Mỹ tìm cách mới tiếp cận Đông Nam Á
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang dần hình thành cách tiếp cận mới đối với khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể nhìn nhận thông qua chuyến công du của Phó tổng thống Kalama Harris đến khu vực này tháng 8-2021.
Việc lựa chọn Singapore là điểm dừng chân đầu tiên, một đối tác có mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ nhất với Mỹ, cũng cho thấy Washington đang đặt ưu tiên hàng đầu là vấn đề an ninh, từ hợp tác an ninh mạng đến an ninh chuỗi cung ứng.
Tiếp nối các chuyến công du Đông Nam Á của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, chuyến công du của Phó tổng thống Kamala Harris đến hai nước Đông Nam Á, theo nhiều cách khác nhau, được coi là việc tạo thêm đà cho nỗ lực tái can dự với khu vực, sau bốn năm mờ nhạt dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Tại điểm dừng chân ở Singapore, sau các cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết các thỏa thuận về hợp tác an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19 và xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững.
Thông thường, vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng thường do các tập đoàn lớn thảo luận. Tuy nhiên, lần này, vấn đề này được chính bà Harris thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao của các bộ ngành và doanh nghiệp Singapore. Điều đó cho thấy chính quyền ông Biden đang rất chú trọng đến chuỗi cung ứng vốn đang bị đứt gãy do đại dịch, đặc biệt là chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Hợp tác về những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch sẽ giúp củng cố vai trò, vị thế và hình ảnh của Washington đối với Đông Nam Á, trong bối cảnh chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đã và đang chiếm không ít ưu thế trong khu vực và thế giới.
Hợp tác an ninh mạng: Vì sao?
Sau làn sóng tấn công mạng bằng mã độc đòi tiền chuộc, mà “đình đám” nhất phải kể đến vụ tấn công vào mạng lưới đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ Colonial Pipeline hồi tháng 5-2021 và trước đó là vụ SolarWinds hồi năm 2020, chính quyền Biden đã coi vấn đề an ninh mạng là một mối ưu tiên.
Việc Mỹ và Singapore đạt được ba thỏa thuận về hợp tác an ninh mạng không chỉ giúp Mỹ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với một đối tác có vai trò ngày càng chủ chốt ở Châu Á mà còn giúp Mỹ có thể đạt được những mục tiêu an ninh mạng trên phạm vi toàn cầu. Theo ông James Lewis, Giám đốc Chương trình công nghệ chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc thiết lập quan hệ hợp tác về an ninh mạng đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Đối với Singapore, đảo quốc này có thể tận dụng nguồn tài nguyên về an ninh mạng cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm của Mỹ trong lĩnh vực này. Đối với Mỹ, chính quyền Biden đã xây dựng được một nền tảng của liên minh quốc tế ngày càng phát triển vốn được xây dựng dựa trên thúc đẩy hợp tác an ninh mạng toàn cầu. Nói cách khác, Washington đang sử dụng việc chia sẻ thông tin về an ninh và tội phạm mạng là phương thức để tăng cường đáng kể quan hệ với các đối tác và các đồng minh trên thế giới, mà trước hết là Singapore ở khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Lewis, điều này phản ánh Mỹ ngày càng chú trọng đối phó với những cuộc tấn công mạng do các cuộc xung đột địa chính trị gây ra. Ông giải thích: “Gần đây, việc chia sẻ thông tin có ý nghĩa thiết yếu về mặt chính trị. Nếu bạn muốn hợp tác với ai đó thì bạn cần chia sẻ thông tin đáng tin cậy với họ, nhất là khi bạn muốn đối phó với một mối đe dọa toàn cầu thì thông tin đó cần chính xác hơn, chi tiết hơn và kịp thời hơn”.
Ngoài ra, việc thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Singapore có thể đem lại những lợi ích quan trọng và thiết thực khác đối với Mỹ. Ngoài vai trò là quốc gia “đầu tàu” về lĩnh vực an ninh mạng ở Châu Á, quốc gia 5,7 triệu dân này hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu vốn đang bị tổn thương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai và xung đột địa chính trị.
