mức của các ngân hàng và doanh nghiệp từ nước thứ ba cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội đã tồn tại từ trước. Không có tầng lớp nào trong xã hội không bị ảnh hưởng”, báo cáo kết luận.

Các nhà phân tích cấp cao cho biết, việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Venezuela sẽ gây tổn hại đến doanh thu từ xuất khẩu dầu của nước này, hạn chế các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong nước. Theo công ty tư vấn Ecoanalitica có trụ sở tại Caracas, do được nới lỏng các lệnh trừng phạt, Venezuela dự kiến sẽ tăng tổng doanh thu từ dầu mỏ lên 20 tỷ USD trong năm nay, từ mức khoảng 12 tỷ USD vào năm 2023. Việc tăng xuất khẩu dầu thô và hóa dầu cho khách hàng thanh toán bằng tiền mặt ở các quốc gia từ Mỹ đến Ấn Độ đang thúc đẩy dự báo. Francisco Monaldi, Giám đốc Chương trình năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker thuộc Đại học Rice, cho biết: "Việc giảm cấm vận đối với dầu thô của Venezuela đã đem lại nhiều tiền hơn cho công ty nhà nước PDVSA". Ông nói thêm: "Nếu giấy phép bị rút, doanh thu sẽ lại giảm và các kịch bản về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và một cuộc bầu cử cạnh tranh sẽ mờ nhạt".

Dù Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt là vì lợi ích của Venezuela, nhưng trên thực tế, chính quyền ông Biden đang đe dọa sẽ thắt chặt hơn nữa. Vài tháng trước, Tổng thống Nicolas Maduro khi được hỏi về sự chỉ trích của Mỹ đối với hệ thống bầu cử Venezuela, đã cho biết: “Chúng tôi muốn các cuộc bầu cử không bị trừng phạt, phong tỏa, gây hấn và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh kinh tế. Hãy dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt”. Ông Maduro khẳng định sẽ không bị tác động bởi những lời đe dọa của Mỹ và nhiều cuộc thăm dò cho thấy có nhiều khả năng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của đất nước.

Đây không phải là biểu hiện căng thẳng mới nhất trong quan hệ Mỹ-Venezuela. Hãng tin Sputnik của Nga ngày 23/1 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez cáo buộc gã khổng lồ dầu mỏ Exxon Mobil của Mỹ đã đứng sau hỗ trợ cho kế hoạch ám sát thất bại vào năm 2023, nhằm vào Tổng thống Nicolas Maduro với mục đích khai thác nguồn tài nguyên phong phú của khu vực Essequibo. Tổng công tố Venezuela Tarek William Saab cho biết lực lượng an ninh nước này đã phá vỡ 5 âm mưu tấn công và khủng bố, 27 người đã bị giam giữ.

Những người bị bắt được cho là đã tuyển dụng quân nhân Venezuela và phối hợp với chính quyền Mỹ lên kế hoạch ám sát ông Maduro, Padrino và Freddy Bernal, Thống đốc bang Tachira của Venezuela. Ông Padrino Lopez tuyên bố: Chính phủ Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương và Cục Quản lý ma túy bị cáo buộc đã tham gia vào các nỗ lực ám sát thất bại nhằm vào ông Maduro với mục đích "đẩy ông ấy ra khỏi cuộc chơi", trong bối cảnh đang diễn ra cuộc đàm phán với Chính phủ Mỹ về việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Caracas.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.