Quy trình sản xuất chip điện tử hiện đại bao gồm hơn 1.000 khâu và đòi hỏi những quy định phức tạp về sở hữu trí tuệ, công cụ và hóa chất từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, Mỹ dẫn đầu về phần mềm và sở hữu trí tuệ trong thiết kế chip công nghệ cao. Nhưng khâu sản xuất những con chip phức tạp nhất lại hoàn toàn nằm ở Châu Á, đa phần nằm ở “ông lớn” Đài Loan (Trung Quốc). Nếu Đài Loan ngừng sản xuất chip trong 1 năm vì những lý do xung đột địa chính trị hoặc thiên tai dịch bệnh, thì chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu có nguy cơ bị đứt gãy.
Trong khi đó, Singapore đang có những lợi thế nhất định. Bộ trưởng Thương mại Singapore Alvin Tan hồi tháng 7-2021 cho biết ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của nước này chiếm 19% thị phần toàn cầu.
Chuyên gia Lewis cho rằng việc suy thoái ở Hong Kong, một trung tâm công nghệ lớn khác ở Châu Á, kèm theo những hệ quả đối với hoạt động thương mại trên thế giới, có thể rốt cuộc đem lại lợi ích cho Singapore và ngành công nghiệp chất bán dẫn của quốc đảo này trong dài hạn. Thậm chí, điều này có thể khiến Singapore trở thành một đối tác quan trọng hơn nữa ở Châu Á để hợp tác về những vấn đề an ninh mạng khu vực và toàn cầu.
Cửa ngõ cho hợp tác Mỹ - ASEAN
Có thể nói, hợp tác giữa Mỹ và Singapore về an ninh mạng là một bước đi sinh động, cụ thể và thực chất giúp tiến tới hợp tác giữa Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực này. Thực ra, Mỹ từ lâu đã “nhắm” Singapore là đối tác hàng đầu trong khu vực để triển khai hợp tác về an ninh mạng.
Ngày 3-10-2019, đối thoại chính sách an ninh mạng đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN đã diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Không gian mạng quốc tế ở Singapore. Nội dung chính là thúc đẩy các cách tiếp cận chung về an ninh mạng, thương mại số và công nghệ không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những vấn đề an ninh mạng không chỉ là mối quan tâm của riêng Mỹ và Singapore mà còn là mối quan tâm của ASEAN.
Nếu như các nước thành viên ASEAN muốn thiết lập năng lực quản lý những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế số đem lại, thì Mỹ và các nước có cùng chí hướng khác muốn định hình những quy tắc trong lĩnh vực như 5G và thúc đẩy xây dựng năng lực. Những vấn đề an ninh mạng và kỹ thuật số cũng là những nội dung trong tầm nhìn của cả Mỹ và ASEAN ở những mức độ khác nhau, như trong “Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” hoặc trong “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Đối tác kết nối số hóa và an ninh mạng giữa Mỹ và ASEAN đã được triển khai năm 2018, giúp xây dựng năng lực giải quyết các mối đe dọa an ninh chung, nâng cao năng lực và tổ chức các hoạt động gắn kết thương mại cho các đối tác khu vực của Mỹ.
Mở rộng chiến lược “Trung Quốc+1”
Đại dịch COVID-19 và đối đầu chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng đã khiến Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ các kế hoạch tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã đưa ra một số chính sách kêu gọi doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc “trở về quê nhà” hoặc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng như Canada và Mexico.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Mỹ chưa “mặn mà” với chính sách này. Vì vậy, chính quyền ông Biden đã tăng cường thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc+1” với những ý nghĩa chiến lược nhất định. Trọng tâm của chiến lược này đặt ở các nước Đông Nam Á vì khu vực này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu, nhất là trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung hiện nay.
Trong chiến lược này, các công ty Mỹ vẫn duy trì hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đồng thời thiết lập một cơ sở sản xuất khác ở một hoặc hơn một quốc gia ở Đông Nam Á. Đây có thể là bước chuyển dịch dần dần vì khu vực này khó có thể “thế chân” hoàn toàn Trung Quốc trong tương lai ngắn và trung hạn. Bằng cách thiết lập một cơ sở sản xuất phù hợp ở một quốc gia thành viên ASEAN, chính quyền Washington có thể sẽ có vị thế lớn hơn để gây tác động và ảnh hưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh kế hoạch rút toàn bộ hoạt động sản xuất của họ sang ASEAN.
Có thể thấy chuyến công du của bà Harris đến Singapore cũng nhằm tái định vị chiến lược nói trên bởi Singapore có ý nghĩa then chốt trong quá trình triển khai chiến lược này. Singapore là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ lớn nhất ở Đông Nam Á và là nơi tập trung nhiều nhất các công ty đa quốc gia của Mỹ trong khu vực. Nhiều công ty Mỹ đã đặt trụ sở khu vực của mình ở đảo quốc này. Các công ty ở Singapore cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Hơn nữa, sự kết nối của Singapore và mạng lưới 26 hiệp định thương mại tự do của “đảo quốc sư tử” cũng làm cho nước này trở thành một đối tác tự nhiên đối với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến chuỗi cung ứng.
Đó là lý do vì sao vấn đề chuỗi cung ứng mang “sức nặng” nhất định trong chương trình nghị sự của bà Harris tại Singapore. Bà Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 23-8 cũng đã nhất trí khởi động đối thoại song phương về chuỗi cung ứng. Nội dung đối thoại sẽ bao gồm một khuôn khổ chia sẻ những nguồn tài nguyên và thiết bị thiết yếu như chất bán dẫn và thiết bị y tế trong những tình huống khẩn cấp.
Đối thoại với lãnh đạo bộ ngành và doanh nghiệp, bà Harris nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của mối quan hệ đối tác và liên minh trong nỗ lực giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng “vì không ai trong chúng ta có thể thực sự sản xuất hoặc đáp ứng đủ nhu cầu”. Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong đề cập những lợi thế: “Sự tin cậy, đa dạng và tính kết nối là những nền tảng mạnh mẽ để Mỹ và Singapore có thể tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết những thách thức chung về chuỗi cung ứng”.
Một chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của cuộc thảo luận này là sự hiện diện của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Global Foundries Inc của Mỹ với kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Singapore vào năm 2023. Điều đáng lưu ý là cuộc thảo luận này đã được khéo léo tập trung nhấn mạnh khả năng phục hồi và đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, tránh đề cập đến bất kỳ câu từ hay hàm ý nào về vai trò về kinh tế và tầm ảnh hưởng khu vực của Singapore trong cuộc đối đầu địa chính trị Mỹ-Trung.
Theo bình luận của Asia Nikkei, chuyến thăm mang tính “tấn công quyến rũ” này của Phó tổng thống Mỹ cũng dường như nhằm thu hút thêm nhiều các nước Đông Nam Á tham gia vào “sân chơi” của Washington trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Bắc Kinh về vị thế thống trị công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, có những quan ngại cho rằng chính quyền Biden sẽ khó có thể thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng với Đông Nam Á nếu không quay trở lại những khuôn khổ đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mỹ và sức mạnh mềm mới ở Đông Nam Á
Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng "Nước Mỹ đã trở lại" kể từ khi nhậm chức cách đây 7 tháng. Giờ đây, ông đang bắt đầu hậu thuẫn cho khẩu hiệu đó. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Biden dường như đã tính toán thực thi sức mạnh mềm đồng thời thúc đẩy sự phát triển của những cấu trúc an ninh và quốc phòng khu vực.
Cụ thể, việc cung cấp các khoản viện trợ về thiết bị y tế và vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu, chuyên gia và công nghệ cho lĩnh vực an ninh mạng cho các nước Đông Nam Á sẽ có thể giúp đảm bảo rằng Mỹ duy trì được những mối quan hệ chính trị với các đối tác ở khu vực này.
Nhận định về hợp tác Mỹ-Singapore trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, ông Phil Gordon, Phó cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris cho biết: “Đó thực sự là một phần của chiến lược tham gia quản lý thống nhất tổng thể cho thấy sự can dự toàn diện của chúng tôi ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á”. Giới doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế có thể kỳ vọng rằng việc Mỹ đã chuyển hướng trọng tâm vào sức mạnh mềm trong lĩnh vực kinh tế đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ASEAN, sẽ đem lại những lợi ích đáng kể trong những năm tới.